- Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot: Chẳng hạn, ông Thạch nói rằng hai nước phải thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của hai nước, trước việc một thế lực khác đang nổi lên, và ngày càng trở thành nguy cơ chung. Ông không nói rõ đó là thế lực nào, nhưng chúng tôi đều hiểu.
Hay ông nói Mỹ không nên chủ quan, và nên đa dạng hoá quan hệ. Nhất là có thêm bạn bè thì tốt hơn là kẻ thù.
Trong khi thảo luận với phía Mỹ, dù là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Armitage, Đại tướng Vessey, hay TNS Kerry, ông Thạch luôn thể hiện sự chủ động và tinh thần hợp tác.
Tôi nghĩ đây là một nỗ lực và bản lĩnh lớn, một sự nhìn ra trông rộng. Ông Thạch mong muốn đa dạng hoá quan hệ để giữ vững độc lập, tự do thật sự cho Việt Nam. Nhất là vì bối cảnh chính trị nội bộ ở Việt Nam cũng không mấy thuận lợi cho sự hợp tác đó. Tôi rất nể ông Thạch.
Tại sao ông biết rằng bối cảnh chính trị nội bộ của Việt Nam không thuận lợi cho vấn đề MIA?
Tôi còn nhớ, khi tôi ở Nhà khách Quân Đội, một người phụ nữ khi nghe tôi nói chuyện tiếng Việt với ai đó, hỏi tôi và biết tôi là người Mỹ, đã hỏi: "Tôi không hiểu là tại sao chính phủ Việt Nam tốn biết bao nhân lực và công sức để tìm kiếm những người Mỹ bị mất tích trong cuộc chiến tranh do chính họ gây ra? Họ lấy lòng người Mỹ để làm gì?"
Tôi hiểu chính trị nội bộ ở Mỹ như thế nào, nên tôi đồng cảm với vấn đề tương tự ở Việt Nam. Một người phụ nữ bình thường đã nói như vậy, thì những người có nhiều trải nghiệm trong cuộc chiến tranh, nhất là những người đã lãnh đạo cuộc chiến đó, chắc hẳn sẽ có cách nhìn như thế nào với người Mỹ. Chắc chắn họ không chỉ ác cảm với người Mỹ, mà cả với những vị lãnh đạo Việt Nam đã đi tiên phong trong việc hợp tác với Mỹ trong vấn đề MIA. Phải nhìn xa trông rộng và rất có bản lĩnh, như ông Thạch, mới vượt qua được những rào cản như vậy.
Là người giỏi tiếng Việt, ông có dịp nói chuyện với ông Thạch bên lề các cuộc đàm phán không?
Có chứ. Chủ yếu trong giờ giải lao. Có hai câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi.
Một lần, hồi còn ông Armitage, ông Thạch nói với tôi rằng, ông ý thức rõ ràng về những gì Mỹ đã gây ra cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh. Nhưng ông vẫn khẳng định rằng Mỹ đưa quân vào Việt Nam không phải theo cái mục đích mà người Pháp làm trước đó. Ông nói rằng Mỹ không muốn biến Việt Nam thành một thuộc địa, và không có ham muốn lãnh thổ. Mỹ xâm lược Việt Nam vì sợ sự bành trướng của Liên Xô và Trung Quốc xuống Đông Nam Á.
Ông Thạch quá giỏi, quá sáng suốt, tôi thầm nghĩ.
Lần thứ hai là vào tháng 8.1987, khi Đại tướng Vessey vào Việt Nam lần đầu, ông Thạch lại kéo riêng tôi ra nói chuyện, trong khi xơi nước.
Ông nói: "Tôi có nghe những phát biểu, và đọc những báo cáo của anh ở bên Mỹ. Anh tin rằng chúng tôi sẽ rút khỏi Campuchia kịp trước năm 1990."
(Ông nhận xét đúng, vì tôi đã phát biểu như vậy ở một số diễn đàn với quan chức chính quyền Mỹ.)
Ông hỏi thêm: "Tại sao anh tin mà chính quyền Mỹ lại không tin?"
Tôi nói: "Tôi tin vì tôi hiểu Việt Nam rõ hơn chính quyền Mỹ hiểu. Chính quyền Mỹ đã không hiểu Việt Nam trong thời gian chiến tranh, và bây giờ trong thời gian hậu chiến vẫn tiếp tục không hiểu. Tôi bảo quý vị tuyên bố điều đó cách đây 2 năm (1985) là rất khôn khéo. Từ đó, quân đội Việt Nam đánh Khmer Đỏ rất mạnh, vào tất cả mật khu kháng chiến của chúng. Và thời gian 5 năm là đủ để xây dựng chính quyền Hunsen đủ mạnh, và Việt Nam không còn bị sa lầy ở Campuchia nữa."
Tôi lại hỏi: "Ai đúng? Tôi hay chính quyền Mỹ? Bởi họ bảo rằng Việt Nam chỉ xạo thôi, chắc vẫn chiếm đóng Campuchia."
Ông Thạch nói: "Anh đúng một trăm phần trăm."
Ông có ngạc nhiên với câu trả lời của ông Thạch không?
Tôi không ngạc nhiên, vì tôi tin vào suy luận của mình. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là câu nói thêm của ông.
Ông nói: "Nhưng Trung Quốc không muốn chúng tôi rút khỏi Campuchia."
Tôi hỏi lại luôn: "Thưa Ngài, tôi thấy rất ngỡ ngàng khi nghe câu đó. Bởi, nếu tôi nhớ không nhầm, cuộc tấn công năm 1979 là trả đũa Việt Nam đã lật đổ Khmer Đỏ. Tôi thấy có vẻ mâu thuẫn."
Ông Thạch nói: "Không có gì mâu thuẫn cả. Họ muốn chúng tôi bị sa lầy vào Campuchia vô hạn định, bởi mục đích của họ là làm cho kinh tế của Việt Nam bị kiệt quệ. Họ có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu này, thông qua cấm vận kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi không dại gì mà mắc mưu họ. Chắc chắn đến thời điểm 1990, họ phải tìm cớ khác để gây sự với chúng tôi, bởi, lúc đó, chúng tôi đã rút khỏi Campuchia rồi."
Một tháng sau, tôi được mời tham dự một hội nghị của Heritage Foundation - một tổ chức thiên hữu - thảo luận về chính sách của Mỹ với Việt Nam. Hội nghị này được truyền hình trực tiếp đi toàn quốc.
Đến phần giải đáp thắc mắc, có người hỏi tôi là liệu Việt Nam có rút quân khỏi Campuchia như đã tuyên bố không. Mặc dù không xin phép trước ông Thạch về chuyện đó, nhưng thấy có cơ hội thuận lợi để cải thiện quan hệ Mỹ - Việt, tôi đã dịch luôn sang tiếng Anh từng câu từng chữ những gì ông Thạch nói với tôi, thay cho câu trả lời.
Tôi bảo với họ rằng cách đây một tháng, khi làm phiên dịch cho đoàn của Vessey, tôi có cơ hội gặp riêng Mr. Thạch, và ông nói như vậy.
Năm sau, theo ông Vessey vào Hà Nội, tôi gặp lại ông Thạch. Tôi có xin lỗi ông vì đã không xin phép ông trước.
Ông Thạch có bực mình không?
Ông cười, và nói "không sao".
Tôi tin rằng ông thấu hiểu người Trung Quốc. Và ông cũng hiểu rõ người Mỹ, nhất là biết làm cách nào thuyết phục người Mỹ tin vào quan điểm của Việt Nam.
Trong buổi hội thảo kỷ niệm 10 năm Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói vui rằng "ông không hiểu tại sao những người, trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, từng là khách của Khách sạn Hilton (Nhà tù Hoả lò) sau này lại yêu mến Việt Nam nhất. Và ông Vũ Khoan dẫn ra trường hợp TNS John McCain, và Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Douglas Peterson, người cùng ngồi với ông trên bàn chủ toạ. Ông Vũ Khoan còn nói thêm rằng khi nào có điều kiện, ông phải tìm hiểu nguyên do.
Cùng là cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, như Đại sứ Peterson, rồi sát cánh với ông Peterson trong tiến trình bình thường hoá bang giao và giao thương Mỹ - Việt, ông có thể lý giải điều đó hay không?
Tôi xin kể với anh một câu chuyện, thay cho câu trả lời, bởi vì đây là một câu chuyện dài. Không khéo lại làm lạc đề câu chuyện của anh.
Lần đầu tiên tôi gặp ông Peterson là vào năm 1991, khi tôi đang làm trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Bangkok, phụ trách Đông Dương Sự vụ, có ghi trong danh thiếp. Thực ra, "Đông dương Sự vụ" chỉ là nguỵ trang thôi, vì, thực sự, trong công việc của tôi không có gì liên quan đến Lào hay CPC cả.
Lý do là vì Bộ Ngoại giao muốn giấu mọi người rằng họ quan tâm tới Việt Nam tới mức phải tuyển dụng một trợ lý đặc biệt về Việt Nam, để nghiên cứu về chính trị Việt Nam. Tôi đã nhận nhiều nhiệm vụ đặc biệt, kể cả đi theo các phái đoàn quốc hội Mỹ vào Hà Nội. Trong đó có đoàn của TNS John Kerry, Chủ tịch Tiểu ban đảm trách vấn đề POW/MIA, vào Hà Nội lần đầu vào năm 1991.
Trong buổi tiếp phái đoàn quốc hội Mỹ, trong đó có Hạ Nghị sĩ bang Florida Peterson, của TBT Đỗ Mười, tôi ngồi bên cạnh người trưởng đoàn để phiên dịch, còn Hà Huy Thông (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội) dịch cho ông Đỗ Mười.
Đỗ Mười nói với Peterson: "Tôi thấy ông đã là khách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cách đây một thời gian khá lâu."
Peterson đáp lại: "Thưa phải."
Đỗ Mười hỏi tiếp: "Trong thời gian ông bị giam giữ tại Hoà Lò, người ta đối xử với các ông như thế nào?"
Peterson nói: "I have survived (Tôi vẫn còn sống sót)."
Đỗ Mười cười: "Ông còn sống là rõ ràng. Vì sự có mặt của ông ở đây chứng tỏ điều đó. Câu hỏi của tôi là cách đối xử của chúng tôi với người Mỹ bị giam giữ như thế nào?"
Nói rồi, Đỗ Mười, lúc đó mặc áo cộc tay, đã chỉ ngay những vết sẹo trên cánh tay khi bị tra tấn trong nhà tù Thực dân Pháp tại Hoả Lò.
Rồi ông hỏi: "Thế ông, có vết sẹo nào không?"
Ông Peterson nói có một vết sẹo sau lưng, do bị thương khi máy bay rơi và bị bắt.
Đỗ Mười liền đòi xem, và Peterson, lúc đó mặc bộ vét và đeo cà vạt, đã ngạc nhiên hỏi lại, "Here, now (Tại đây, ngay bây giờ)?"
Đỗ Mười nói: "Đúng, tại đây và ngay bây giờ."
Thế là Peterson đành phải "vạch áo cho Đỗ Mười xem lưng".
Thế rồi, khi quay trở lại ghế của mình, Đỗ Mười lại nói: "Tôi vẫn muốn hỏi lại ông câu hỏi đó."
Peterson đáp lại: "Thưa Ngài, trong thời gian chiến tranh cả hai bên chúng ta gây ra nhiều điều cho nhau. Tôi muốn đề nghị với Ngài, hôm nay chúng ta không nói chuyện về quá khứ. Nguyện vọng của tôi là muốn hướng về phía trước, xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước."
Nghe tới đó, Đỗ Mười đứng dậy, rảo bước tới chỗ Peterson, và bắt tay ông, trước khi nói: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ông."
Liệu HNS Peterson có phải là người đầu tiên đưa ra cái tứ "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không", thưa ông?
Thực ra, trong những cuộc gặp trước đó của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch với phía Mỹ, tôi đã thấy toát ra điều này. Nhưng có lẽ ông Peterson là người đầu tiên, chí ít là từ phía Mỹ, nói ra điều này, trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
Sau cuộc gặp, tôi đã gặp riêng Peterson, và nói rằng tôi rất mừng là trong phái đoàn quốc hội Mỹ có một người có tư tưởng tiến bộ như ông. Tôi nói với ông rằng tôi với ông cùng là cựu chiến binh, ông là không quân, tôi lục quân. Ông khác tôi là đã từng là tù binh, chịu khổ sở ở Hoả Lò, còn tôi thì không.
Tôi nói: "Tuy chúng ta cùng có quan điểm tiến bộ, nhưng tôi phục ông hơn. Bởi vì ông đã từng bị bắt, còn tôi chưa, và tôi không hiểu lập trường của tôi thế nào, nếu tôi cũng từng là tù binh."
Bắt đầu từ đó tôi có một mối quan hệ cá nhân với ông Peterson. Chúng tôi vẫn trao đổi ý kiến và nhận xét liên quan đến quá trình bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt.
Lúc đó, cả tôi và ông Peterson không thể đoán nổi trong tương lai chúng tôi sẽ có quan hệ như thế nào. Bởi vì ông không hình dung là sẽ có một ngày ông sẽ là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ bang giao và giao thương giữa hai nước.
Và tôi cũng không hình dung được tôi sẽ là trưởng đại diện của General Electric, và hàng năm, kể từ năm 1997 đến 2002, luôn phải điều trần trước Quốc hội Mỹ để họ chấp thuận gia hạn thêm một năm việc miễn áp dụng Tu chính án Jackson-Vanik.
Nguồn: Tuần Việt Nam