Diễn đàn

Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm

Vấn đề Đường Lâm, quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền ở đâu, từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi.    

Năm 1964, trong cuốn  Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh, sau khi dẫn Toàn Thư nói “Ngô Quyền là người Đường Lâm”; dẫn chú thích của Cương Mục rằng xưa xã Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc, sau Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây; dẫn Sơn Tây tỉnh chí viết Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã Đường Lâm, Sơn Tây… liền tỏ ý nghi ngờ rằng các tác giả thời Nguyễn đã nhầm Đường Lâm là tên huyện thuộc châu Phúc Lộc ở Nam Hà Tĩnh thời Đường thành tên xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ ở Sơn Tây thời Nguyễn.

Năm 1966, trong bài Vài sai lầm về tài liệu của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Văn Tân ủng hộ quan điểm của Đào Duy Anh và khẳng định “Ngô Quyền phải là người huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc, Hà Tĩnh chứ không phải người xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây”.

Năm 1967, trong bài Về quê hương của Ngô Quyền, Trần Quốc Vượng phản bác quan điểm của Đào Duy Anh và Văn Tân với 5 luận cứ sau:

1- Tình trạng cùng một xứ, cùng một thời có hai địa danh trùng nhau hoặc là cùng một xứ nhưng ở thời trước thì địa danh ấy chỉ một miền này, ở thời sau cũng địa danh ấy lại chỉ một miền khác vốn là một điều thường có thời xưa (và cả ngày nay). Thời thuộc Đường, ngoài Đường Lâm thuộc châu Phúc Lộc ở Nam Hà Tĩnh nay còn có Đường Lâm là một châu thuộc châu Giao (đồng bằng Bắc Bộ) và đất Đường Lâm đó sau là một xã thuộc huyện Phúc Lộc ở Sơn Tây.

2- Theo bia xã Đường Lâm thì khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy Đường Lâm làm “thang mộc ấp”. Sau khi Ngô Quyền mất (944), loạn 12 sứ quân nổ ra. Một trong 12 sứ quân là Ngô Nhật Khánh thuộc dòng họ Ngô Quyền đã cát cứ ở Đường Lâm, quê hương nhà Ngô. Theo Việt Sử lượcToàn Thư năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Quyền) đi đánh 2 thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình và bị chết. Thái Bình là tên một huyện của Giao châu thời thuộc Đường. Đào Duy Anh đã xác định huyện Thái Bình là ở khoảng huyện Quốc Oai ngày nay. Thôn Đường thuộc Thái Bình là đất Đường Lâm, nơi Ngô Nhật Khánh cát cứ, còn thôn Nguyễn thuộc Thái Bình là nơi Nguyễn Khoan cát cứ. Việt Sử lược đã gọi Nguyễn Khoan là Nguyễn Thái Bình.

3- Việt Điện u linh (tác phẩm thời Trần) dựa vào Sử ký của Đỗ Thiện (tác phẩm thời Lý hay đầu thời Trần) chép truyện Lý Phục Man nói Lý Phục Man là tướng của Lý Nam Đế, được Lý Nam Đế “giao cho đóng giữ hai đất Đỗ Động và Đường Lâm” và khi chết còn được thờ ở đó. Đền thờ Lý Phục Man nay hiện còn ở xã Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây. Đỗ Động, khu vực cát cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc nay cũng thuộc tỉnh Hà Tây. Vậy rõ ràng đất Đường Lâm ở cạnh Đỗ Động cũng phải thuộc vùng Sơn Tây cũ. Theo Toàn Thư ở thời 12 sứ quân hơn 500 con em Ngô Quyền ở Đỗ Động đã đem quân tới đánh Đinh Bộ Lĩnh. Đó là một chứng cớ nữa cho thấy quê hương, con cháu nhà Ngô đều ở đất Sơn Tây cũ.

4- Ở Đường Lâm hiện còn có đền thờ Phùng Hưng, có lăng Ngô Quyền trong khi đó ở Hà Tĩnh không có một di tích lịch sử nào liên quan tới hai vị. Tấm bia Đường Lâm dựng đời Trần (1390) nói rõ: Ngô Quyền ở ngôi 6 năm thì mất. Người tự lập làm vương sau đó lập miếu đình để làm nơi cho bản ấp phụng thờ, tế lễ.

5- Bia Đường Lâm do con cháu Phùng Hưng, Ngô Quyền dựng cuối đời Trần (1390) rất đáng tin cậy. Văn bia trích gia phả của hai họ, tóm thuật những điều cốt yếu cho ta biết một số điều mà sử sách chưa ghi chép nhưng hợp lý.

Trong phụ lục I cuốn Sự ra đời của Việt Nam, sử gia Mỹ Keith Taylor (1983: 327-330) cũng nêu ra mâu thuẫn giữa các nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam, một đằng nói Đường Lâm, Phúc Lộc, An Viễn là các địa danh thời Đường từ thế kỷ 7 chỉ một miền ở vùng sông Cả; một bên lại nói đó là các địa danh tại một miền phía Tây Bắc đồng bằng sông Hồng bắt đầu với Ngô Quyền từ thế kỷ 10. Ông cho rằng đó là vấn đề còn chưa được giải quyết.

Nhà ngôn ngữ học Mỹ Chamberlain (1998:41-43) dựa vào Taylor (1983) ghi nhận hiện tượng phần lớn các lãnh tụ khởi nghĩa vào thế kỷ 9, 10 ở Việt Nam  như Mai Thúc Loan, Dương Thanh, Đỗ Tồn Thành, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh đều là quan lại quí tộc Việt ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Từ đó, ông cho rằng cả Phùng Hưng và Ngô Quyền đều có gốc ở Đường Lâm, Phúc Lộc phía Nam sau dẫn quân ra phía Bắc dành thắng lợi, dẫn đến các địa danh như Phúc Lộc, Đường Lâm cũng di chuyển theo.

Trước đó, trong một bài viết năm 1991, Chamberlain nêu ra 7 điểm tương đồng giữa anh em Phùng Hưng với các nhân vật huyền thoại Thao Hung/Chương Han của người Khmu ở Lào. Có thể coi đó là những bằng chứng ủng hộ nguồn gốc Thanh - Nghệ của Phùng Hưng.

Năm 2011, trong bài Đường Lâm - Sơn Tây: một chặng đường huyền sử thế kỷ XX, hai nhà Hán - Nôm học Trần Trọng Dương - Nguyễn Tố Lan, một mặt cho rằng Trần Quốc Vượng đã dùng “sử liệu cấp hai” để phủ định các “sử liệu cấp một” được viết vào đời Đường, mặt khác chứng minh bia đời Trần mà Trần Quốc Vượng dùng trong bài của mình là một văn bia ngụy tạo với các lập luận sau:

- Về mặt thư pháp và văn tự học, chữ khắc trên văn bia đều là lối chữ chân nhỏ, quy củ của triều Nguyễn.

- Về địa danh học, văn bia vẫn vô tình để lại tên huyện Phúc Lộc thời Nguyễn.

- Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia cuối thời Nguyễn.

- Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, nằm ngoài điển lệ của triều đình.

Năm 2012, trong bài viết Đường Lâm là Đường Lâm nào trên Tạp chí Xưa và Nay, ba học giả Hán - Nôm Trần Ngọc Vương - Trần Trọng Dương - Nguyễn Tô Lan, một phần dựa vào các nghiên cứu của Lê Hải Nam - Tích Dã (2009), Nguyễn Tùng (2009), xác định:

1- Châu Đường Lâm - quê của Phùng Hưng, Ngô Quyền-vốn từng có tên châu Phúc Lộcphảinằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa - Nghệ An.[1]

2- Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên xã Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).

Trong cuốn sách Nguồn gốc Người Việt Người Mường (Tạ Đức 2013), tôi đã nêu và ủng hộ cách lý giải của Chamberlain, đồng thời cho rằng dù Trần Trọng Dương và đồng nghiệp đã đúng khi xác định Phùng Hưng và Ngô Quyền có quê gốc ở Đường Lâm, Thanh Nghệ, nhưng họ cũng đã không thấy hay bỏ qua khả năng việc cả hai vua đưa họ hàng từ quê ra vùng Sơn Tây lập quê mới, tức vẫn có một Đường Lâm, “đất phát tích hai vua” ở Sơn Tây như quan niệm truyền thống.

Năm 2019, trong cuốn Việt Nam thế kỉ XNhững mảnh vỡ lịch sử, khi đưa lại hai bài báo,Trần Trọng Dương đã duy trì quan điểm phủ nhận địa danh Đường Lâm ở Sơn Tây.

Gần đây, khi đọc loạt bài báo của Phạm Hoàng Mạnh Hà (trên vanhoanghean.com) và Phạm Trung Đà (trên vannghesontay.com) phản biện cuốn sách trên, tôi thấy họ đã phê phán khá xác đáng nhiều luận điểm nêu trong sách, nhưng về vấn đề quê hương Phùng Hưng, Ngô Quyền, có vẻ họ lại tin rằng, Trần Trọng Dương đã đúng và “thành công” trong việc “lật nhào” quan điểm cũ của các sử gia tiền bốivốn được coi là một” chân lý ”(!)

Một cây bút của báo Khoa học và Phát triển, nơi tổ chức cuộc nói chuyện về cuốn sách ngày 6-4, còn cao hứng viết:

Nếu biết rằng, suốt từ khi bài báo ra đời (2011) tới nay, câu hỏi “Đường Lâm là Đường Lâm nào?” thường xuyên vang lên khi người ta nói về Đường Lâm; thì ta không thể không đánh giá cao hai bài viết kể trên. Tác giả đã khảo sử Trung Quốc, khảo quan điểm của các sử gia (Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng…), điền dã, giám định văn bia… để kết luận rằng vị trí hiện nay của Đường Lâm là một sự ngụy tạo. Tuy nhiên, mọi quan điểm chính thức đều được… giữ nguyên, mà ai - dù tán thành hay không tán thành quan điểm của bài báo - cũng đều hiểu rằng, do các yếu tố ngoài lịch sử. Ngay cả trong Hội thảo mới nhất về Ngô Quyền (Hà Nội, 25/3/2019), ông Đại diện họ Ngô và nhiều ý kiến khác, không đồng ý Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là quê hương Ngô Quyền.[2]

Từ những điều nêu trên, như Phạm Hoàng Mạnh Hà, tôi cũng thấy “không thể không lên tiếng”.

Trong bài viết này, tôi sẽ phản biện quan điểm của Trần Trọng Dương (từ đây TTD) bằng cách bổ sung và bảo vệ cho quan điểm của Trần Quốc Vượng thông qua hoàn thiện quan điểm của Chamberlain.

1. Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm

Trong bài viết của mình, Trần Quốc Vượng cho rằngthời thuộc Đường có hai nơi mang tên Đường Lâm, một là Đường Lâm ở Hà Tĩnh và một Đường Lâm ở Sơn Tây. Đó chỉ là sự trùng hợp. Tuy nhiên, quê Phùng Hưng và Ngô Quyền duy nhất là Đường Lâm ở Sơn Tây.

Theo tôi, đây là một hạn chế hay thiếu sót trong quan điểm của ông. Để khắc phục thiếu sót này, tôi sẽ phát triển quan điểm của Chamberlain.

Như đã nêu, Chamberlain cho rằng, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người có gốc Đường Lâm/Phúc Lộc ở Thanh-Nghệ-Tĩnh, sau khi dẫn quân ra Bắc dành thắng lợi, các địa danh như Phúc Lộc, Đường Lâm cũng di chuyển theo.

Chamberlain chỉ nói đơn giản vậy, nhưng tôi sẽ nói rõ ràng, đầy đủ hơn.

Việc địa danh Đường Lâm di chuyển ra Bắc Bộ là kết quả của việc Phùng Hưng, sau khi làm chủ thành Tống Bình (Hà Nội) đã lập “thang mộc ấp” hay quê hương thứ hai ở một vùng đất phía Tây với tên quê cũ Đường Lâm.

Chúng ta biết trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, quan hệ họ hàng, đồng hương ở nhiều cấp độ có vai trò đặc biệt. Như một qui luật, các vương triều Việt Nam xưa đều coi trọng vùng đất quê hương hay đất “thang mộc” đất phát tích của vương triều.

Trong nhiều lý do khiến Lý Công Uẩn chuyển đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, một lý do chính là Thăng Long gần với Đình Bảng, Bắc Ninh, quê hương hay đất phát tích của nhà Lý.

Nhà Trần, dù duy trì kinh đô Thăng Long, nhưng cũng lập một loạt hành cung thái ấp ở Thiên Trường, Nam Định, vùng phát tích của họ Trần, nơi được coi là “kinh đô thứ hai” của nhà Trần.

 Hồ Quí Ly khi lên ngôi đã cho rời kinh đô về Tây Đôở Thanh Hóa, trong nhiều lý do, một lý do dễ thấy là để gần với vùng đất gốc của họ Hồ ở Nghệ An.

Nhà Mạc cho xây Dương Kinh ở Cổ Trai ở vùng ven biển Hải Dương - Hải Phòng là quê gốc của Mạc Đăng Dung.

Trong trường hợp của Phùng Hưng, do quê gốc ở Thanh - Nghệ quá xa xôi, cách tốt nhất là đưa họ hàng của mình cũng như của các quan tướng gần gũi với mình ra Bắc lập quê mới.

Việt điện u linh dẫn Giao châu ký của Triệu Xương, viên quan Đường đã dụ hàng Phùng An, tức người cùng thời với Phùng Hưng cho biết: Phùng Hưng là Quan lang thế tập châu Đường Lâm.

Chúng ta không rõ làng gốc của Phùng Hưng ở Thanh - Nghệ có mang tên Đường Lâm giống tên châu hay không, nhưng chắc chắn tên gọi đó đã được đặt cho ngôi làng, vùng đất “thang mộc” của Phùng Hưng ở Sơn Tây như một ghi nhớ về gốc tích, đồng thời như một biểu tượng cho sự cố kết đồng hương ở cả cấp độ rộng hơn: châu.

Việc di dân lấy tên quê cũ (toàn bộ hay một phần) đặt cho quê mới là một hiện tượng không hiếm ở Việt Nam và trên thế giới.

Tại Việt Nam, chúng ta ít nhất có ba ví dụ:

- Thế kỷ 11, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát (Bồ Bát là Bồ Xuyên và Bạch Bát) thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa Ngoại, nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã di cư về Thăng Long lập nên làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm nay. Trong tên gọi Bát Tràng, có từ “Bát” có gốc từ “Bồ Bát”.

- Thế kỷ XVI, một bộ phận dân làng Diêm Điền (Thái Bình) di cư vào Đồng Hới, Quảng Bình lập làng với tên làng gốc của tổ tiên. Giọng nói của người Diêm Điền Đồng Hới khác lạ so với giọng của các làng xung quanh được coi là giọng nói gốc của dân Diêm Điền, Thái Bình.

- Thế kỷ XX, khi người Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng sau năm 1975, họ đã lấy các tên Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàn Kiếm… đặt cho những tên làng, tên xã ở đây. 

 Hiện tượng đó cũng được phản ánh cả trong thơ ca. Trong trường ca Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu: 

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.

 Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy nước Mỹ có nhiều thành phố có tên giống tên các thành phố ở Anh như Manchester, Birmingham, Newcastle, Chelsea. Chúng ta lại thấy ở Canada có một thành phố có tên London với con sông cũng có tên là sông Thames giống con sông ở London. Tất cả các tên gốc Anh đó phản ánh quá trình di dân Anh tới Mỹ và Canada.

Dấu tích hay bằng chứng về việc lập quê mới của họ Phùng ở Đường Lâm chính sự có mặt đông đảo của người họ Phùng và các địa danh có từ Phùng ở các vùng đất xung quanh thuộc Sơn Tây và Hà Đông.

Theo Trần Quốc Vượng (1997: 97), quê của Phùng Khắc Khoan hay Trạng Bùng là Phùng Xá, còn gọi là làng Phùng hay làng Bùng. Cả một vùng rộng lớn từ Đan Phượng (hay Đan Phụng) đến Phúc Thọ, quê Phùng Hưng đều có tên chung là Phùng.

Chúng ta biết, Phùng Xá là làng/xã do người họ Phùng lập ra và có cư dân đa số là người họ Phùng.

Mặt khác, trong số những quân tướng của Phùng Hưng gốc Đường Lâm, Thanh - Nghệ, có cả những người họ Đỗ như Đỗ Anh Hàn, quân sư của Phùng Hưng. Việt điện u linh viết “Phùng Hưng dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn”. Rất có thể, con cháu họ Đỗ sau này làm chủ đất Đỗ Động liền kề với Đường Lâm.

Cũng Việt điện u linh viết Lý Phục Man được Lý Nam Đế “giao cho đóng giữ hai đất Đỗ Động và Đường Lâm”.

Chúng ta biết trong sử sách, các địa danh thường được cập nhật ở thời hiện tại, tức hai địa danh Đường Lâm và Đỗ Động nêu trên, tuy gắn với các nhân vật, sự kiện của thế kỷ 6 nhưng là hai địa danh thời Trần.

Không rõ, khi muốn phủ nhận địa danh Đường Lâm ở Sơn Tây, liệu TTD có thể chứng minh đất Đỗ Động không ở Sơn Tây hoặc Lý Phục Man cùng lúc có thể đóng giữ Đỗ Động ở Sơn Tây và Đường Lâm ở Thanh - Nghệ hay không?

Điều quan trọng là, trong số những quân tướng của Phùng Hưng gốc Đường Lâm còn có cả những người họ Ngô, tổ tiên của Ngô Quyền và Ngô Nhật Khánh - một trong các sứ quân thời Ngô có căn cứ ở Đường Lâm.

Giờ đây, chúng ta có những cơ sở để tin rằng điều mà Lê Tắc nói trong An Nam chí lược rằng “Ngô Quyền, người Châu Ái” là đúng.

Đó là Ngô tộc gia phả do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm 1477 nói tổ họ Ngô là Ngô Nhật Ðại, hào truởng châu Phúc Lộc, từng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bại phải rời ra Châu Ái. Đó là việc Ngô Quyền trở thành nha tướng và cũng là con rể của Dương Đình Nghệ, sau được họ Dương giao cho quyền cai quản Ái Châu.Và đó là việc Ngô Xương Xí, cháu nội Ngô Quyền, khi có loạn đã trở thành sứ quân Bình Kiều ở Thanh Hóa - vùng quê cha đất tổ.

Tuy nhiên,điều mà bia Đường Lâm nói rằng khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy Đường Lâm làm “thang mộc ấp” (tức làm quê hương hay nơi phát tích của mình) cũng hoàn toàn đúng.

Lý do của việc đó hoàn toàn dễ hiểu. Cũng như Phùng Hưng, Ngô Quyền cần một “thang mộc ấp” ở gần nơi mình trị vì (Cổ Loa). Vùng đất đó đã có sẵn, là nơi Phùng Hưng (người cùng gốc Đường Lâm Thanh - Nghệ) đã chọn. Đó là nơi con cháu họ Ngô khi đó đã đủ mạnh để sau trở thành một lực lượng cát cứ dưới sự lãnh đạo của Ngô Nhật Khánh (theo Toàn Thư là cháu họ của Ngô Quyền).

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Ngô Nhật Khánh ở thôn Đường (Đường Lâm) và Nguyễn Khoan ở thôn Nguyễn (Tam Đái). Năm 967, Ngô Nhật Khánh trở thành sứ quân Đường Lâm, lãnh đạo 500 con em nhà Ngô tiến đánh sứ quân Trần Lãm ở Thái Bình rồi sau bị Đinh Bộ Lĩnh hàng phục.

Ở đây, sự kiện Ngô Xương Văn cùng lúc đi đánh dẹp thôn Đường và thôn Nguyễn, cả hai đều thuộc đất Sơn Tây như Trần Quốc Vượng đã chỉ ra, một lần nữa khẳng định có một vùng đất Đường Lâm ở Sơn Tây.

Dù vậy, để phủ nhận điều nói trên, TTD lập luận:

“Trong Đại Việt sử kí toàn thư có kể chuyện Ngô Nhật Khánh sau chạy sang Chiêm Thành, tới cửa Nam Giới  (Hà Tĩnh) đã đuổi vợ về…, điều này chứng minh Đường Lâm phải không xa Hà Tĩnh (và Chiêm Thành). Nếu Đường Lâm ở Sơn Tây thì  tính theo địa lý, không lẽ lại chạy xa và tới một nơi hoàn toàn xa lạ như thế(?).

Theo tôi, đó là một luận cứ yếu.

Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến không ít cuộc rút chạy, di tản, tị nạn của bên thua trận từ Bắc Bộ vào Trung Bộ và xa hơn về phía Nam và phía Tây. Đó là cuộc di tản của An Dương Vương và triều đình Âu Lạc từ Cổ Loa chạy vào Thanh - Nghệ; cuộc rút chạy của nhiều tướng lĩnh/cừ soái của Hai Bà Trưng từ Phú Thọ vào huyện Cư Phong, Tây Nam Thanh Hóa; cuộc rút lui của Lý Phật Tử và Lý Thiên Bảo từ Phú Thọ vào Nghệ An và sau đó tới Lào; cuộc rút chạy của Trần Quí Khoáng, Đặng Dung từ Bình Than (Hải Dương) vào Nghệ An, sau đó vào Thừa Thiên - Huế và sang Lào, Thái Lan.

Còn nữa, như chính TTD thừa nhận, đến sau đời Đường, cả hai địa danh Đường Lâm và Phúc Lộc đều bị bãi bỏ. Vậy làm sao còn có địa danh Đường Lâm ở Thanh - Nghệ gắn với Ngô Nhật Khánh lúc này?

Taylor (1983:329) cũng ghi nhận:

Vào thế kỷ 10, sau khi nhà Đường sụp đổ, việc dùng các địa danh trên bị thay đổi một cách kỳ lạ. Mối liên hệ của chúng với vùng biên phía Nam bị mất, thay vào đó chúng được dùng cho một trong những khu vực đáng tôn kính nhất trong lịch sử Việt Nam, dọc hữu ngạn sông Hồng gần với đỉnh của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Điều có ý nghĩa nữa là cả hai tên gọi Đường Lâm và Phúc Lộc vốn thường đi kèm nhau và có thể chuyển đối lẫn nhau ở thời Đường đều đã di chuyển ra vùng Sơn Tây cho dù tên Phúc Lộc chỉ được dùng vào đầu thời Lê cho một huyện ở đây. Vậy một khi Phúc Lộc chắc chắn là một địa danh ở Sơn Tây, sao Đường Lâm lại không?

2. Có phải quan niệm Đường Lâm ở Sơn Tây mới có gần 200 năm nay?

Theo TTD, Nguyễn Văn Siêu trong Đại Việt địa dư toàn biên là “học giả đầu tiên ấn định địa danh Đường Lâm thuộc về Sơn Tây”; rằng “Từ kết luận của Nguyễn Van Siêu và sự đồng thuận của các sử gia triều Nguyễn, Ðường Lâm - Sơn Tây đất hai vua, trải qua gần hai trăm nay đã trở thành chân lý, hơn nữa là tín niệm”.

Thực ra, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã xác định đất Đường Lâm gắn với Phùng Hưng thuộc Sơn Tây khi viết: “Người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ.

Tên huyện Phúc Lộc có thời Lê Thái Tông (1433-1442), tên (thừa tuyên) Sơn Tây có từ 1469, Toàn Thư viết xong năm 1479. Rõ ràng, khi xác định Phùng Hưng là người Đường Lâm thuộc Giao Châu và huyện Phúc Lộc, Ngô Sĩ Liên đã hàm ý Ðường Lâm ở Sơn Tây.

Trước đó, Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh, khi kể truyện Lý Phục Man trấn thủ Đỗ Động - Đường Lâm hay cũng gián tiếp ghi nhận Đường Lâm ở Sơn Tây.

Như vậy, quan niệm Đường Lâm (đất hai vua) ở Sơn Tây (hay Bắc Bộ) không chỉ có lịch sử gần 200 năm. Đó là quan niệm đã tồn tại hơn ngàn năm qua gắn với sự thực lịch sử từ thời Phùng Hưng - Ngô Quyền.

Ngoài ra, như Trần Quốc Vượng đã chỉ ra, cả Việt sử lượcToàn thư đều ghi việc Ngô Xương Văn đem quân đi đánh (Ngô Nhật Khánh tại) hai thôn Đường, Nguyễn ở huyện Thái Bình (thuộc Sơn Tây).

Dù sử chỉ ghi tắt “thôn Đường”, nhưng kết hợp với các tư liệu khác, có thể xác định “thôn Đường” là tên viết tắt của “thôn Đường Lâm”, tức “làng Đường Lâm”.

Như vậy, rõ ràng tên Đường Lâm đã được ghi nhận trong cả truyền thuyết và chính sử, nhưng chỉ dựa vào một bài báo của Nguyễn Tùng, trong bài viết cho Xưa và Nay, TTD (và đồng sự) vẫn đưa kết luận:

Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm”(!).

Ở bản viết cho một cuộc Hội thảo, câu trên được sửa thành:

Trong suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm từ đời Hán cho dến năm 1964, xã Ðường Lâm dường như chưa bao giờ có tên là Ðường Lâm! (được nhấn mạnh bằng chữ đậm).

Ở vấn đề này, quả thực, phương pháp nghiên cứu của TTD với tôi là “Không thể tin nổi” “Thật khó hiểu”!

3. Bia Đường Lâm là bia “ngụy tạo”?

Tiếp đó, TTD chứng minh rằng bia Đường Lâm với các yếu tố Nguyễn đã được “ngụy tạo” vào vào khoảng 1802 đến 1821, đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ.

Chúng ta biết, Nguyễn Văn Siêu soạn Đại Việt địa dư toàn biên vào thời Tự Đức (1847-1883). Vậy nếu bia Đường Lâm là bia được chế tác vào đời Gia Long (1802-1820) thì bia mới có vài chục năm tuổi.

Chúng ta không biết Nguyễn Văn Siêu đọc bia Đường Lâm tại chỗ hay qua bản dập, nhưng liệu một học giả nổi tiếng uyên thâm và nghiêm túc như ông lại có thể nhầm lẫn coi tấm bia “ngụy tạo” đó là bia thời Trần?

 Theo tôi, bia Đường Lâm đó là bia tái tạo vào thời Nguyễn trên cơ sở một bia gốc thời Trần. Nội dung văn bia hoàn toàn phù hợp với quan niệm đương thời.

 Nếu vẫn coi cả vị trí Đường Lâm và bia Đường Lâm là ngụy tạo, thì liệu TTD có thể lý giải chúng là do ai ngụy tạo, khi nào và để làm gì?

4. Cứ liệu của Trần Quốc Vượng là cứ liệu cấp hai, ba?

Về quan điểm của Trần Quốc Vượng, TTD nhận xét:

 Trong lập luận của của Trần Quốc Vượng năm xưa, điểm cốt tử nhất không hẳn nằm ở chỗ ông đã dùng phải một văn bia ngụy tạo, mà ở chỗ ông đã dùng các cứ liệu “cấp hai”, “cấp ba”… để phủ định lại các cứ liệu cấp một của những học giả đi trước.

Có thể hiểu, theo TTD, nói về Đường Lâm, cổ sử Đường mới là cứ liệu cấp một, còn bia Đường Lâm, tư liệu khảo cổ học Việt Nam chỉ là cứ liệu cấp hai, ba!.

Với cách nói trên, dễ thấy TTD muốn hạ thấp giá trị của nguồn tư liệu màTrần Quốc Vượng đãdùng, từ đó nâng cao quan điểm của mình.

Theo tôi,cách phân biệt như vậy là một nhầm lẫn “cốt tử” của TTD.

Theo quan niệm phổ biến, về một đối tượng lịch sử, cứ liệu cấp một là cứ liệu gốc, đầu tiên, còn cứ liệu cấp hai và cấp ba là các cứ liệu nhắc lại hay phân tích, tóm tắt hay lý giải các cứ liệu cấp một đó.

Tuy nhiên, cùng nói về địa danh Đường Lâm, nếu cổ sử Đường chỉ nói về châu/huyện/quận Đường Lâm ở Thanh - Nghệ - Tĩnh thời Đường thì bia Đường Lâm lại nói về đất/làng Đường Lâm ở Sơn Tây thời sau Đường. Đó là hai đối tượng lịch sử khác nhau (dù có liên hệ với nhau nhưng mối liên hệ này đã bị khuất lấp và vỡ tan trong hàng thế kỷ). Vì thế, không thể nói sử sách Đường là “cứ liệu cấp một” còn tấm bia Đường Lâm là “cứ liệu cấp hai, ba”.

Kết luận

1- Phùng Hưng có hai quê Đường Lâm, một quê Đường Lâm gốc ở Thanh - Nghệ thời thuộc Đường và một quê Đường Lâm ở Sơn Tây được lập ra như “thang mộc ấp” của nhà Phùng sau khi ông làm chủ thành Tống Bình. Tương tự, Ngô Quyền, người cùng quê với Phùng Hưng ở Thanh - Nghệ, cũng lấy đất Đường Lâm đó là “thang mộc ấp” của nhà Ngô khi ông trấn trị ở Cổ Loa. Từ đó, cổ sử Việt ghi nhận một địa danh Đường Lâm ở Sơn Tây gắn với hai vị vua này.

2- Trần Trọng Dương đã có lý khi khẳng định Phùng Hưng và Ngô Quyền có quê gốc Đường Lâm ở Thanh - Nghệ nhưng mặt khác, với những lập luận chủ quan, nóng vội và nhầm lẫn không đáng có đã hoàn toàn vô lý khi phủ nhận quê hương (thứ hai) của hai ông ở Đường Lâm, Sơn Tây, điều được tư liệu cổ sử, khảo cổ học, dân tộc học Việt Nam thống nhất ghi nhận.

 

Tư liệu tham khảo chính

Chamberlain: James R. 1998b The origin of the Sek, implications for Tai and VietnameseHistory. http://sealang.net/sala/archives/pdf8/chamberlain1998origin.pdf

Taylor Keith W. 1983. The birth of Vietnam University of California

Trần Ngọc Vương - Trần Trọng Dương - Nguyễn Tô Lan 2011. Đường Lâm là Đường Lâm nào? http://vanhoanghean.com.vn

Trần Quốc Vượng, Về quê hương Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60 - 62.

Trần Trọng Dương - Nguyễn Tô Lan 2011 Đường Lâm - Sơn Tây: một chặng đường huyền sử thế kỷ XX

http://www.khoavanhoc.edu.vn/.

 

Chú thích:

[1] Các học giả với các cách khác nhau xác định địa danh Đường Lâm thời thuộc Đường hoặc ở Thanh Hóa, hoặc ở Nghệ An hay Hà Tĩnh. Trong bài này tôi cũng coi địa danh đó ở Thanh-Nghệ. Trong một bài viết khác, tôi sẽ thử xác định cụ thể hơn địa danh này.

[2] Với từ khóa Việt Nam thế kỷ X, bằng Google, mọi người có thể dễ dàng tìm đọc các bài viết này trên mạng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512001

Hôm nay

2327

Hôm qua

2337

Tuần này

22375

Tháng này

218874

Tháng qua

121356

Tất cả

114512001