Cuộc sống quanh ta

Con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc

Nửa cuối những năm 1950 của thế kỉ XX, sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ (21.7.1954), với bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược của mình, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào thế chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, với quyết tâm dìm cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong bể máu.

Trước tình hình đó, để có thể đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ đối với cách mạng miền Nam thì cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân tộc, đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc. Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháng 5-1959, Tổng Quân uỷ quyết định thành lập một cơ quan nghiên cứu mở đường vận tải trên bộ để đưa lực lượng, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đó, tháng 7-1959, Tổng Quân uỷ quyết định tổ chức đường vận tải trên biển.

Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị kĩ lưỡng, ngày 19-5-1959, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập. Lực lượng nòng cốt đầu tiên của Đoàn gồm hai tiểu đoàn 301 và 603. Tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ, còn nhiệm vụ của Tiểu đoàn 603 là nghiên cứu và thực hiện ý đồ của Tổng Quân uỷ, chi viện vũ khí cho chiến trường bằng đường biển. Tiểu đoàn này đặt tại cửa sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, được tổ chức dưới hình thức Tập đoàn đánh cá sông Gianh.
Trải qua giai đoạn đầu hoạt động hiệu quả, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 23-10-1961[1], Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (tháng 1-1964, đổi phiên hiệu thành Đoàn 125) với nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng hoá tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trong những thời đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc; đồng thời, Đoàn 759 ra đời đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức trên tuyến vận tải chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Nhằm khẩn trương chi viện cho chiến trường miền Nam, trung tuần tháng 8-1962, Quân uỷ Trung ương thông qua Nghị quyết về mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Từ đây, bắt đầu xuất hiện những “con tầu không số” của Đoàn 759 vượt biển Đông đưa vũ khí, phương tiện, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, làm nên kì tích “đường Hồ Chí Minh trên biển” có một không hai trong lịch sử dân tộc.
Bắt đầu sự chi viện tiền tuyến miền Nam bằng những con tàu gỗ đánh cá nhỏ, đến đầu năm 1964, ta đã có trên 20 tàu có trọng tải từ 50 đến 150 tấn. Do đó, sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên “đường Hồ Chí Minh trên biển” phát triển nhanh chóng. Chỉ chưa đầy 4 năm, tính từ tháng 11-1962 đến 2-1965, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ của địa hình, thời tiết, với lòng quả cảm và tinh thần hết lòng vì miền Nam ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã tổ chức được 89 lần chuyến tầu, vận chuyển được 4.920 tấn hàng hoá, vũ khí, riêng Cà Mau nhận được 47 chuyến, Bến Tre 19 chuyến, Trà Vinh 13 chuyến, còn lại là Khu 7 và Khu 5. Nhờ sự chi viện kịp thời này, đồng bào miền Nam có vũ khí, trang bị kĩ thuật để đẩy mạnh chiến tranh du kích, đồng thời phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực mở và giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn: Bình Giã (2.12.1964- 3.1.1965), Ba Gia (28.6- 20.7.1965), Đồng Xoài (10.5- 22.7.1965), qua đó từng bước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt của Mỹ và tay sai.
Bước sang năm 1966, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” do quân viễn chinh Mỹ và chư hầu tiến hành ở miền Nam ngày càng phát triển. Theo đó, việc phong toả vùng biển nhằm ngăn chặn sự chi viện nhân tài, vật lực từ miền Bắc vào miền Nam trên “đường Hồ Chí Minh trên biển” của hải quân Mỹ- nguỵ tăng gấp nhiều lần so với trước. Trong năm 1966, Mỹ đã tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 để ngăn chặn hoạt động của Đoàn 125. Tiếp đó, lực lượng đặc nhiệm 127 ra đời chủ yếu hoạt động ở khu vực Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, nơi các tàu thường ra vào. Ở ngoài khơi, Hạm đội 7 được huy động vào nhiệm vụ “ngăn chặn thâm nhập bằng đường biển từ bắc vào Nam”,v.v... Tất thảy những thủ đoạn đó đã đặt “đường Hồ Chí Minh trên biển” đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, “đường Hồ Chí Minh trên biển” vẫn hiên ngang tồn tại, oằn mình vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù. Hơn lúc nào hết, “đường Hồ Chí Minh trên biển” trở thành niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trên cơ sở những thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam, tháng 12-1967, Bộ Chính trị quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kì mới- thời kì giành thắng lợi quyết định, nhằm giáng một đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Theo đó, đêm 30 rạng sáng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta với quy mô toàn miền Nam bắt đầu bùng nổ. Hoà cùng khí thế này, “đường Hồ Chí Minh trên biển” nhanh chóng tiếp tế vũ khí, đạn dược cho quân dân ta chiến đấu.
Tiếp tục vượt qua những thử thách lớn lao, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “đường Hồ Chí Minh trên biển” trở thành một trong những biểu tượng sinh động nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chỉ tính riêng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thực hiện chỉ thị “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn 125 vận chuyển thần tốc tới 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lí để kịp thời tham gia chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Có thể nói, những kì tích mà “đường Hồ Chí Minh trên biển” giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng sinh động nhất về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo của Đảng, của Quân uỷ Trung ương. Nó không chỉ là hiện thân cuả lòng quả cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá, tình cảm thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt, mà vượt lên trên hết nó là con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, đất nước ta đang hàng ngày hàng giờ thay da đổi thịt trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, song “đường Hồ Chí Minh trên biển” với bao chiến công huyền thoại vẫn mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XI của Đảng.
Thực tiễn quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển “đường Hồ Chí Minh trên biển” để lại một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất: Sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương với những chủ trương và quyết sách đúng đắn, quyết định sáng suốt trong từng thời điểm lịch sử cụ thể là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự tồn tại và phát triển của “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Thứ hai: Trong quá trình tổ chức vận chuyển trên “đường Hồ Chí Minh trên biển” phải phát huy tính chủ động, ý thức tự lực tự cường, linh hoạt sáng tạo của mọi cán bộ, chiến sĩ; phải nắm vững quan điểm thực tiễn, có biện pháp tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh chiến trường.
Thứ ba: Trong bất kì tình huống nào cũng phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tuyến hành lang vận tải biển với ra sức chiến đấu để bảo vệ tuyến đường và giữ vững hành lang.
Thứ tư: Việc tổ chức triển khai bảo đảm giao thông vận tải trên biển là vấn đề không chỉ quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà cả với thời bình. Bởi đây là một trong những mạch máu lưu thông của nền kinh tế đất nước, cũng là động lực cho mọi hoạt động tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.
 


[1] Ngày 23- 10 trở thành ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513559

Hôm nay

232

Hôm qua

2313

Tuần này

21496

Tháng này

220432

Tháng qua

121356

Tất cả

114513559