Đất Nghệ

Nghệ Tĩnh trong tư trào duy tân đầu thế kỷ XX

1. Sự xuất hiện của một "thực thể lạ" - thực dân Pháp - trong môi trường xã hội cổ truyền Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đương nhiên tạo ra những phản ứng. Mục đích thiết định thể chế cai trị thực dân, khai phá thuộc địa đối diện với truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ; phương Đông đối mặt phương Tây (bao gồm phương thức sản xuất, hệ tư tưởng, văn minh văn hóa...); tính chất vùng khép kín bị xu thế thực dân hóa toàn cầu thách thức... Trong vòng nửa thế kỷ, tính từ khi người Pháp chính thức tấn công Việt Nam, 1858, cho đến những năm áp chót của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - khi công cuộc bình định toàn Việt Nam về cơ bản kết thúc - những phản ứng này diễn ra liên tục, ở các vùng miền với quy mô, mức độ, tính chất khác nhau.

Nhìn từ chính sách can thiệp thực dân của Pháp, có thể thấy, những năm 1858-1897 là giai đoạn thực dân Pháp tìm mọi cách bình định thành công và hình thành một Đông Dương thuộc Pháp, còn giai đoạn tiếp theo (1897-1930/1931) là khoảng thời gian vận hành Liên minh Pháp - Đông Dương, thời kỳ hợp tác Pháp - Việt "yên ả", đây cũng là lúc Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa (1897-1914, 1919-1929) gần như liên tiếp nếu không xảy ra đại chiến thế giới thứ nhất. Tương ứng với sự thay đổi chính sách thực dân này, phản ứng của người Việt Nam cũng được điều chỉnh. Từ quyết liệt đối đầu quân sự, đánh giặc đến cùng – như một phản ứng đương nhiên bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chỗ buộc phải chấp nhận số phận thuộc địa, và học theo mẫu quốc ở một số phương diện(1): “…quân xâm lược Pháp nhá gặm dần dần hết đất nước Đại Việt; từ Lục tỉnh ra Bắc kỳ, vào Trung kỳ; các cuộc bàn cãi trong triều đình: đánh hay hòa? Cầu cứu với Hồng mao, với Phổ-lỗ-sỹ, hay chỉ dựa vào “thiên triều” Mãn Thanh? Biến pháp duy tân theo lối Nhật Bản, hay bảo vệ lấy Khổng giáo? Sửa đổi học thuật hay giữ lấy nếp học khoa cử ?... Nhưng chung quy chỉ là bàn cãi suông. Nói như câu sử Tàu ngày xưa: “Nghị luận vị dĩ, tặc dĩ độ hà” - bàn bạc chưa ngã ngũ thì giặc đã qua sông !”(2). Tuy nhiên, trong thực tế, những phương thức phản ứng từ phía Việt Nam đối với can thiệp bên ngoài không tuần tự thay đổi và cũng không đơn giản chỉ là thế, khiến cho tình thế luôn ở trạng thái cực kỳ phức tạp. Đối kháng ngoại xâm - dân tộc chuyển thành những đối kháng nội tại trong lòng dân tộc(3), và đặc biệt là các giải pháp hay lý lẽ mà mỗi bên đưa ra để biện giải cho hành xử của mình về căn bản đều là những lựa chọn trong tình thế không tự chủ động, nên thường méo mó và chỉ mang tính ứng phó. Nói cách khác, trong tình thế bị thực dân hóa, mọi giải pháp đưa ra đều gần như hoặc méo mó hoặc thiếu hoàn chỉnh và không giải quyết triệt để đồng thời các nhu cầu mà lịch sử đặt ra. Mặt khác, không giống với lịch sử đối kháng với sự can thiệp phương Bắc dai dẳng trước đó, mâu thuẫn vị dân tộc - phản dân tộc thời kỳ này còn được nhìn nhận cả từ những góc độ khác: mâu thuẫn giữa cái nội tại - ngoại lai, lạc hậu - tiến hóa (cái cũ - mới, hay hủ lậu - văn minh).

2. Giáp mặt thực dân Pháp, người Việt Nam gần như tức thì dụng binh đáp trả. Khởi đầu là Nam kỳ với hàng loạt khởi nghĩa..., tiêu biểu là những cuộc nổi dậy do Trương Công Định, Phan Tòng... lãnh đạo. Các vị thủ lĩnh kháng chiến này đã đi vào lịch sử như một biểu tượng đẹp "làm người trung nghĩa đáng bia son, đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn". Khi 6 tỉnh Nam kỳ mất hẳn vào tay Pháp, năm 1867, công cuộc bình định thực dân chuyển dần ra Trung kỳ và Bắc kỳ thì những phản ứng tương tự cũng lần lượt xuất hiện tại các vùng đất này. Nổi bật là phong trào Cần vương.

Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, trong vòng 10 năm (1885 - 1895), các cuộc ứng nghĩa đã liên tục xảy ra, như: Nghĩa Hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu; Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh, 1885-1895) của Phan Đình Phùng và Cao Thắng; Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An; Ba Đình (1886 -1887) của Đinh Công Tráng, Phạm Bành ở Nga Sơn, Thanh Hóa; Mai Xuân Thưởng ở Bình Định; khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886 - 1892) của Tống Duy Tân ở Bá Thước và Quảng Xương, Thanh Hóa; Bãi Sậy (1885 - 1889) của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên; Phong trào kháng chiến ở Thái Bình - Nam Định của Tạ Quang Hiện và Phạm Huy Quang; khởi nghĩa Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích ở Phú Thọ và Yên Bái; khởi nghĩa Sông Đà (1885 - 1892) của Đốc Ngữ (Nguyễn Đức Ngữ) ở Hòa Bình... Tuy nhiên, có thể coi phong trào Cần Vương đã tan rã hoàn toàn sau cái chết của Phan Đình Phùng (năm 1896), vị thủ lĩnh “nhung trường phụng mệnh thập canh đông” tại Hà Tĩnh. Phản ứng theo lối bạo lực còn tiếp tục với cuộc khởi nghĩa Yên Thế gần 30 năm (1885-1913) của Hoàng Hoa Thám (1858-1913), song đây cũng là đợt sóng cuối cùng của hình thức nổi dậy phi chính đảng rất mực quả cảm nhưng tuyệt vọng và bi kịch: "Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau; Son mực đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách; ngao ngán nhẽ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng"(4). Điểm tựa của nghĩa khí đó chính là hệ tư tưởng nho giáo - một hệ thống giáo dục tư tưởng đạo lý nhấn mạnh lòng trung nghĩa đã sản sinh ra nhiều thế hệ người Việt “kính cẩn thực hiện tín điều "sát thân thành nhân", ‘thung dung tựu nghĩa’...”, và đến thời điểm này “tuy thất bại hoàn toàn trên phương diện chiến đấu, nhưng lại thành công trên chính một điểm làm cho lịch sử giật mình: Lãnh tụ lớn nhỏ của phong trào Văn Thân, Cần Vương dám đi vào cõi chết như tìm về thánh địa”(5).

Là vùng đất phên dậu của cựu triều, vùng biên tranh chấp của vua chúa gần suốt 200 năm, trước khi thành “vùng ven” của tân triều với kinh đô mới đặt tại Thuận Hóa… có lẽ vị trí địa lịch sử đặc biệt ấy đã khiến cho toàn bộ miền Nghệ An Hà Tĩnh vào khoảng thời gian này trở thành miền đất ứng nghĩa Cần vương sớm nhất và nhiệt huyết nhất, và cũng thành vùng chiến sự dai dẳng, gay cấn nhất trong cuộc đối đầu với lực lượng quân sự Pháp. Đồng thời, trong cuộc đàn áp thẳng tay của thực dân đối với lực lượng kháng chiến ở cả ba miền, Nghệ Tĩnh đương nhiên cũng phải gánh chịu những khủng bố gắt gao nhất. Sự trả thù tàn nhẫn và hèn hạ mà Nguyễn Thân dành cho Phan Đình Phùng sau khi ông qua đời có thể coi là một minh chứng cho thái độ quyết liệt đó của thực dân Pháp.  

Đã có nhiều cách nhìn nhận nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương (bao gồm cả phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh)(6), trong đó tính chất địa phương, sự lạc hậu của hệ thống kinh tế, tổ chức xã hội, và trong sâu xa là lạc hậu về hệ tư tưởng… được coi là những căn nguyên chính dẫn đến sự thua thiệt của Việt Nam trong cuộc đối đầu quân sự với thực dân.   

3. Như trên đã nói, giai đoạn thứ hai (1897-1930/1931), được coi là khoảng thời gian tương đối an bình cho chính quyền thực dân. Viên toàn quyền đầu tiên của thể chế dân sự tại Đông Dương - Paul Dumer - đã coi việc "từ năm 1897 đến nay không hề có một tên lính Pháp nào chết vì trận mạc ở Đông Dương"(7) là một thành tích đáng tự hào của mình trong bản báo cáo "Tình hình Đông Dương (1897-1901)" khi kết thúc nhiệm kỳ làm việc. Và mấy năm ngắn ngủi, 1897-1902, là lúc bắt đầu quá trình dân sự hóa bộ máy cai trị của Pháp. Bởi những cuộc nổi dậy/khởi nghĩa vũ trang của dân chúng và Văn thân đều đã bị dập tắt. Tuy nhiên, lòng ái quốc, sau một thời gian âm ỉ, lại bùng lên theo một kiểu thức mới: kêu gọi canh tân tinh thần, xã hội để phục quốc, đưa nước nhà thoát khỏi cảnh lệ thuộc, theo kịp văn minh thế giới. Đó là các phong trào Đông du, Duy tân hoạt động có tổ chức có cương lĩnh theo hơi hướng tư sản. Chuyển sang hình thức đối kháng mới phi vũ trang theo hình thức vận động, kêu gọi bằng sáng tác văn thơ tuyên truyền, các phong trào yêu nước (do các chí sĩ duy tân “tự nhiệm”(8)) này cũng mang hai sắc thái đối lập nhau, dù mục đích là như nhất “tương phản nhi tương thành”: minh xã - ám xã, ỷ Pháp - ỷ Nhật, bạo động - bất bạo động..., trong đó Đông du thuộc vế đầu, còn Duy tân (bao gồm cả hoạt động của phong trào cắt tóc xin sưu Trung kỳ, Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội và Minh tân Nam kỳ) theo đường hướng sau. 

"Phạm vi hoạt động của phong trào Duy tân rất rộng; ngoài các lớp học Quốc ngữ, chữ Pháp, các hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết công cộng: nhất là những bài ca, bài vè được phổ biến rất rộng trong quần chúng thiếu học ở nông thôn. Những cơ cở văn hóa ấy được tổ chức rải rác ở các miền quê Quảng Nam và một số tỉnh khác ở Trung Kỳ..."(9). Còn kêu gọi phế bỏ khoa cử, cổ động học và dùng chữ quốc ngữ, học tân học, đề cao tư tưởng dân (dân quyền, dân chủ), lập hội, trường là những hình thức phổ biến ở Bắc kỳ, Trung kỳ và cả vùng đất thực dân trực trị là Nam kỳ. Như ngôi trường mô phỏng Khánh Ứng nghĩa thục Nhật Bản là Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội; Triêu Dương thư điếm, Triêu Dương thương điếm ở Nghệ Tĩnh; trường Dục Thanh, công ty nước mắm Liên Thành ở Phan Thiết; hội Minh tân tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ...

Như vậy, bước vào một giai đoạn mới của lịch sử, Nghệ An, Hà Tĩnh lại trở thành những ôđịa chỉ đỏ, với hàng loạt tên tuổi, như: Đặng Nguyên Cẩn (1867-1923, Ngô Đức Kế (1878-1929), Lê Văn Huân (1875-1929)(10), Đặng Thúc Hứa, Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), Đặng Văn Bá (1877-1942), Trần Đình Phiên (1883-1949)(11), Nguyễn Hữu Hoàn (1887-1953, thân sinh Nguyễn Ngu Í)(12).  

Trong thực tế, như các nhà nghiên cứu đã nhận định "Duy tân ở Thanh Nghệ lẽ tất nhiên cũng rất mạnh như truyền thống đấu tranh của khu vực ấy"(13), hay các sử gia của phong trào này đã ghi lại "Đến phong trào Tân học cải cách cùng Đông học cán dùi trống một nhịp với nhau, dân Nghệ Tĩnh hò reo như gió đưa diều" (Huỳnh Thúc Kháng. Vụ kháng thuế). Nhìn từ đội ngũ lãnh đạo phong trào, Nghệ Tĩnh góp hai gương mặt tiêu biểu: Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế "Phong triều tân học ở Nghệ Tĩnh, cụ [Đặng Nguyên Cẩn – T.H.Y.] cùng cụ Ngô Tập Xuyên [Ngô Đức Kế - T.H.Y.] đề xướng, mà cụ chuyên về mặt giáo dục, thường tự sánh với Phúc Trạch Dụ Cát... Bọn học trò cụ ở Nghệ Tĩnh, nhiều người xuất sắc, trong đám tân học như Ngư Hải (Đặng Thái Thân), Tùng Nham (Nguyễn Văn Ngôn) đều là học trò cao túc của cụ..." (Huỳnh Thúc Kháng. Thi tù tùng thoại). Họ chủ trương "tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể", và Phan Bội Châu cũng "cực lực tán thành. Đến ngày sau Triêu Dương thương quán và nông hội học hội ở mọi nơi lần lượt sáng lập, thảy noi theo tôn chỉ đó" (Phan Bội Châu niên biểu). Tân thư tân văn cũng lan đến cả một số làng quê hẻo lánh, nhập tư tưởng canh tân vào "não trạng" của cả những nhà nho đa tư đa trí nhưng ít giao du, và không trực tiếp tham gia vào tư trào này nhưng lại để lại nhiều trước tác quảng bác đậm đặc tinh thần mới(14). Nói cách khác, Nghệ Tĩnh cũng nhập vào phong trào Duy tân sôi động và rộng rãi “ngoài Bắc, trong Nam cũng như ở Trung kỳ, nhiều đoàn thể đã được thành lập: hội học, hội buôn, hội cày. Ở Hà Nội và Sài Gòn các chí sĩ đã tổ chức những buổi diễn thuyết, trình bày tình hình thế giới, tình hình đất nước, giới thiệu lịch sử duy tân bên Nhật Bản. Noi gương Khánh Ứng nghĩa thục bên Tokyo, một vài nhà nho đã chuẩn bị mở trường Đông Kinh nghĩa thục. Nhà Hồng Tân Hưng, một hiệu buôn vừa công khai, nhằm “chấn hưng nội hóa” và đồng thời nhập khẩu sách “tân thư” để thỏa mãn yêu cầu của lớp thanh niên”(15).

Thế nhưng Nghệ Tĩnh, trong hai giai đoạn liên tiếp nhau của lịch sử cận đại, đều dự phần vào những mô hình phản ứng chung của cả dân tộc trước sự can thiệp của bên ngoài, nhưng mức độ có khác biệt. Nếu phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX có thể lấy Nghệ Tĩnh làm căn cứ vững chãi nhất của mình thì công cuộc canh tân đầu thế kỷ XX lại có lương duyên với một vùng đất khác: Quảng Nam. Ngay cả Huế cũng là nơi Duy tân có phần đa diện hơn. “Phong trào Duy tân thuần túy và thô sơ không có mục đích nào khác hơn là khai thác nhiều ruộng đất, nhất là hoang địa vùng rừng núi để khẩn hoang đất nước và làm giàu... vì ngoài rừng núi hoang vu, không có những cơ sở sản xuất hay thương mại lớn lao nào, hoặc có tương lai nào. Ngoài ra... nơi nào có khuếch trương phong trào Duy tân thì bên cạnh hội thương cũng đều có những công cuộc khai thác nhàn điền”. Hoạt động này khá phổ biến ở Quảng Nam, Hà Nội, Huế(16), nhưng Nghệ Tĩnh thì gần như không.

Không chỉ thế, như một số nhà sử học đã nhận xét trên những dẫn liệu lịch sử và thực tế: đầu thế kỷ XX, tại Nghệ Tĩnh đã cùng tồn tại hai phái Quang Phục và Duy tân, hai khuynh hướng hoạt động Minh xã và Ám xã, và là nơi duy nhất có sự liên thông giữa hai xu hướng cách mạng này(17). Thậm chí, “Ở Nghệ Tĩnh, một số thanh niên, thanh nữ chuyền tay nhau đọc văn thơ Phan Bội Châu, tham gia hoạt động hội Duy tân, góp tiền mua súng, chuẩn bị bạo động, liên lạc với lớp tiền bối trong phong trào Cần vương lâu nay còn lẩn lút “thất cước”… câu chuyện đánh Tây giành lại đất nước trở thành một bí mật công khai(18) và ngay trong thư điếm cũng "ham bàn cách mạng" hơn là nghĩ kế sách canh cải (Phan Bội Châu niên biểu) (T.H.Y. nhấn mạnh). Như vậy, sự đồng hiện cả chủ trương thiết huyết và ôn hòa, trong đó thiết huyết vẫn là điểm nhấn trong nhiều hoạt động Duy tân, chính là nét riêng của phong trào Duy tân vùng Nghệ Tĩnh. Và đây sẽ là nguyên nhân khiến công cuộc Duy tân ở đây bị thực dân Pháp chú ý trước tiên và khủng bố gay gắt, như đã từng xảy ra với phong trào Văn thân, Cần vương vừa trước đó.

Căn nguyên của hiện tượng đặc thù này, có thể xuất phát từ thực tế Nghệ Tĩnh vừa trải qua những đợt khủng bố quá gắt gao(19), lại ở nơi hẻo lánh thuận tiện cho những hoạt động bí mật, cho việc khơi dậy kháng cự vũ khí hơn là kiểu vận động công khai hướng vào kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoặc do không ở vùng trung tâm giao lưu văn hóa, như Huế, Hội An, hay Hà Nội có thể tiếp cận dễ dàng và sâu rộng hơn các nguồn tân văn tân thư - chất kích hoạt cho tinh thần canh tân, dễ dàng tụ hội trao đổi tìm đồng chí… nên các hoạt động Duy tân của Nghệ An, Hà Tĩnh không chỉ mờ nhạt hơn, ngắn ngủi hơn, lực lượng cũng yếu ớt hơn mà còn luôn bị đẩy theo chiều hướng "kịch liệt". Nhưng cũng có thể nhìn thấy một nguyên nhân khác ở “thuộc tính vùng” của chính những con người quần cư ở đây. Quan sát Phan Bội Châu trên cùng những phản ứng, hoạt động như Phan Châu Trinh có thể tìm thấy những gợi ý, lý giải nhất định. Đều được coi là thủ lĩnh của phong trào yêu nước Duy tân, yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX, cùng đi ra từ những cuộc ứng nghĩa Cần vương bất thành (Phan Bội Châu sinh ra giữa những năm tháng Văn thân Nghệ Tĩnh sôi động theo tiếng gọi của hịch Cần vương. Tương tự, Phan Châu Trinh theo cha sống hai năm giữa vùng căn cứ của Nghĩa Hội Quảng Nam). Cùng không hài lòng với phương thức chống giặc cũ và cùng nuôi chí tìm đường cứu vong cứu bần cho dân tộc (cả Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều từng đến căn cứ Yên Thế của Đề Thám để quan sát, đều ghé qua Huế để được khai tâm bằng tân văn tân thư, đều Nam du mong hiểu thêm nội tình đất nước…). Và cuối cùng đều chỉ nhận ra có duy tân mới cứu được đất nước. Trong Phan Bội Châu niên biểu hay còn gọi là Tự phán, Phan Bội Châu đã nói những lời gan ruột đúc rút từ những kinh nghiệm xương máu của mấy mươi năm bôn ba lao khổ của mình, rằng: “Chúng ta nên trông bánh xe đã đổ trước, thay đổi con đường thất bại, tìm kiếm con đường thành công, kiếm cái sống trong trăm ngàn cái chết...”(20). Phan Châu Trinh cũng vậy: ông “trông bánh xe đổ” Cần vương, dõi thất bại của biến pháp Mậu Tuất, của Nghĩa hòa đoàn Trung Hoa… Nhưng chỗ khác nhau là giải pháp, đáp án mà họ đưa ra. Phan Châu Trinh “kiếm con đường thành công” ở cuộc Duy tân Minh Trị Nhật Bản: “Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “chi bằng học”, với chủ trương: “cùng với nhân chí sĩ kỳ thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp tác, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tay sao mà chẳng vỗ nên bộp” theo hướng “ỷ Pháp cầu tiến bộ”:

Ước chánh trị càng ngày rộng rãi,
Dắt ta theo vào cõi văn minh.
Hiến chương pháp luật ban hành,
Nói năng nghĩ ngợi thỏa tình tự do.
...
                              (Tỉnh quốc hồn ca, II)
thì Phan Bội Châu nhưng lại chủ trương “rửa nhục báo thù” một cách quyết liệt:
Mưu sao kéo lại giống vàng
Uống say máu giặc, ăn tương thịt thù.
                                         (Ái chủng)
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa,
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ.
                      (Bài ca chúc Tết thanh niên)
Ông dồn tâm huyết cho những trang văn chương cổ động cuồn cuộn tinh thần “thiết huyết”: Lưu Cầu huyết lệ tân thư, Hải ngoại huyết thư (H.Y. nhấn mạnh), và ông được coi “ngôi sao dẫn đường của thơ ca yêu nước cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX” cũng bởi tinh thần và nội dung đó. Đương nhiên, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Phan Bội Châu không phải không tán thành hoạt động cụ thể của phong trào Duy tân, chủ trương dân chủ mà Phan Châu Trinh đưa ra, và nhận thức của ông đã thay đổi qua từng giai đoạn hoạt động cách mạng. Nhưng điểm nhấn, giải pháp của Phan Bội Châu trong khoảng thời gian phong trào Duy tân đang rầm rộ trong cả nước (những năm 1903-1908) lại là đấu tranh vũ trang. "Phong trào bề ngoài có vẻ thuần túy cải lương và tôn trọng khuôn khổ hợp pháp [chỉ phong trào Duy tân tại Quảng Nam do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp - H.Y] này hình như có vẻ cách xa những quan tâm của Phan Bội Châu. Ngay từ khi bước vào hành động, ông ta chỉ có một ý nghĩ trong đầu: nổi dậy"(21). Cũng do chỗ Phan Bội Châu là biểu trưng của cốt cách một vùng văn hóa, một không gian hành xử rất đặc thù, nên ảnh hưởng của ông cũng cực kỳ mạnh mẽ và lâu dài đối với cư dân vùng đất này khi mà các điều kiện kinh tế, giao thông, giao lưu còn ở mức khá hạn chế như Việt Nam thuộc địa đầu thế kỷ XX. Tinh thần “thiết huyết” vì thế sẽ dễ dàng “đột thai” trở lại trong Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hai thập kỷ sau, một phong trào tiêu biểu của cách mạng vô sản:
Kìa Nghệ Tĩnh đùng đùng tranh đấu,
Gương đòi quyền rọi thấu Bắc Nam.
Muốn cho bẻ khóa, phá dàm,
Dầu hiểm trở cũng cam liều với chúng...
       (Trần Toại. "Hưởng ứng Nghệ Tĩnh". 1930)
Mắt rõ lợi quyền, gan phấn đấu,
Lòng tin chủ nghĩa, xác hy sinh.
Dã man khủng bố bao nhiêu trận,
Bồi đắp công nông vững mấy thành.
Cờ đỏ nhuốm thêm màu máu đỏ,
Làm cho thống trị phải kinh hồn.
 (Khuyết danh. "Khóc dân Nghệ Tĩnh biểu tình bị đế quốc tàn sát năm 1930")
Hàng loạt chủ đề quen thuộc của thơ văn cổ động theo tinh thần của Phan Bội Châu sẽ "sống lại" mạnh mẽ trong thơ ca tuyên truyền cách mạng những năm đầu 1930: Em khuyên chị, Chị khuyên em, Cổ động phụ nữ, Cổ động công nhân, Cổ động dân cày, Ca cổ động binh lính, Ca nông vận, Vận động thanh niên, Bản đồ Việt Nam, Bài ca đoàn kết,... Huyết lệ xối tuôn vì "thảm trạng vong quốc" được cải biến thành những chủ trương “Địa chủ phú hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, bởi: 
Phải biết anh em theo cộng sản
Lòng son hun đúc tự bao giờ
                                (Nguyễn Văn Hoan)(22)
- nói khác đi, lúc này thiết huyết có thay đổi về nội dung nhưng tinh thần thì gần như vẫn bất biến !
TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Hồi ký Đặng Thai Mai. 1985. Nxb Tác phẩm mới. Hà Nội.
2. Hồi ký Trần Huy Liệu. 1991. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
3. Hồ Phi Huyền. 2004. Nhân đạo quyền hành. Đạm Trai văn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
4. Chương Thâu. 1982. Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX. Nxb Hà Nội.
5. Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. 1997. Nxb Văn hóa. Hà Nội.
6. 100 năm Đông Kinh nghĩa thục. 2008. Nxb Tri Thức.
7. Nguyễn Q. Thắng. 2006. Phong trào Duy tân với các khuôn mặt tiêu biểu. Nxb Văn hóa Đông Tây.
8. Nguyễn Văn Xuân. 1995. Phong trào Duy tân. Nxb Đà Nẵng.
9. Sơn Nam. 2004. Phong trào Duy tân ở Bắc Trung Nam. Miền Nam đầu thế kỷ XX-Thiên địa hội và cuộc Minh Tân. Nxb Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.
10. Ngô Đức Kế cuộc đời và tác phẩm. 2008. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh xb.
11. Phan Bội Châu niên biểu. 1957. Nxb Văn Sử Địa. Hà Nội.
12. Boudarel G. 1998. Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông. Nxb Văn hóa Thông tin
13. Đại Nam Đồng văn nhật báo
 
 
--------------------------
(1) Trương Bửu Lâm.
---1967. Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention : 1858-1900. Yale University, USA.
---2000. Colonialism Experienced: Vietnamese Writings on Colonialism, 1900-1931. University of Michigan, USA.
(2) Hồi ký Đặng Thai Mai. 1985. Nxb Tác phẩm mới. Hà Nội. Tr.55.
(3) Bên cạnh sự xuất hiện thường xuyên những cặp nhân vật, vấn đề đối kháng nhau: Phan Văn Trị (1830-1910) >< Tôn Thọ Tường (1822-1877); Tống Duy Tân >< Cao Ngọc Lễ ; Phan Đình Phùng >< Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải; đầu hàng >< không đầu hàng, chủ chiến >< chủ hòa, thủ cựu >< duy tân, bất hợp tác >< hợp tác…
(4) Nguyên văn đôi câu đối: Phan Đình Phùng của Văn thân Nghệ Tĩnh:
“Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thủy chung; Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng; Khả hận giả thùy điên đại hạ, nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thùy nhân bất tác thâm sơn oán; Huống đương nhật long phi vân ám; cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiên nhung mã;
Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thủy, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ; Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu; Vị hà tai hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử lời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ, độc thử tùng mai khí tiết nhất tử tinh thần quán Đẩu Ngưu”.
(Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau; Son mực đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách; ngao ngán nhẽ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Và bây giờ rồng bay mây ám, xót xa việc thế không lường; Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc.
Trời đất xưa nay thế mãi, đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phường tuấn kiệt; Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay! Đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao).
    (Bản dịch của Nguyễn Q. Thắng, và Nguyễn Bá Thế)
(5) Nguyễn Văn Xuân. 1995. Phong trào Duy tân. Nxb Đà Nẵng. Tr.14.
(6) Như học giả Đào Duy Anh trong Lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến thế kỷ XIX, Nguyễn Thế Anh với Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn, các tác giả của nhiều bộ lịch sử Việt Nam thời cận đại khác... ; hay Yoshiharu Tsuboi qua tư liệu lịch sử Việt Nam, tư liệu lưu trữ trong các thư khố Pháp Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993...
(7) Dẫn theo Đặng Thai Mai. 1974. Văn thơ Cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1925). Nxb Văn học. Tr.15.
(8) Chữ dùng của Trần Đình Hượu trong Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930. 1996. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
(9) Nguyễn Q. Thắng. 2006. Phong trào Duy tân với các khuôn mặt tiêu biểu. Nxb Văn hóa Đông Tây. Tr.52.
(10) Là 3 người sáng lập Triêu Dương thương điếm ở Vinh.
(11) Đồng sáng lập báo Tiếng Dân với Huỳnh Thúc Kháng ở Huế.
(12) Quê Hà Tĩnh nhưng tham gia các hoạt động Duy tân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
(13) Nguyễn Văn Xuân. Sđd. Tr.212.
(14) Xin xem Hồ Phi Huyền. 2004. Nhân đạo quyền hành. Đạm Trai văn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
(15) Hồi ký. Sđd. Tr.65-66.
(16) Nguyễn Văn Xuân. Sđd. Tr.18.
(17) Nguyễn Văn Xuân. Sđd. Tr.219.
(18) Nt. Tr.67.
(19) Trong Hồi ký…, Đặng Thai Mai có ghi lại không khí làng Lương Điền - một miền quê hẻo lánh của Nghệ Tĩnh trong thời kỳ bố ráp liên miên của thực dân như sau: “Hồi ông Đề Thăng đóng đồn trong chân núi đại ngàn để chống Pháp, làng này có ngày đã thành một chiến trường. Lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một tên quan một, quan hai về đóng ngay phía ngoài, và làng phải cung cấp gà lợn để nuôi chúng. Sau đó nhiều năm, làng này vẫn được ghi trên bản đồ hành chính của tỉnh là một địa điểm “nhặm” ! Quan lại người Nam, người Pháp thay nhau về, hiểu thị, đe dọa. Lính tráng luôn luôn đi qua về lại, để tuần phòng bắt bớ…”. Tr.114.
(20) Phan Bội Châu niên biểu. 1957. “Tựa”, tr.20, Nhà xuất bản Văn Sử Địa. Hà Nội.
(21) G. Boudarel. 1998. Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Tr.48.
(22) Thơ ca cách mạng 1925-1945. 1973. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. Tr.111-266.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511415

Hôm nay

278

Hôm qua

2336

Tuần này

21789

Tháng này

218288

Tháng qua

121356

Tất cả

114511415