Cuộc sống quanh ta

Vấn đề thể loại và nghệ thuật xây dựng nhân vật qua một số tiểu thuyết lịch sử sau 1985 về phong trào Tây Sơn

1. Văn học Việt Nam sau 1985, đặc biệt từ khoảng đầu những năm 90 thế kỷ XX tới mười năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến một mùa gặt mới của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Các triều đại từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê và lùi xa, lùi sâu nữa, tới lịch sử gần thời đại Hồ Chí Minh;

và gắn với các triều đại, thời kỳ, phong trào, sự kiện là rất nhiều nhân vật lịch sử (Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Võ Nguyên Giáp…) lần lượt hoặc đồng thời được tái hiện sinh động, hấp dẫn trong nhiều tác phẩm: Mười hai sứ quân(1), Bắn rụng mặt trời(2), Hào kiệt Lam Sơn(3)của Vũ Ngọc Đĩnh, Quân sư Nguyễn Trãi(4) của Trần Bá Chí, Lê Lợi(5) của Hàn Thế Dũng, Hội thề(6) của Nguyễn Quang Thân, Đất trời(7) của Nam Dao, Bão táp triều Trần(8), Tám triều vua Lý(9)của Hoàng Quốc Hải, Hồ Quý Ly(10)của Nguyễn Xuân Khánh, Vạn xuân(11)của Fêray (Yveline Féray, nữ văn sĩ Pháp) Không phải huyền thoại(12)của Hữu Mai… Nhiều tác phẩm trong số những tác phẩm kể trên đã bỏ xa tiểu thuyết lịch sử trước 1975 về số trang. Đơn cử một vài ví dụ: Tiểu thuyết Bắn rụng mặt trời của Vũ Ngọc Đĩnh gồm 8 tập, dày 3460 trang, khổ 13 x 19. Mười hai sứ quân cũng của Vũ Ngọc Đĩnh gồm 1848 trang, khổ 16 x 24. Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải in trọn bộ lần đầu, năm 2003, gồm 4 tập (Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ), năm 2010 bổ sung hai tập, nâng tổng số thành 6 tập với ngót 3000 trang khổ 14,3 x 20,3, bao quát một thời kỳ dài, 175 năm, từ năm 1225 đến năm 1400. Tám triều vua Lý cũng của Hoàng Quốc Hải tái hiện triều Lý từ năm lên ngôi (1010) tới năm sụp đổ (1225) tổng cộng 216 năm với 4 tập, hơn 3500 trang, khổ 14,5 x 20,5. Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh dày 834 trang, khổ 13,5 x 20,5.

2. Mảng tiểu thuyết về hoặc liên quan tới phong trào Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ với các tác phẩm Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Gió lửa của Nam Dao, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh… là một điểm nhấn ấn tượng vừa là bổ sung vừa làm phong phú bức tranh tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1985. Trong số ba tác phẩm nói trên thì Sông Côn mùa lũGió lửa là hai tác phẩm của hai nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Một người định cư tại Mỹ (Nguyễn Mộng Giác). Một người định cư ở Canada (Nam Dao). Cũng trong số ba tác phẩm nói trên, trong tác phẩm Gió lửa, phong trào Tây Sơn chỉ được đề cập một phần thôi. Chúng tôi nói “mảng tiểu thuyết về hoặc liên quan tới phong trào Tây Sơn” là vì vậy.
Bắt đầu viết: 24-5-1978, hoàn thành: 1-3-1981 (theo ghi chú của nhà văn), tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ xuất bản lần đầu, năm 1991, tại Nhà xuất bản An Tiêm, California, Hoa Kỳ, gồm 4 tập. Đây là lý do để chúng tôi xếp Sông Côn mùa lũ vào những cuốn tiểu thuyết lịch sử sau 1985. Bảy năm sau, năm 1998, Sông Côn mùa lũ lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam, 4 tập. Năm 2003, in lần thứ hai, 2 tập, Nhà xuất bản Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Lần gần đây nhất, năm 2007, in lần thứ ba, vẫn Nhà xuất bản Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 3 tập, với ngót 2000 trang. Như vậy, với nhiều người, Nguyễn Mộng Giác và Sông Côn mùa lũ không phải là xa lạ.
Gió lửa của Nam Dao được Nhà xuất bản Thi Văn, Canada xuất bản năm 1999, 493 trang, mà chưa lần nào được xuất bản ở Việt Nam. Bạn đọc tiếp nhận tác phẩm này hoặc thông qua con đường Việt Kiều hoặc qua Internet. Có lẽ vì vậy, tên tuổi của Nam Dao dường như còn ít được độc giả Việt trong nước biết tới. Nam Dao (bút hiệu khác: Dã Tượng) tên thật: Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1944, tại Nam Định, hiện định cư tại Québec, Canada, giáo sư kinh tế đại học Toronto. Bên cạnh tiểu thuyết Gió lửa, Nam Dao còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết lịch sử Đất trời, Nhà xuất bản Văn mới, California, 2002, 420 trang. Cuốn này đã được xuất bản tại Việt Nam, năm 2007, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
Tây Sơn bi hùng truyện, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2006, 2 tập, 1164 trang, đưa Lê Đình Danh lần đầu tiên đến với làng văn và cũng là lần đầu tiên đến với bạn đọc. Lê Đình Danh (sinh 1963, tại Bình Định) tác giả của tiểu thuyết này cũng đồng thời là tác giả của tiểu thuyết lịch sử Nẻo về Vạn Kiếp, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
Mấy lời giới thiệu xem ra sơ sài nhưng để hiểu hơn các tác phẩm: Sông Côn mùa lũ, Gió lửa, Tây Sơn bi hùng truyện.
2.1. Trong số những cuốn tiểu thuyết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Sông Côn mùa lũ được đánh giá là tác phẩm thành công cả về nội dung lẫn nghệ thuật, được độc giả quan tâm, đón đợi, yêu mến. Nguyễn Mộng Giác gọi Sông Côn mùa lũ là trường thiên tiểu thuyết lịch sử vì dung lượng đồ sộ của nó. Tác phẩm gồm 101 chương với 7 phần (Phần 1: Về An Thái, Phần 2: Tây Sơn Thượng, Phần 3: Hồi hương, Phần 4: Phương Nam, Phần 5: Vượt Đèo Hải Vân, Phần 6: Phú Xuân, Phần Kết từ ). Sông Côn mùa lũ không phải là tiểu thuyết chương hồi như Thủy hử của Thi Nại Am, Trung Quốc, mặc dù chỗ này, chỗ kia, tác phẩm có thể kéo sự liên tưởng của người đọc tới Thủy hử, một sự liên tưởng khá thú vị bởi nhiều lý do, trong đó có lý do ở sự gần gũi về đường đời, cảnh ngộ của các nhân vật giữa một bên là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc và một bên là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ ở ấp Tây Sơn Thượng(13). Nhưng liên tưởng là một chuyện. Cách viết lại là chuyện khác. Sông Côn mùa lũ là một cuốn tiểu thuyết hiện đại theo đúng nghĩa về mặt thể loại và cách viết. Bởi vì đã là tiểu thuyết, nói rộng ra là văn chương thì sự thật lịch sử cũng chỉ là một thứ chất liệu như vô vàn những chất liệu khác, đều được nhào nặn, hư cấu theo cảm quan nghệ thuật của nhà tiểu thuyết.
2.1.1. Soi chiếu nhân vật từ nhiều bình diện khác nhau, Sông Côn mùa lũ mang tới cho người đọc cái nhìn đa diện về các nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết. Ở bình diện sử thi, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ (thứ tự vai vế, thứ bậc gia đình Nguyễn Tây Sơn được thể hiện ở Sông Côn mùa lũ) là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nói cách khác, không có vai trò khởi xướng và tổ chức của họ thì cũng không có phong trào Tây Sơn đã từng diễn ra trong lịch sử. Là tác giả, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ cũng đồng thời là đạo diễn của phong tào đó. Nói riêng về Nguyễn Huệ, ở bình diện sử thi, ông là một anh hùng, một nhà cầm quân thiên tài “chỉ đánh thắng, không có bại” mà các nhà lịch sử quân sự đã thừa nhận. Sự chi phối của đề tài và thể loại buộc Nguyễn Mộng Giác tìm hiểu kỹ lưỡng các sự kiện lịch sử liên quan. Một khối lượng lớn các đầu sách, trong đó có các bộ sử nổi tiếng, đáng tin cậy được ghi ở mục Tài liệu tham khảo cuối tác phẩm và những chú thích tỉ mỉ, “nói có sách, mách có chứng” ở cuối nhiều trang trong tác phẩm là một minh chứng thuyết phục mà không cần phải bình luận gì thêm. Cũng không phải ngẫu nhiên, cuốn sách lấy tên Sông Côn mùa lũ. Đặt nhân vật vào những cam go, thử thách, vào thời điểm tao loạn, vào những tình thế không có chỗ lùi, không được lùi cũng là một cách để đánh giá và khẳng định phẩm chất vượt trội, siêu phàm của nhân vật. Nhưng nếu chỉ quan sát nhân vật ở bình diện nhìn sử thi và chỉ từ bình diện sử thi mà thôi thì Sông Côn mùa lũ có khác gì một cuốn lịch sử, một bảng tổng kết và tổng hợp thành tích của các nhân vật. Và, Nguyễn Huệ trong tác phẩm là một anh hùng như sử sách vẫn truyền tụng và ngợi ca. Bổ sung bình diện đời tư, đời thường, Nguyễn Mộng Giác kéo nhân vật của ông từ thế giới của những huyền thoại về thế giới của cõi trần, từ vương quốc phi thường về vương quốc của những điều bình thường, giản dị. Hơn nữa, đây mới thực sự là bình diện làm gia tăng sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết. Ở bình diện này, Nguyễn Mộng Giác chăm chút, săn sóc kỹ lưỡng nhân vật của ông trong vô vàn quan hệ với những tâm trạng, nỗi niềm riêng. Nhạc, Lữ, Huệ, An, Chinh, Lợi, Lãng… mỗi người là một vũ trụ, một số phận ẩn chứa cả một lịch sử. Xét riêng và xét sâu vào nhân vật Nguyễn Huệ, Nguyễn Mộng Giác dường như muốn thể hiện con người này “là một thực thể biết cười, nói, thở, sống… dù trong các lời đồn đãi, Huệ trở thành một nhân vật phi thường”(14). Trong Nguyễn Huệ tổng hợp nhiều phẩm chất tưởng chừng xa cách nhau. “Vừa có sự thâm trầm chín chắn của một người từng trải”, Huệ lại “vừa có cái gan dạ liều lĩnh của một thanh niên”. “Có cái bộc trực của dân lao động”, Huệ “lại có sự tế nhị của kẻ ăn học”(15). Rõ ràng, các bình diện không cô lập mà soi chiếu nhau. Bình diện thế sự, đời tư bổ sung bình diện sử thi, nâng nhân vật sử thi, trước hết là Nguyễn Huệ, lên một tầm nhìn mới. Không những thế, ở tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ, bình diện thế sự, đời tư xem ra nổi trội hơn bình diện sử thi. Con người đời thường ở Nguyễn Huệ dường như được đặt cao hơn con người chính trị, được soi ngắm kỹ lưỡng hơn con người chính trị. Nguyễn Mộng Giác không lý tưởng hóa, không “thờ cúng” Nguyễn Huệ, dù trong lịch sử, Nguyễn Huệ được bao bọc bởi vô số hào quang, tước hiệu, áo mũ: vĩ nhân, anh hùng, hoàng đế. Vĩ đại mà gần gũi, “cương quyết, kẻ cả” (từ dùng của Nguyễn Mộng Giác) nhưng cũng có lúc mềm yếu, cô đơn; một con người “nhìn xa thấy rộng, cao vọng lớn nhưng không vượt qua nổi các ràng buộc của tình ruột thịt” là chân dung trọn vẹn và rõ nét về Nguyễn Huệ mà ta gặp trong tiểu thuyết này. Với ba anh em nhà Tây Sơn, cái nhìn ưu ái của nhà văn dường như đặt nặng vào Nguyễn Huệ giống như tình cảm từng có của ông giáo Hiến đối với nhân vật này. Không phải vô cớ, khi tả nét mặt của Nguyễn Huệ, nét mặt rất riêng, Nguyễn Mộng Giác nhận xét: “Nhìn chung, Huệ rất giống hai anh, nhưng có những phần trên khuôn mặt Huệ đậm lên một chút, đầy lên một chút, khiến từ khuôn mặt ấy, toát ra một sự cân đối linh động không có trên mặt Lữ và niềm tin cẩn vững vàng khó tìm trên khuôn mặt biện Nhạc(16).
2.1.2. Khả năng thể hiện “phép biện chứng tâm hồn”, thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật cũng là một thành công của Sông Côn mùa lũ. Những đoạn thể hiện tâm trạng Nguyễn Huệ trước tin An lấy chồng, tâm trạng cô đơn của Nguyễn Huệ trước quyết định bất đắc dĩ dừng lại ở Bến Ván, suy nghĩ của giáo Hiến về Huệ, tâm trạng của An sau khi bố mất là những đoạn đặc sắc về phương diện trên. Trước tin An lấy chồng, Nguyễn Huệ “không tin ở mình. Anh thấy mình ngờ nghệch, dại dột, quá tin ở sự đơn giản của tình cảm, ở sức mạnh của ý chí”. Trước biến cố “nồi da nấu thịt”, anh em phân chia quyền lực, mỗi người “hùng cứ một phương”, chưa bao giờ Nguyễn Huệ “cảm thấy cô đơn như vậy! Ông thức trắng nhiều đêm. Một mình không thể nói chuyện u ẩn với ai. Cũng không có ai dám nói thẳng với ông những điều họ nghĩ… Ông đang lâm vào cảnh huống khó xử, tiến thoái lưỡng nan… Nguyễn Huệ nhìn xa thấy rộng, cao vọng lớn, nhưng không thể vượt qua các ràng buộc của tình ruột thịt. Làm sao được! Ngoài khối óc ông vẫn có trái tim nhạy cảm (L.V.D nhấn mạnh). Ông dám bất tuân lệnh của vua anh vượt qua Lũy Thầy, nhưng không đủ sức mạnh ý chí và sự lạnh lùng để vượt qua cái lũy vô hình và tình máu mủ”. Còn đây là đoạn lý giải tính cách của An sau ngày bố mất, chồng bị đày: “An phải một mình chịu đựng gánh nặng gia đình. Chị chưa hề được chuẩn bị để đón nhận trách nhiệm ghê gớm ấy. Đáng lý vào những ngày chồng bị lưu câu, An phải chới với tuyệt vọng như một người bị sa lầy kinh hãi nhìn cái chết ngập dần ngập dần lên đến ngực, vai, cổ, miệng, mũi mà không còn cách nào kêu cứu. Nhưng lòng tự ái bị xúc phạm đã vực An dậy”. Một người phụ nữ gầy yếu, tưởng chừng quá quen những điều bất hạnh, nhưng khi đã quyết điều gì thì An mạnh vô cùng. Lại thêm một phát hiện của Nguyễn Mộng Giác về đời sống tinh thần vốn tiềm tàng, tiềm ẩn bên trong nhân vật của ông.
Tôi đã trích dẫn hơi dài nhưng là cần thiết để minh chứng cho khả năng phân tích, lý giải đời sống nội tâm nhân vật, một phương diện làm nổi bật chất tiểu thuyết, chất văn chương góp phần “minh định đặc trưng thể loại” của Sông Côn mùa lũ mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập.
2.2. Khác Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Gió lửa của Nam Dao chỉ đề cập một phần phong trào Tây Sơn và Nguyễn Huệ, như tác giả cho biết. Nhưng bóng dáng của phong trào Tây Sơn và các nhân vật trụ cột của phong trào này vẫn đậm nét. Vì vậy, khi tìm hiểu phong trào Tây Sơn trong tiểu thuyết lịch sử sau 1985 thì Gió lửa là tác phẩm không thể bỏ qua.
2.2.1. Gió lửa, nếu gọi sát tên thể loại, là tiểu thuyết dã sử. Vẫn trên cái nền của những sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng người viết đã thêm thắt nhiều những sự kiện, tình tiết, yếu tố ly kỳ, những “lời đồn đãi”, “tương truyền”, “nghe nói”, lời chữ suồng sã, bổ bã, truyện nọ chồng chéo truyện kia, tuần tự thời gian, không gian nhiều khi bị xóa bỏ. Nghĩa là các chất liệu đã được lũy thừa lên, được nhào nặn lại n lần. Bản thân Nam Dao cũng coi Gió lửa là tiểu thuyết dã sử, mặc dù cái gọi là tiểu thuyết dã sử trong quan niệm của Nam Dao có khi được hiểu theo một nghĩa khá rộng, dã sử cũng là lịch sử: “Quốc gia nào cũng có lịch sử ghi lại biến cố, ngày tháng, là loại biên niên thuộc dòng chính sử… Ngoài dòng chính sử còn có phần lịch sử hình thành qua trí tưởng tượng, óc phán đoán, và cao hơn là sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội hiện vẫn tồn tại. Ở đây, biến cố lịch sử trở thành đối tượng đem soi dưới lăng kính chủ quan, nhào nặn lại để rồi, qua ngòi bút người viết, thành tiểu thuyết dã sử”(17). Không những là tiểu thuyết dã sử, Gió lửa còn là tiểu thuyết dã sử mang tính luận đề. Nghĩa là, trong Gió lửa, “cái khung lịch sử đã được sử dụng như phương tiện cấu tạo tiểu thuyết, và sau đó thì tiểu thuyết lại là phương tiện để tác giả thể hiện những tư duy, biện minh và dự phóng cho chủ đề trên lịch sử”(18). Cái gọi là “tư duy, biện minh và dự phóng cho chủ đề trên lịch sử” ở đây thực chất là những triết lý, thông điệp, ẩn dụ về anh hùng, chiến thắng, quyền lực được thể hiện khá lộ liễu và nhiều trong tác phẩm. Dưới đây là một vài ví dụ. Một, luận về quyền lực, một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết triết lý: “Những kẻ đoạt được đế vị chỉ biết có quyền lực. Muốn có quyền lực, phải nhẫn tâm, phải sẵn sàng dày xéo lên mọi sự và mọi người. Người đời muốn sống yên với quyền lực, thì nên tránh nó cho xa. Nhưng khi không còn tránh được, thì lại phải lăn vào mới có thể tồn tại”. Hai, đứng giữa hoang tàn, Thức “chạnh tưởng đến bao nhiêu cung điện, đền đài từ ba trăm năm nay đã bị tàn phá chỉ trong có trên dưới mười năm. Xây khó nhưng phá thì dễ. Xây rất lâu, nhưng phá thì chớp mắt. Dấu tích văn hóa cứ mất đi, và cứ như thế, không đảo ngược được. Xưa là những con đường sỏi trắng chung quanh trồng những loài hoa hiếm. Nay đường những lỗ chỗ bùn đất. Hoa tàn không biết tự bao giờ, nay chỉ còn cỏ dại, bìm leo và loài hoa xấu hổ không biết ở đâu bay tới, mọc đầy rẫy như muốn phỉ nhổ một thời mạt vận vô văn hóa. Sự tổn thất đó là tổn thất chung, chẳng phải cho một thế hệ, mà còn cho tất cả những thế hệ mai hậu… Có gì gọi là chiến thắng mà chỉ để lại đằng sau có đổ vỡ, nghèo đói? Có gì được gọi là vinh quang khi rút cuộc cả nước có được đôi ba nét thủy mạc của cái tập hợp trí tuệ mỗi ngày một mai một đi vì sự kìm kẹp tư tưởng, bị đánh lận lịch sử đến độ mất cả quá khứ?”. Còn nếu xét sâu vào nội dung những “tư duy, biện minh, dự phóng cho chủ đề trên lịch sử”, nghĩa là xét sâu vào nội dung của những luận đề thì có thể xếp Gió lửa vào những cuốn tiểu thuyết có khuynh hướng phản tỉnh như đã từng gặp ở nhiều tiểu thuyết từ sau 1985. Đặc điểm nói trên về thể loại phần nào chi phối nghệ thuật xây dựng nhân vật.
2.2.2. Khắc họa ngoại hình nhân vật dưới cái nhìn cận cảnh. Các nhân vật, đặc biệt là bộ ba Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được thể hiện rất ấn tượng. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (thứ bậc này khác Sông Côn mùa lũ) của Gió lửa không giống Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mà ta hình dung qua chính sử, cũng khác Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở Sông Côn mùa lũ. Khác là đương nhiên. Và có vô vàn cách lý giải sự khác: “Khác vì quan niệm tiểu thuyết lịch sử của tác giả”, “khác vì văn phong”. Và, nói tếu táo như tác giả: “Khác vì Giác khác tôi, và tôi khác Giác”.(19) Nếu ở Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Nhạc là người “thân hình ốm, da mặt hơi tái, cặp lông mày thưa, đôi mắt xếch”, nếu ở Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Huệ có “đôi mắt sáng rỡ”, “làn da nâu”, “mảng tóc quăn phủ xuống cái trán rộng” thì ở Gió lửa, họ, trong cái nhìn của nhà văn, lại không phải vậy. Nguyễn Nhạc “người to lớn, mắt lộ, môi dày, răng hơi hô, da sần sùi đen như củ súng”,… Nguyễn Huệ “to ngang, hơi thấp, tay dài đến đầu gối, di chuyển vừa nhanh vừa chắc như một loài nửa gấu nửa vượn. Mặt nổi mụn, mũi sư tử, một mắt to, một mắt nhỏ”. Ở Gió lửa, ngoại hình của nhân vật thường là rất xấu. Và gắn với ngoại hình là nói năng và hành động tương ứng của nhân vật: “ngồi vắt chân chữ ngũ”, “nhai trầu nước ứa ra khóe mép đỏ lòm” (Nguyễn Nhạc), “nói năng lè nhè, giọng sặc mùi rượu” (Nguyễn Huệ). Ngoại hình ấy cũng đồng thời thể hiện thái độ đánh giá của nhà văn đối với nhân vật của mình. Đó cũng là cách để Nam Dao đối thoại với lịch sử.
Thật ra một vài chi tiết ngoại hình nhân vật, kiểu như tay Nguyễn Huệ dài đến hoặc quá đầu gối không chỉ được nói trong Gió lửa mà có cả ở những tác phẩm khác như Tây Sơn bi hùng truyện. Nhưng trong Gió lửa những chi tiết như vậy được tập trung khai thác với một ý đồ nghệ thuật rõ rệt, một tín hiệu thẩm mỹ nhằm lý giải quan niệm về “một kiểu quan lại trung gian giữa vua chúa và nông dân” như tác giả đã có lần đề cập. Cái nhìn của Nam Dao về nhân vật rường cột của phong trào Tây Sơn là cái nhìn mang cảm quan cá nhân, không nặng về cái gọi là ý thức hệ. Tác giả nói riêng, người đọc nói chung đã bao giờ nhìn thấy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - những người sống cách chúng ta hơn hai thế kỷ - để biết họ đẹp hay xấu, cao hay thấp. Còn những bức tượng đặt tại quảng trường, nhà tưởng niệm lại được tạc dựng theo tưởng tượng với cảm hứng ngợi ca, ngưỡng mộ. Nhà tiểu thuyết nhìn các nhân vật lịch sử theo trí tưởng tượng và quan niệm nghệ thuật riêng như tác giả nói. Bằng cái nhìn ấy, Nam Dao muốn đặt “những nghi vấn để tạo ra nhu cầu xét lại những nhu cầu tưởng đã là chắc như đinh đóng cột” nơi độc giả. Nghĩa là tác giả không chấp nhận sự an bài, ổn định. Đây cũng là cái nhìn dân chủ hóa đối với nhân vật, dù đấy là nhân vật lịch sử, nhân vật có cương vị xã hội cao. Trong tiểu thuyết Gió lửa, Nam Dao thường chỉ gọi nhân vật bằng tên cộc lốc (Nhạc, Huệ, Lữ, Ánh, Nhật…) mà rất ít khi gọi đầy đủ cả tên lẫn họ. Cái nhìn và cách gọi suồng sã, bỗ bã ấy rất dễ gây sốc, thậm chí hẫng hụt cho những ai vốn quen nhìn các nhân vật theo lối tư duy sử thi. Nhưng nếu đặt riêng Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nam Dao bên cạnh Nguyễn Huệ trong truyện của một số nhà văn khác (Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ… ) và đặt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bên cạnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyên Phi Ỷ Lan, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, nghĩa là bên cạnh các nhân vật khác trong nhiều tiểu thuyết lịch sử được xuất bản trong những năm gần đây: Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh) về lối viết thì không có gì đáng coi là nặng nề. Nếu ở Sông Côn mùa lũ Nguyễn Mộng Giác dồn tình cảm trân trọng cho Nguyễn Huệ thì trong Gió lửa Nam Dao hướng thiện cảm của mình cho Nguyễn Lữ nhiều hơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Lữ “vai không u, lưng không rộng, tay không cuồn cuộn bắp thịt. Và cặp mắt. Cặp mắt như u hoài, lúc nào cũng mở rộng, về một điều gì xa xôi lắm”. Lữ được đánh giá là “người thâm trầm hơn hai anh, gần gũi mẹ, chịu khó học… chữ nghĩa khá hơn cả nhà” . “Có vẻ già dặn và trầm tĩnh, lấy lễ đãi khách, vừa tế nhị, vừa chu đáo”, Lữ “đối xử có trên có dưới”. Lữ mang dáng dấp một trí thức hơn là một quan lại.
2.2.3. Sự đa dạng điểm nhìn. Trong Gió lửa, Nam Dao huy động nhiều điểm nhìn để quan sát nhân vật, trong đó tập trung vẫn là Nguyễn Huệ. Dưới cái nhìn của Nhật, Huệ là kẻ “ngạo ngạn thách thức”. Dưới cái nhìn của người kể, Huệ “từ em một tên ấp trưởng buôn trầu nguồn, đã trở thành phò mã vua Lê, mặc sức xoay vần cả một đế chế”. Dưới điểm nhìn của Ngô Thì Nhậm, Huệ là “một thiên tài quân sự” thỏa sức vùng vẫy. Dưới cái nhìn của Thức: “Huệ đánh được xâm lăng nhà Thanh thì Huệ đáng (làm vua)… Về quân sự Ánh không bằng. Nhưng xem những cải cách mới đây ở Gia Định, quả Ánh có tầm rộng rãi hơn người”. Dưới cái nhìn của Nguyễn Ánh, Huệ là “con cọp, nó tát nó quào rồi nó bỏ đi. Còn ta trời sinh ra ta làm con sói. Ta không tát không quào, chỉ biết cắn. Nhưng khác nó, ta cắn vào con mồi rồi thì nhất định ta không nhả ra, dù trời có sập cũng vậy!”. Anh em nhà Tây Sơn dưới mắt Nguyễn Ánh là “một con trăn lớn ngu ngơ với ba bốn cái đầu rắn hổ, không có cái nào nghe cái nào. Để lâu chính con trăn tự kẹp lấy mình, đuôi lộn lên đầu, để chết rục, chết ngạt”. Các điểm nhìn đặt cạnh nhau, bổ sung sự đánh giá giúp làm rõ hơn phẩm chất Nguyễn Huệ, rộng ra, anh em nhà Tây Sơn trên tất cả các mặt ưu và khuyết, hoán đổi nhau tùy thời điểm và hoàn cảnh trong sự đối lập, đối chiếu với Nguyễn Ánh. Âu cũng là sự lý giải sâu về nguyên nhân sụp đổ của triều đại nhà Tây Sơn, một sự sụp đổ từ bên trong mà người phải chịu trách nhiệm trước hết không phải ai khác ngoài họ.
2.3. Vẫn chất liệu là phong trào Tây Sơn nhưng Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh có lối viết khác Sông Côn mùa lũGió lửa. Tác phẩm mô phỏng hình thức tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh (Trung Quốc) kiểu Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am.
Kết cấu của Tây Sơn bi hùng truyện gồm 5 phần với 70 chương. Đầu mỗi chương là lời vào chuyện (bằng thơ hoặc văn vần) nhằm thông báo nội dung sắp kể. Ví dụ, đầu Chương 1:
Tại Đàng Ngoài, Tĩnh Đô Vương lộng hành giết chết Thái tử
Ở Đàng Trong, Trương Phúc Loan lập mưu đoạt quyền Đô Thống
Đầu Chương 3:
                                    Thành Phú Xuân hoàng tộc tranh quyền
                                    Đất Quy Nhơn anh hùng hội tụ
Đây cũng là lối viết của Hoàng Lê nhất thống chí. Xét kỹ cũng không khó để nhận ra Tây Sơn bi hùng truyện chịu ảnh hưởng hoặc chủ ý viết theo lối tiểu thuyết chương hồi như đã nói. Thiên về các sự kiện, các chi tiết ly kỳ, các cuộc giao tranh quyết liệt, tập trung đầu tư cho hành động và ngôn ngữ nhân vật, chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại, nặng về kể và bình, Tây Sơn bi hùng truyện dường như thiếu đi sự phân tích kỹ lưỡng diễn biến tâm tư tình cảm, những giằng xé nội tâm của nhân vật trước và sau mỗi sự kiện - một phương diện quan trọng của tiểu thuyết hiện đại. Nói cách khác, trong Tây Sơn bi hùng truyện, sự kiện lấn lướt nhân vật. Bản thân Nguyễn Huệ, linh hồn của cuộc khởi nghĩa, xuất hiện trong tác phẩm, trước hết vẫn là một bậc đế vương, một vị thủ lĩnh cầm quân tài ba, mưu lược từng tung hoành dọc ngang đất nước, đập tan ba tập đoàn phong kiến cát cứ và hai kẻ thù ngoại bang như ta đã từng biết trong các cuốn sách kể chuyện lịch sử, sách danh nhân. Tính cách của các nhân vật xem ra khá đơn giản, ít dằn vặt. Cố nhiên, lối viết của Lê Đình Danh ở Tây Sơn bi hùng truyện vẫn có sức hấp dẫn riêng với người đọc, nhất là người đọc ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Có thể xem Tây Sơn bi hùng truyện là thử nghiệm của tác giả lần đầu đến với văn chương.   
* * *
Hàng trăm năm đã đi qua nhưng giá trị lịch sử và năng lượng thẩm mỹ của phong trào Tây Sơn không hề bị suy giảm hoặc cạn kiệt. Ngược lại, sự kiện này vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, có sức mời gọi các nhà văn nói chung, các nhà tiểu thuyết nói riêng, trong đó đáng chú ý là các nhà viết tiểu thuyết Việt Nam ở hải ngoại. Chính từ đề tài này đã xuất hiện nhiều tác phẩm hay với những cách viết độc đáo. Sông Côn mùa lũ, Gió lửa, Tây Sơn bi hùng truyện là những ví dụ, tuy chất lượng không đồng đều.
 ..............................................................................................
      1.       Nxb Văn học, 2003.
2.       Nxb Trẻ, 2000.
3.       Nxb Văn học, 2003.
4.       Nxb Thanh niên, 2001.
5.       Nxb Phụ nữ, 2004.
6.       Nxb Phụ nữ, 2009.
7.       Nxb Đà Nẵng, 2007.
8.       Nxb Phụ nữ, 2003.
9.       Nxb Phụ nữ, 2010.
10.   Nxb Phụ nữ, 2000.
11.   Nxb Văn học, 1997.
12.   Nxb Trẻ, 2009.
13.   Xin xem: Sông Côn mùa lũ, Nxb Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003, tập 1, tr.207.
14.   Xin xem: Sông Côn mùa lũ, sđd, tập 1, tr.515.
15.   Sông Côn mùa lũ, sđd, tập 2, tr.1126.
16.   Sông Côn mùa lũ, sđd, tập 1, tr.104.
17.   Nam Dao, “Lời ngỏ”, http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=12561
18.   Trần Hữu Thục, “Nam Dao và Mộng Giác về tiểu thuyết lịch sử”, http://damau.org/archiver/2945/Print/
19.   Nam Dao, “Hình như có điều gì”, http://damau.ong/archives/4956
  
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513657

Hôm nay

2130

Hôm qua

2313

Tuần này

21594

Tháng này

220530

Tháng qua

121356

Tất cả

114513657