Phóng viên (PV): Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về di sản văn hóa của TP Vinh dưới góc độ là tài nguyên du lịch?
Ông Nguyễn Trung Châu (NTC): Vinh là một đô thị có chiều dày lịch sử và văn hóa, với thời gian hình thành đã trên 220 năm. Với vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển của giao thông - thương mại, Vinh đã sớm xuất hiện các quan hệ giao lưu văn hóa trong vùng và cả nước, quy tụ và kết tinh các giá trị văn hóa xứ Nghệ. Vinh chứa đựng trong mình nhiều loại hình di tích, danh thắng, từ di tích lịch sử cách mạng đến di tích kiến trúc nghệ thuật và danh thắng... Tiêu biểu như di tích Núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô bên dòng sông Lam (là một trong 3 di tích đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận di tích lịch sử Quốc gia), Ngã ba Bến Thủy, Thành cổ Vinh, Đền Hồng Sơn. Từ hàng trăm năm trước, Vinh đã có những công trình kiến trúc văn hóa nổi tiếng, như: chùa Diệc, chùa Cần Linh, Văn Miếu, Thành cổ Vinh...
Nhiều công trình văn hóa được xây dựng ở Vinh, mà tiêu biểu là Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An… Đến đây, du khách được thư giãn, được thả sức tìm hiểu về lịch sử, truyền thống và văn hóa xứ Nghệ. Bảo tàng Quân khu 4 được xây dựng tại nơi mà năm 1789 vua Quang Trung chọn làm Phượng Hoàng Trung Đô. Đây là một trung tâm nghiên cứu, giáo dục, thông tin về vùng đất “địa linh nhân kiệt”, góp phần truyền bá khoa học lịch sử nghệ thuật đánh giặc giữ nước và truyền thống chiến thắng vẻ vang của LLVT QK4, đồng thời là một công trình văn hóa, nghệ thuật phù hợp với sự phát triển của thành phố Vinh và vùng Bắc Trung bộ trong tương lai. Ở Vinh còn có Nhà chiếu hình vũ trụ - công trình duy nhất của Việt Nam về khoa học vật lý thiên văn. Đền thờ vua Quang Trung là công trình văn hóa tâm linh đặc sắc trong quần thể lâm viên núi Dũng Quyết. Đền có kiến trúc cổ kính, được xây dựng nhằm tôn vinh người Anh hùng áo vải Quang Trung. Đặc biệt, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2003, thực sự là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch xứ Nghệ của du khách. Cạnh Quảng trường là Công viên Trung tâm là điểm vui chơi giải trí hấp dẫn. Những di tích danh thắng, những công trình văn hóa nêu trên có thể khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch.
Về văn hóa tâm linh, lễ hội đền Hồng Sơn (lễ giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo - ngày 20/8, giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, lễ giỗ Đức thánh mẫu 3/3), lễ hội đền Quang Trung... thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách gần xa về dự. Vinh cũng là trung tâm diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp, lễ hội Làng Sen, làm tăng cường mối giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các vùng trong cả nước. Hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố đã và đang được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, mua sắm của du khách.
PV: Như vậy, Vinh có rất nhiều di sản văn hóa có giá trị có thể khai thác phục vụ du lịch. Nhưng theo chúng tôi, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, có cái thì không còn nữa, có cái thì bị xâm hại… Quan điểm của ông về vấn đề này? Thành phố đã làm gì để phục hồi, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phục vụ du lịch?
Ông NTC:Đúng vậy!Thời gian, thiên tai, chiến tranh, điều kiện kinh tế, cơ chế phân cấp quản lý… và cả ứng xử thiếu trách nhiệm của con người, nhiều di sản quý giá của Vinh đã không còn. Ví như Văn Miếu, chùa Diệc, phà Bến Thủy. Một số di tích đang bị xâm hại mà Thành cổ Vinh là một ví dụ.Thành phố cũng đang rất nỗ lực phục dựng các di tích đã mất, bảo tồn tôn tạo chống xuống cấp các di tích còn lại. Vấn đề này đã được nêu rõ trong Đề án thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm văn hóa - thông tin của vùng Bắc Trung bộ. Theo đó, các công trình được phục hồi tôn tạo, như: khu Văn Miếu (cả phục hồi, tôn tạo gắn với xây dựng mới một số hạng mục phục vụ du lịch); Di tích Phượng Hoàng Trung Đô gắn với phát triển du lịch sinh thái khu Lâm viên Dũng Quyết (Hội thảo Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô được tổ chức vào tháng 6/2011 đang mở ra một hướng mới trong việc xây dựng và mở rộng khu vực Lâm viên Dũng Quyết); một số hạng mục Thành cổ Vinh (hào thành, tường thành, cổng thành, nâng cấp, xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch: Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng XVNT, bia dẫn tích Bác Hồ về thăm quê); Khu di tích Ngã ba Bến Thủy gắn với cảnh quan núi Quyết - sông Lam để phát triển du lịch (Tôn tạo cụm di tích ngã ba cột đèn Bến Thủy và mô hình nhà máy Diêm, phục dựng và tái hiện cầu phao Bến Thủy, phà Bến Thủy, xây dựng Tượng đài công nông Trường Thi - Bến Thủy, tổ chức hệ thống dịch vụ văn hóa du lịch bên bờ sông Lam) và một số di tích lịch sử văn hóa khác như đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh; chùa Diệc.
Tuy nhiên, để phục dựng lại nguyên trạng các di tích đã mất là rất khó. Cái thì khó về đất đai, cái thì khó về hiện vật của di tích. Ví như di tích Văn Miếu, sau nhiều lần tổ chức hội thảo mới có được quyết định của tỉnh về việc phục dựng lại tại địa điểm cũ là Công ty Cổ phần In Nghệ An. Để di dời Công ty CP In Nghệ An và 14 hộ dân trong khu vực này, trả lại mặt bằng cho Văn Miếu không phải là đơn giản. Chùa Diệc, hiện vật phà Bến Thủy - chứng tích anh hùng thời chiến tranh cũng không còn… Thành cổ rêu phong, uy nghi một thời đã không còn, Cổng thành mới được phục dựng đang bị lấn chiếm làm nơi họp chợ, bán hàng... Đó cũng là một trong những điều mà việc tôn tạo, phục dựng các di tích đã mất không thực hiện được như Đề án. Ví như, Văn Miếu, theo kế hoạch phải hoàn thành phục dựng vào năm 2010, đến nay vẫn chưa được triển khai; Cụm di tích Ngã ba Bến Thủy cũng khó hoàn thành giai đoạn I vào năm 2012; Chùa Diệc, khởi công vào năm 2010, hoàn thành vào năm 2015 chắc cũng khó thực hiện. Nhưng dù khó đến đâu thì cũng phải quyết tâm làm cho bằng được.
PV: Ông có thể cho biết các loại hình du lịch mà thành phố Vinh sẽ tập trung phát triển?
Ông NTC: Vinh là một vùng văn hóa chứa trong mình nó nhiềudi tích lịch sử văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh,nhiều công trình văn hóa lớn, nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn hiện đại, nhiều khu vui chơi giải trí... rất thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và tâm linh, du lịch tham quan; hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao. Thành phố cũng đã và đang thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, trong đó, về du lịch, sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch này.
PV: Theo ông, những điểm nhấn trong bức tranh du lịch thành phố Vinh là gì?
Ông NTC: Ngay tại thành phố Vinh, du khách có thể tham quan các di tích, danh thắng, như: thành cổ Vinh, lâm viên núi Dũng Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô và đền thờ vua Quang Trung, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Tổng Hợp, Bảo tàng QK4, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, Nhà chiếu hình vũ trụ, Ngã Ba Bến Thủy. Du khách có thể du thuyền sông Lam ngược lên đền Hoàng Mười, rồi núi Lam Thành với sự tích Nguyễn Biểu, xuôi dòng Lam Giang về với rừng bần, tràm chim rợp cánh cò chiều…
PV: Trong quy hoạch phát triển du lịch, Vinh sẽ hình thành và phát triển các quần thể du lịch nào, thưa ông?
Ông NTC: Như trên tôi đã nói, Vinh có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triểnđa dạng các loại hình du lịch và Vinh sẽ hình thành và phát triển các quần thể du lịch chính sau đây:
Quần thể du lịch trung tâm: bao gồm các điểm trong thành phố, như: Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, Công viên Trung tâm, Thành cổ Vinh, công viên Hồ Goong. Hồ Cửa Nam, hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp (khách sạn 5 sao đang xây dựng ở đường Quang Trung, các khách sạn Kim Liên, Phương Đông, Media, Hữu Nghị, Giao Tế...), siêu thị và chợ (chợ Vinh, chợ Ga, siêu thị Maximax, Intimex, BigC...) và các điểm vui chơi giải trí khác;
Quần thể du lịch núi Dũng Quyết - Bến Thủy: Khu di tích Ngã Ba Bến Thủy, lâm viên núi Dũng Quyết, sông Lam, Phượng Hoàng Trung Đô, đền thờ vua Quang Trung, hệ thống các bảo tàng và các di tích lịch sử chống giặc ngoại xâm. Xây dựng bến thuyền để du thuyền trên sông Lam và các tuyến du lịch ngược Lam giang lên Nam Đàn, xuôi Lam giang về Cửa Hội, Cửa Lò;
Quần thể du lịch Tây Nam: Công viên Hồ Cửa Nam, chùa Cần Linh, nhà thờ Cầu Rầm...
Đi cùng với các quần thể du lịch này, sẽ hình thành và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ ăn uống, như: hệ thống nhà hàng đặc sản vừa và lớn, khuyến khích phát triển dịch vụ ăn uống cao cấp,.. gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự văn minh đô thị.
PV: Và du lịch Vinh trong bức tranh du lịch xứ Nghệ? Du lịch ngoài xứ Nghệ?
Ông NTC: Vinh và các vùng phụ cận đã hình thành một quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa và du lịch liên hoàn: di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên). Từ Vinh, đi về phía Tây Nam chưa đầy 20 km, là Khu di tích Kim Liên với cụm di tích Làng Sen, làng Hoàng Trù (quê nội, quê ngoại Bác Hồ), khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ); xa hơn quãng nữa là khu miếu, mộ và đền thờ Mai Hắc đế, nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu... Về phía Đông Bắc, cũng chừng ấy quãng đường là khu du lịch biển Cửa Lò với đảo Lan Châu, chùa Song Ngư, khu du lịch Resot Bãi Lữ. Từ Vinh, dọc đường thiên lý ra Quỳnh Lưu, có đền thờ Thục An Dương Vương (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu) - di tích kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng xứ Nghệ. Phía Nam TP Vinh là Cầu Bến Thủy, núi Hồng, sông Lam. Dưới chân núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân có quê hương đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới, có quê hương của Nguyễn Công Trứ - nhà thơ, nhà quân sự, nhà kinh tế nổi tiếng dưới triều Nguyễn. Từ Vinh, nhìn bên kia Lam giang là làng Yên Hồ, quê hương của Nguyễn Biểu, làng Đông Thái - quê hương Phan Đình Phùng, làng Tùng Ảnh - quê hương của Cố tổng Bí thư Trần Phú... Vinh là trung tâm mà từ đó có thể tổ chức các tua du lịch trong tỉnh, ra Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh, sang nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan…
Tôi nghĩ rằng, với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, lại nằm trên đường thiên lý xuyên Việt, trong quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa và du lịch liên hoàn với các vùng phụ cận, trong tương lai, Vinh sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Và, muốn được như vậy, Vinh còn rất nhiều việc phải làm, vừa phải phát huy có hiệu quả những gì đã có, vừa phải tập trung xây dựng và thực hiện tốt các chương trình đề án với một quyết tâm chính trị cao hơn, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và xin chúc cho văn hóa - du lịch Vinh luôn song hành phát triển!
NGỌC MAI (thực hiện)