Tám mươi hai xuân rồi – cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng, tôi tưởng ông trẻ hơn độ mươi lăm tuổi. Tôi đùa: “Chắc con phải đổi cách xưng hô, gọi anh và em cho văn nghệ, thấy bác còn trẻ và linh hoạt quá”. Ông cười: “Người già nhưng tâm hồn thì cứ phải trẻ, như thế cuộc sống sẽ thư thái hơn. Ngoài những giờ đánh vật với chữ nghĩa, hội họp này nọ tôi lại đi tập dưỡng sinh…”. Lối sống ấy như thêm sức mạnh cho ông, để nay khi đã ngoài 80 nhưng vẫn đủ minh mẫn để viết lên những tác phẩm không kém phần giá trị mà tạo hóa chưa cho phép ông dừng lại.
Tôi viết “Quê hương”.
Đến đây câu chuyện dường như thân mật hơn, ông đã mở hết lòng mình ra với chúng tôi, một quá khứ đầy ắp những kỷ niệm trong ông chợt ùa về, ông kể: “Tôi được giác ngộ cách mạng từ năm đôi mươi, lại có anh trai là nhà cách mạng Nguyễn Lưu Truyền, anh ấy là động lực và gương mẫu cho tôi nên trong lòng luôn tràn đầy bầu nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập dân tộc. Bản thân là người hay chữ nên khi bước vào hoạt động cách mạng tôi đã được cán bộ giao làm nhiệm vụ tuyên huấn, đó cũng như là cái duyên gắn bó tôi với văn nghệ”.
Chính trong thời gian này, Giang Nam đã gặp gỡ và đem lòng yêu bà Nguyễn Thị Chiều – Người phụ nữ đã sát cánh bên ông trong suốt cuộc hành trình và bà cũng là người khơi nguồn cảm hứng dạt dào cho bài thơ Quê hương. Như cái chồi ra từ đất khô, tình yêu thật đẹp trong những ngày lửa đạn, họ yêu nhau và đến với nhau từ những điều đơn giản nhất, ông kể tiếp: “Chúng tôi làm cùng ở cơ quan dân chính Phú Khánh, hồi đó tôi rất thích vợ tôi nhưng bên cạnh cô ấy còn có nhiều người theo đuổi nên chỉ còn cách mỗi lần đến đưa công văn gửi cho cô ấy một lá thư chứ không dám đến hỏi thêm gì. Viết thư cũng chỉ dám hỏi mấy câu đơn giản như; anh có ý thích em, em nghĩ thế nào?”. Ông nhớ: “Tôi bồn chồn chờ đợi suốt cả tuần lễ khi lá thư thứ hai gửi đi mà không thấy hồi âm, chờ mãi cuối cùng cũng nhận được thư trả lời của bà ấy…từ đó tình cảm giữa chúng tôi ngày một lớn lên, sau đó không lâu, năm 1955 chúng tôi đã làm đám cưới”.
Cưới xong ở với nhau vỏn vẹn hai đêm, ông lại phải nhận nhiệm vụ mới ở Bình Định. Đây cũng là cái mốc đánh dấu cho những chuỗi ngày xa nhau đằng đẵng của ông bà. Phần mình, ông miệt mài với công việc tổ chức giao, âm thầm tham gia tờ báo hợp pháp với tên gọi “Gió mới” hoạt động công khai tại nội thành Nha Trang. Khi Mỹ nguỵ tiến hành các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” cán bộ đảng viên ở miền Nam phải tổ chức đổi vùng để tránh bị lộ. Tổ chức đã sắp xếp để ông bà chuyển vùng hoạt động về Biên Hoà.
Rồi một lần, ông kể mà như khóc: “Lần đoàn tụ này chúng tôi vô cùng xúc động nhưng vẫn phải giữ bí mật tuyệt đối cho cách mạng. Cũng tại Biên Hòa, vợ tôi sinh đứa con gái đầu lòng và cũng là duy nhất cho đến giờ, ngay sau khi vợ sinh, tôi được tổ chức rút về lại Khánh Hoà. Sau đó không lâu, vào một buổi tối giữa năm 1960, ngoài trời mưa tầm tã, tôi được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin chẳng lành có thể vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi (tại tỉnh Sông Bé cũ nay là Bình Dương). Đau đớn đến bàng hoàng, sự thương cảm xót xa cứ thế trào lên. Tất cả những kỷ niệm cũ, tình yêu nghẹn ngào, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt như sống dậy xót xa, nhức nhối, tôi đã phải bật khóc nức nở và chỉ trong một giờ đồng hồ tôi đã viết xong bài thơ “Quê hương”. Viết liền mạch, không tẩy xóa, không thay đổi gì cả…”.
Tôi sống “Quê hương”.
Những ngày tháng đau khổ đã đi qua rất lâu. Nhưng mỗi lần nhắc đến những mất mát hy sinh, khuôn mặt Giang Nam vẫn như nặng trĩu nỗi niềm. Những kỷ niệm chiến trường chôn sâu trong ký ức lại chợt ùa về, ông thổ lộ: “Với tôi, đau thương cũng là một sức mạnh. Sau khi làm xong bài “Quê hương” tôi đưa cho cấp trên đọc, ngay lập tức nhận được sự đồng cảm. Rồi, sau đó ít ngày tôi gửi bài thơ ấy cho báo Thống Nhất ở Hà Nội. Tháng 9/1961 đang trên đường công tác ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tôi bất chợt nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài thơ “Quê hương” của mình và thông báo được giải nhì báo Văn Nghệ. Trong giây phút vui mừng đó, tất cả hình ảnh người vợ thân yêu cùng đứa con nhỏ của mình lại trở về nguyên vẹn trong tôi. Thêm một lần tôi bật khóc. Có lẽ mỗi câu thơ trong bài “Quê hương” đều hàm chứa hình ảnh người vợ của tôi. Cũng từ đó, tôi lao vào làm thơ phục vụ cách mạng, làm báo tuyên truyền cổ vũ đồng chí của mình như một nhiệm vụ cao cả”.
Ngày nhận thư của nhà thơ Hoàng Trung Thông mời ra Hà Nội nhận giải, Giang Nam đau đáu trong mình một suy nghĩ: Phải chăng những tình cảm tha thiết, chân thành, xót xa đã giúp người ta có những câu thơ hay. Cũng từ đó, ông luôn nuôi cho mình một ý thức viết một cách chân thành và tha thiết nhất. Đúng vào ngày nhận giải, nhà thơ Chế Lan Viên đã gọi Giang Nam lại và nhận xét rằng: “Cả bài thơ “Quê hương” của Giang Nam và “Núi đôi” của Vũ Cao đều nói về sự hy sinh của người con gái, của tình yêu và nỗi cách xa. Nhưng, bài “Quê hương” của Giang Nam đau quá!. Tuy bài thơ được giải nhì nhưng sẽ có sức sống vượt thời gian”. Sau khi bài thơ “Quê hương” được công bố, rất nhiều cuộc mít tinh chớp nhoáng đã lấy bài thơ này ra đọc lên như một sự cổ vũ. “Lúc đó, tôi vô cùng sung sướng, thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, viết không ngưng nghỉ”- Giang Nam hồ hởi.
Cuộc sống luôn hàm chứa những bất ngờ, cứ đinh ninh vợ con đã bị địch giết chết nhưng giữa năm 1962, bà Chiều và con gái bất ngờ được thả về do địch không tìm ra căn cứ kết tội. Nỗi vui mừng chưa được bao lâu, năm 1968, vợ Giang Nam lại bị địch bắt lần thứ hai cho đến mãi năm 1973 mới được thả về nhờ sự bào chữa của một luật sư. Nhắc đến thời kỳ này, giọng ông lại nấc lên: “Suốt hai lần vào tù, ra tội, những ngày dài sống đằng đẵng trong xà lim, đứa con gái duy nhất của tôi vẫn phải bám sát lấy mẹ. Ai có tách ra nó cũng không chịu. Có những ngày bị lạnh tím tái tưởng chừng như đã ra đi. Có lúc sợ nó nhớ tôi, vợ tôi đã chùm chiếc áo cũ tôi lên người nó. “Tận khổ cam lai”, may thay giờ vợ và con tôi vẫn khỏe mạnh. Lần ra tù thứ hai cũng nhờ nhiều vào một người luật sự, họ bào chữa một cách vô tư. Sau này giải phóng tôi có đi tìm lại người đó để cảm ơn nhưng không gặp được”.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, theo điều động của tổ chức, Giang Nam làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1978, chấp hành ý kiến của cấp trên, ông ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn VN, 1989 (tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà) Tỉnh uỷ Khánh Hoà xin ông về làm phó chủ tịch UBND tỉnh- Phụ trách văn xã. Cứ tưởng rằng bước vào đường quan, cảm xúc thơ của ông sẽ giảm đi nhưng đúng như ông nói: “Có về nơi cuối trời vẫn đáu đáu với quê hương, với thơ ca. Được làm việc trên quê hương của mình, được phục vụ nhân dân lại được nhiều người quý trọng và nhớ đến bài thơ “Quê hương” nổi tiếng nên tôi vẫn miệt mài viết, viết cho đến hơi thở cuối cùng mới thôi”.
Chính trong thời gian làm phó chủ tịch tỉnh, có dịp tiếp cận nhiều hơn với người dân cũng như muôn mặt của cuộc sống nên ông đã cho ra đời trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết”.
Hơn năm chục năm đã trôi qua, với biết bao vui buồn lẫn lộn, biết bao nhiêu tác phẩm hay ra đời từ đôi bàn tay ông. Nhưng phần đông chỉ nhớ tới ông qua bài “Quê hương”. Có lẽ với Giang Nam, thế đã là quá đủ. “Quê hương” – đứa con ra đời bằng nước mắt, gắn bó với máu thịt mình cũng sẽ theo ông suốt một đời như thế!