Văn hoá học đường

Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)

VHTTNA: Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau khi nhậm chức (ngày 6-5-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra nhiệm vụ với Ngành GD&ĐT là phải làm sao để “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Để làm rõ ý kiến chỉ đạo mang tính chiến lược này, VHTTNA xin gửi tới bạn đọc bài Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” (2 kỳ) của nhóm tác giả Trung Hiếu - Ngô Khiêm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Bộ GDĐT. (Nguồn: moet.gov.vn)

Kỳ 2: Giải pháp nào cho “Học thật, thi thật, nhân tài thật”?

Thông điệp “Học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra chính là yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đào tạo cán bộ của Đảng từ Trung ương đến địa phương cần đào tạo chất lượng hơn, thực chất hơn, bỏ đi những tiêu cực, “thói gian dối” và “bệnh thành tích”. Để làm được điều đó cần có sự chuyển hóa về chất, nó không chỉ đơn thuần là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn là chất lượng con người để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, chất lượng để tạo ra của sự phát triển của đất nước, của nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài.

1. Để có được sự chuyển đổi lớn theo hướng thực chất trong giáo dục theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đào tạo cán bộ của Đảng từ Trung ương đến địa phươngcần có rất nhiều việc phải làm, cần phải có những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ. Trước hết là phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ trong suốt quá trình đào tạo từ bậc học phổ thông, đại học, trên đại học đến công tác đào tạo cán bộ của Đảng.

Đối với bậc phổ thông phải chú trọng dạy làm người để học sinh biết tu dưỡng, sống có chí hướng, có đạo đức, khơi dậy được tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân. Điều đáng buồn hiện nay là học sinh bị “nhồi nhét” quá nhiều môn học mà học xong “chữ thầy trả thầy” nhất là ở môn Lịch sử. Bác Hồ dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, thế nhưng thực tế qua nhiều năm trở lại đây tình trạng học sinh “mù” sử là có thật. Ngay như tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua khi mà đề thi được đánh giá là khá “nhẹ nhàng”, là tạo ra “cơn mưa” điểm 10 thì môn Lịch sử vẫn có điểm trung bình thấp nhất, đồng thời cũng là môn có nhiều học sinh bị điểm liệt nhất với 540 thí sinh. Cùng với đó, ở bậc học này cũng cần sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh; điều chỉnh những bất cập về công tác phổ cập giáo dục; hạn chế các “hội thi”mang tính hình thức cả giáo viên lẫn học sinh; loại bỏ các loại “chứng chỉ” bồi dưỡng và chức danh nghề nghiệp; đổi mới hình thức thi cử và cần biên soạn, thông qua “Luật Nhà giáo”…

Đối với bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình tới thiết kế chuẩn đầu ra và đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Nhiệm vụ của bậc học này là phải tạo ra lực lượng lao động cho xã hội phải thật chuyên sâu, tinh, chất lượng như cách nói của Bác Hồ là “cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp cho công cuộc xây dựng nước nhà”. Muốn vậy, phải xây dựng triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay, đồng thời mỗi trường đại học, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế.

Đối với công tác đào tạo cán bộ của Đảng phải gắn với vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước và Nghị định số 18/2010/NĐ-CP (ngày 5-3-2010) của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng cán bộ với nội dung chủ đạo: “Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao”. Từ vị trí việc làm suy ra chuyên ngành cần đào tạo để tránh đào tạo lung tung, sau đó quy hoạch hệ thống đào tạo. Hệ thống đào tạo quốc dân căn cứ vào nhu cầu lao động cho các ngành phục vụ đất nước để định hình ra tổng cầu và xây dựng hệ thống trường lớp, giảng viên. Đồng thời phải có quy hoạch tổng thể đào tạo cán bộ, quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Riêng trong đào tạo cán bộ gắn với vị trí việc làm cần chú trọng 3 điều: (1) Điều chỉnh nội dung đào tạo, bồi dưỡng lấy thực tế, thực hành làm chủ đạo; (2) Ngoài giảng viên trong biên chế, các khóa đào tạo rất cần các buổi giảng, nói chuyện chuyên đề do những cán bộ nghiên cứu, các lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp truyền đạt, cập nhật cho người học những thông tin, kiến thức thực tế; (3) Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Thực hiện được 3 điều đó chúng ta sẽ đào tạo ra lứa cán bộ có kiến thức sâu sát về lĩnh vực mà mình trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, quản lý để đưa ra những định hướng lớn mang tầm vĩ mô, chứ không phải là cán bộ chỉ biết “chỉ tay năm ngón”. Điều này đã được Bác Hồ sớm chỉ ra: “Phải theo trình độ cán bộ cao hay thấp mà đặt lớp chứ không theo cấp bậc cao hay thấp và phải huấn luyện chuyên môn cho cán bộ sao cho ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy”. 

2. Với người học nói chung cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp. Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...

Để có được nền giáo dục thực chất cần phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội. Cùng với đó muốn việc đào tạo được tốt hơn cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất. Đồng thời cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là thực lực của Ngành Giáo dục và Đào tạo. Có tạo được cái thực đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

3. Giáo dục tạo ra con người và con người đó sẽ được xã hội đánh giá. Nếu đánh giá công bằng, khách quan, đúng đắn, xã hội sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển lành mạnh và ngược lại. Lâu nay, có lẽ chúng ta đã nhầm lẫn giữa người học giỏi và người giỏi, người giỏi lại đồng nhất với người thi giỏi. Vì vậy, nhân tài của chúng ta được mặc định là người có điểm số cao, tức là người thi giỏi. Đó là tư duy của kiểu ứng thi và thi vì bằng cấp. Trên thực tế, người giỏi hay nhân tài thật, phải là người làm giỏi, người tạo ra nhiều giá trị và thành quả cho cuộc sống, người có nhiều cống hiến cho đất nước.Chính việc nhầm lẫn về mặt nhận thức này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ trước đây ngồi nhầm lớp, nhầm trường, bây giờ thì “ngồi nhầm ghế”. Học không thật vì gian dối bởi mua điểm, mua bằng, mua chứng chỉ. Thi cũng không thật bởi nếu thi bằng năng lực thì không bao giờ đỗ, nên xảy ra tiêu cực. Hậu quả của cái gọi là “nhầm lẫn” ấy đã dẫn đến nhiều cán bộ các cấp khi lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực mình phụ trách sai phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực tế của nhiều năm gần đây, chất lượng đầu ra nhiều trường đại học không tương xứng với văn bằng đào tạo. Nhan nhản các hình thức học, như: tại chức, chuyên tu, từ xa... với đầu vào rất thấp, thời gian học thì ngắn nhưng bằng cấp khi tốt nghiệp lại cao. Việc cấp bằng cử nhân hiện nay đã trở nên quá dễ dàng, bằng Thạc sỹ lại quá phổ biến nhưng chất lượng khi làm việc lại phơi bày nhiều sự yếu kém. Ở bậc đại học và trên đại học ở nhiều trường đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát về chất lượng đầu ra khi rất nhiều sinh viên, học viên đi học theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Những mẻ cán bộ được đào tạo theo kiểu này sẽ được “phát lộ” trong quá trình điều hành công việc gắn liền với các vị trí công tác quản lý. Vì bệnh “háo danh” và tham vọng quyền lực nên hiện tượng “học giả, bằng thật” đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội, sinh ra những “trí thức giả” dẫn đến nhiều tác hại khó có thể “cân đo đong đếm cho Nhà nước và xã hội.

4.Một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất. Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, thì một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người. Ở không ít nơi tuyển chọn nhân sự, cán bộ vẫn dựa vào hồ sơ “đẹp” mà theo đó hồ sơ “đẹp” được định nghĩa rằng có nhiều bằng cấp, chứng chỉ thậm chí đến bản thân chủ sở hữu bằng cấp, chứng chỉ đó không biết học để làm gì nhưng phải có nó bằng mọi cách. Hay một số vị trí vụ, cục ở trong bộ máy Nhà nước đòi hỏi phải có hàm Giáo sư trong khi vị trí đó chỉ đòi hỏi người có năng lực lãnh đạo, có tầm nhìn. Do quy định như vậy, nên người ta phải đi học Tiến sĩ trong khi không có động lực theo nghiên cứu khoa học. Học tập như vậy rất mất thời gian, tạo động cơ học tập khiên cưỡng, ép buộc dẫn tới học đối phó và rơi vào vòng luẩn quẩn tiêu cực.

Giải pháp cốt lõi nhất để hướng tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ phải bắt đầu với việc thay đổi nhận thức về thi cử và bằng cấp từ mỗi cá nhân đến gia đình và xã hội. Tâm lý “sính” bằng cấp phải được loại bỏ, thay vào đó, tùy vào mỗi vị trí công việc để chọn cho mình một con đường học vấn phù hợp với trí tuệ của mình. Lúc đó người học vừa phát huy được năng lực và sở trường, vừa không bị lãng phí về thời gian và tiền bạc.Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng... thì khi đó học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật thi thật. Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, theo phẩm chất thật thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ.

 

Học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là công việc của Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đào tạo cán bộ của Đảng từ Trung ương đến địa phương nhưng cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. “Một cánh én không làm nên mùa xuân” huống chi đây là vấn đề lớn, hệ trọng và là “quốc sách hàng đầu”. Nếu tất cả người dân cùng đồng lòng, đồng sức vì nền một giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và vì sự phát triển của đất nước thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội cần chung tay hành động là tất cả cùng vì học thật. 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515191

Hôm nay

2236

Hôm qua

2308

Tuần này

2792

Tháng này

213130

Tháng qua

121009

Tất cả

114515191