Đó là những điệu hò man mác xa khơi, là tiếng ru con vời vợi trưa hè, là nỗi niềm người đi khi nghe câu ví giặm, là sự khắc khoải ngóng đợi chờ trông và là dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của mỗi con người… Từ cuối thế kỷ XX trở lại đây, khoa học công nghệ thông tin bùng nổ, nền văn minh nhân loại phát triển mạnh mẽ. Các vấn đề thuộc về văn hoá nguồn cội đang là một trong những mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có vấn đề về gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa như âm nhạc dân gian.
Đưa âm nhạc dân gian vào học đường là một trong những biện pháp cơ bản và quan trọng để truyền bá và giáo dục một cách gián tiếp cũng như trực tiếp lòng yêu mến và tự hào với những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hoá dân gian nói chung. Từ trước tới nay chúng ta đã và đang thực hiện nhưng chưa có tính đồng bộ. Để làm tốt công việc này nhất thiết phải có sự ủng hộ từ các cấp, các ban ngành liên quan và đặc biệt là ngành Giáo dục và đào tạo chứ không chỉ riêng ở các ngành văn hoá. Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO đã nói rõ sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể và công tác bảo tồn các di sản này. UNESCO cũng đã xác định chuẩn mực của quốc tế về hình thức giáo dục chính thức và không chính thức.
Khi thực hiện dự án "Âm nhạc học đường" của UNESCO tài trợ, Giáo sư Trần Văn Khê đã phải thốt lên: "… Tôi rất xúc động và hiểu một điều rằng, âm nhạc truyền thống của dân tộc không bao giờ bị lớp trẻ quay lưng, nếu chúng ta biết cách truyền cho họ ngọn lửa của tình yêu và sự hiểu biết…" Chúng tôi thiết nghĩ: Tại sao chúng ta không xem xét mạnh dạn hình thành trên hệ thống giáo án để giảng dạy Dân ca áp dụng vào bộ môn âm nhạc phổ thông hiện có. Điều này hoàn toàn thuận lợi, bởi các trường phổ thông hiện nay đều có giáo viên được đào tạo chính quy chuyên ngành sư phạm âm nhạc, nếu được nâng lên thành bộ môn chính khoá thì chắc chắn sẽ đem lại kết quả hiểu biết về Dân ca một cách bền vững, đồng bộ và thực chất, bởi không ai khác, chính họ là người sẽ lưu giữ và phát huy, phát triển một cách tốt nhất những làn điệu dân ca. Các em hôm nay là thế giới ngày mai, liệu thế giới ngày mai của Việt Nam sẽ hoà nhập với cộng đồng văn hóa thế giới như thế nào? Hòa nhập chứ không hoà tan. Trong cái không tan đó có những làn điệu dân ca. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy hiện nay chưa có cơ quan thuộc ngành văn hóa, ngành giáo dục, các nhà nghiên cứu trong tỉnh Nghệ An… đi vào thực hiện những dự án tương tự như thế này, nếu có cũng chỉ là những ý tưởng, những công trình còn đang nằm trong tủ sách, chưa có phương án đầu tư, có lẽ còn có nhiều nguyên nhân. Trước tình hình đó, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đã và đang từng bước dần đưa bộ môn dân ca vào trường học bằng nhiều hình thức. Đề án "Thực hiện đưa dân ca vào trường học" giai đoạn 2008 -2015 của Trung tâm là một trong những hình thức đó.
1. Thực trạng dân ca xứ Nghệ trong đời sống lứa tuổi học đường
Thời gian qua các cơ quan chức năng đã thực sự quan tâm, tích cực triển khai thực hiện các biện pháp nhằm khơi dậy tinh thần phát huy giá trị tiềm năng của di sản văn hoá dân ca Hò, Ví, Giặm. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là chuyên sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu thể nghiệm và phát triển các làn điệu. Thông qua các chương trình biểu diễn phục vụ tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi trong công chúng. Chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh và truyền hình được triển khai từ những năm 1996. Áp dụng chương trình "Đưa dân ca vào trường học" của Trung tâm từ năm 2000 đến nay (một chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ vào trường học). Năm 2007 hoàn thành thử nghiệm "Dự án Sân khấu học đường" do Bộ Văn hoá thông tin và Bộ Giáo dục Đào tạo khởi xướng. Với hình thức hợp tác liên danh chuyển giao công nghệ hoá là: Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch chủ dự án - Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Nghệ An trực tiếp chỉ đạo - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ triển khai thực hiện - Các em học sinh trực tiếp thể hiện nội dung. Dự án Sân khấu học đường của liên bộ phải thừa nhận rất công phu kể cả thời gian cũng như vật chất, bước đầu đã gây được sự hào hứng yêu thích cho các em. Từ đó đến nay, cứ hai năm một lần, ngành giáo dục trong tỉnh lại tổ chức định kì thi hát dân ca từ cấp huyện, thành phố cho đến cấp tỉnh.
Tất cả những nỗ lực trên đều đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng nhìn chung vẫn còn mang tính hình thức, mới chỉ được phần ngọn mà chưa quan tâm đến phần gốc. Điều chúng ta cần là sự hiểu biết bằng nhận thức thực chất và phải có cơ bản từ gốc rễ. Chúng tôi cho rằng: hiểu được Dân Ca mà không biết hát còn hơn hát hay mà không hiểu gì về nó. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để mọi người, mọi tầng lớp, đặc biệt bắt đầu từ thế hệ trẻ đang trên ghế nhà trường thấu hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị to lớn của bản sắc văn hoá quê hương. Có như vậy mới mong nâng cao được nhận thức tinh thần trách nhiệm toàn xã hội trong việc nâng niu, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá do cha ông để lại. Như vậy việc "Đưa dân ca vào trường học" sẽ hoàn thành nhiệm vụ tối quan trọng của nó.
Bên cạnh đó còn có một số khó khăn khách quan sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc thực hiện: Đề án "Đưa dân ca vào trường học" đang chờ phê duyệt, nhưng ngày 10 -11 tháng 6 năm 2008, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã chủ trì tổ chức một hội nghị về việc dạy học các môn nghệ thuật ở các trường phổ thông để có chủ trương điều chỉnh (thu hẹp) việc dạy hai môn học này. Theo các đại biểu, dù hiệu quả dạy học các môn nghệ thuật trong nhà trường yếu kém như thế nào chăng nữa thì điều quan trọng là tìm giải pháp cho vấn đề chứ không phải "buông" là xong chuyện. Ông Phạm Ngọc Định, Phó vụ trưởng Vụ Giaó dục Tiểu học cũng trăn trở: "Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục toàn diện, trong đó, giáo dục nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong giáo dục tinh thần (Bên cạnh giáo dục khoa học, giáo dục đạo đức)". Như vậy để "Đưa dân ca vào truờng học" là một nỗ lực rất lớn của các ngành đặc biệt là ngành văn hoá và giáo dục tỉnh nhà.
- Dân ca Nghệ Tĩnh trong hệ thống các trường học
Nhìn lại trong giáo trình âm nhạc các cấp, từ lớp 1 đến lớp 9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết là những ca khúc viết về mái trường, gia đình, quê hương, đất nước… Vâng, điều đó không có gì sai cả. Những ca khúc như thế hoàn toàn đúng trong việc góp phần hình thành, phát triển nhân cách cho học sinh. Nhiều ca khúc được giới thiệu trong giáo trình là các ca khúc nhạc ngoại, lời Việt. Còn các bài hát dân ca có thể đếm trên đầu ngón tay như: Inh lả ơi, Xòe hoa, Đi cấy, Lý dĩa bánh bò… Dân ca miền Trung thì vắng bóng hẳn chứ chưa nói gì đến dân ca Nghệ Tĩnh.
- Dân ca trong đời sống hàng ngày
Các em rời nhà trường về gia đình, các em có được tiếp xúc các làn điệu dân ca nhiều không? Chương trình thiếu nhi, chương trình bông hoa nhỏ trên đài phát thanh truyền hình hầu như đưa các tiết mục ca nhạc của các em thiếu nhi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đã Nẵng, TP Cần Thơ… Nếu có dân ca thì đó là dân ca phát triển vùng miền của họ như dân ca Nam bộ, dân ca Quan họ, dân ca Bắc bộ… Các em có xem thì cũng trong một thời lượng nhất định. Chương trình của Đài phát thanh truyền hình tỉnh nhà nếu có Dân ca thì cũng hiếm hoi và thường không thu hút được khán giả. Các em được bố mẹ đưa đi xem ca nhạc cũng chỉ tiếp xúc với các đoàn ca nhạc tạp kĩ. Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ và Đoàn Ca Kịch Hà Tĩnh có tổ chức biểu diễn thì khán giả nhí đến rất ít, nguyên nhân có thể từ nhận thức của người lớn. Một lần nữa lại thấy rất ít dân ca ở đây.
2. Âm nhạc đối với các cấp giáo dục
- Trong hệ thống các trường mầm non
Âm nhạc đối với trẻ thơ trong hệ thống trường Mầm non là tiết dạy độc lập bằng các hình thức: Dạy hát, dạy vận động theo nhạc, dạy nghe nhạc, trò chơi âm nhạc... Ngoài ra âm nhạc là phương tiện để dạy các môn khác.
- Đối với cấp Tiểu học
Âm nhạc trở thành một môn văn hoá chính thức khoảng 8 năm trở lại đây (trước đây là môn phụ về cách nhìn, tiết dạy, về cách đánh giá, không tổ chức thi…). Mỗi tuần 1 tiết trải đều trong năm.
Từ lớp 1 đến lớp 2: Học hát.
Từ lớp 3 - lớp 5: Đưa thêm phần Tập đọc nhạc, Thường thức âm nhạc. Bộ sách dùng cho GV và HS đầy đủ về nội dung, hình thức đẹp. Có GV chuyên trách, được đào tạo cơ bản ở các trường sư phạm hoặc trường Văn hóa Nghệ thuật.
- Đối với cấp Trung học cơ sở
Cũng như ở bậc Tiểu học, âm nhạc đã được đưa vào chính thức, trở thành một trong những môn văn hóa, mỗi tuần một tiết trải đều trong năm, có tổ chức kiểm tra, chấm điểm.
- Đối với cấp Trung học phổ thông
Ở cấp học này, âm nhạc là chương trình ngoại khóa được tổ chức nhân dịp kỉ niệm những ngày đại lễ trong cả nước, những ngày lễ của nhà trường, những dịp phát động thi đua… với hình thức tự phát.
3. Một số vấn đề về giáo trình đưa dân ca vào trường học
a. Cấp Trung học cơ sở
- Qua Bộ giáo trình âm nhạc cho giáo viên và sách cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, chúng tôi thấy: cơ bản là khá hoàn chỉnh, có nội dung tốt, hình thức đẹp, được học trong 123 tiết (123 tuần).
+ Lớp 6,7,8: mỗi lớp gồm 8 bài (35 tiết)
+ Lớp 9: Chỉ học 1 kỳ, gồm 4 bài (18 tiết)
- Gồm có 4 nội dung: Học hát, Tập đọc nhạc, Nhạc lí và Âm nhạc Thường thức ngoài ra còn một số tiết dành cho ôn tập và kiểm tra.
Bộ giáo trình được nhạc sĩ Hoàng Long là Tổng chủ biên kiêm chủ biên phần âm nhạc, cùng tham gia là Nhạc sĩ Hoàng Lân, Nhạc sĩ Đào Ngọc Dung, Lê Minh Châu, Ngô Thị Nam…
+ Phần Nhạc lí: là chìa khóa để mở ra cánh cửa âm nhạc, được các Nhạc sĩ và các nhà sư phạm âm nhạc sắp xếp rất khoa học, phù hợp với từng cấp độ của các em.
+ Phần Tập đọc nhạc: Là những bài gam được sắp xếp vào những tiết tấu đơn giản, những bài hát có cấu trúc rõ ràng, cao độ, tiết tấu được xếp từ dễ đến khó.
+ Phần âm nhạc thường thức: Cho trẻ làm quen nhận dạng âm sắc, cấu tạo, nguồn gốc nhạc cụ dân tộc, thể loại giao hưởng hoặc tìm hiểu một số nhạc sĩ trong và ngoài nước, nguồn gốc một số làn điệu dân ca… Nhìn chung được đầu tư rất đúng mực, có tính hệ thống, khẳng định được vị trí môn học, nhận thức được vai trò âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện đặc biệt về mặt tư tưởng, tư duy của trẻ. Bên cạnh đó có những bài còn khô cứng, nhàm chán, không thu hút được sự chú ý của học sinh, hiệu quả chưa cao.
+ Phần Học hát: ở mảng này, các bài hát được tuyển chọn chủ yếu là ca khúc, chất liệu từ âm nhạc 7 âm châu Âu, phần nhiều là do các nhạc sĩ sáng tác, số còn lại phát triển từ dân ca. Âm nhạc ở đây có khúc thức, cấu trúc gọn gàng theo kiểu khí nhạc tức là có mô típ, có tiết nhạc, câu nhạc, có phách nhịp, hóa biểu… đề tài phong phú. Đây cũng là mặt mạnh của âm nhạc 7 âm (còn gọi là Tân nhạc). Mới ra đời (khoảng những năm 1930 của thế kỉ 20) nhưng đã khẳng định được vị thế của mình trong nền âm nhạc Việt Nam nếu không nói là đã chiếm ưu thế hẳn so với âm nhạc dân gian Việt Nam.
Chúng tôi thấy hiệu quả của phần Học hát là chưa cao, nếu không Học hát những bài này thì ở phần Tập đọc nhạc đã là những bài hát không cho lời vào mà thôi. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn xin được phép chọn lọc những làn điệu dân ca thật tiêu biểu, phổ biến, có tính đa dùng, mang đậm nét văn hóa xứ Nghệ, phù hợp với độ tuổi tiếp thu của các em để thay thế và dạy kèm vào những tiết âm nhạc học hát các ca khúc mới và một số tiết âm nhạc thường thức đã quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo như "Đề án - Thực hiện đưa dân ca vào trường học giai đoạn 2008 - 2015" của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ đã nghiên cứu và thực hành, cấp trung học cơ sở là:
Hát giặm: Giặm Đức Sơn, Giặm ru, Phụ tử tình thâm
Hò: Hò bơi thuyền, Hò trên sông, Hò giao duyên
Ví: Ví đò đưa, Ví trèo non, Ví đồng ruộng
Họ lai: Thập ân phụ mẫu, Giận mà thương
Một số trích đoạn về danh nhân: Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Mai Thúc Loan…
Nội dung lời ca: sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu, phù hợp với lứa tuổi học đường.
b. Cấp Trung học phổ thông
Ở cấp này các em đã có trí phán đoán, có lựa chọn riêng trong sự phát triển về bề sâu những khả năng sáng tạo hay thẩm mĩ của mình. Vì vậy, bắt đầu dạy cho các em thuộc những làn điệu cơ bản, hiểu được nguồn gốc, tính chất các làn điệu được ứng dụng vào cuộc sống lao động hàng ngày của ông cha ta xưa, qua đó thấy được cái thông minh, dí dỏm trong mỗi làn điệu, dẫn đến biết cảm thụ, thưởng thức và có thể các em là những người lồng điệu cho chính những làn điệu đó. Cần nhớ rằng mục đích của giáo dục âm nhạc không phải là nhồi nhét nhiều kiến thức theo kiểu nhồi sọ mà phải tạo cho các em tinh thần sáng tạo và biết thưởng thức cái đẹp trong âm nhạc dân gian.
Hàng năm, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ kết hợp cùng nhà trường tổ chức tập huấn, tổ chức các đợt biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ cho việc giảng dạy (ngoại khóa) với chương trình là những trích đoạn về danh nhân, hoạt ca cảnh trong những tác phẩm văn học, gần gũi với kiến thức các em đang học. Có thể tổ chức thi hát, tìm hiểu và diễn dân ca trong trường, các trường với nhau để phát huy tính sáng tạo, giáo dục cảm thụ thẩm mĩ nghệ thuật. Nếu làm được như vậy, chúng tôi tin chắc rằng bộ môn dân ca nói riêng và văn hóa dân gian nói chung sẽ được bảo tồn và phát triển.
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi địa phương, mỗi vùng miền cần phải có bản sắc. Những làn điệu dân ca khác nhau, mang những màu sắc khác nhau như dân ca Bắc bộ, dân ca Quan họ Bắc Ninh, dân ca Thừa Thiên Huế, và dân ca xứ Nghệ… là một phần tạo nên bản sắc đó. Trên thế giới, các chính khách, các khách du lịch, các du học sinh… muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam trước hết là thông qua văn hóa âm nhạc mà đó là mảng âm nhạc dân gian, sau đó mới đến văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch… Trên thực trạng như thế, chúng ta không thể để những làn điệu dân ca, đặc biệt là dân ca xứ Nghệ, những sản phẩm bằng âm nhạc, nghệ thuật tinh tế, là sự chắt chiu kết quả của hàng nghìn thế hệ, của những con người lao động một nắng hai sương sẽ dần bị mai một. Trách nhiệm từ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lí, các nhà khoa học cùng với anh chị em nghệ sĩ, mọi tầng lớp nhân dân… cần phải đánh thức được sự yêu thích các làn điệu dân ca với các em từ thụ động sang có ý thức, trách nhiệm, có nhận thức đúng đắn hơn với vốn âm nhạc dân gian của cha ông để lại.
Vì ý nghĩa to lớn của Di sản Hò, Ví, Giặm, rất mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện hơn nữa để Hò, Ví, Giặm không những được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà còn được trường tồn mãi mãi với thời gian.
Những năm gần đây, đa số thanh niên tìm đến những dòng nhạc mang phong cách hiphop, rock, dance... Nhưng số người cổ vũ cho những sáng tác mang âm hưởng dân gian, bắt nguồn từ giai điệu truyền thống vẫn không ngừng tăng lên. (Như chương trình "Đường xa vạn dặm" của nhạc sĩ Quốc Trung lấy từ điển tích "Người con gái Nam Xương"). Những ca khúc được xây dựng trên chất liệu âm nhạc dân gian của nhạc sĩ Lê Minh Sơn như "Bên bờ ao nhà mình", "Chuồn chuồn ớt"..., Nguyễn Vĩnh Tiến như "Bà tôi"... đã để lại dấu ấn trong dòng nhạc trẻ nước nhà. Những ca khúc được tôn vinh trong chương trình "Bài hát Việt'', phần nhiều là những bài hát lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian như "Con Cò", "Giếng làng", "Độc huyền cầm"… hay những giọng ca mang đậm chất dân gian chiếm một vị trí nhất định trong lòng khán giả yêu nhạc Việt như NSND Thu Hiền, ca sĩ Anh Thơ… Tất cả những điều đó khẳng định rằng những sáng tác bám sát nền tảng dân ca, dân nhạc sẽ làm tôn vinh bản sắc dân tộc trong nền văn hoá lâu đời của người Việt Nam. Như nhà văn Nguyễn Minh Châu nói: "Đi hết tận cùng Dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại". Đi tận cùng dân ca, dân nhạc, đi tận cùng tâm hồn Việt Nam chúng ta sẽ gặp thế giới trong cuộc hội nhập ở thế kỉ này.
N.T.K.