Cuộc sống quanh ta
Cải cách thủ tục hành chính: nhìn từ góc độ người dân
Khi chúng ta ra phường hay xã để làm thủ tục giấy tờ liên quan đến nhà đất, hộ tịch, sao y, xác nhận .v.v. thì thái độ làm việc của người cán bộ tiếp dân, cách thức xử lý giấy tờ hành chính là bộ mặt đại diện cho chính quyền quốc gia, bộ mặt của mỗi quốc gia.
Tương tự như vậy, người cán bộ Hải quan các cửa khẩu là bộ mặt đầu tiên mà khách nước ngoài gặp khi tới thăm quốc gia nào đó và người cán bộ cảnh sát giao thông chính là hình ảnh phản ánh việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn giao thông của mỗi quốc gia trong mắt của du khách và người dân trong và ngoài nước.
Để tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt người dân cũng như cách thức giải quyết công việc thực sự hiệu quả cao, tinh thần của mỗi người cán bộ hay quan chức nhà nước phải thấu hiểu “thiên chức phụng sự” của người “công chức” nhà nước, ăn lương của dân, có trách nhiệm phải giúp người dân giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Câu chuyện thứ nhất: có dịp đi công tác nước ngoài, khi quay lại Việt Nam, mỗi người chúng ta đều có dịp so sánh thái độ phục vụ của người cán bộ Hải quan phụ trách xuất nhập cảnh tại sân bay, cửa khẩu của ta và các nước. Thường ở các quầy làm thủ tục Hải quan các nước thường có một đĩa kẹo nhỏ mời khách đang đứng chờ làm thủ tục. Lời chào khi vừa chạm mặt ( Hello! How are you? – Xin chào, bạn khỏe không?) và lời chào chia tay (Thank you ! Have a nice day – Chúc một ngày tốt lành !) khi làm xong thủ tục nhanh gọn. Và một nụ cười không thể thiếu là điều đang thiếu vắng ở Hải quan nước ta.
Câu chuyện thứ hai: một bà bác khoảng 60 tuổi ra một phường ở quận 2, Tp. HCM để khiếu nại, câu chuyện của bà với nhân viên phụ trách nhà đất và quản lý đô thị trở nên lớn tiếng, và ai cũng có thể nghe và hiểu được phần nào.
Nhà bà bị lấy đất giao cho một cây xăng án ngữ ngay trước nhà bà. Đây là một tranh chấp chưa ngã ngũ, tuy nhiên, khi bà bác này muốn xin giấy phép sửa chữa và xây dựng nhà thì phường không chấp thuận vì nhà đất của bà vi phạm lộ giới…
Điều bất bình thường là Cây Xăng trước nhà thì đã được cấp phép trong khi nhà bà ta, ở cách xa lộ giới đường hơn, muốn xây sửa nhà mình thì bị vi phạm! bà ta kiện lên quận, quận chỉ lên thành phố và nghe đâu ra tới cả trung ương và trả hồ sơ về lại phường !
Điều kiện ở cơ quan cấp trên, cao hơn, là phường phải xác nhận không giải quyết thì quận mới giải quyết nhưng người cán bộ phường phụ trách thì không dám xác nhận điều gì trong đơn của bà bác với lý do không có chức năng. Trong khi bà ta chỉ cần phường ghi mấy chữ: “không thuộc phạm vi giải quyết của phường” để bà còn lên quận ! Vòng lẩn quẩn cứ thế … Khiếu nại, khiếu kiện kéo dài là vậy.
Câu chuyện thứ ba: cũng tại phường nói trên, một người bạn có căn nhà nằm trong qui hoạch “treo” tại quận 2, Tp. HCM. Công ty chủ đầu tư dự án, công ty CP XD S., chỉ đủ năng lực đền bù giải tỏa một phần đất ruộng với giá rẻ, còn phần đất thổ cư, đất nhà phố thì họ không hoặc chưa đủ nguồn lực để làm. Họ định dùng chính sách đền bù giá rẻ, bán đất giá cao kiếm lời rồi mới làm tiếp, theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”!
Do vậy, toàn bộ người dân trong khu vực nói trên đều bị “treo” các quyền lợi suốt hơn 10 năm như mua bán, chuyển nhượng, cấp số nhà, hộ khẩu, sổ hồng, cho con đi học, xây sửa nhà, .v.v. dẫn tới tình trạng toàn bộ khu vực rất chậm phát triển. Dân cư thưa thớt, ít học, nhà cửa xiêu vẹo, xấu xí, xuống cấp… giá đền bù, tái định cư, giải tỏa là chuyện dài khó có hồi kết.
Khi anh bạn nói trên cảm thấy ở địa phương này không an tâm nên đã dời sang nơi khác và cho thuê căn nhà ở quận 2, thì gặp rắc rối. Nguyên là bên thuê nhà muốn anh ta cung cấp bản sao giấy tờ nhà hợp pháp hay sổ hồng thì anh chỉ có một xấp giấy dày thay cho sổ hồng (anh đã nhiều lần làm thủ tục xin cấp sổ hồng đều bị từ chối, mặc dù là nhà ở có chứng từ đầy đủ và hợp pháp, đủ điều kiện để cấp sổ hồng, với lý do là “khu qui hoạch”). Số nhà chính thức hay hộ khẩu cũng không có.
Muốn đem hợp đồng ký giữa hai bên ra phường xác nhận cũng không được. Phường chỉ ra công chứng. Phòng công chứng thì không chịu công chứng vì chưa có sổ hồng !
Anh bạn cố gắng năn nỉ với người cán bộ phường thì bị mắng cho một trận. Anh lên UBND Quận 2 hỏi thủ tục, người cán bộ tiếp dân ở quận 2 rất nhiệt tình nói là phường sai, khuyên anh cứ quay về phường và cho số mobile để nói chuyện trực tiếp, giải thích với cán bộ phường.
Anh bạn nhẫn nại quay về phường a lô cho ông cán bộ quận, nhờ hai bên nói giúp vài câu giải thích cho ông cán bộ phường thì ông này không thèm nghe máy ! Ông cán bộ phường giận dỗi bảo là ông ta chỉ làm theo chỉ đạo của chủ tịch phường thôi. Đây cũng là hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, làm việc theo cảm tính, không tôn trọng quyền lợi của người dân.
Xem ra anh bạn tôi sẽ khó mà xoay xở giữa cái ma trận: qui hoạch treo, bị treo luôn các quyền lợi hợp pháp về sử dụng nhà đất của dân, và thái độ tiếp dân của cán bộ địa phương !
Và rất nhiều câu chuyện khác về thủ tục hành chính nhiêu khê mà “đoạn trường có ai qua cầu mới hay” !
Vấn đề ở đây không phải là chúng ta không có đủ hay còn thiếu luật hay pháp luật, mà chúng ta có thể đang thiếu cơ chế thực thi và bảo vệ pháp luật.
Cơ chế thực thi và bảo vệ hiến pháp, pháp luật và giải pháp nguồn nhân lực
Trong các câu chuyện nói trên, nổi bật là thái độ làm việc của người cán bộ tiếp dân, tiếp khách. Anh cán bộ đã không hề xem người dân, người khách là “đối tượng phục vụ” mà anh ta có trách nhiệm bắt buộc phải tôn trọng, tiếp đón trọng thị như một “khách hàng quan trọng” hay một công dân đang trả tiền thuế cho nhà nước và nhà nước đang trả tiền lương cho anh ta.
Câu nói nhà nước ta là nhà nước “do dân và vì dân” đã bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua ở đây, hoặc chỉ còn là một số khẩu hiệu thiếu chất xúc tác, thiếu cảm xúc, không thể thực thi tại các cấp địa phương, mặc dù các khẩu hiệu này được treo trang trọng, rất nhiều trên tường của các cơ quan công quyền.
Tại sao như vậy? Cơ chế giám sát nào khiến anh cán bộ phường sẽ không thể bắt nạt hay làm sai hoặc đối xử không đúng với dân và thậm chí là cán bộ cấp trên ở quận cũng không thèm nói chuyện ?
Ai cũng nghĩ rằng cần có một cơ chế giám sát, chế tài sao cho người cán bộ công chức địa phương không thể làm sai, không thể hạnh họe, hạch sách, làm khó để vòi vĩnh, kiếm tiền từ người dân mỗi khi đến làm thủ tục hành chính.
Hai vấn đề nổi bật có thể xem là nguồn cơn của vấn nạn quan liêu, cửa quyền về thủ tục hành chính là hệ thống giám sát việc thực thi hiến pháp và pháp luật – tức hệ thống tư pháp độc lập; và hệ thống nguồn nhân lực cho cơ quan công quyền hay cơ chế tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ nhà nước tại các cơ quan công quyền.
Xây dựng hệ thống tư pháp độc lập
Trong các trường hợp người dân bị đối xử không đúng, thậm chí bị ngược đãi, chèn ép, vòi vĩnh … nếu người dân có thể mang câu chuyện của mình kiện lên một cơ quan tư pháp hay tòa án tư pháp độc lập, chí công vô tư thực sự.
Đây chính là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương, đóng vai trò một “trọng tài” phân xử các tranh chấp, khúc mắc giữa “quan” với “dân”. Đây cũng chính là hình thức chế tài nếu các công chức nhà nước cố tình vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng phạt.
Tuy nhiên, điều này cũng đã được nói nhiều trên các phương tiện thông tin báo chí, nhưng hiện tại, các cơ quan tư pháp hay tòa án vẫn còn trực thuộc chính quyền sở tại, nên chưa thể đưa ra các phán xét hay phân xử độc lập được. Giống như cấp dưới thì không thể xử hay phán xét cấp trên được vì cái ghế của mình là do cấp trên quyết định.
Xây dựng hệ thống nguồn nhân lực cho các cơ quan công quyền
Cần có một cuộc khảo sát thí điểm hay qui mô lớn để tìm hiểu về thực trạng năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp công chức, và quan trọng nhất là tìm hiểu đời sống và đạo đức của công chức trong giai đoạn hiện nay.
Từ đó, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp đào tạo mới đội ngũ kế thừa, đào tạo lại, huấn luyện lại, luân chuyển cán bộ cho các cán bộ công chức để nâng cấp năng lực và trình độ chuyên môn.
Cần có các cải cách nhân sự có tính đột phá về khâu tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự, không theo cơ chế quen biết, xin cho, có đi có lại, thì may ra mới tránh được tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trong câu chuyện thứ ba.
Ở đây, ông cấp dưới nhưng có “thế lực” của ông này còn cao to hơn ông cấp trên, nên không cần phải tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng thời ông cấp trên không thể chế tài hay xử phạt, sa thải cấp dưới được, thậm chí khi ông cấp duới vi phạm đạo đức nghề nghiệp !
Phải có những hệ thống tổ chức và con người với nguồn nhân lực mang quan niệm “công chức là để phụng sự tổ quốc và nhân dân”, được trả lương xứng đáng, làm việc hết mình với trách nhiệm cao nhất, có bản tính trung thực, có tài năng cũng như khả năng lãnh đạo, sẵn sàng từ nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Câu hỏi liệu hệ thống tổ chức hay con người quyết định sự thành bại của hệ thống thực thi quyền lực nhà nước và các cơ quan công quyền, hoặc quyền lợi của tổ quốc và nhân dân có được đảm bảo? câu trả lời là phải làm cả hai, cải cách và thay đổi cả hai, từ góc độ quyền lợi và sự chấp nhận của người dân.
Đây cũng là sự thành bại về lâu dài, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia./.
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513657
Hôm nay
2130
Hôm qua
2313
Tuần này
21594
Tháng này
220530
Tháng qua
121356
Tất cả
114513657