Cuộc sống quanh ta

Phong học hàm: Thích và không thích - quá buồn cái “khoa học” xin - cho!

Chuyện sắp bàn dưới đây mới xảy ra chiều 28.7.2011 ở Đại học Huế. Thật ra, cái “mới xảy ra” đã tồn tại nhiều năm rồi và đội ngũ giảng viên của 8 trường đại học thành viên cũng đã xầm xì từ lâu. Có điều, cũng giống như bao chuyện buồn của nền giáo dục, hết thảy đều “cho qua” theo “nguyên tắc” im lặng là vàng.

Đại học Huế thành lập 2 Hội đồng Cơ sở xét phong Học hàm PGS, một là Hội đồng Nông  - Y - Sinh (xét để ban tặng học hàm PGS cho các giảng viên đang giảng dạy ở Đại học Nông nghiệp, Đại học Y Dược và ngành Sinh học; một là hội đồng dành “riêng” cho các ngành khoa học tự nhiên và xã hội khác(?)

Về lý thuyết để cùng nhau ậm ừ, y học hay sinh vật có “liên quan” nhưng nói rằng nông nghiệp cũng liên quan luôn về chuyên môn với y khoa thì chỉ có trời mới hiểu. “Cơ thể” của đất, cơ chế mọc của nó chẳng lẽ cũng giống như người? Dù sao, có thể vẫn tạm cho qua vì nông, y, sinh đều dựa trên cái nền chung là sinh vật. Vật để sinh, sinh để vật, dân gian truyền tụng thế. Ở đây, chỉ xin bàn về cái hội đồng phong học hàm chung cho cả KHTN và KHXHNV.

Những người có trách nhiệm bao biện rằng vì mỗi chuyên ngành không có đủ lượng PGS để “NGỒI” vào hội đồng nên đành phải thành lập hội đồng chung! Đi khắp gầm trời này, tìm đâu ra một hội đồng trong đó có 11/12 thành viên là các chuyên gia về tin học, kinh tế học, địa chất học, địa lý học, hóa học, toán học.... ngồi (theo đúng nghĩa đen của chữ ngồi) để xét công nhận PGS cho một TS Tâm lý học?          Ấy vậy mà hội đồng vẫn được thực thi hiệu quả, số phiếu phát ra và thu vào vẫn hợp lệ, người được phong hỉ hả. Có một chuyện cười ra nước mắt là một TS chuyên ngành địa lý, có số điểm là 10 vẫn không được phong vì chỉ có 6/12 phiếu bầu. Hội đồng 12 người, chỉ có một PGS địa lý, người đó gần như toàn quyền quyết định cái giỏi hay không của đồng nghiệp. 11 thành viên khác như hóa học, tin học, tâm lý học, chỉ còn biết gật gù mà thôi. Nói cách khác, tôi chẳng hiểu anh giỏi hay anh kém thế nào, thích thì tôi bầu, không thích thì tôi gạch!?

Nhân chuyện ‘nước mắt được cười’ này, xin hỏi Bộ GD-ĐT mấy câu hỏi sau đây và, cũng nhấn mạnh rằng, xin các vị có trách nhiệm trả lời chứ đừng im lặng như bấy lâu nay.

1.     Nếu cấp cơ sở không đủ PGS để ngồi hội đồng tại sao không thành lập ngay hội đồng chuyên ngành cho cả nước? Làm như thế vừa đỡ nhiêu khê, vừa đỡ tốn kém, vừa tránh được tình trạng xập xí ngầu của xin – cho, thích và không thích, tại sao lại không?

2.     Bộ GD-ĐT có thấy rằng cái gọi là Hội đồng phong học hàm PGS các ngành KHTN và KHXHNV là một tổ hợp nhiêu khê, phi khoa học, thậm chí là khôi hài hay không?

3.     Thang điểm sàn của chức danh PGS là 6, của GS là 12. Vậy, tại sao một người đạt 10 điểm lại không được bầu? Có phải cách tính điểm kỳ quái, cách làm cảm tính của bậc giáo dục cao nhất là nguyên nhân đầu tiên tạo ra bi kịch của nền giáo dục hiện nay?

 

Chuyện nói ra thật buồn vì cứ như thế này, đừng hòng hy vọng đến thay đổi và tiến bộ. Nền giáo dục nước nhà phải là ngành đi đầu về tính khoa học, khách quan, công bằng, sáng trong, đúng đắn. Không thể có chuyện 11 vị PGS khác về chuyên môn như sao hỏa và trái đất ngồi công nhận cái giỏi, cái tài của một TS tâm lý học và, nhất thiết cũng không thể chấp nhận 11 vị khác chuyên môn ngồi để phủ định một TS địa lý, cho dẫu anh ta đạt đến 10 điểm/6 điểm cho phép để được phong học hàm PGS. Nếu khoa học mà tùy thuộc vào thích hoặc không thích, tùy tiện ban phát bổng lộc bất kể đúng sai, thì mai này, Bộ GD-ĐT nên điều tôi, một người chuyên về sử, đi dạy toán cho rồi!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513377

Hôm nay

2163

Hôm qua

2315

Tuần này

21314

Tháng này

220250

Tháng qua

121356

Tất cả

114513377