Về sự kiện này, Trung ướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh bộ đội Trường Sơn hồi tưởng lại: “Đầu năm 1959 chúng tôi được Bác Hồ gọi lên và nói: Miền Nam đã đứng dậy. Miền Nam đang gọi, phải nhanh chóng đưa súng đạn vào cho bà con trong đó”[2]. Chấp hành chỉ thị của Bác, tháng 5-1959, đường Bắc- Nam xẻ dọc Trường Sơn được mở, đến tháng 7-1959, Tổng Quân uỷ ra quyết định tổ chức đường vận tải trên biển. Được sự quan tâm của Bác và Trung ương Đảng, công tác tổ chức, xây dựng, phát triển tuyến đường được tiến hành rất khẩn trương. Ngày 23-10-1961[3], Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) ra đời. Theo tiếng gọi của tiền tuyến miền Nam, ngày 11-10-1962, tàu gỗ gắn máy đầu tiên chở 30 tấn vũ khí của Đoàn 759 rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển, nhưng cuối cùng chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên mang theo niềm tin của Trung ương Đảng, Bác Hồ và toàn quân dân miền Bắc đã vào đến Cà Mau an toàn, bí mật. Đánh giá cao chiến công này, đồng thời để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759, Bác gửi điện biểu dương và căn dặn: “Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam- Bắc sớm sum họp một nhà”[4].
Cùng với Đoàn 759, trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khó, ác liệt, Đoàn 962 đã thực hiện nhiều chuyến vận chuyển thành công; nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đoàn được vinh dự gặp Bác Hồ. Ngày 3-9-1961, nghe tin Bác đến thăm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 ùa ra đón Bác. Ai cũng định nói câu này, ý nọ với Bác, nhưng khi Bác đến, không ai thốt lên lời, chỉ ôm Bác mà khóc. Bác khen: “Mấy chú thật như Christoph Colomb ngày xưa. Dũng cảm lắm! Khó khăn, vất vả lắm mới ra đến đây”[5]. Đồng chí Hồ Đức Thắng- Trưởng đoàn báo cáo với Bác tình hình cuộc đấu tranh chống Mỹ của đồng bào trong Nam và nhấn mạnh đến việc dùng bạo lực: “Phải có vũ khí thì mới chống lại được bọn xâm lược, mới chiến thắng được lũ chúng nó, bọn đế quốc tàn ác- nên chúng con phải vượt biển khơi ra đây xin Bác và Trung ương viện trợ vũ khí”[6]. Nghe đến đó, Bác liền quay lại đồng chí Hồ Đức Thắng nói: “Không phải là viện trợ mà Trung ương, trong đó có nhiều đồng chí đang ngồi ở đây, phải có trách nhiệm với miền Nam”[7].
Quả đúng như vậy, dù chưa có điều kiện vào thăm đồng bào miền Nam- nhưng miền Nam luôn ở trong trái tim Bác. Trong toàn bộ di sản tư tưởng mà Người để lại, những ý kiến chỉ đạo, những bài nói bài viết gửi đồng bào, chiến sỹ miền Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Đó là tình nhân ái bao la, mối quan tâm sâu sắc và niềm tin mãnh liệt của Bác dành cho đồng bào miền Nam. Đối với Bác, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn là mong ước lớn lao nhất. Vì thế, khi được tin Quốc hội tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chóng Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu thành đồng Tổ quốc và xứng được tặng thưởng Huân chương cao quý này. Vì lẽ đó tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc- Nam xum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi Huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”[8]. Và trên thực tế, tâm nguyện giải phóng hoàn toàn miền Nam của Bác luôn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực thực hiện.
Đối với bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam, những người trực tiếp làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo vệ “đường Hồ Chí Minh trên biển”, với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong tỏa và đối phó với từng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; đồng thời đã sáng tạo ra nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi đến hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và đến tận cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hơn một trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn ác liệt nhất, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam. Đặc biệt, trước yêu cầu ngày càng cao của chiến trường, tháng 3-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã huy động cao nhất số tàu vận tải để chở bộ đội và phương tiện chiến đấu vào chiến trường. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng[9], tàu chiến của Hải quân ta thả thủy lôi phong tỏa cửa biển Thuận An; đặc công Hải quân chọc thẳng vào bán đảo Sơn Trà đánh lên cầu Thủy Tú phối hợp tiến công từ phía biển làm cho địch hoảng sợ và nhanh chóng tan rã. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử[10], phát huy khí thế tiến công thần tốc, Hải quân cùng với Quân khu 5 tiến công giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa (29.4), kết thúc nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt được giao. Tiếp đó, bộ đội hải quân cùng với Quân khu 9 tiến công giải phóng một số đảo ven biển và quần đảo Tây Nam, ngăn chặn truy quét tàn quân địch, tiếp quản các căn cứ, cơ sở hải quân ngụy, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Có thể nói, những chiến công oanh liệt của bộ đội hải quân trên “đường Hồ Chí Minh trên biển” bắt nguồn từ nhiều nhân tố, song nó gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của Bác Hồ. Điều đặc biệt, Hải quân nhân dân Việt Nam cũng là một trong những đơn vị được nhiều lần Người đến thăm. Lần thứ nhất vào ngày 30-3-1959. Ngày 15-3-1961, Bác đến thăm lần thứ hai. Trong lần thăm này, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”[11]. Trong lần thứ ba về thăm bộ đội hải quân vào ngày 13-11-1962, Bác nhấn mạnh: “Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu qúy đảo như nhà của mình...”[12]. Những lời Bác dạy bảo, căn dặn như mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc, là động lực thôi thúc mạnh mẽ toàn thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua gian khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, trong đó thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trên “đường Hồ Chí Minh trên biển” là một minh chứng điển hình.
Như vậy, lịch sử “đường Hồ Chí Minh trên biển” vốn đã đầy ắp những sự kiện nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng những dấu ấn của Bác Hồ. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Người đến việc xây dựng, bảo vệ và phát triển “đường Hồ Chí Minh trên biển” cũng như sự quan tâm, thăm hỏi ân cần tới cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường này là một nhân tố góp phần đưa “đường Hồ Chí Minh trên biển” trở thành một huyền thoại. Cùng với “đường Hồ Chí Minh trên bộ”, “đường Hồ Chí Minh trên biển” thật sự trở thành hai động mạch chủ yếu nối liền sức mạnh của dân tộc ta, là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường sông biển.
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr,517.
[2] Báo Quảng Nam, số ra ngày 22-5-2009.
[3] Ngày 23- 10 trở thành ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển
[4] Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), Nxb 2005, tr.107.
[5] Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 13-6-2007.
[6]Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 13-6-2007.
[7] Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 13-6-2007.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.62.
[9] Diễn ra từ ngày 21 đến 29-3-1975. Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên (có 6.000 tên chạy thoát), trong đó bắt tại trận là 55.000 tên, số còn lại ra hàng. Tiêu diệt 3 sư đoàn bộ binh (1, 2, 3); sư đoàn thủy quân lục chiến, 4 liên đoàn biệt động quân (11, 12, 14, 15), 5 thiết đoàn (4, 7, 11, 17, 20); 21 tiểu đoàn, 4 đại đội, 14 trung đội pháo; sư đoàn 1 không quân; 50 tiểu đoàn và 50 đại đội bảo an; 6 đại đội quân cảnh. Ta thu 129 máy bay, 179 xe tăng, xe thiết giáp, 327 khẩu pháo, 47 tàu xuồng, 1.084 xe quân sự và nhiều đạn dược nhiên liệu, nguyên liệu; đập tan hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 1, Quân khu 1 nguỵ, giải phóng 5 tỉnh (có hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng) với hơn 2 triệu dân... Số liệu trong Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội.2001, tr.492.
[10] Diễn ra từ ngày 26 đến 30-4-1975. Toàn chiến dịch ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc quân khu 3 địch, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1, quân đoàn 2. Đập tan hệ thống nguỵ quyền từ Trung ương đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn- Gia Định và các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu. Tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt và tan rã khoảng 250.000 tên... Ta đã thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp, hơn 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng, 3.000 xe các loại, thu toàn bộ kho tàng và trang thiết bị ở các căn cứ của địch. Số liệu trong Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội.2001, tr.528.
[11] Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam- Biên niên sự kiện (1955- 1995), Nxb QĐND, Hà Nội.1996, tr.32.
[12] Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam- Biên niên sự kiện (1955- 1995), Nxb QĐND, Hà Nội.1996, tr.72.