Suốt 300 năm qua, Truyện Kiều, Nguyễn Du luôn là niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu của các thế hệ người Việt Nam, và nhiều bạn bè trên thế giới.
Năm 2010, Ban Vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam đã được thành lập và ngày 14/7/2011, Bộ Nội vụ nước ta ban hành Quyết định số 1400/QĐ - BNV. Với sự kiện này chắc chắn sẽ đem lại bước tiến mới trong việc học tập, nghiên cứu và phổ biến Truyện Kiều, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xin chúc mừng giới Kiều học và hy vọng sẽ có nhiều thành t ự u mới trong nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Theo tôi nghĩ, nếu Hội Kiều học được ra đời thì đó sẽ là sự tập hợp một đội ngũ rộng rãi những người yêu mến Truyện Kiều (từ đây có lúc xin gọi tắt là Kiều), có quá trình nghiên cứu Truyện Kiều, có mong muốn phát triển sự nghiệp đó lên một tầm cao hơn, sâu và rộng hơn các giá trị mà đại thi hào Nguyễn Du để lại cho di sản tinh thần của dân tộc. Một di sản luôn luôn hiện hữu như một biểu trưng và kết tinh tâm hồn Việt, tính cách Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, ngôn ngữ Việt. Một hiện hữu không lúc nào phai nhạt trong tâm trí bất cứ ai là con dân Việt trong suốt hơn 200 năm qua, và mãi mãi mai sau.
Ý có Dante, Anh có Schakespeaire, Nga có Puskin, thì Việt có Nguyễn Du...
Là người xứ Nghệ (tên gọi chung của Nghệ An và Hà Tĩnh) tôi rất đỗi hạnh phúc và tự hào có Hồ Chí Minh; là người Hà Tĩnh tôi càng hạnh phúc và tự hào có Nguyễn Du - cả hai (cùng với Nguyễn Trãi) đã được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Với Hồ Chí Minh, đó là sự tôn vinh của UNESSO vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm sinh. Với Nguyễn Du, đó là sự tôn vinh của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, vào năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm sinh.
Nếu Hội Kiều học được ra đời thì đây sẽ là một Hội nghề nghiệp mà tôi tin là sức tập hợp, sự cuốn hút của nó sẽ là rất lớn; bởi điểm tựa của nó là một lịch sử dài hơn 200 năm lúc nào cũng dồi dào, cũng cường tráng sự sống và sức sống của Truyện Kiều trong lòng dân; cũng có nghĩa là trong mọi tầng lớp xã hội - kể từ một ông vua được gọi là hay chữ cùng các bậc trí thức qua nhiều thời cho đến mọi người dân mù chữ, không riêng xứ Nghệ. Một lịch sử qua biết bao là thế hệ mà 3254 câu thơ Kiều đã góp phần gieo cấy nên niềm vui sống, sự giao hòa, chia sẻ cùng nền tảng nhân văn của nhân tâm Việt, con người Việt, dân tộc Việt...
Mê gì mê đánh tổ tôm
Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều
Hơn 200 năm - là một con số ước tính, bởi thời điểm chính xác cho sự ra đời của Truyện Kiều, chúng ta đang cùng nhau tìm kiếm. 200 năm không lúc nào ngừng nghỉ việc nói, kể, nghe, đọc, bàn, luận, khen-chê, tranh cãi về Kiều trên rất nhiều quan niệm, nhiều chỗ đứng khác nhau; nhưng dẫu có giống nhau, khác nhau, hoặc đối lập nhau thì thế giới người đọc Truyện Kiều vẫn luôn luôn là sự mở mang, sự nhân rộng, sự cuốn hút trước một đối tượng, càng theo thời gian càng khẳng định giá trị trường tồn và bất hủ.
Riêng trong thế kỷ XX cũng đã thấy một sự nỗ lực nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du của rất nhiều thế hệ, trong một gắn nối liên tục, không một khoảng trống vắng nào. Không ít tác giả gần như là dốc tất cả tâm huyết hoặc dành trọn cả đời mình cho việc khảo chứng, nghiên cứu Truyện Kiều mà họ nghĩ đó là công việc xứng đáng cho cả một đời. Và với số đông thì việc đọc Kiều, nghĩ và viết về Kiều không bao giờ là một động thái tùy hứng, ghé qua mà là một việc cẩn trọng, công phu; ngay cả khi chỉ là để tìm nghĩa, tìm chữ cho một hoặc vài câu trong 3254 câu gần như là không câu nào được phép sao lãng...
Sau một lịch sử những khổ công hứng thú và say mê của biết bao thế hệ người đọc trong 200 năm, lúc này thật đã đủ cho sự thành lập một Hội nghề nghiệp của những người yêu mến Truyện Kiều, và say mê nghiên cứu Truyện Kiều. Để, từ đây, những tìm tòi riêng lẻ của mỗi người sẽ tìm được sự hưởng ứng, sự chia sẻ, sự giúp đỡ của các cộng đồng lớn nhỏ trong Hội, mà đưa tới sự nâng cao và mở rộng các giá trị tìm kiếm đối với một tác phẩm gần như là tuyệt đối và vĩnh viễn chịu được sự thử thách nghiệt ngã của thời gian.
Điều đáng suy nghĩ thêm: thời điểm chính thức Nguyễn Du viết Truyện Kiều còn đang được giới nghiên cứu đi tìm, nhưng dẫu vào lúc nào thì cũng nằm trong giới hạn thời gian sống - sinh thời Nguyễn Du, đó là thời Lê mạt - Nguyễn sơ. Lê mạt được chấm dứt với phong trào Tây Sơn. Còn Nguyễn sơ, là trọn vẹn triều Gia Long (1802-1820), trong khởi đầu nhà Nguyễn. Đó là một thời khó sống - tôi nghĩ thế; và đã có lần nói thế. Khó sống cho Nguyễn Du và cho các thế hệ trí thức trước và sau ông, như Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm... Như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ... Cái cũ - Lê mạt đã bị thiêu rụi; còn cái mới - Nguyễn sơ thì chưa hứa hẹn một điều gì tốt lành. Thế nhưng chính vào thời đó lại là thời xuất hiện Truyện Kiều, một tác phẩm không chỉ là đỉnh cao cho một thời, mà là cho muôn đời. Xem ra sự xuất hiện những giá trị tinh thần lớn thường chọn một lối đi bất thường như vậy. Như một nghịch lý của sự phát triển.
Hội Kiều học nếu được ra đời sau 246 năm sinh và 191 năm mất Nguyễn Du; tức là sau trên dưới 200 năm ngày Truyện Kiều ra đời, tôi nghĩ là hợp thời và đúng lúc. Đó là sự đáp ứng không phải chỉ là nguyện vọng của những người yêu mến Nguyễn Du, lớp lớp các thế hệ công chúng say mê Nguyễn Du, mà còn là nhu cầu của thời cuộc. Chẵn 25 năm sau ngày khởi động công cuộc Đổi mới - nếu tính từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986 - đất nước đã chuyển vào thời kỳ hội nhập với những thành tựu thật ngoạn mục; nhưng lại cũng đặt ra không ít khó khăn, trở ngại... Kinh tế thì phát triển nhưng văn hóa thì xuống cấp, và sự phân hóa giàu- nghèo thì càng gay gắt. Chuyện này khỏi cần phải bàn cãi vì nhìn vào thực trạng giáo dục, văn hóa, cùng đời sống tinh thần và đạo lý của con người, không phải chỉ ở các vùng sâu, vùng xa mà ngay cả nông thôn và đô thị cũng đủ chứng kiến biết bao sự âu lo trước các hiểm họa. Nói cách khác, cái kinh tế nếu đã được quan tâm trong mục tiêu làm giàu bằng mọi giá, thì cái văn hóa lại bị buông lỏng hoặc thả nổi. Quan hệ giữa con người trở nên lỏng lẻo, rời rạc trước bao tệ nạn xã hội và tội ác lan tràn; và thói vô cảm trở thành gần như là thói quen và nếp sống của một bộ phận cư dân không nhỏ. Trước thực trạng này, có lẽ, hơn bất cứ lúc nào, lúc này là lúc cần trở lại toàn diện và triệt để những bài học nhân sinh và đạo lý Nguyễn Du đặt ra trong Truyện Kiều. “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Và, nếu nhìn rộng ra bối cảnh Toàn cầu hóa hiện nay, nhìn vào những phức tạp mới trong các quan hệ khu vực và quốc tế, thì có lẽ, hơn bất cứ lúc nào, lúc này là lúc những giá trị tinh thần của dân tộc, nằm trong tâm hồn, tính cách, bản lĩnh Việt phải được tôn vinh, phát huy. Phải một ngôn ngữ Việt, một tiếng Việt như tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới chất chứa, chuyển tải được tất cả những phẩm chất ấy.
Đúng như Tố Hữu từng viết:
Tiếng thơ ai động đất trời
Hoặc như Chế Lan Viên:
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.
Biết bao công việc sẽ được đặt ra cho một Hội nghề nghiệp như Hội Kiều học, khi cả một cộng đồng nhiều trăm hội viên cùng chung tay chia sẻ, với sự quan tâm của Nhà nước và sự hảo tâm của các Mạnh Thường Quân tin chắc sẽ là không hiếm, trong đó có những việc tôi nghĩ có thể làm ngay từ sưu tầm, nghiên cứu đến phổ biến, phát huy các giá trị của Truyện Kiều.
*
* *
Chẵn 20 năm trước đây, năm 1991, Viện Văn học cùng một số đồng nghiệp ở các trường Đại học và cơ quan văn hóa, văn nghệ đã làm đơn xin phép thành lập Hội nghiên cứu - phê bình văn học, để cùng với Hội Nhà văn và các tổ chức liên quan chăm lo một mảng công việc không lúc nào không được xem là quan trọng trong sự nghiệp xây dựng một nền văn chương- học thuật tiền tiến - cách mạng ở nước ta. Thế nhưng đơn xin đã không được chấp nhận, bởi những lo lắng của các cấp trên. Mà lo cũng là phải...Mà nếu Hội được thành lập thì chắc cũng không làm được gì, hoặc không làm được gì nhiều trong hoàn cảnh ấy. Về sau nghĩ lại thấy đó cũng là điều tự nhiên, khi công cuộc Đổi mới, chỉ mới đi những bước đầu tiên...
Giờ đây, việc thành lập Hội Kiều học, chọn đối tượng trung tâm của việc nghiên cứu là Truyện Kiều của Nguyễn Du, hy vọng sẽ là một khởi động tốt cho việc mở mang các lĩnh vực nghiên cứu thuộc địa hạt tinh thần, văn hóa, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn chương, nghệ thuật... nhằm vào việc lành mạnh hóa đời sống xã hội và cân bằng trở lại các giá trị kinh tế và văn hóa, để góp phần đưa đất nước vào phát triển hài hòa, bền vững như Đảng và nhân dân mong mỏi. Cũng như chính tác giả Truyện Kiều mong mỏi.
---------------------
(*) Tên gọi tắt của Hội khoa học nghiên cứu Truyện Kiều.