Cuộc sống quanh ta

Đường Hồ Chí Minh trên biển với cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975

Sau 21 năm chống Mỹ gian khó, ác liệt, nhưng vô cùng vẻ vang, dân tộc Việt Nam đã làm nên một mùa xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV khẳng định:

“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả hợp thành của tất cả các lực lượng, những yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại”[1]. Trong những yếu tố đó, đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò đặc biệt quan trọng.

Kể từ khi ra đời đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975[2], cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển kịp thời sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam[3], hợp lực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lần lượt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải kí Hiệp định Pari (27.1.1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, nắm bắt thời cơ đó, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30-9 đến 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 8-12-1974 đến 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trong khi Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành thì nhận được tin quân ta giải phóng đường 14 và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975)[4].
Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 2 năm (1975- 1976) hoàn thành giải phóng miền Nam. Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công địch trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành tổng công kích- tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “tổng công kích- tổng khởi nghĩa”, phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
 Hội nghị Bộ Chính trị cuối năm 1974 đầu năm 1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Hội nghị đã phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm chiến lược cao giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ lớn đến. Đó thực sự là ngọn đuốc soi đường dẫn đến đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng thời cũng đặt ra cho tuyến vận tải trên biển Đông- “đường Hồ Chí Minh trên biển” một trọng trách nặng nề.
 Quán triệt thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, Quân chủng Hải quân cùng quân dân cả nước khẩn trương chuẩn bị lực lượng. Để phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Quân chủng Hải quân huy động mức cao nhất số tàu vận tải của Đoàn 125 để chở bộ đội, xe tăng và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường. Theo đó, tháng 2-1975, Đoàn 125 nhận nhiệm vụ đợt vận chuyển mang tên T.5, đưa một số xe tăng của Bộ Tư lệnh Thiết giáp vào Đông Hà (Quảng Trị); đồng thời khẩn trương đưa một số hàng của Tổng cục Hậu cần vào bổ sung cho chiến trường, kịp thời phục vụ chiến đấu. Ngày 20-2-1975, Đoàn 125 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. Đợt đầu tiên, các tàu vận tải đổ bộ 424, 426, 428, 430, 422 đã chở 5 xe tăng với đầy đủ cơ số đạn, khí tài, nhiên liệu từ Bến Thuỷ vào Đông Hà. Tiếp đó, đợt 2, các tàu chở 10 chiếc xe tăng lội nước K63-85 với 5 lần chuyến vào chiến trường. Cùng thời gian này, các tàu vận tải loại 400 tấn là 681, 683, 685 cũng rời cảng Hải Phòng đưa một khối lượng lớn hàng vào Đồng Hới an toàn.
Trong khi đó, lực lượng tàu thuyền chiến đấu của Trung đoàn 17 tăng cường hoạt động tuần tiễu ở bắc vĩ tuyến 17, sẵn sàng đối phó với hoạt động của hải quân địch và bảo vệ tuyến vận tải Cửa Việt- Đông Hà. Hoạt động của các đơn vị hải quân ta những ngày này đã tạo nên thế uy hiếp đối với địch. Toàn bộ lực lượng hải quân ngụy ở vùng 1 duyên hải đặt trong tình trạng báo động.
Như vậy, tới thời điểm này, những hoạt động của “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã đảm bảo tốt yêu cầu của các chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
Đầu tháng 3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 bắt đầu. Ngày 4-3-1975, bộ đội ta nổ súng đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. Đồng thời với chiến dịch Tây Nguyên, ta thực hiện đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế- Đà Nẵng. Lúc này, vai trò của “đường Hồ Chí Minh trên biển” càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 hải quân vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, càng sát nơi ta mở chiến dịch, càng tốt[5]. Chấp hành mệnh lệnh, Đoàn 125 huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để vận chuyển người và vũ khí vào mặt trận. Hoà chung khí thế chiến đấu trên các chiến trường, các tàu được huy động thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đã tiến hành quay vòng tăng chuyến, tăng trọng tải, tranh thủ thời gian, nhằm chở được nhiều, chở được nhanh. Trên tuyến Hải Phòng- Đồng Hới, ngoài lực lượng tàu có trọng tải 400 tấn, Đoàn 125 còn huy động thêm loại tàu trọng tải 200 tấn, như các tàu: 601, 606, 608, 609 và 605. Đến ngày 20-3-1975, Đoàn 125 đã vận chuyển được 2.960 tấn hàng, 12 xe tăng, chi viện kịp thời cho các đơn vị đánh địch.
Sau khi giành thắng lợi ở Tây Nguyên, tình hình chiến trường diễn biến nhanh có lợi cho ta. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân huy động lực lượng cao nhất phục vụ chiến dịch. Thực hiện chỉ thị này, ngày 22-3-1975, Thường vụ Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Hải quân đã họp và quyết định: “Sẵn sàng huy động các lực lượng có thể phục vụ cho vận chuyển đáp ứng các yêu cầu đột xuất cho chiến trường với khả năng lớn nhất, đúng thời gian quy định, bảo đảm an toàn về mọi mặt. Đoàn kết chặt chẽ, hiệp đồng với các binh chủng bạn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các quân binh chủng vào chiến trường nhanh nhất, an toàn nhất”[6]. Sau đó, Thường vụ chỉ đạo Cục Kĩ thuật Quân chủng khẩn trương làm thật tốt việc bảo đảm kĩ thuật cho các tàu thuyền đi làm nhiệm vụ; có kế hoạch chuẩn bị mọi mặt cho việc đảm bảo kĩ thuật khi các đơn vị đi sâu vào phía trong.
Thực hiện quyết tâm của Thường vụ, Bộ Tư lệnh quyết định đưa 50% số tàu đang bảo quản trên ụ, bãi ra sửa chữa cùng với 4 tàu cá vũ trang chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến dịch. Công tác điều động, bổ sung cán bộ, chiến sĩ kĩ thuật cho các tàu vận tải được xúc tiến khẩn trương, bảo đảm đủ biên chế; bên cạnh đó, công tác kiện toàn tổ chức lãnh đạo, chỉ huy được tiến hành kịp thời, các tàu đều có chi bộ đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ...
Phát huy khí thế tiến công thắng lợi, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân nguỵ đang chiếm giữ. Trên cơ sở đó, ngày 26-3-1975, trong lúc cánh quân trên bộ của ta đang hành quân thần tốc, áp sát, mở cuộc tiến công trên 5 hướng (bắc, tây bắc, tây nam, nam và đông nam) vào thành phố Đà Nẵng, Quân chủng Hải quân điều động một biên đội thuyền máy chở phân đội đặc công, do đồng chí chỉ huy trưởng K5 trực tiếp chỉ huy, táo bạo vượt qua làn đạn bắn của địch, tiến thẳng vào bán đảo Sơn Trà, phối hợp với mũi tiến công từ phía biển. Ngày 27 và 28-3-1975, trước sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ hải quân và sự bắn phá mãnh liệt của pháo binh ta, lực lượng tàu nguỵ, tàu Mỹ phải dãn ra xa, huỷ bỏ kế hoạch vận chuyển quân nguỵ rút chạy và di tản dân. Ngày 29-3, một phân đội đặc công hải quân đến cầu Thuỷ Tú, kịp thời phối hợp với các cánh quân của ta tiến công đánh chiếm toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà- căn cứ đầu não của Vùng 1 duyên hải của hải quân nguỵ.
Trước yêu cầu của chiến trường, Quân chủng Hải quân điều động một bộ phận lực lượng đặc công gồm 200 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 126 phụ trách, hành quân cấp tốc từ hậu phương vào, phối hợp với các lực lượng truy lùng tàn quân địch, quản lí căn cứ Đà Nẵng và tham gia giữ gìn trật tự, trị an vùng giải phóng.
Sau thắng lợi ở Huế- Đà Nẵng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà[7]. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, lâu nhất là trong tháng 4-1975, không để chậm[8].
Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định một loạt vấn đề lớn, nhằm bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng toàn thắng, trong đó có quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng uỷ Mặt trận (3-4), quyết định tên chiến dịch đánh vào Sài Gòn- Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh (14-4).
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Nhiệm vụ của tuyến vận tải đường biển được giao trong trận quyết chiến chiến lược này là: Vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và an toàn, xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng với yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân địch.
Thực hiện nhiệm vụ trên, Đảng uỷ Quân chủng Hải quân quyết định tập trung mọi cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ và Quân chủng, dốc sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn 125 tạm gác lại kế hoạch vận chuyển thường xuyên để thực hiện mục tiêu vận chuyển: Tất cả cho chiến trường, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến đấu. Tàu 601 được lệnh nhanh chóng từ Hải Phòng vào cửa Nhật Lệ. Sau khi dỡ hàng xong là hành quân ngay vào Đà Nẵng. Tàu 641 đang trên đường làm nhiệm vụ, được lệnh ghé vào cửa Việt chở quân đi chiến đấu. Các tàu còn lại của Đoàn đã theo sát bước tiến quân của các quân đoàn chủ lực đánh ven biển, góp phần vào mỗi thắng lợi của quân và dân ta. Tính chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi, với đường hành trình là 65.721 hải lí, thực hiện chuyên chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm một tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng một tàu, bắt 42 tên địch[9]
Cũng trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương[10] là cùng với Quân khu 5 “nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân nguỵ miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa[11], Quân chủng Hải quân đã sử dụng tàu của Đoàn 125 để chở bộ đội đặc công của Đoàn 126 hải quân và lực lượng vũ trang khác ra giải phóng đảo. Chủ chương là tiến đánh giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đó, tiến công các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và các đảo còn lại, không cho địch kịp tăng viện đối phó. Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Quân chủng phục trách. Tham gia Sở Chỉ huy có đồng chí Trần Phong, Tham mưu phó Đoàn 125. Nhận rõ trách nhiệm được giao, Đoàn 125 cử 3 tàu 673, 674 và 675, do đồng chí Trần Phong và đồng chí Dương Tấn Kịch chỉ huy tiến đánh giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa[12]... Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một trong những chiến thắng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Sáng ngày 30-4-1975, quân ta nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn quân chủ lực nguỵ và tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn, buộc tổng thống nguỵ quyền và toàn bộ nội các Việt Nam cộng hoà đầu hàng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu kết thúc thắng lợi. 13 giờ cùng ngày, các lực lượng hải quân ta tiến vào tiếp quản cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn đóng ở trại Bạch Đằng, cơ quan Bộ Tư lệnh hạm đội, xưởng Ba Son, Bộ Tư lệnh sư đoàn lính thủy đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số vị trí khác. Tiếp đó, bộ đội hải quân ra giải phóng Côn Đảo, rồi phối hợp cùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 giải phóng một số đảo ở phía nam và tây nam Tổ quốc. Thắng lợi trong việc giải phóng các đảo này cũng là kết thúc nhiệm vụ của bộ đội hải quân[13] trong quá trình tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng thời cũng kết thúc sứ mệnh lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Như vậy, với sự chi viện kịp thời sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó; để lại mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và lịch sử “đường Hồ Chí Minh trên biển” nói riêng. Theo độ lùi của thời gian, những dấu tích của “đường Hồ Chí Minh trên biển” năm xưa có thể bị bào mòn, nhưng những chiến công của nó trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 thì vẫn còn mãi; để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá- cần được chắt lọc, bổ sung vào công cuộc bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc hôm nay và mai sau.


[1] Đường Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb QĐND, Hà Nội.2010, tr.755.
[2] Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 97/QP thành lập lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759. Sau này, ngày 23.10 trở thành Ngày truyền thống mở “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
[3] Năm 1962: 810 tấn; năm 1963: 1.318 tấn; từ 1964- 1965: 4.000 tấn; từ 1965- 1968: 410 tấn; năm 1972: 3.000 tấn; 1973: 12.000 tấn; năm 1974: 15.000 tấn. Dẫn theo Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Trí Thức, Hà Nội.2008, tr.235.
[4] Trong hơn 20 ngày đêm chiến đấu (từ 12-12-1974 đến 6-1-1975), quân dân ta ở Phước Long đã tiêu diệt và bắt sống 3.000 địch, thu 3.000 súng các loại, giải phóng đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975). Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn.
[5] Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955- 2005), Nxb QĐND, Hà Nội.2005, tr.395.
[6] Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị hải quân trong vận tải quân sự đường biển, chi viện chiến trường miền Nam (1961- 1975), Nxb QĐND, Hà Nội.2004, tr.140-141.
[7] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội.1990, tr.317.
[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội.1990, tr.321.
[9] Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955- 2005), Nxb QĐND, Hà Nội.2005, tr.417.
[10] Chỉ thị ngày 4 tháng 4 năm 1975.
[11] Điện số 990B/TK, ngày 14-4-1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân.
[12] Cùng với việc huy động lực lượng hoạt động chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, Quân chủng Hải quân còn cử một lực lượng phối hợp với các lực lượng bạn, tham gia giải phóng đảo Cù Lao Thu (còn gọi là đảo Phú Quý) và một số đảo khác.
[13] Với thành tích xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 nói riêng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhì, 4 đơn vị thuộc Quân chủng được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513560

Hôm nay

233

Hôm qua

2313

Tuần này

21497

Tháng này

220433

Tháng qua

121356

Tất cả

114513560