Quê mình, có tật nói lái, kiểu nói lái của người miền Trung. Nhiều khi, dở khóc dở cười vì nói lái, thế mà không làm sao cấm được.
Dạo trước, trường cấp 3 Hương Sơn có thầy Đôn làm hiệu phó, thầy Lịch làm bí thư chi bộ. Thỉnh thoảng lại có người gọi ơi ới: “Thầy Lịch gọi thầy Đôn”, rồi “Thầy Đôn mời thầy Lịch”. Sau lần bị hai thầy mắng cho một trận, không ai dám trêu “Đôn- Lịch” nữa.
Nhưng tự nhiên, hai thầy Đôn Lịch lánh mặt nhau. Sau đó mấy năm, thầy Lịch xin chuyển về làm hiệu phó trường Cao Thắng.
Thầy Đạt (dạy hóa) và cô Phú (kế toán) thì chịu trêu hơn. Ai kêu “Đạt Phú” thì thầy nói ngay: “Đạt Phú đây, muốn hỏi chi?”. Sau khi cô Phú nghỉ hưu, thầy Đạt trúng đậm quả buôn đất, mọi người lại bảo “ Thầy Đạt triệu phú”. Ai nghe cũng thất kinh.
Năm ngoái cô giáo Tống Tú chuyển từ LHT2 về. Có thầy giáo vừa gặp Tú đã dặn: “Em đến lớp, thì nhớ đi thẳng, đừng đợi ai nhé”. Tú ngạc nhiên, thì thầy đó giải thích: “Ai cũng thích em đợi, nhưng ở trong trường, nên sợ mang tiếng là “Tú đợi”.
Thầy Hậu lại được chuyển từ Đức Thọ về, với lời giới thiệu của Sở: “Cây toán chủ công của Đức Thọ”. Các cô trêu ngay: “Về đây nhớ “chủ công” thường xuyên nha!”
Có lần, sau buổi chào cờ, học sinh lớp trực quên thu dọn bàn ghế. Cô H. chủ nhiệm lớp, mắng xôi xổi: “Tự giác làm chơ, khi mô cũng đợi cô nhủ!”
Các thầy bò lăn ra cười. Xưa nay, thầy cô tếu táo nói lái với nhau, kị để học trò nghe. Nay cô H. vì giận mắng học trò, mà vô tình thành ra lái một quả“hay” quá. Học trò đang sợ xanh mặt, thấy các thầy cười, chúng hiểu ra ngay. Có đứa ba trợn: “Bọn em không dám “đợi cô nhủ” đâu !”.
Học trò học bài thì nhác, học kiểu nói tào lao thì mau lắm. Mà kĩ năng nói lái của chúng, có khi còn gấp mấy thầy cô. Khổ nhất cho thầy, khi bị chúng “vận dụng” vào tiết học.
Đến bài“Tụ điện” trong vật lý, thế nào cũng có đứa khúc khích trêu chọc, rồi đến bài“Lai giống” trong môn sinh vật, thế nào cũng rúc ra rúc rích. Trên lớp, thầy luôn phải tránh các từ "kỵ húy". Phải nói khác dấu, chứ không dùng "trái dấu", phải nói: Em làm nhầm dấu rồi, chứ không nói "Em sai dấu". Mất tiết toán, thì chỉ được học bù môn hình, chứ không được "Học bù môn đại".
Nhưng thầy"chạy trời không khỏi nắng", vì học trò nói lái rất sáng tạo. Thầy đang giảng về bọn phản động đang "âm mưu diễn biến hòa bình", thì có đứa bảo: “Bọn giặc cài”. Cô đang đọc thơ: “Sao ơi, em là con bướm trắng. Mắc giữa cành gai sắc dập vùi” thì có đứa lẩm bẩm: “Răng lại “mắc giữa cành” hè, vô lý!”. Cô giận quá, phạt đứng lớp, thì tiết sau cô vào đến cửa, đã có đứa nói: “Đợi tý, đợi tý”.
Đúng là nhất quỷ, nhì ma.
Có lần ngồi quán Dũng Hiếu, mình nghe các vị cán bộ huyện nhà“trổ tài” nói lái. Có ông phàn nàn “Tui mắt kém lắm rồi, thấy “kính là đeo”, hễ “sờ là lộn”. Ông kia bảo:"Tui thì, “con còn ngu” lắm”, rồi ông ta quay sang kêu chủ quán: “Quán có “mọc đâm” không?”. Trời ạ, quán thịt dê làm gì có mọc đâm như quán thịt chó. Rồi có cô cán bộ tuổi sồn sồn ngồi cạnh, lại gọi quán: “Cho món xào cải giá”, (khiếp chưa! đòi “cải giá”), cô lại hỏi tiếp: “Có món môn Lào không?”. Chả là vùng mình, nhập toàn nông sản Lào, khoai môn Lào, bở hơn khoai môn bên Việt.
Nói lái ở quê mình trở thành tật. Có những đơn thuốc "nói lái" đã thành danh, nghe đâu của thầy Dương Thúc Tuy, kê thuốc chống nôn cho cô Na:
"Cồ khắc trộn với lá lồ khôn.
Tặc cốt phơi khô, nhúng lọ cồn.
Nu đạ giã rồi vắt lấy nước.
Sắc lên, đem uống, thế là nôn.".
Lại có bài thơ vịnh lụt Hương Sơn, không rõ của ai:
"Đượng Sú, Làng Cồn, nước chảy xuôi.
Đại su, nước cũng thế này thôi.
Nơi cao, tróc đất e cồn lở.
Chốn thấp lòng nôn, chỉ sợ trôi.
Chạn nước ngập rồi, lên nóc đứng.
Ruộng vườn băng cả, chỉ cồn lòi.
Nắng cực chán rồi, nay đại lụ.
Chỉ tội thôn làng chạy tróc đồi".
Lại có bài thơ trêu cô bán tơi, nghe nói của chí sĩ Nguyễn Xuân Ôn:
"Cô bán tơi ơi, đợi nhủ nì.
Nắng cực ra ni, bán mần chi.
Đem về thu đệm, màu tơi lại.
Đến mùa đại lụ, hẵng mang đi."
Thiên hạ có rất nhiều người ham nói lái. Trạng Quỳnh vất vả lội xuống ao bèo, chỉ để nói "Tôi đang đá bèo". Nữ sĩ họ Hồ cũng thích kiểu "Trái gió, cho nên phải lộn lèo". Các bậc tài danh còn thế, chả trách thầy trò trường mình. Nói lái chưa làm cho ai khóc, chỉ thấy làm cho lắm kẻ cười. Nhưng nghe “lái gió” nhiều và không đúng chỗ, có khi lại “tức đờ” người.
Các vị phụ huynh, thấy con cái không ôn bài, chỉ ôn chuyện nói lái, cáu lên chửi: “Lái chi, lái diếm!”, “Ôn chi, ôn lằn!”.
Thế mới hay, ngành giáo dục cần thêm một "Nói không" nữa, đó là "Nói không với lái gió"./.