ĐẠI hội mở đầu sự nghiệp đổi mới - Đại hội VI - để lại một dấu son đỏ thắm, phản ánh nhiều cái mới, cái tiến bộ của Đảng CSVN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Một trong những điều quan trọng bậc nhất là “thái độ của Đảng trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Cùng với việc đánh giá đúng thành tích đã đạt được, ở Đại hội này, chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ”(1). Sự thật đó là gì? Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày đã thẳng thắn chỉ rõ “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa “tả” khuynh vừa hữu khuynh. Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ lạc hậu về nhận thức lý luận, mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hóa. Trong công tác tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ còn theo một số quan niệm cũ kỹ và tiêu chuẩn không đúng đắn, mang nặng tính hình thức; cách làm lại thiếu quy hoạch, chưa chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng. Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mang nặng chủ nghĩa quan liêu, lời nói không đi đôi với việc làm”(2).
Đại hội VI có sứ mệnh phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin, là xu thế tất yếu của thời đại, là giá trị của văn hóa lãnh đạo của một đảng cách mạng, chân chính. Chỉ có nhận thức và thực hành tốt văn hóa lãnh đạo thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Sức sống của văn hóa lãnh đạo thể hiện ở chỗ phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Thực hành văn hóa lãnh đạo là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người, nhất là trong cán bộ lãnh đạo, đứng đầu, chủ chốt.
Đại hội VI chỉ ra rằng “mười năm qua, chúng ta đã trả giá đắt để thu được những hiểu biết và kinh nghiệm ngày nay”(3).
Khuyết điểm, sai lầm là phản văn hóa, nhưng có bản lĩnh dám nhận khuyết điểm, sai lầm, tìm đúng nguyên nhân của những khuyết điểm, sai lầm đó, không trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi, tìm mọi cách khắc phục khuyết điểm, sai lầm đó, thì đó lại là một thái độ có văn hóa, mang giá trị văn hóa lãnh đạo. Đại hội VI trở lại đúng tinh thần Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo.
Sau một phần tư thế kỷ tiến hành sự nghiệp đổi mới, khi nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ XI. Tại Đại hội này, tinh thần văn hóa lãnh đạo của Đại hội VI được khơi dậy. Nhìn nhận quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm, Đại hội XI thừa nhận “trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”(4). Đảng rút ra một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, đó là “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(5).
Đại hội XI chỉ ra nhiều yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục… Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt”(6).
Nghiên cứu các văn kiện Đại hội XI dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta vui mừng nhận ra tư duy của Đảng ta đang thật sự trở lại với sinh khí học thuyết Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo, nhất là văn hóa lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Lúc sinh thời Hồ Chí Minh dạy: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(7). Hồ Chí Minh cũng cảnh báo sự mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng nếu cán bộ, đảng viên không vì lợi ích của dân chúng, làm việc theo cách quan liêu, tức là sa sút về văn hóa lãnh đạo. Người viết: “Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo. Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: làm như thế, họ vẫn “làm tròn nhiệm vụ”, làm được mau lại không rầy rà. Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì cũng vì lợi ích của dân chúng mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”(8).
Đại hội XI đem đến cho toàn Đảng, toàn dân một sinh khí mới về văn hóa lãnh đạo. Sau Đại hội, trong các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại cuộc gặp các cán bộ chủ chốt của các ngành, các cấp, chúng ta tiếp tục được nghe sự phê phán của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng về những biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ trang trí, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm. Diễn đàn Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ nhất, thứ hai nóng lên về công tác phòng chống tham nhũng, tính công khai minh bạch, tinh thần trách nhiệm…, những vấn đề không phải khi nào cũng có thể được nói tới, bởi tiềm ẩn trong đó là vùng cấm, kiêng kỵ và sự đụng chạm.
Mười một tháng kể từ Đại hội XI, tư duy của Đảng đang phản ánh đúng quy luật vận động của cuộc sống. Chỉ có mở rộng và tăng cường thực hành dân chủ thật sự, dám tự chỉ trích, nhận sai lầm khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm sai lầm; khuyến khích nhân dân, cán bộ, đảng viên phê bình, góp ý cho Đảng; cán bộ đứng đầu, chủ chốt dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận sự bãi nhiệm và từ chức khi tự thấy mình không làm tròn trách nhiệm với nước với dân thì Đảng và Chính phủ mới giữ được lòng tin của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà có đại biểu Quốc hội đề nghị “kích cầu lòng tin”.
Với sinh khí của Đại hội XI, trong một thời gian ngắn vừa qua, sau khi được Quốc hội bầu, đất nước đã xuất hiện những thủ lĩnh dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có thể nói lâu lắm rồi, cán bộ, đảng viên và nhân dân mới được thấy, được nghe, được chứng kiến tận mắt cách nghĩ và cách làm của vài ba cán bộ kiểu Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ. Đó chính là sự bừng sáng của văn hóa lãnh đạo, mà đúng ra phải là chuyện bình thường trong một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhưng có lẽ vì lâu quá rồi, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mải mê, bằng lòng với danh và lợi, ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, thói vô trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, lo “chạy”, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, gia đình, nên khi xuất hiện những tiếng nói tâm huyết, có trách nhiệm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thì có người cho rằng như thế là phá bỏ thói quen của người Việt Nam; là vi phạm lợi và quyền cá nhân.
Chao ôi! “Cháy nhà mới ra mặt chuột!”. Những lúc thế này mới thấy rằng cán bộ ta phải học lại Bác nhiều lắm. Bác dạy: “Thói quen, truyền thống lạc hậu là một loại giặc, đồng minh với giặc ngoại xâm và giặc trong lòng, phải kiên quyết tiêu diệt”.
Đã quá lâu, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống trong sự đảo lộn giá trị, thừa văn minh vật chất, thiếu văn minh tinh thần, nên bây giờ trở về với giá trị đúng thì giật mình. Người ta lý sự rằng thời Bác Hồ khác, thời nay khác. Chao ôi! Vì thước đo cán bộ không chuẩn, thiếu văn hóa nên chúng ta đã chọn nhầm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như vậy. Mà nếu như vậy thì còn gì dân tộc và Tổ quốc. Không có những cán bộ đứng đầu, chủ chốt có văn hóa lãnh đạo theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh thì vận mệnh đất nước này sẽ ra sao?
Xin dẫn một câu nói khác của Bác Hồ để tạm kết đôi điều suy ngẫm và trăn trở: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(9). Vậy mà một bộ phận không nhỏ cán bộ ta không học hoặc chỉ học qua loa, đến khi có chút quyền hành là quên tất cả.
--------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.12
(2) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr. 26-28.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr.9.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.64.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.65.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.174-175.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.261.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.555.