Theo lời truyền kể của các cư dân quanh vùng cửa Cờn, “Tứ vị” được thờ trong ngôi đền của làng là ba mẹ con Dương Thái hậu nước Nam Tống và một bà nhũ mẫu. Truyền thuyết về các bà, ngoại sự lưu truyền, thêu dệt trong dân gian các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng(2)... còn được các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Ô châu cận lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Hải Nam linh dự tập, Thần Người và đất Việt, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí Quỳnh Lưu, v.v... ghi lại với ít nhiều sai biệt về tình tiết (1). Trải qua thời gian, “Tứ Vị Thánh Nương” đã được các triều đại phong kiến Đại Việt ban tặng nhiều tước hiệu: “Đại Càn Thánh Nương”, “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải”, “Đại Càn Thánh Mẫu”, thậm chí, nhà Nguyễn đã phong tặng các bà rất nhiều mỹ tự: “Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng đẳng thần” (Nguyễn Xuân Hương 2007: 177).
Một số nghiên cứu trước đây đã đưa ra giả thiết về sự biến đổi của việc thờ phụng “Tứ vị” như sau: Lớp tín ngưỡng sớm nhất của tín ngưỡng này là thờ cá: cá = cờn, càn (kàn)- yếu tố gốc Nam Đảo, sau Tứ vị được linh thiêng hóa thành tiên nữ, thành thần Biển mang tính nữ (nữ thần, thánh mẫu). Lớp muộn hơn, tín ngưỡng thờ cá và thờ nữ thần Biển đã tiếp thu các ảnh hưởng của Trung Hoa, Đại Việt và có thể cả hệ thống thần linh Chăm để nhân hóa và lịch sử hóa thành hệ thống nhân thần mà triều đình phong kiến ban sắc với nhiều tước hiệu (Ngô Đức Thịnh 2000:58; Nguyễn Xuân Hương 2007: 177). Căn cứ vào một huyền thoại khác kể về sự tích đền Cờn liên quan đến sự trôi dạt của một cây gỗ thần, một nghiên cứu khác cho rằng, việc thờ phụng Tứ vị có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ vật thiêng trôi trên biển (trong đó, thờ người chết trôi là một hiện tượng khá phổ biến của các cư dân sông nước). Mặt khác, “việc tôn sùng Tứ Vị Thánh Nương làm Thành hoàng của một làng biển - nơi mà vai trò của người đàn ông có tầm quan trọng trong sản xuất (khác làng nông nghiệp) cũng phần nào chứng tỏ ý thức tôn vinh người Mẹ, gắn liền với khát vọng của con người về sự bình yên, hạnh phúc” (Lê Kim Lữ, Phạm Quỳnh Phương 2000: 317).
Theo Ô châu cận lục “Đây là vị phúc thần anh linh nhất ở Nam Hải”, “đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng” (Dương Văn An 1997: 80).
Ngoài đền chính ở Phương Cần, có tới hàng trăm đền miếu thờ “Tứ vị”, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và vùng biển phía đông Bắc Bộ (1). Hội đền Cờn trước đây kéo dài từ ngày 15 đến 21 tháng Giêng với rất nhiều tiết mục tế lễ, trò diễn đặc sắc (xem thêm: Yến Ly 1995).
Đền Cờn cách Hà Nội 260km về phía Nam và cách thành phố Vinh 75km về phía Bắc. Muốn đến đền Cờn, du khách có thể từ các tỉnh phía Bắc, theo quốc lộ 1A, xuôi xuống địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vượt qua cầu Hoàng Mai hơn 1km, rẽ trái theo con đường liên xã qua các địa danh Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị,... Khoảng gần 10km là tới nơi. Hoặc có thể qua cầu Hoàng Mai khoảng 4km, xuống thuyền qua sông “cập” luôn vào cổng đền.
Nói tới đền Cờn, thiên hạ thường chỉ biết đến đền Trong, còn gọi là Cờn Tây, mà ít khi biết đến đền Ngoài, còn gọi Cờn Đông (do việc đền nằm sát mép biển Đông, phía ngoài làng). Đền Trong đã được nhà nước cấp bằng công nhận “Di tích văn hóa, nghệ thuật quốc gia”, còn đền Ngoài, trước cũng được xây dựng rất quy mô, bề thế, sau bị hư hoại nên các dấu tích, di vật trong đền cũng dần mai một.
Theo lời các cụ già trong làng, thời Nguyễn, ngoài hai ngôi đền này, làng còn có một ngôi đình, một ngôi chùa và khá nhiều nhà thờ họ. Sau tất cả đều bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Đình làng Phương Cần là điểm dừng của các đám rước trong hội làng. Người ta rước các tượng, ngai thờ từ hai ngôi đền (Ngoài và Trong) về đình rồi làm lễ tế. Người dân Phương Cần cho biết, đây là một ngôi đình lớn nhất so với các đình làng vùng lân cận. Hiện cả đình và chùa Phương Cần đều đã bị san phẳng. Là một làng chài, trước đây Phương Cần cũng có một ngôi đền thờ cá Ông (cá voi). Nhưng do ngôi đền đã bị phá hủy thời toàn quốc kháng chiến nên việc phụng thờ cá Ông, một tín ngưỡng mang đậm tố chất của văn hóa dân gian vùng biển đã dần tàn lụi. Không ai còn nhớ diện mạo đền xưa. Tuy nhiên, theo suy luận của chúng tôi, trước một ngôi đền nổi tiếng bởi quy mô bề thế và sự linh thiêng như đền Cờn thì đền thờ cá Ông chỉ là một kiến trúc rất khiêm nhường và tín ngưỡng thờ cá Ông nơi đây chắc cũng không đậm đặc, phong phú như các làng ven biển khác. Không chỉ có Phương Cần, nhiều làng biển vùng Thanh Hóa, Nghệ An cũng vậy, bởi Tứ Vị Thánh Nương/Bà Đại Càn “là tín ngưỡng thần nước phổ biến”; “là thần chủ cao nhất, trên cả cá voi” (Nguyễn Xuân Hương 2007: 177).
Đền Ngoài
Theo lời truyền khẩu trong dân gian Phương Cần, sự ra đời của ngôi đền liên quan đến “giấc mộng của vua Hồng Đức”. Tương truyền, năm Hồng Đức thứ 12 (1471), Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm thắng trận trở về. Thuyền đến cửa Biện, (Thanh Hóa) bỗng gió đông thổi mạnh, phải quay lại cửa Cờn. Nhà vua vào làm lễ tạ thần đền, thấy Đế Bính (1) được thờ chung với các bà, cho rằng “nam nữ bất đồng cung”, sai dựng đền Ngoài để thờ Đế Bính và các trung thần.
Đền Ngoài nằm trên dải núi Thằn Lằn (2) ngay tại nơi cao nhất của dải núi. Theo trí tưởng tượng của dân gian trong vùng, vị trí của đền là đầu của một con thằn lằn, phần thân của nó nằm vắt từ phía đông sang phía bắc làng, ngay sát mép biển. Đây là một giải núi thấp, dài gần 1km với tốc độ cao trên 100m so với mực nước biển. Nơi đây biển mênh mông sóng vỗ hòa quyện với mây trời, cảnh quan thiên nhiên lay động lòng người, khiến danh hào Nguyễn Du đã khắc họa thành thơ:
Mặt nước mênh mông bể lẫn trời
Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi
Bến phú chiều tà cây man mác
Cửa bể thu dần khói tả tơi... (1)
Nghe truyền, đền Ngoài được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 (sau đền Trong), được tôn tạo và hoàn chỉnh dưới thời Tự Đức (1848-1883), cùng một lúc với việc tu bổ đền Trong. Đế Bính là một trong những nhân vật trong truyền thuyết “Tứ Vị Thánh Nương” hiện còn lưu truyền khắp dân gian Phương Cần và dải đất ven bờ biển phía vịnh Bắc Bộ. Cũng theo lời truyền kể trong dân, trước khi đền Ngoài được xây dựng, trên núi Thằn Lằn còn có một miếu nhỏ thờ Sơn Thần, sau bị phá.
Xét về mặt bằng tổng thể, đền Ngoài tuy không được xây dựng cao to, bề thế như đền Trong, nhưng cảnh quan nơi đây được người xưa cho là đắc địa bởi nó nằm ở vị trí cao nhất của làng. Mặt đền hướng ra biển đông, đứng trên nền đền có thể bao quát một diện khá rộng dải đất cát trù phú bao bọc giữa biển đông và sông Hoàng Mai. Nếu phác thảo lại diện mạo cũ của ngôi đền theo trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng có thể nhận thấy đây là một lối kết cấu kiến trúc khác lạ. Đền Ngoài được thiết kế bởi hai tòa dọc đăng đối nhau qua một tòa ngang. Nhìn từ trên cao xuống, cả ba tòa tạo nên một mặt bằng gần giống như chữ thập. Trong các dạng thức kiến trúc cổ truyền vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dường như chưa gặp một dạng thứ hai có mặt bằng kiến tạo tương tự. Có ý kiến cho rằng, đền Ngoài ảnh hưởng theo lối kiến trúc đền miếu Trung Hoa (?). Ba tòa này được gọi là tiền môn, trung điện và hậu cung. Song song với tiền môn là hai dãy tào mạc. Trước nhà tiền môn là một sân rộng được ngăn với không gian bên ngoài bởi hai mảng nghi môn sừng sững (hiện vẫn còn dấu tích của hai cột nanh, chân móng của một trong hai cột này đã từng bị đào bới bởi người ta đồn rằng dưới chân cột chôn của).
Đền Ngoài đã bị dân làng và chính quyền sở tại phá hủy vào năm 1979, tức là một năm sau cuộc đụng độ ở biên giới Việt Trung. Bấy giờ, người ta quan niệm: “Thờ thần Tàu đau lòng liệt sĩ”, mặc dù xét về phương diện lịch sử, vị thần được thờ trong đền không liên quan gì tới những mâu thuẫn chính trị thời đó. Cho đến những năm 80 của thế kỷ này, cũng vẫn là những người dân Phương Cần đã đứng ra hưng công tu sửa đền.
Ngôi đền hiện nay có kết cấu mặt bằng hình chữ đinh, gồm ba gian nhỏ và một hậu cung thờ nhô ra ở phía sau. Mái đền thấp, lòng đền hẹp, trang trí nội thất rất sơ sài; rất may nhà đền còn lưu giữ được một hệ thống tượng đá khá phong phú bao gồm một đôi rồng đá chạy bám theo thành bậc tam cấp phía trong nghi môn, hai tượng quan hậu (có thể là hai ông quản voi), hai con nghê đá, hai tượng Chăm (tượng phỗng quỳ dâng rượu), hai tượng hổ đá, một đôi voi đá nằm chầu ngay sau nghi môn và một vài cột đá để cắm tàn, lọng và cờ.
Trong số những hiện vật còn lại, chúng tôi đặc biệt lưu ý đôi rồng đá được chạm nổi một mặt (con bên phải chạm mặt trái, con bên trái chạm mặt phải). Theo mô típ chung của đề tài “lưỡng long triều nguyệt” cả đôi rồng đều có một khuôn mặt dữ tợn, mắt to, lồi, mũi sư tử, tai lớn tựa tai trâu, mồm ngoác rộng để lộ rõ hàm răng dưới. Xung quanh hàm rồng được chạm nổi liên tiếp những vòng tròn trông như một chuỗi hạt. Từ chuỗi hạt này là các bờm tỏa ra như những vòng lửa. Cả hai đều uốn khúc dữ dội, đuôi hất thẳng về phía sau, phần sống lưng oằn lại, thân có vẩy, chân có 4 ngón cũng có vảy rất gân guốc và choãi ra như chân chim ưng. Từ góc nhìn tạo hình, có thể khẳng định, đây là một đôi rồng đẹp được chạm khắc bởi những tay nghề bậc thầy. Một vài chi tiết qua phần mô tả trên giúp chúng tôi đoán định: niên đại của hai tác phẩm điêu khắc này muộn hơn nhiều so với niên đại của ngôi đền.
Theo lời kể của người dân Phương Cần, một số hiện vật ở đền Ngoài đã bị mất mát, một số khác được đưa vào đền Trong cất giữ. Những dấu tích còn lại của ngôi đền như chân cột nanh, các bậc tam cấp, mặt bằng nền móng kiến tạo cho thấy quy mô kiến trúc cũ của ngôi đền rất đáng để các nhà nghiên cứu khảo sát, khôi phục lại.
Đền Trong
Đền được dựng trên một cồn cao bên bờ sông Mai uốn khúc. Đối diện với đền về phía tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên tạo hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô ở phía tây bắc như dáng con rồng đang cuốn nước về biển khơi. Sông Mai phân thủy đôi dòng, uốn lượn trước cửa đền rồi mới xuôi về biển. Vì thế, văn phú làng Phương Cần có câu:
Núi chầu qua, dù dương lớp lớp, nghìn non trở lại tiền đường
Sông kéo đến, khúc uốn quanh co, muôn nước thu về một nẻo
Theo lối nhìn phong thủy, đền Cờn dựng trên thế đầu chim Phượng hoàng, cánh phượng là các bãi de (sác) trước đây, còn hai mắt phượng là các giếng Đò và giếng Đình:
Bến Giang kia, cánh phượng bãi de, chàm nhuộm màu xanh eo éo
Đò dọc ngang mấy chiếc, vẫy chèo loan đưa rước người tiên...
Đền Trong thờ “Tứ Vị Thánh Nương”. Theo Thần phả đền Cờn, đền được khởi dựng vào năm Hưng Long thứ 20 (1312), đời Trần Anh Tông và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo vào các triều đại sau. Trước đây trong đền còn thờ hai vật thiêng là khúc gỗ và vỏ hạt lúa. Hai linh vật này là biểu tượng của cư dân làm nghề đánh cá và nghề nông, vì từ xưa đến nay, Phương Cần vừa có nghề biển, vừa có ruộng đất để trồng trọt. Dựa trên hiện tượng thờ lúa, một hình thức tôn tín ngưỡng sơ khai của các cư dân nông nghiệp, có thể đoán định, mảnh đất Phương Cần trước đây nằm rất xa biển, sau, do hiện tượng biển lùi, làng tiến gần sát ra biển. Chắc chắn nghề đánh cá của làng ra đời sau nghề trồng lúa nước.
Đền Cờn được dựng trên khu đất cao gọi là gò Diệc (hay cồn Diệc). Trước mặt đền là sông Mai (còn gọi là Hoàng Mai hay Mai Giang) uốn khúc thông ra cửa biển lớn nhất của Quỳnh Lưu. Sau đền là biển. Phía bắc có dãy núi Hoàng Mai trùng điệp, phía nam là dãy đá vôi nhấp nhô với nhiều hang động kỳ thú.
Đền chiếm một khu đất rộng trên 4000m2, chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 được đắp đất cao gần 4m với diện tích trên 2.000m2. Trên đó gồm hệ thống tường bao đường lên đền, gác lâu, bái đường (nhà ca vũ), trung điện, thượng điện và hậu cung. Mặt bằng tổng thể đền có kết cấu kiểu “nội công ngoại quốc”. Khu vực 2 bao quanh khu vực 1, mặt bằng thấp ngang với mặt bằng khu dân cư. Trên diện tích này gồm 4 nhà để 4 thuyền rồng là vật rước trong ngày lễ, 2 nhà để đồ tế khí (kiệu, tàn, long ngai, ngựa, hạc). Phía bên phải là nhà khách, phía trước là sân đền với hệ thống nghi môn hoành tráng. Cả bến sông trước cửa đền cũng được kè đá (dài hơn 100m), dân gian quen gọi là “bến đền”. Bến đền tạo cho khu di tích một không gian sầm uất bởi đây là nơi giao lưu văn hóa, kinh tế và đón đưa khách thập phương đến viếng thăm cảnh đền.
Phần nghi môn và sân đền nằm giữa bến đền. Khi thủy triều lên, thuyền cập mạn, du khách có thể bước ngay vào cổng chính cửa đền. Phía ngoài sát lối vào cổng có 2 con voi được tạc bằng đá cao 1,25m trong tư thế phủ phục. Nghệ thuật điêu khắc đá ở đây đã tạo nên ấn tượng mạnh cho khách tham quan bởi vẻ đường bệ, uy nghiêm của cặp voi chầu trước cổng đền. Sân đền nhỏ, xung quanh xây tường bao để chừa ra 3 lối vào. Cổng chính rộng 3m nằm ở phía trước sát mép sông. Cạnh cổng đặt các cột cờ bằng đá tảng cao gần 1m. Trong sân, sát 2 cột nanh đặt 2 con ngựa đá cỡ nhỏ, chạm khắc đủ yên cương. Phía 2 cổng bên đặt 2 tượng đá: một tượng quan văn, 1 tượng quan võ, cả hai đều được đặt trên 2 con sư tử đá khá lớn, vẻ mặt dữ tợn.
So với các ngôi đền khác, hệ thống tường bao, sân và nghi môn đền Cờn không có gì đặc sắc, điều đáng chú ý ở đây là người thiết kế công trình, trong một diện tích nhỏ hẹp, đã tạo nên một không gian vừa giới hạn, vừa gợi mở. Ngôi đền vừa giữ được vẻ uy nghi, bề thế, vừa có được một kết cấu bền chắc trước sự đe dọa của lũ lụt, gió bão.
Từ sân đền, bước qua 11 bậc tam cấp được ghép bằng những phiến đá tảng, tới nhà ca vũ kết cấu bởi ba gian bốn vì xây bịt đốc, chồng diêm, hai tầng, lợp ngói ống. Đây là công trình kiến trúc đẹp nhất trong quần thể di tích này. Nhà ca vũ đã phải tu tạo nhiều lần do vị trí của nó là mặt tiền của ngôi đền, luôn phải hứng chịu gió bão, bom đạn. Phía trong nhà ca vũ, đặt sát hai hồi tường là 2 tượng đá (quan văn, quan võ) kích thước cao lớn, bên cạnh là 2 tượng hổ chầu vào.
Bước qua 2 hổ đá là tới nhà bái đường, xây dựng vào năm 1663, đợt trùng tu lớn nhất vào năm 1760. Trong tổng thể di tích, đây là tòa đền duy nhất còn khá nguyên vẹn. Nhà bái đường rộng 6 vì, 3 gian, 2 hồi văn, gian giữa rộng trên 4m, làm bằng gỗ lim. Trước, xung quanh đền đều thưng ván, nay đã xây tường gạch 3 phía. Hầu hết các chi tiết gỗ của nhà bái đường từ cột đến rui đều được sơn một lớp sơn ta màu đỏ hoặc đen. Lớp sơn vừa tăng thêm vẻ lộng lẫy cho ngôi đền vừa giúp ngôi đền chống được mối mọt và độ thẩm thấu của hơi nước biển.
Điều đáng chú ý là các chi tiết gỗ liên kết ngang và dọc (trừ rui hoành) đều được chạm trổ khá công phu. Các kẻ, xà, câu đầu đều được chạm bong hoặc chạm lộng. Các đầu dư mang hình rồng ngậm ngọc, còn 2 kẻ được chạm bong 2 mặt với các đề tài tứ linh, tứ quý, cá hóa rồng, cá vượt vũ môn. Các đường chạm ở đây khá tinh xảo chứng tỏ ngôi đền đã được hoàn thiện bởi một phường thợ có tay nghề cao. Hầu hết các xà, quá giang và vì kèo đều được chạm rồng, phượng. Các đề tài rồng chầu mặt trăng, rồng chầu hổ phù, phượng ngậm cuốn thư, phượng múa, rồng trong mây, rồng trong lá được khai thác triệt để. Người đến tham quan đền dễ bị cuốn hút vào các mảng chạm khắc trang trí mà bỏ qua chức năng kỹ thuật của các chi tiết gỗ liên kết tạo nên khung sườn ngôi nhà.
Do vị trí ngôi đền như vậy, các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã đặc biệt chú ý tới cách xử lý kết cấu bộ rường, mái lợp, từ đầu đao đến bờ nóc, từ bờ chảy đến con xô để công trình tăng thêm sự bền vững. Vì ngôi đền được làm ở vị trí cao hơn mặt đất, lại nằm kề sông, sát biển, bão lụt thường xuyên đe dọa nên người xưa đã xây dựng công trình không quá cao. Một mặt, hầu hết các cột đều có đường kính lớn, mặt khác, mái được xử lý khá đặc biệt: rui lát bản, lợp ngói mũi hài. Xử lý như vậy, ngôi đền không chỉ mát mà gió bão cũng không bốc được toàn bộ mái ngói, đảm bảo an toàn cho bộ khung nhà. Chỉ riêng yếu tố bộ rui được phủ một lớp sơn hoặc tạo ra một vòng lõm đổ đầu chống mối ở toàn bộ đá tảng kê chân cột (24 chiếc) cũng đủ biết người xưa đã tính đến từng chi tiết nhỏ nhất để có phương pháp xây lắp thích hợp.
Nhà bái đường là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ hai yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Sau nhà bái đường là trung điện, thượng điện và hậu cung. Các tòa nhà này đã bị phá hủy hồi chiến tranh chống Mỹ. Di chứng còn lại chỉ là những dấu vết của nền móng kiến tạo.
Mặc dù bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, bởi thời gian và sự ruồng rẫy (một thời) của con người, đền Cờn vẫn xứng đáng là một công trình kiến trúc có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Hiện tại đền còn lưu giữ 142 hiện vật các loại. Đặc biệt số tượng đá (tượng người, thú) có 28 pho. Đây là một bộ sưu tập tượng tròn khá phong phú. Những hiện vật khác nhau như bia, kiện, chuông trống, đồ tế khí cũng rất đa dạng. Hầu hết đều có niên đại từ thời Lê, Nguyễn. Theo các cụ trong ban quản lý di tích, từ thời Trần đến thời Lê, Nguyễn, đền Cờn luôn được các triều đại phong kiến Đại Việt quan tâm, ban phong bằng sắc. Nhưng thời gian và chiến tranh đã làm thất lạc, hư hỏng gần hết, hiện Bảo tàng Nghệ An chỉ còn lưu giữ được ba đạo sắc: Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Chiêu Thống năm thứ 11 (1797), Cảnh Thịnh năm thứ 9 (1801). Các vị thần thờ trong đền đều đã được phong đến “Thượng đẳng tối linh thần”. Xung quanh họ hiện còn lưu truyền hằng trăm giai thoại, truyền thuyết trong dân gian vùng cửa Cờn và đôi bờ sông Hoàng Mai. Rất nhiều làng xã quanh vùng đã tới xin chân nhang về thờ vọng. Đền Cờn không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là một điểm du lịch sáng giá. Nhưng đền Cờn nổi tiếng không chỉ vì sự linh thiêng mà còn do đền gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử.
Thời Trần, đất Nghệ An, Hà Tĩnh là phên dậu phía nam của nước ta. Cửa Cờn là một trong ba cửa biển của Nam Trấn có nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi: gần đường thiên lý, gần cảng, cửa sông. Cửa biển không rộng nhưng sâu, xung quanh có núi non bao bọc, đóng quân ở đây dù tấn công hay rút lui đều thuận cả đôi đường thủy bộ. Cửa Cờn thời Trần trở thành một địa điểm tập kích quân thủy bộ lý tưởng cho các nhà quân sự lúc bấy giờ để tấn công phía Nam.
Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đánh Chiêm Thành, mở rộng và ổn định biên thùy ở phía nam. Thủy quân tiến vào cửa Cờn dừng lại để nghỉ ngơi, sau một chặng đường dài hành quân vất vả. Nơi đây là điểm tập kết cuối cùng cho đội quân thủy trên đất hậu phương. Đêm nghỉ tại cửa Cờn, vua mộng thấy Thần đền, hỏi ra mới biết đây là hoàng thất, cung tần nhà Nam Tống. Ông sai sắm sửa lễ vật tới đền kính tế, cầu ra đi sóng yên biển lặng thuận buồm xuôi gió. Cuộc Nam tiến thắng lợi, Trần Anh Tông về Thăng Long mừng công thắng trận, hạ lệnh gia phong cho các vị được thờ ở đền là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương” và “sắc cho làng xây dựng đền ngói quy mô, rộng rãi”.
Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, thời kỳ đóng quân trên đất Nghệ An đã cho người về cầu đảo ở đền Cờn. Sau lên làm vua, Lê Thái Tổ đã phong thêm hiệu và ban cho đền một số đồ thờ bằng vàng bạc.
Năm Hồng Đức 11 (1470), vua Lê Thánh Tông lại huy động thủy quân tiến đánh Chiêm Thành, khi đoàn chiến thuyền dừng lại nghỉ ngơi ở cửa Cờn, vua nào đền mật đảo. Sau chiến thắng, đoàn thuyền của vua đi về qua cửa Cờn nhưng lại phải quay lại và phải vào cửa Cờn (ngay dưới chân đền) trú gió. Ngẫm sự kiện này, vua cho là điềm lạ, có lẽ thần đền đòi tri ân chăng, bèn hạ lệnh tăng thêm phẩm vật, cho khắc tượng và dựng thêm một tòa đền. Đêm đó nhà vua mộng thấy Tứ Vị Thánh Nương, bèn Gia phong sắc “Đại Càn Thánh Nương Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần”. Về sau chỗ thuyền quay lại được gọi là Hồi Chân hay Đồng Hồi, tức xã Quỳnh Lập ngày nay (việc này đã được chép lại trong Đại Nam nhất thống chí).
Như vậy, đền Cờn nổi tiếng không những vì đây là nơi phát tích tín ngưỡng thờ phụng “Tứ Vị Thánh Nương” mà còn nổi tiếng vì qua hai triều đại Trần, Lê đã có các bậc minh quân từng ghé chân trong hành trình Nam tiến, cầu đảo, tế lễ gia ân, làm thơ để tặng. Chính những sự kiện lịch sử đó đã làm cho ngôi đền vốn đã linh thiêng lại càng trở nên linh thiêng trong con mắt những người hành hương. Một nhà nghiên cứu đã tổng kết, tất cả các yếu tố vị trí địa lý, cảnh quan, sự kiện lịch sử, sự linh nghiệm, các giai thoại, truyền thuyết xung quanh “Tứ vị”... đã hội tụ trong một ngôi đền, để đền Cờn trải qua các triều đại phong kiến luôn được xây dựng, tu bổ, quy mô ngày càng lớn, đồ tế khí được bổ sung ngày càng nhiều, trở thành một công trình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia và được xếp hạng đứng đầu trong bốn ngôi đền nổi tiếng nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh: nhất Cờn, nhì Quả, tam Mã, tứ Trưng (1).
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn An (1997), Ô châu cận lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
2. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Viện Văn học xb, H.
3. Nguyễn Đổng Chi (1995), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An.
4. Ninh Viết Giao (1998), Địa chí Quỳnh Lưu, Nxb Nghệ An
5. Trương Minh Hằng (1997), “Các công trình kiến trúc công cộng ở Phương Cần”, Làng biển Phương Cần, Võ Quang Trọng CB, Bản thảo đánh máy, Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa.
6. Nguyễn Xuân Hương (2005), “Về tục thờ Mẫu của cư dân ven biển xứ Quảng”, Văn hóa dân gian, (2) tr.39-45.
7. Nguyễn Xuân Hương (2007), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng (Hình thái, đặc trưng và giá trị), Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật.
8. Lê Kim Lữ, Phạm Quỳnh Phương (2000), “Làng biển Kẻ Mom”, Văn hóa dân gian làng ven biển, Ngô Đức Thịnh CB, Nxb Văn hóa dân tộc.
9. Yến Ly (1995), “Hội đền Cờn”, Văn hóa nghệ thuật, (5), tr.37-38.
10. Vũ Quỳnh, Kiều Phú (1960), Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh dịch, Nxb Văn hóa, H.
11. Ngô Đức Thịnh CB (2000), Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc.
12. Ngô Đức Thịnh CB (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.
13. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ - Xưa và nay, Nxb Đồng Nai.
14. Võ Quang Trọng (2004), “Văn hóa dân gian các làng ven biển”, Văn hóa Nghệ thuật (1), tr.31-33.
15. Lý Tế Xuyên (1994), Việt điện u linh, Nxb Văn học, H.
16. Trần Quốc Vượng (1988), “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chăm và người Việt”, Đất Quảng (3-4), tr.84-94.
17. Lê Trung Vũ (1990), “Lễ cầu ngư của làng ven biển”, Văn hóa Nghệ thuật (1) tr.44-46.
18. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần Người và Đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, H.
19. Hồ sơ di tích đền Cờn (1992), Bản thảo đánh máy lưu tại bản đền.