Trong khi đó, một số người Tây phương, ít thôi, khoảng vài ba chục, vẫn ngồi lặng lẽ trên các dãy ghế chờ. Tôi xem lại đồng hồ, biết chắc chắn còn sớm, bèn ngồi xuống ghế. Trong lúc chờ, cứ tò mò nhìn những người Đại Hàn đứng sắp hàng. Tôi đi máy bay khá nhiều. Hiếm khi thấy hành khách sốt sắng đứng sắp hàng sớm như vậy. Thường, họ ngồi trên ghế; nếu hết ghế thì ngồi bệt dưới sàn; hoặc đọc sách, đọc báo, mở laptop ra đọc hoặc viết cái gì đó, hoặc chỉ ngủ gà ngủ gật. Mãi đến lúc nhân viên hàng không thông báo giờ lên máy bay, mọi người mới rục rịch đứng dậy, sắp hàng, rồi từng người đi qua cửa. Không ai nôn nóng hay chen lấn vào máy bay sớm. Cũng chẳng để làm gì cả. Ghế ngồi đã được sắp xếp sẵn. Không ai giành của ai được. Nếu có giành, người ta chỉ giành chỗ để hành lý. Nhưng điều đó thường chỉ xảy ra đối với những người mang hành lý nhiều. Thực ra, dù nhiều mấy thì cũng có giới hạn theo quy định. Bởi vậy, cuối cùng, hầu như ai cũng có chỗ để cất hành lý. Nói một cách tóm tắt: Không có lý do gì để giành nhau lên máy bay sớm cả.
Hiện tượng sắp hàng rồng rắn rất sớm trước giờ lên máy bay, tôi cũng lại thấy trên chuyến bay từ Seoul về lại Úc đúng một tuần sau đó. Tôi cũng đến sớm. Và cũng lại thấy cả một hàng người sắp hàng trước cửa vào khoang máy bay. Tất cả đều là người Đại Hàn.
Ở cả hai lần, tôi đều ngồi nhìn và cố lý giải tại sao họ lại nôn nóng như vậy. Mà, thật ra, trên nét mặt cũng như trong dáng điệu của họ không hề lộ ra vẻ gì nôn nóng cả. Tất cả đều đứng yên, lặng lẽ, nhẫn nhục và rất có kỷ luật. Họ không chen lấn. Cũng không chuyện trò hay cười nói ồn ào. Họ chỉ đứng trong hàng; cái hàng càng lúc càng dằng dặc và ngoằn ngoèo. Trong khi các hành khách Tây phương thì vẫn ngồi trên ghế ung dung đọc sách báo hoặc lim dim ngủ.
Tôi có cảm tưởng việc sắp hàng quá sớm như vậy cho thấy một chút về tinh thần cạnh tranh của người Đại Hàn. Họ muốn lên máy bay sớm. Sớm để làm gì? Không cần biết. Chỉ biết là nên lên sớm. Vậy thôi. Tâm lý ấy cũng thường thấy ở một số nước châu Á khác. Nhưng trong khi một số người châu Á khác, để cạnh tranh, trong những trường hợp như thế, người ta thường chen lấn. Ở đây, với người Đại Hàn, lại không. Họ sắp hàng rất trật tự. Và vì trật tự nên toát ra vẻ gì như nhẫn nhục và chịu đựng.
Ba nét trong tính cách: cạnh tranh, nhẫn nhục và kỷ luật đó, tôi cũng thấy rất rõ trong suốt một tuần ở Seoul. Nói chung, ở Đại Hàn, từ chính phủ đến giới đại học, dường như nung nấu rất nhiều tham vọng. Chính phủ thì muốn Hàn Quốc biến thành rồng, thành hổ, phát triển và giàu có hơn hẳn các nước khác. Giới đại học thì âm thầm nuôi tham vọng đóng vai trò lãnh đạo các nước đang phát triển, nằm ngoài hai trung tâm chính là châu Âu và châu Mỹ. Họ có nhiều chương trình để thu hút và tập hợp các tinh hoa từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Họ thường xuyên mời giới trí thức cũng như giới văn nghệ sĩ từ các khu vực ấy đến Hàn Quốc giao lưu; trong đó có cả giới cầm bút Việt Nam (như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, v.v…). Một số học giả đang vận động thành lập một tạp chí nghiên cứu về văn hóa mang một cái tên rất có ý nghĩa: “Tricontinental Culture Review” (Tạp chí văn hóa Tam lục địa). “Tam” (tri-) là để loại trừ hai lục địa Tây phương đang dẫn đầu thế giới.
Thế nhưng, mặc dù nhiều tham vọng như vậy, trong đời sống hàng ngày, người Đại Hàn, nói chung, vẫn có nét gì rất hiền lành và nhẫn nhục. Ở Seoul, đi trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, trong khuôn viên đại học, vào quán ăn hay tiệm cà phê hay kể cả các nơi uống bia, hiếm khi nghe tiếng cười nói ồn ào. Trong một tuần ở Seoul, những lúc tôi nghe ồn ào nhất là ở những địa điểm du lịch, lúc có một đoàn du khách Trung Quốc đi ngang qua. Từ xa, nghe tiếng cười, tiếng nói, tiếng cãi ầm ĩ, đoán là người Trung Quốc. Đến gần: đúng phóc. Người Đại Hàn, ngược lại, thường khá lặng lẽ.
Nhưng sự hiền lành và nhẫn nhục của người Đại Hàn thể hiện rõ nhất là ở cách chào. Phải nói là họ rất lễ phép. Có nhiều dân tộc khác cũng lễ phép. Nhưng lễ phép đến mức đầy tính nghi thức như người Nhật thì tôi không thích lắm. Ngay việc cúi đầu cũng có nhiều kiểu và nhiều mức độ tùy theo những hoàn cảnh khác nhau. Có cái gì như máy móc. Cách vái của người Thái Lan tôi cũng không thích lắm. Nó gợi lên cảm giác tội nghiệp. Tôi cho cách cúi đầu của người Đại Hàn là vừa phải. Chỉ đứng thẳng và nghiêng người một chút về phía trước. Ở đâu, tôi cũng thấy thấy cách chào như vậy. Ở các trung tâm thương mại, vì lý do câu khách và chiều khách, đã đành. Ở tất cả những nơi khác, cũng đều vậy. Trong trường, chào nhau, người ta cũng cúi đầu một chút. Ngoài đường, chào nhau, người ta cũng cúi đầu một chút.
Một lần, ngồi uống cà phê, tôi lặng lẽ quan sát một người đàn ông phát báo miễn phí cho người qua đường. Gặp ai, ông ta cũng nghiêng mình chào. Người nhận báo cũng nghiêng mình chào. Có một cô gái, còn khá trẻ, đi ngang qua, có vẻ hối hả, không nhận tờ báo, nhưng cũng cúi mình chào, rồi đi thẳng. Cái việc không lấy báo, hối hả và cúi đầu chào ấy để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh.
Trong bữa tiệc chia tay kết thúc hội nghị về văn học do trường Korea University khoản đãi vào tối Thứ Sáu 30 tháng 9, khi nghe một giáo sư văn học, cao niên và nghe nói là rất nổi tiếng người Đại Hàn than thở về sự băng hoại về văn hóa của thế hệ trẻ, tôi có kể cho ông nghe về chuyện đó cũng như về cảm nghĩ của tôi. Ông rất ngạc nhiên và thích thú. Suốt buổi tối, từ tiệm ăn đến quán bia, ông cứ quấn quít bên tôi, hỏi về những điều tôi nhìn thấy trong xã hội Hàn Quốc.
Cuối cùng, lúc chia tay, ông cầm tay tôi, nói: “Nghe anh nói, tôi thấy vui và lạc quan về đất nước chúng tôi hơn một chút. Chứ bình thường, nói thật, tôi buồn lắm, anh ạ. Không có gì như ngày xưa cả!”
Tôi rất hiểu tâm lý của những người lớn tuổi như thế. “Không có gì như ngày xưa cả!”
Ấn tượng lớn nhất của tôi về người Đại Hàn, ngoài sự lễ phép, là sự tử tế.
Ở đây, xin nói ngay hai việc.
Thứ nhất, trước khi sang Hàn Quốc, tôi không biết gì về người Đại Hàn cả. Trong các lớp tôi dạy ở Victoria University, thỉnh thoảng có vài du học sinh người Đại Hàn, tất cả đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt về sự hiền lành, chăm chỉ và lễ phép. Nhưng thời gian học trong lớp rất giới hạn, tôi không biết được là họ có tử tế hay không. Những ấn tượng mà tôi có được, đậm và mạnh nhất, là từ sách báo Việt Nam, liên quan đến việc những người đàn ông Đại Hàn sang Việt Nam tìm vợ. Thú thực, hình ảnh những gã đàn ông ngồi chễm chệ trên ghế bành trong một khách sạn nào đó ở Sài Gòn, mắt hau háu nhìn hàng chục cô gái Việt Nam, phần lớn từ quê lên, lượn qua lượn lại trước mặt, để săm soi lựa chọn… không làm tôi có thiện cảm lắm. Sau đó là những bản tin liên quan đến việc hành hạ, đánh đập, thậm chí, giết chết người vợ quê mùa và lạc lõng ấy càng khiến tôi phẫn nộ.
Thứ hai, tôi tin ở đâu cũng có sự tử tế. Ở những nơi tôi sống hoặc đi qua, tôi đều gặp vô số người tử tế. Sự khác biệt, ở đây, chỉ là mức độ: Có nơi nó phổ biến và có nơi dường như nó chỉ là một sự họa hoằn.
Ở Hàn Quốc, ít nhất là ở thành phố Seoul, nơi tôi chỉ ghé lại có một tuần, tôi gặp nhiều người tử tế đến độ tôi có cảm tưởng đó là một nét chung của một nền văn hóa và một xã hội.
Chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ: việc hỏi đường.
Ở Seoul, tôi tận dụng thời gian ít ỏi để đi thăm viếng thật nhiều nơi. Thường đi bằng các phương tiện giao thông công cộng. Phải thừa nhận là phương tiện giao thông công cộng ở Seoul cực tốt. Tốt hơn Úc và Mỹ, đã đành. Có lẽ nó cũng tốt hơn cả London ở Anh và Paris ở Pháp nữa. Ở hai thành phố vừa kể, hệ thống xe điện ngầm thì tốt nhưng hệ thống xe buýt thì yếu. Ở Seoul có cả hai. Cả xe buýt lẫn xe điện ngầm đều chằng chịt, lan tỏa khắp nơi. Lại rất nhanh, đúng giờ và rẻ. Riêng hệ thống xe điện ngầm thì có một ưu điểm tôi chưa thấy ở Tây phương: bao giờ cũng có một bức tường làm bằng kính dày ngăn cách giữa nơi hành khách đứng chờ và đường ray xe lửa. Đến lúc xe lửa tới, cửa mở, cửa bức tường kính ấy mới mở ra. Bởi vậy, sẽ không có cảnh hành khách, do vô ý, có thể bị té xuống đường ray lúc xe lửa đang phóng tới (Cách đây mấy năm, ở Úc, xảy ra một trường hợp gây chấn động dư luận khi chiếc xe đẩy trẻ em bị trượt xuống đường ray trước cặp mắt hãi hùng và bất lực của người mẹ và vô số hành khách khác. Lúc ấy, chiếc xe lửa cũng vừa trờ tới, chà lên chiếc xe đẩy. May, do một nhiệm mầu nào đó, em bé sống sót!)
Dù tôi đã khá quen thuộc với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ở Pháp và Anh, đến Seoul, nhất là mấy ngày đầu, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng về đường xá. Ngỡ ngàng về phương hướng. Ngỡ ngàng về quy trình và lộ trình giao thông. Nhưng ngỡ ngàng nhất là vì vấn đề ngôn ngữ. Ở các trạm xe buýt cũng như các ga xe điện ngầm đều có cả tiếng Hàn lẫn tiếng Anh. Nhưng phần tiếng Anh tương đối hiếm và có lúc không nhất quán. Ví dụ, chỉ đơn giản là con đường từ ga điện ngầm lên mặt đất, thoạt đầu có bảng chỉ tiếng Anh (exit/way out), nhưng đi một lát, ở ngay giữa các nhánh rẽ khá phức tạp với ba bốn lối khác nhau thì chẳng còn thấy bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh nào cả. Chỉ toàn tiếng Hàn. Mà tiếng Hàn thì tôi không biết. Cũng không thể đoán được.
Bởi vậy, ra đường, hầu như lúc nào tôi cũng hỏi. Một ngày hỏi năm ba lần. Và lần nào cũng được giúp đỡ một cách tận tình. Có lúc tận tình đến mức ngoài tưởng tượng.
Hỏi đường các thanh niên là tiện nhất. Một phần, đó là giới tương đối biết tiếng Anh nhiều nhất. Trong số mười người trẻ tôi hỏi đường thì có lẽ đến chín người có phản ứng giống nhau: dừng lại, móc điện thoại di động ra, vào Google, kiếm bản đồ; nếu bản đồ vẫn chưa đủ, tìm bảng chỉ dẫn phương hướng. Nhiều lúc Google không cung cấp đủ thông tin, họ bấm điện thoại gọi đến một người bạn nào đó để hỏi giúp. Cho đến lúc xong việc thì mới thôi.
Một buổi chiều tôi đi xe buýt từ trường Korea University ở khu Seongbuk-gu về khách sạn ở Jongno-gu. Nhưng tôi lại không biết trạm xuống. Buổi sáng, lúc đi, trời mưa tầm tã, tôi không thể nhận diện được khung cảnh chung quanh nơi tôi xuất phát và cũng là nơi tôi sẽ trở lại (bên kia đường). Chỉ đếm số trạm dừng. Nhưng đếm số trạm xe buýt là một điều đầy phiêu lưu. Bởi không phải trạm nào xe buýt cũng dừng lại. Bởi vậy, trên đường về, tôi rất lúng túng. Hỏi một thanh niên bên cạnh, khoảng 19 hay 20 tuổi gì đó. Cậu ấy cũng không biết. Rất sốt sắng, cậu ấy đứng lên, dí mắt vào khung cửa kính để tìm trạm xuống. Đến một nơi, cậu bảo tôi là chắc đúng. Tôi hỏi: “Chắc thôi?”. Cậu gật đầu, không lấy gì làm cương quyết lắm. Nhưng cậu cũng kéo tôi xuống xe. Rồi dáo dác nhìn quanh. Không tìm ra địa điểm khách sạn (không phải nằm trên tuyến đường có xe buýt). Cậu hỏi tôi số điện thoại khách sạn, rồi lấy di động gọi thẳng cho nhân viên ở đó hỏi đường. Có điều, cậu lại không thể diễn tả nơi chúng tôi đang đứng là chỗ nào. Nhân viên khách sạn chịu thua. Cậu lại lăng xăng chạy hỏi người này người kia trên đường. Cuối cùng, ít nhất là mười lăm, hai mươi phút sau, cậu cũng dẫn tôi về tận khách sạn. Tôi hỏi nhà cậu có gần đây không. Cậu đáp: Đi thêm khoảng chín, mười trạm nữa. Lúc đó, tôi mới biết cậu xuống xe là vì sợ tôi lạc đường. Sau đó, cậu quay lại trạm, lên xe buýt đi tiếp về nhà. Tôi cảm động hết sức.
Chuyện như vậy, tôi gặp khá nhiều lần. Ít nhất cũng bốn năm lần, người được hỏi không hề biết tiếng Anh. Tôi dùng bản đồ, chỉ chỏ nơi mình muốn tìm. Họ hiểu. Nhưng không giải thích được. Bèn ra dấu cho tôi đi theo. Loành quành từ đường này qua đường khác. Đến chỗ tôi muốn đến, họ lấy tay chỉ. Nếu là chờ xe buýt, họ đứng đợi. Đến lúc xe buýt đến, họ ra hiệu cho tôi lên, sau đó mới quay lưng đi. Trước khi đi, còn cúi mình chào.
Ngày cuối cùng ở Seoul, khi đi xe điện ngầm, rồi sau đó, xe lửa đến phi trường Incheon, tôi gặp một người đàn ông trung niên ăn mặc rất lịch sự. Ông đến gần, xổ một tràng tiếng Hàn, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi xin lỗi, hỏi ông có nói tiếng Anh không. Ông có vẻ không hiểu. Nhưng ông biết là tôi đang trên đường ra phi trường. Từ đó, ông cứ chỉ dẫn tôi từng li từng tí, dù thứ nhất, tôi không hề yêu cầu, và thứ hai, thực tình, tôi cũng không cần lắm. Lúc ấy, đã ở Seoul đúng một tuần, tôi đã quen thuộc với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng ông vẫn giúp. Đến nơi chuyển từ xe điện ngầm sang xe lửa ra phi trường, ông cứ đi chầm chậm phía trước, lâu lâu quay lại dòm, như sợ tôi đi lạc. Cứ thế, liên tục. Đến lúc ông xuống, khoảng hai ga trước khi đến phi trường, ông còn ra dấu bằng tay để tôi hiểu là còn hai ga nữa. Xuống xe, ông đứng lại, chờ xe lửa chạy mới quay lưng đi. Trước khi đi, lại cúi mình chào.
Xin nhắc lại: tôi không hề hỏi đường ông.
Những con người như thế và những chuyện như thế nếu không xóa tan thì cũng làm nhạt đi rất nhiều trong tôi cái ấn tượng về những gã đàn ông Đại Hàn đến Việt Nam kiếm vợ. Rồi hành hạ, đánh đập, thậm chí, giết chết vợ. Như báo chí thỉnh thoảng tường thuật, đây đó.
Nhiều người, nghe tin tôi mới đi Hàn Quốc về, hỏi một câu giống nhau: Người Hàn Quốc có đẹp không?
Tôi hiểu lý do tại sao họ hỏi như vậy. Người Việt Nam, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, thường mê phim Hàn Quốc. Mà trong phim Hàn Quốc thì hầu như ai cũng đẹp. Nhiều người còn khẳng định: đẹp hơn hẳn tài tử các nước Á châu khác. Tôi không thường xem phim Hàn Quốc nên không dám có ý kiến về việc ấy. Nhưng tôi thấy trong cộng đồng người Hàn ở Úc cũng như ở Mỹ có khá nhiều người đẹp. Nét đẹp của họ rất giống Tây phương: da trắng, mũi cao và thanh, mắt hai mí và sâu, môi miệng và răng cũng đẹp.
Với câu hỏi ấy, tôi phải nói thật là: tôi không thấy họ đẹp lắm.
Dĩ nhiên, cần nói ngay: cái đẹp là điều rất tương đối. Cái đẹp của một sắc dân lại càng tương đối. Bởi đó là một số đông, riêng trường hợp của Hàn Quốc, đến gần 50 triệu người. Ngoài ra, còn có vấn đề thói quen. Chúng ta quen nhìn người Việt Nam, dễ thấy là người Việt Nam đẹp. Và vấn đề văn hóa: chịu ảnh hưởng của văn hóa đại chúng ở phương Tây, chủ yếu qua phim ảnh và tạp chí thời trang với những người mẫu và siêu mẫu dáng cao, da trắng, mũi thẳng, chúng ta rất dễ thấy là người Tây phương đẹp.
Biết là tương đối, nhưng tôi cũng cố nêu lên vài nhận xét chủ quan: Theo tôi, thứ nhất, người Đại Hàn ở Hàn Quốc, nói chung, không đẹp như các tài tử điện ảnh của họ cũng như nhiều người Đại Hàn khác sống ở Tây phương; thứ hai, sự khác biệt giữa người mà tôi cho là đẹp và những người có nhan sắc trung bình khá lớn.
Xin nói thêm một chút về nhận xét thứ hai: Ví dụ, đi trên đường phố ở Việt Nam hay các nước Tây phương, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp những người rất đẹp và những người rất không đẹp. Nhưng cả hai gần như là những ngoại lệ. Còn lại, phần lớn đều không có sự khác biệt nhiều. Dĩ nhiên vẫn có sự hơn kém. Nhưng khoảng cách giữa sự hơn kém ấy không quá lớn.
Ở Hàn Quốc, ngược lại, quan sát ngoài đường, tôi thấy có hiện tượng: có một số người rất đẹp, nhưng đám đông chung quanh thì lại rất bình thường. Họ ăn mặc, nói chung, khá thanh lịch, nhưng vẫn rất bình thường. Không có gì nổi bật so với các nước Á châu khác.
Ở các địa điểm du lịch, lúc nào tôi cũng gặp các thầy cô giáo dẫn học trò đi tham quan. Tất cả đều là học sinh tiểu học, khoảng dưới mười tuổi. Tôi tò mò quan sát rất kỹ. Tôi thấy các em, cũng như mọi đứa bé khác, đều kháu khỉnh dễ thương. Nhưng không có nét đẹp gì nổi bật.
Nhận xét ấy khiến tôi nhớ đến một điều khác: Hàn Quốc là nơi rất nổi tiếng, thậm chí, nổi tiếng nhất về kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ. Ví dụ, theo một tài liệu tôi đọc được, vào năm 2009, cứ 10 ngàn dân (đủ mọi lứa tuổi) thì ở Hàn Quốc có đến 74 người đi sửa sắc đẹp. Đó là tỉ lệ đứng đầu thế giới. Kế tiếp là Brazil, chỉ có 55 người; ở Đài Loan, chỉ có 44 người; ở Mỹ, 42 người; ở Nhật Bản, 32 người; ở Thái Lan, 11 người; ở Trung Quốc, 9 người và ở Ấn Độ, chỉ có 6 người. Nói cách khác, tỉ lệ người sửa sắc đẹp ở Hàn Quốc cao hơn Đài Loan 1.7 lần, hơn Mỹ 1.8 lần, hơn Nhật 2.3 lần và hơn Trung Quốc 8.2 lần.