Ngay từ kỷ nguyên độc lập đầu tiên của dân tộc, vai trò của Phật giáo đối với đất nước đã được khẳng định qua việc vua Đinh Tiên Hoàng ban tên hiệu Quốc Sư Khuông Việt cho thiền sư Ngô Chân Lưu để tỏ lòng thành kính và tri ân công đức của vị danh tăng có công lớn đối với Đại Việt. Tuy nhiên, vào thời Pháp thuộc, Phật giáo bị suy yếu do việc dạy chữ Hán bị xóa bỏ, người dân không đọc được các kinh sách Phật giáo lúc bấy giờ chủ yếu được viết bằng chữ Hán. Từ thế kỷ XX Phật giáo được chấn hưng, vào những năm 1920 có nhiều cuộc vận động nhằm phục hồi lại các giá trị truyền thống của Phật giáo. Trong thế kỷ XX, hoạt động của Phật giáo cũng có nhiều biến đổi. Rất nhiều tăng ni cùng với các Phật tử đã đồng hành cùng dân tộc trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chiến thắng sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hòa vào không khí thống nhất đất nước, năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự thống nhất Phật giáo lần đầu tiên trong cả nước. Kể từ đó đến nay, các hoạt động Phật giáo cũng có nhiều biến đổi.
Trong những năm 80 của thế kỷ XX, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nói chung và hoạt động Phật giáo nói riêng có vẻ trầm lắng. Từ đầu những năm 1990, cùng với những biến đổi mạnh mẽ trên bình diện kinh tế, xã hội, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bắt đầu sôi động với nhiều biểu hiện đa dạng và phức tạp. Riêng đối với Phật giáo, có thể thấy rằng khắp nơi người ta trùng tu, nâng cấp và xây mới chùa chiền, các sinh hoạt Phật giáo ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp dân cư khác nhau. Trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang ngày càng hiện đại, tích cực hội nhập với quốc tế, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, Phật giáo có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống tinh thần con người trong xã hội đương đại là một vấn đề đã và đang thu hút được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Trên cơ sở một số kết quả nghiên cứu về người đi lễ chùa ở Hà Nội, bài tham luận này hướng tới việc làm rõ một số ảnh hưởng của Phật giáo tới đời sống văn hóa của người dân đô thị.
Phạm vi ảnh hưởng của Phật giáo
Thông thường số lượng tín đồ của một tôn giáo sẽ cho biết phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo đó trong đời sống xã hội. Song với Phật giáo, việc xem xét số lượng tín đồ có lẽ chưa phản ánh được đầy đủ ảnh hưởng của Phật giáo tới xã hội. Cho đến nay, có rất nhiều nguồn số liệu công bố khác nhau về số lượng tín đồ của Phật giáo. Theo thống kê của trang web adherent.com(1) thì Việt Nam được xếp vào nước có tín đồ Phật giáo đông thứ tư trên thế giới với gần 50 triệu tín đồ(2). Tuy nhiên, theo nguồn số liệu được công bố mới nhất từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 thì số tín đồ đạo Phật là 6,8 triệu người (trong tổng số khoảng 15,6 triệu người theo tôn giáo), trong đó số tín đồ ở khu vực thành thị là 2,98 triệu người (chiếm 43,8%) và số tín đồ ở khu vực nông thôn là 3,81 triệu người. Số liệu thống kê chính thức cho thấy mặc dù số tín đồ Phật giáo chiếm tới 43,6% tổng số tín đồ các tôn giáo, song số người theo tôn giáo ở Việt Nam nói chung cũng như số tín đồ Phật giáo nói riêng còn khá khiêm tốn. Nhiều công trình nghiên cứu về Phật giáo đã chỉ ra rằng, Phật giáo là một tôn giáo có sức thu hút lớn đối với nhiều nhóm dân cư khác nhau nhưng việc thống kê tín đồ đạo Phật đến nay vẫn là việc làm rất khó khăn. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã nhận xét rằng nếu căn cứ theo đúng quy định về tín đồ Phật giáo do Giáo hội Phật giáo (là những người đã quy y Tam bảo) thì con số trên 7 triệu người là quá lớn. Còn nếu chỉ dựa vào số lượng người có lên chùa, có niềm tin vào đạo Phật, hay có ban thờ Phật ở nhà hoặc có treo ảnh Phật,... thì con số 7 triệu lại là quá thấp. [Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 272-273].
Người Việt thường có tâm thế trả lời không theo tôn giáo nào nhưng trên thực tế có thể họ vẫn thực hành một số nghi lễ tôn giáo nhất định: “Trên thực tế, có một nghịch lý là đa số người trả lời mình không thuộc về một tôn giáo nào, nhưng vẫn tham gia các sinh hoạt có tính tôn giáo cụ thể” [Nguyễn Kim Hiền, 2000, tr 33]. Chia sẻ với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này, tôi đã tiến hành khảo sát những người thường xuyên đi lễ chùa Quán Sứ và chùa Hà (Hà Nội) vào ngày rằm và mồng một và đã thu được kết quả như sau:
Bảng: Cơ cấu tôn giáo của người đi lễ chùa Quán Sứ và chùa Hà
|
Chựa Hà
|
Chựa Quỏn Sứ
|
Tổng
|
Phật tử
|
15
|
22
|
37
|
5,0%
|
9,7%
|
7,0%
|
Khụng phải Phật tử
|
287
|
205
|
492
|
94,7%
|
90,3%
|
92,8%
|
Khụng trả lời
|
1
|
0
|
1
|
0,3%
|
0,0%
|
0,2%
|
Tổng
|
303
|
227
|
530
|
100,0%
|
100,0%
|
100,0%
|
Nguồn: Hoàng Thu Hương, 2007: tr 68
Trong nghiên cứu của mình, tôi sử dụng chỉ báo “quy y Tam bảo” để xác định một người có là tín đồ chính thức của đạo Phật hay không bởi vì nếu khi đặt câu hỏi “ông/bà có theo đạo Phật không” thì sẽ nhận được những thông tin không chính xác. Có những người theo đạo Phật nhưng lại không muốn thừa nhận mình theo đạo: “Chị luôn ghi lý lịch là không tôn giáo, nhưng trong tâm chị luôn nghĩ là mình là người theo đạo Phật” [Nữ, 1969, Cử nhân].
Kết quả nghiên cứu cho thấy vào ngày rằm và mồng một, số lượng Phật tử chiếm dưới 10%, số người đi chùa nhưng không chính thức theo đạo Phật chiếm tới 90% tổng số người đi lễ chùa. Nếu xem những người thường xuyên thực hành nghi lễ tại chùa là người theo đạo Phật thì số lượng này sẽ lớn gấp nhiều lần so với con số thống kê chính thức về tín đồ Phật giáo.
Phật giáo có nhiều tông, phái khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các nhóm dân cư. Do vậy, có rất nhiều cách thức theo đạo Phật khác nhau, có người thì thờ Phật tại gia, có người tin và nghiên cứu về đạo Phật, có người thường đi lễ chùa,... Trên thực tế, có những người rất am hiểu về đạo Phật nhưng lại ít đi chùa và ngược lại, có những người thường xuyên đi lễ chùa nhưng lại không am hiểu nhiều về đạo Phật. Một vị bác sĩ đã nghỉ hưu, với hơn 10 năm nghiên cứu về Phật giáo và thực hành thiền đã nói “Tôi đi lễ chùa từ nhỏ theo bố mẹ, nhưng chỉ là thói quen, không có ý thức gì. Đến nay thì tôi không đi lễ chùa nữa, có đến chùa cũng chỉ là có việc gì đó thôi. Vào ngày giỗ Đức Pháp chủ thì tôi nhớ lên, cũng giống như mình nhớ ngày giỗ bố của mình thì lên thôi, chứ không phải lên lễ chùa để cầu được đắc đạo. Đây là những cái rất bình thường, rất đời thường, đạo Phật là đời thường.... Thực ra, đạo Phật thực chất không cần có chùa, không cần tượng, không cần mõ. Tất cả những cái đó chỉ là phương tiện cho mình tu tập, nếu ôm chặt vào đó thì không bao giờ giác ngộ được” [Nam, 1931, Thạc sĩ].
Như vậy, có thể thấy rằng ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội đô thị đương đại không chỉ giới hạn trong số tín đồ chính thức mà ảnh hưởng này mang tính “mở”, “lan tỏa” tới nhiều nhóm dân cư khác nhau. Quan sát các hoạt động diễn ra trong các ngôi chùa sẽ phần nào thấy được phạm vi ảnh hưởng của Phật giáo. Hiện nay, người ta đi chùa quanh năm, đặc biệt ở các khu vực đô thị hoặc các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, hầu như không ngày nào vắng bóng người. Vào những dịp đầu năm, cuối năm, lễ hội, những ngày lễ chính của Phật giáo, rằm và mồng một, lượng người đi chùa tăng lên rất nhiều. Vậy tại sao chùa chiền lại có sức thu hút lớn đối với một bộ phận dân cư không phải là tín đồ của Phật giáo như vậy? Phải chăng ngôi chùa trong tâm thức người Việt nói chung không hẳn chỉ có nghĩa là nơi sinh hoạt của một tôn giáo – Phật giáo?
Lễ chùa: động cơ và mục đích của người dân:
Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, do vậy số lượng chùa chiền ở Việt Nam khá nhiều: “mỗi làng có một ngôi chùa thờ Phật, có làng to thì lập đến hai, ba ngôi chùa” [Phan Kế Bính, 1970, tr. 106]. Kể từ khi Đổi Mới đến nay, có thể quan sát thấy khắp đất nước, người ta xây dựng, trùng tu chùa chiền. Hiện nay, cả nước có tới 14.775 tu viện, trong đó có 13.665 ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc Tông, 570 ngôi chùa thuộc Phật giáo Nam Tông, 540 ngôi chùa thuộc phái Khất sĩ [Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2007]. Riêng Hà Nội có tới gần 600 ngôi chùa. Mặc dù những hoạt động tôn giáo diễn ra trong ngôi chùa chỉ là một trong những biểu hiện về vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội, song các ngôi chùa hiện đang ngày càng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân. Những người đi chùa không hẳn am hiểu về đạo Phật, không hẳn là tín đồ của Phật giáo, nhưng hành vi đi lễ chùa thường xuyên đã và đang có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tâm linh của họ và đi lễ chùa cũng là con đường khởi đầu đưa họ tới với Phật giáo. Tại sao chùa chiền ngày càng thu hút được đông đảo nhiều tầng lớp dân cư khác nhau? Để giải đáp câu hỏi này, cần phải hiểu được về động cơ cũng như mục đích người dân đi chùa hiện nay là gì.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp phỏng vấn để nghiên cứu về động cơ cho người đi lễ chùa và kết quả cho thấy người dân đi lễ chùa để cầu sức khỏe, công danh, tài lộc. Những điều cầu mong đó là mong ước rất tự nhiên của con người, dường như ai cũng mong ước điều đó, nhưng không phải ai cũng đi chùa để cầu mong những điều như vậy. Phải chăng còn điều gì ẩn giấu dưới những câu trả lời về động cơ, mục đích đi lễ chùa của người dân. Thông thường, con người thường có tâm thế giữ bí mật về điều mà mình cầu nguyện, họ chỉ nói ra khi điều họ cầu đã được linh ứng và khi đó họ có thể sẽ nói cho chúng ta biết nơi nào linh thiêng như vậy. Do vậy, theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc phỏng vấn người đi lễ, tiếp cận với các tờ “sớ” sẽ giúp hiểu thêm được về động cơ thực sự thúc đẩy người dân đi chùa. Bởi lẽ sớ được coi là một phương tiện để giao tiếp với thần linh, cũng giống như các bản trình bày yêu cầu, nguyện vọng của ai đó. Nội dung các tờ sớ thường phản ánh chính xác tâm tư, nguyện vọng của người đi lễ. Tuy chưa có điều kiện khảo sát một cách rộng rãi, song qua việc tiếp cận với 1 quyển sổ viết sớ của một thầy viết sớ ở chùa Hà đã phần nào cho thấy động cơ của những người đi lễ khá đa dạng, phong phú.
Mục đích chung nhất đối với hầu hết những người đi lễ chùa là cầu sức khỏe, tài lộc, công danh. Trong hầu hết các tờ sớ, phần ghi cầu về sức khỏe, tài lộc, công danh dường như là phần không thể thiếu. Bên cạnh đó, với bộ phận người đi lễ chùa có viết sớ thì họ thường cầu thêm một hoặc vài việc gì đó rất cụ thể, đó thường là những vướng mắc, khó khăn hay mong đợi hiện tại của họ. Ví dụ: vào mùa thi đại học, có rất nhiều người đến cầu cho con thi đỗ đại học và họ còn cầu rất cụ thể rằng “thi đỗ đại học Kinh tế quốc dân và quản trị kinh doanh Đà Nẵng” [Nguyễn Khắc V. và Nguyễn Thị L. ở Nghệ An viết sớ cầu cho con gái là Nguyễn Thị N.]. Những người lo lắng cho công danh, sự nghiệp của mình hoặc gia đình thì viết sớ: “Cầu cho chồng nhận thầu xây dựng được nhiều công trình, lợi nhuận cao, thanh toán gọn, thu hồi vốn nhanh. Vợ mang thai sản khỏe mạnh, sinh nở mẹ tròn con vuông.” [Nguyễn Thị Hồng T., 34 tuổi, nhà ở Cầu Giấy, cầu ở 3 ban: Tam bảo, Mẫu, Đức ông]; “Cầu việc ở cơ quan ổn định thu nhập cao, cửa hàng thể dục thể hình đông khách, doanh thu cao". [Nguyễn Xuân H., 32 tuổi, nhà ở huyện Từ Liêm, cầu ở ban Đức ông]. Giới trí thức cũng cầu cho được thăng tiến: “Công danh thành đạt, sự nghiệp thăng tiến trên giảng đường đại học, tài lộc gia tăng, gia môn thịnh vượng.” [Trần Văn T., 27 tuổi, nhà ở quận Thanh Xuân, cầu ban Tam bảo]. Thậm chí có người còn cầu cho công ty hay cơ quan của mình: “Cầu cho công ty nhờ được đại diện đòi lại được mảnh đất ở X., do công ty Y. mượn” [1 Công ty ở quận Ba Đình].
Mới qua phân tích sơ bộ một quyển viết sớ của một thầy viết sớ ở chùa Hà đã cho thấy những người đến viết sớ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, họ cầu nhiều điều khác nhau, nhưng đó là những điều hết sức cụ thể, liên hệ mật thiết với cuộc sống thường ngày của họ. Những điều cầu khấn là những điều con người đang mong ước có được và những điều đó ít mang tính tôn giáo. Có thể nói rằng họ đến với tôn giáo nhằm phục vụ chính cuộc sống hiện thực của họ.
Những điều người đi lễ chùa cầu khấn dường như xa rời với thế giới nhà Phật, bởi theo quan điểm của Đức Phật thì họa hay phúc của một con người chính do họ tạo ra: “gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Song Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã dung hòa với tín ngưỡng bản địa cũng như với Lão giáo và Khổng giáo. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều tập tục, nghi lễ vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian hoặc từ tôn giáo khác đã trở thành những nghi lễ phổ biến được thực hiện tại nhiều ngôi chùa. Đứng trước những nhu cầu tâm linh đa dạng của người dân, rất nhiều ngôi chùa đã tổ chức các nghi lễ để đáp ứng các nhu cầu đó, chẳng hạn như lễ cúng sao giải hạn, lễ cầu an, lễ cắt tiền duyên, lễ cầu duyên,... Mặc dù ngoài chùa chiền, rất nhiều các điện thờ tư nhân cũng thực hiện các nghi lễ này, song trong niềm tin của rất nhiều người dân, việc thực hiện các nghi lễ này ở chùa sẽ tốt lành hơn và sẽ linh ứng hơn.
Tóm lại, ngôi chùa hiện không chỉ là nơi sinh hoạt của riêng các Phật tử mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của quần chúng nhân dân. Với tín đồ Phật giáo, ngôi chùa là nơi họ đến bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, cầu mong sự giải thoát. Với quần chúng không phải nhóm tín đồ Phật giáo, ngôi chùa là nơi linh thiêng để cầu nguyện, đức Phật cũng được coi như các thần linh.
Ngôi chùa và những ảnh hưởng tới cộng đồng
Hiện nay, số lượng người đi chùa đặc biệt ở khu vực đô thị tăng lên rất nhiều. Vào những ngày lễ lớn trong năm, mỗi ngày các ngôi chùa lớn có thể đón tiếp hàng nghìn lượt người tới cúng lễ. Để đáp ứng nhu cầu của những người đi chùa, không chỉ có các hoạt động nghi lễ của nhà chùa, mà còn rất nhiều các dịch vụ ăn theo đã nảy sinh xung quanh các ngôi chùa, chẳng hạn như trông xe, bán đồ lễ, viết sớ, khấn thuê, đổi tiền lẻ,… Những hoạt động dịch vụ này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng dân cư xung quanh các ngôi chùa.
Dịch vụ trông xe: nếu như vào các ngày bình thường, người đi lễ có thể mang xe trực tiếp vào chùa, nhưng vào các ngày lễ lớn, rất nhiều gia đình xung quanh chùa sẵn sàng từ bỏ các hoạt động hàng ngày chuyển sang việc trông giữ xe phục vụ những người đi lễ chùa, với giá trông xe tăng lên nhiều lần.
Dịch vụ viết sớ: Sớ được xem là phương tiện giao tiếp với thần linh. Nhiều người tin rằng để thần linh chứng cho những lời cầu nguyện cần viết sớ bằng chữ Hán. Người dân có thể đến chùa nhờ các nhà sư viết sớ hộ, song bên cạnh đó có không ít người tìm đến các thầy viết sớ chuyên nghiệp. Ở xung quanh các ngôi chùa lớn, nổi tiếng linh thiêng hiện nay đã và đang xuất hiện một đội ngũ các thầy viết sớ nhằm phục vụ nhu cầu của người đi lễ chùa.
Dịch vụ bán đồ lễ: Khi đi lễ chùa hầu như người đi lễ nào cũng ít nhiều sắm lễ. Chính nhu cầu sắm lễ của người đi lễ chùa đã làm nảy sinh các hoạt động bán đồ lễ để đáp ứng nhu cầu đó. Ngược lại, chính những người bán đồ lễ cũng có tương tác ngược lại với người đi lễ, họ đóng vai trò định hướng hành vi lựa chọn đồ lễ của người đi lễ chùa.
Dịch vụ đổi tiền lẻ: Nếu như trước đây, tiền lẻ chỉ dùng để bỏ vào tiền công đức, thì hiện nay nó lại xuất hiện trên hương án với tư cách là một loại đồ lễ. Chính nhu cầu sử dụng tiền lẻ để làm tiền cóng đặt trên các ban thờ đã làm nảy sinh dịch vụ đổi tiền lẻ xung quanh các ngôi chùa. Người đi lễ chùa hiện nay có ý thức khá rõ ràng trong việc sử dụng tiền cóng “Chị mang theo tiền không phải với nghĩa là tiền mua được tất cả, không coi trọng đồng tiền thế mà khi đứng trước cửa Phật thế, những ý nghĩ như thế đã là thất lễ rồi. Mà mang như thế với mục đích là góp giọt dầu để nhà chùa dùng những đồng tiền ấy vào những việc có lợi cho chùa. Có thể nhiều người góp lại để họ xây, sửa chùa, có lợi cho chùa chứ hương, hoa ai cũng mang nhiều, đến mức họ phải nhúng vào nước cho khỏi hỏng chùa. Đem những cái đấy nhiều người làm rồi, mình đem theo tiền để nhà chùa sử dụng vào những mục đích có ý nghĩa cho chùa, mình góp vào với ý nghĩa là giọt dầu” [Nữ, 1969, Đại học]. Vào năm 2003 khi quan sát các cửa hàng bán đồ lễ xung quanh chùa Quán Sứ, tôi nhận thấy chưa có một cửa hàng nào có đổi tiền lẻ cho người đi lễ, nhưng tới giữa năm 2004 thì đã có 1 quầy bán đồ lễ bày tiền lẻ trên quầy hàng của mình, sau đó thì dịch vụ đổi tiền lẻ dần trở nên phổ biến hơn xung quanh ngôi chùa này. Đây là một ví dụ cho thấy sự phát triển của loại hình dịch vụ này nhằm đáp ứng nhu cầu của những người đi lễ chùa.
Có một đặc điểm chung về các loại hình dịch vụ phát sinh xung quanh các ngôi chùa, đó là tính thời điểm. Các dịch vụ này không xuất hiện một cách thường xuyên, mà chỉ xuất hiện vào những thời điểm nào có đông người tới lễ chùa. Các loại hình dịch vụ này đã có đóng góp không nhỏ vào đời sống kinh tế của cộng đồng dân cư xung quanh các ngôi chùa, góp phần tạo thêm thu nhập cho một nhóm dân cư nhất định.
Kết luận
Kể từ khi Đổi Mới đến nay, mức sống không ngừng được nâng cao. Dường như đúng với câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo có xu hướng biểu hiện đa dạng hơn. Sinh hoạt tâm linh không còn là đặc trưng của riêng một nhóm người nào nữa mà đang có xu hướng phổ biến trong nhiều nhóm xã hội khác nhau. Xét về mặt văn hóa thì Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên và có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Phật giáo không những ảnh hưởng tới tư tưởng, đạo lý của người Việt mà còn dung hòa với tín ngưỡng bản địa cũng như các tôn giáo khác và còn có ảnh hưởng tới nhiều phong tục, tập quán của người Việt. Chẳng hạn, thuyết Nhân quả của Đạo Phật đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Đa số người Việt có ý thức về nghiệp báo và nhân quả như “ở hiền gặp lành”, “ác giả, ác báo”, “nhân nào quả nấy”. Sự dung hòa của đạo Phật với văn hóa, tín ngưỡng bản địa còn thể hiện ở một số điểm như có quan điểm coi Phật cũng như vị thần, hiện diện ở mọi nơi, thấu hiểu được mọi tâm tư, nguyện vọng và hành vi của con người. Hay kiến trúc các ngôi chùa thường được bố trí theo kiểu “Tiền Phật, hậu Thần”, tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa Phật và Thần trong một không gian thờ cúng. Bên cạnh đó, Phật giáo cũng có ảnh hưởng tới tập tục cúng lễ, tang ma của người Việt. Chính vì vậy, ngôi chùa ở Việt Nam không chỉ là nơi để người dân tới lễ Phật mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Kim Hiền (2000), “Từ những điều tra xã hội học năm 1995 – 1998 suy nghĩ về sự vận động của các tôn giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1 năm 2000, tr 32-40
2. Hoàng Thu Hương (2004), “Những ai đi lễ chùa và họ hành lễ như thế nào”, Tạp chí Xã hội học, số 1, trang 32 – 42
3. Hoàng Thu Hương (2005) “Đồ lễ trong một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay”, Tạp chí Nguồn sáng Dân gian, số 3, trang 44-49.
4. Hoàng Thu Hương (2006) “Về mối quan hệ giữa nhu cầu của người đi lễ chùa và dịch vụ bán đồ lễ (Qua khảo sát thực tế tại chùa Quán Sứ và chùa Hà ở Hà Nội), Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2/2006
5. Hoàng Thu Hương (2007) Luận án Tiến sĩ Xã hội học “Cơ cấu nhân khẩu xã hội của những người đi lễ chùa ở Hà Nội hiện nay”. Thư viện Quốc gia.
6. Nguyễn Duy Hinh (1993), “Vài nhận thức sơ bộ về phương pháp điều tra tôn giáo học ở Hà Nội”, Chính sách xã hội – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Chương trình KH-CN cấp nhà nước KX-04, tr. 321-356.
7. Đặng Nghiêm Vạn (2001), “Một số vấn đề lý luận và thực trạng tôn giáo Việt Nam”, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội