Cuộc sống quanh ta

Luật sư Phan Anh trong "Nhật ký của một bộ trưởng"

10 - 2 - 1949 - Tiếp tục Hội nghị Giáo dục đến 4 giờ chiều mới xong. Một số các vị Bộ trưởng về còn các vị khác: Canh nông, Kinh tế, Giao thông, Lao động ở lại họp Hội nghị Kinh tế toàn diện.
Hội nghị Kinh tế bắt đầu tối hôm nay. Các anh Trừng, Cận, Bính, Kim lần lượt đến trong lúc trời mưa tầm tã. Kể cũng khá vất vả. Bính và Kim bị ướt hết.

Hội nghị cũng khá đông. Ngoài 5 vị Bộ trưởng và 3 vị Thứ trưởng, các nhân viên cao cấp các bộ đều có mặt. Anh Phan Anh - Chủ tịch hội nghị và phụ trách báo cáo viên ra Hội đồng Chính phủ.
Hội nghị họp liên tiếp 4 ngày đêm. Cuộc thảo luận nhiều lúc rất sôi nổi. Bộ Kinh tế có đề án và có nghiên cứu nhiều vấn đề đưa ra thảo luận, nhưng cách trình bày vẫn không hợp lý, chưa thành hẳn một chương trình kinh tế chung. Sau hai ngày thảo luận, tuy từng vấn đề một có bàn kỹ nhưng vẫn thấy rời rạc, không thấy rõ sự phối hợp, đưa ra dự án đã thảo sẵn trước khi ra đi, sau một lúc nghiên cứu, hội nghị đều tán thành lấy dự án ấy làm căn cứ để thảo luận. Nhờ vậy mà cuộc hội nghị sau mấy ngày đêm làm việc đã lập được một chương trình kinh tế toàn diện.
Cuộc hội nghị liên tiếp 4 ngày đêm đã đem lại kết quả rất tốt. Một chương trình cụ thể đã lập xong. Thực hiện được chương trình này trong năm nay, thật là một bước tiến bộ khá lớn về phương diện kinh tế.
16 - 2 - 1949 - Cùng với Phan Anh lên ngựa ra về. Sau bao nhiêu ngày đêm liên tiếp ba cuộc hội nghị, hôm nay ra về trong lòng thấy nhè nhẹ. Cũng may trời khô ráo dễ đi, thỉnh thoảng cho ngựa phóng.
Buổi mai ra về bụng không, vật thực tiếp tế không còn gì hết.
Hội nghị định họp có 4 ngày, không ngờ kéo dài đến hàng tuần lễ, vật thực chỗ này lại khó kiếm nên sáng nay phải nhịn đói ra về.
Dọc đường Cù Huy Cận đưa vào thăm trại chăn nuôi của Hoàng Văn Đức. Tại đây, trồng trọt và chăn nuôi cũng khá. Được đãi một cốc sữa bò đỡ đói lòng để ra đi cho đến nhà.
Phan Anh cũng ghé qua nhà ăn cơm trưa.
Trời rét quá. Cả buổi chiều nay, nằm yên lặng nghỉ, vì cảm thấy uể oải lắm.
Các anh em Vệ quốc và Tư lo làm lợn và nấu bánh chưng.
9 - 3 - 1949 - Trời mưa rơi rơi. Cảnh buồn. Trong người ho và nhọc. Phải mặc nhiều áo ấm, quấn kín ngực, để lên đường cho khỏi bị nặng thêm. Lên ngựa cùng với Phát Hữu ra đi. Đem Đỗ Phủ theo để giải quyết công việc với anh em đại biểu Trung Hoa.
Gặp các anh ấy tại trụ sở UBKCHC châu. Ngồi tiếp chuyện hơn 2 tiếng đồng hồ. Hai vấn đề đã giải quyết:
1) Tiếp tế cho anh em 50 tấn muối.
2) Tổ chức in ngay 5 triệu giấy bạc Trung Hoa kiểu mới để tiêu trong khu giải phóng mới thành lập.
12 giờ trưa, từ giã các anh em Trung Hoa ra đi đến địa điểm Hội nghị Kinh tế. Dọc đường gặp rất nhiều Giải phóng quân Trung Hoa, trai có, gái có, thiếu nhi cũng có. Có vẻ quân du kích lắm.
3 giờ chiều đến nơi, gặp Bính, Khuê đương đợi sẵn. Vì nhọc phải nghỉ đến đêm mới làm việc được. Các anh Phan Anh, Tạo cũng lần lượt đến. Phan Mỹ cũng tiếp đến, không khí đã bắt đầu vui với các câu chuyện "tầm phào" của các anh em.
Đêm nay cùng với Bính và Khuê bàn trước các vấn đề để đưa ra hội nghị:
a) Tham gia kháng chiến.
b) Luật thuế trực thu.
c) Quy định chế độ muối.
Đêm nay vẫn ho và nhọc, khan tiếng khó chịu. Khó ngủ.
12 - 3 - 1949 - Tiếp tục hội nghị cho đến 3 giờ chiều. Chương trình cũng xong. Thật là một sự cố gắng. Các vấn đề đều được thảo luận kỹ càng. Định ngày họp kỳ sau. Phân công việc cho các bộ. Anh Phan Anh phụ trách thuyết trình chương trình kinh tế ra Hội đồng Chính phủ kỳ tới.
4 giờ chúng mình chia tay nhau ra về. Kẻ xuôi người ngược cùng với Mỹ, Tạo, phóng ngựa một mạch để về tới cơ quan cho kịp tối nay. Còn phải chuẩn bị để sáng mai lên đường sớm đi thăm các cơ quan và nhà máy. Lần này phải dự bị cả đi cả về và cả cuộc Hội nghị Kinh tế Tài chính của đoàn thể mất đến 15 hôm và cũng phải về gấp cho kịp ngày Hội nghị Hội đồng Quốc phòng tối cao và chính phủ vào khoảng cuối tháng này.
Tú đã đặt được máy phát điện để nghe radio. Đêm nay bắt đầu nghe được. Dân chúng các nhà chung quanh đến nghe đông quá.
Cùng với Dược thức đêm giải quyết các vấn đề cho xong để ngày mai lên đường. Phan Mỹ nghỉ lại đây.
22 - 4 - 1949 - Bộ Quốc phòng trưng cầu ý kiến hội nghị về các vấn đề: nghĩa vụ tòng quân, nhiệm vụ lãnh đạo của UBKCHC trợ cấp dân quân, thống nhất địch vận…
Vấn đề quân sự phải chiếm mất 2 hôm. Hội nghị không có gì sôi nổi lắm. Hội nghị đã cống hiến một ít kinh nghiệm ở địa phương. Hôm nay kỉ niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và Hoàng Hữu Nam. Thay mặt Hội đồng Quốc phòng tối cao đứng ra nói mấy lời để ghi nhớ công đức và gương mẫu của hai vị đã quá cố. Cuộc chuẩn bị cũng có phần cảm động, tuy không phải chuẩn bị gì…
Cùng với một vài đồng chí các khu bàn riêng về vấn đề kinh tế để ngày mai trong lúc trình bày vấn đề này, các anh em sẵn sàng và thống nhất ý chí.
Trở về chiều, gió giông nhẹ, mát, cùng với các anh em Bộ trưởng ra đứng trên bờ sông Đáy, nghêu ngao. Truyền hát vài câu "mái giài" Huế để gợi cảnh sông Hương, làm cho mình ngước mắt nhìn mây nước mơ mộng... Tự nhiên trong tâm não cũng thấy hứng và giọng hát cũng cất lên với âm điệu rất du dương... Tạ Quang Bửu cho anh em nghe một câu ca dao thần tình:
"Hỡi cô tát nước bên đàng
Cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi?"
Ban đêm... cùng với các anh Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm kiểm điểm lại các vấn đề về chương trình kinh tế để ngày mai trình bày ở hội nghị và trưng cầu ý kiến các đại biểu.
Được tin Giải phóng quân Trung Hoa đã bắt đầu qua sông Dương Tử từ đêm hôm qua và chỉ còn cách Nam Kinh 5 dặm và rút lui xuống Quảng Đông. Đại tá Lê Quảng Ba ở mặt trận Đông Bắc về cho hay tin tức thắng lợi ở bên ấy, nhất là trận Móng Cái, ta thu được rất nhiều vũ khí và địch thiệt hại khá nặng. Tiếp đến nhiều trận tiêu diệt trên đường giao thông số 4.
27 - 6 - l949 - Cùng với các giám đốc cơ quan họp riêng để bàn việc tổ chức lại ủy ban sản xuất giấy bạc. Đến trưa mới xong việc. Lên ngựa cùng đi với Cường ra về. Chú Cường dắt ngựa qua sông, bị nước cuốn, bè chìm, Cường ướt hết.
Được thơ các vị Bộ trưởng chúc mừng.
Một số đồng chí vì bận hội nghị không đến được. Phải báo cho Dần biết để trù liệu số người ăn và ở trong ngày ấy.
3 - 7 - 1949 - Lên đường đi họp Hội nghị Kinh tế, dọc đường gặp các anh Phan Anh, Tạo và cùng đi.
Họp cả ngày và đêm. Chương trình lần này cũng khá nhiều. Sự chuẩn bị của mình chưa được chu đáo lắm vì bao nhiêu ngày rộn rịp. Cũng may giải quyết được trôi chảy cả, không đến nỗi đáng hối hận lương tâm.
Ngoài ra, đặt kế hoạch về ngoại thương để phòng bị khi biên giới Trung - Việt được mở rộng.
3 - 8 - 1949 - Trả lời thơ cho Phan Anh về vấn đề trí thức Hà Nội. Viết nhiều thơ để cho tin tức vào. Các ông ấy sẽ vững tâm và tin tưởng ở kháng chiến hơn. Đối với một số trí thức ở Khu III cũng hơi lục đục, nhất là giới tư pháp, chưa có người đủ uy tín để nắm họ, và làm cho họ hiểu thấu đáo chính sách của ta. Một phần nào anh em địa phương thiếu năng lực. Điện cho Chủ tịch Hà Nội chú ý giúp về mặt vật chất.
18 - 8 - 1949 - Để kỉ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám, chúng mình định quay con lợn con để tiệc một bữa, đồng thời mừng Bắc Cạn giải phóng.
Một bữa cháo lòng buổi mai sốt dẻo. Vừa ăn vừa khen người nấu cháo ngon thì tiếng máy bay rùng rùng từ xa đến. Mới đầu nghe ít, dần dần thấy nhiều, mà toàn là khu trục cả. Ba chiếc, sáu chiếc, rồi chín chiếc... Sinh nghi, chúng mình phải bỏ bữa cháo ra hết ngoài và tìm chỗ ẩn núp. Quả nhiên, chín chiếc khu trục thay nhau lên xuống oanh tạc và bắn rất nhiều tại vùng cách chúng mình không xa mấy. Thỉnh thoảng liệng quanh trên đầu chúng mình. Một lúc sau, một số Dakota lên và bắt đầu thả dù. Sau khi biết chắc mục tiêu thả dù của địch, chúng mình yên trí trèo lên cây cao xem cuộc thả dù, trong lúc máy bay khu trục vù vù trên đầu. Lần đầu tiên được mục kích cuộc thả dù của địch nên cũng thấy thích!
Mấy tiếng đồng hồ sau, vắng máy bay, chúng mình tập hợp lại thì vài anh em đã chạy đi đâu mất như Bùi Công Trừng... Quyết định tạm hoãn cuộc Hội nghị Kinh tế, chúng mình nấu cơm ăn và chia tay, mang theo một miếng thịt lợn để phòng khi bị địch uy hiếp phải lạc vào rừng.
Cùng một số anh em lên ngựa ra về. Dọc đường gặp hai lần máy bay địch oanh tạc. Hai xóm nhà dân bị cháy, người không ai việc gì. Nghe tiếng máy bay thì chui vào rừng, hết máy bay lại phóng ngựa ra đi.
Nửa đường gặp Đồng và mấy anh em khác: Nguyễn Khánh Toàn, Hồ Đắc Dy đi dự Hội nghị Giáo dục. Hội nghị này cũng tạm hoãn.
Ngựa hăng quá, một mình mang một ba lô nặng và một gói, phóng ngựa suốt ngày mà không thấy mệt, kể mình cũng còn dai sức.
5 giờ chiều về tới cơ quan, ở nhà không ai hay biết gì hết. Đến nhà được báo tin địch nhảy dù ở Liễn Sơn. Trước cũng đoán phía đó.
Đêm nay, Đồng, Phan Anh, Xuân Diệu, Cù Huy Cận cũng ăn nghỉ tại đây.
19 - 8 - 1949 - Các anh Phan Anh, Đồng, Cù Huy Cận, Xuân Diệu sáng nay sắm sửa về cơ quan. Cùng với Phan Anh, Đồng bàn vấn đề các nhóm trí thức ở Khu III, riêng các luật sư và giới tư pháp cũng thành vấn đề giải quyết. Một số vì sự xích mích với địa phương mà trở nên bất mãn. Sau khi nhận định thấy lỗi của cả hai bên. Trí thức phải bệnh chủ quan, cố chấp, bên chính quyền địa phương phải bệnh hẹp hòi. Sự hiểu lầm càng ngày càng lớn. Nếu không có giải pháp thích hợp và kịp thời có thể đưa đến kết quả không hay cho sự đoàn kết chung và ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến, nhất là trong lúc địch và bọn bù nhìn cố gây sự chia rẽ trong hàng ngũ kháng chiến. Anh Phan Anh sẽ viết thư giải thích cho một số trí thức trong giới tư pháp, điều động một số trí thức khá lên Trung ương đồng thời phái người xuống các khu dưới liên lạc và giải thích.
22 - 8 - 1949 - Có tin địch đã rút khỏi Liễn Sơn lui về Vĩnh Yên, Chợ Vàng. Cho người đi ngay lấy tin tức và giải quyết gấp vấn đề tiếp tế cho các cơ quan.
Cùng với anh Phan Anh định ngày triệu tập Hội nghị Kinh tế. Gấp lắm vì Hội đồng Chính phủ đến nơi rồi. Lần này có lẽ bị hấp tấp, việc nhiều, ngày Hội đồng lại định sớm, một số vấn đề quan trọng sợ chưa kịp đưa ra.
28 - 8 - 1949 - Trời trong và mát mẻ. Cơn mưa dầm đã qua. Ngồi trên đồi cao nhìn chung quanh rừng núi. Người thấy nhè nhẹ và khoan khoái.
Anh Phan Anh và Phan Mỹ đến. Các anh em khác chưa thấy tăm dạng. Có lẽ vì trời mưa, đường khó đi, các anh dần dà dọc đường chăng? Không khéo hội nghị bị trễ và chúng mình lại mất nhiều thời giờ ở đây.
Cũng may các anh em lần lượt đến gần đông đủ. Ngày mai có thể bắt đầu họp. Cùng với Phan Anh bàn lại các vấn đề ghi ở chương trình nghị sự. Chia ra các vấn đề gấp và hoãn, vấn đề thảo luận ngay và vấn đề đưa ra về nguyên tắc.
4 - 12 - 1949 - Cho tập hợp tất cả nhân viên để phân phối công việc và chỉ định người phụ trách.
Cử Lẫm làm đổng lý, Thảo và Kim làm phó đổng lý. Cận làm trưởng phòng ngân sách, Ngộ giữ chức vụ thanh tra. Sự sắp đặt này là một sự bất ngờ đối với mọi người và ai nấy đều công nhận một giải pháp khéo léo.
Giao phó xong công việc, cho phép một số nhân viên đến tiếp kiến, rồi cùng với Bính lên đường đi dự Hội nghị Liên bộ Kinh tế, cách đây 15 cây số.
Đến địa điểm, gặp Phan Anh, Tạo, anh em ngạc nhiên khi thấy mình đến vì ai cũng tưởng mình bị gãy tay không đến được.
Mặc dầu bị gãy tay nhưng công việc không bị ngừng và vẫn đi bộ được hàng trăm cây số để dự hội nghị. Đối với các anh em đây thật là một cố gắng.
5 - 12 - 1949 - Đúng ngày họp nhưng còn thiếu một vài vị. Để khỏi mất thì giờ chờ đợi, cùng với anh Phan Anh xét lại chương trình nghị sự, lọc lại vấn đề và đặt theo thứ tự quan trọng để khỏi sót các vấn đề lớn.
Lần này chú trọng nhất là chương trình hoạt động kinh tế năm 1950. Ngoài ra một số vấn đề khác:
- Thuế biểu, thuế điền và công lương.
- Kế hoạch thu thuế bằng thóc.
- Quốc gia ngân hàng.
- Chế độ khai khoáng.
- Tiếp tế vận tải...
Có ông Lê Đình Thám, Lê Duy Trinh trong phái đoàn Nam Trung Bộ, ông Nguyễn Thái, đại biểu Nông dân Cứu quốc cũng đến tham gia. Buổi chiều bắt đầu hội nghị.
7 - 12 - 1949 - Hội nghị đến 3 giờ chiều mới xong. Làm việc cả buổi trưa. Cùng với Bính, Vinh và Phan Anh giải quyết việc hoạt động của Quốc gia Ngân hàng, theo ý kiến của Hội nghị Kinh tế, Quốc gia Ngân hàng sẽ là một cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ và giám đốc sẽ có chân trong Chính phủ và ngang hàng với Bộ trưởng. Ý kiến này sợ không đứng vững trong Chính phủ. Giao cho Bính chuẩn bị hồ sơ để đưa ra Hội đồng Chính phủ.
Cùng với Tạo lên ngựa ra về gấp để đến kịp nghỉ tại cơ quan liên lạc Nam Bộ tối nay.
Sau nhiều lần ẩn nấp máy bay dọc đường, đến nơi thì trời vừa tối. Tình cờ gặp Trần Công Tường cũng ghé đây.
11, 12 - 1 - 1950 - Họp Hội đồng Quốc phòng tối cao.
Trụ sở họp tại chân đèo Re gần trạm 14. Hồ Chủ tịch vắng mặt. Các vị khác: Phan Kế Toại, Phan Anh, Giáp, Đồng, Tạ Quang Bửu đau, không đến được. Lần này Hội đồng mở rộng vì thế có thêm Nguyễn Xuân Yêm - Bộ Canh nông để tham gia ý kiến về việc sản xuất vật thực cho bộ đội.
Hội đồng bàn mấy việc lớn:
- Chương trình chiến tranh năm 1950.
- Hội nghị KCHC toàn quốc.
- Ra Sắc lệnh động viên nhân lực, vật lực và áp dụng luật chiến tranh.
- Tuyên bố thừa nhận chính phủ nhân dân Trung Hoa.
Hội nghị làm việc 2 ngày 2 đêm.
15 - 2 - 1950 - Tội nghiệp vợ chồng Phan Anh. Chị bị đau cancer(1) trong cổ họng, phải mổ may ra mới khỏi. Nhưng bệnh viện ta thiếu phương tiện, hoặc đi Hà Nội, hoặc ra ngoại quốc mới chữa được. Đi Hà Nội thì nguy hiểm, xảy ra nhiều sự bất lợi, mà ra ngoài thì tốn kém hàng hai, ba triệu đồng. Biết làm sao đây? Thật là một điều đáng thương hại. Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt, đa số anh em quyết định cho chị Phan Anh ra ngoài, Hồng Kông hay Thượng Hải để chữa bệnh.
16 - 2 - 1950 - Cả đêm hôm qua các chú ở nhà thức nấu bánh chưng, sáng nay lại thịt con bê để chia cho cả xóm. Quang cảnh tết đã bắt đầu, trời rét quá. Có lẽ năm nay rét hơn năm ngoái hay tại mình ngồi mãi ở văn phòng nên thấy rét hơn. Dù sao vẫn khó chịu. Anh Phan Anh cho người đến nhận hành phí để đưa người đi chữa bệnh ở ngoài. Dần cũng đến chơi và ăn tết một bữa. Bánh chưng, dưa hành, các món ăn truyền thống trong ngày tết.
Cùng với Dược sắp đặt lại hồ sơ sau gần một tháng vắng cơ quan, công việc dồn dập. Phải đặt lại trật tự rồi dần dần giải quyết.
28 - 2 - 1950 - Đêm qua cùng anh Phan Anh bàn chuyện khá khuya. Chuyện nhà, chuyện nước, chuyện thế giới. Nhận xét của anh Phan Anh có nhiều chỗ cũng giống mình. Từ vấn đề quân sự, sang chính trị, kinh tế. Về tư tưởng, anh Phan Anh tiến bộ nhiều.
Sáng nay, trời rét trở lại. Cùng với Phan Anh ngồi trước phòng, kiểm điểm lại những giai đoạn đã qua. Những quyết định của Chính phủ từ ngày lấy lại chủ quyền, sự lãnh đạo chung, uy tín của Hồ Chủ tịch đi đến kết luận là trong 4 năm vừa kháng chiến vừa xây dựng, dân tộc ta đã tiến vượt bậc mà một dân tộc khác phải mất hàng nửa thế kỷ (theo lời một chính khách Diến Điện). Trong sự thắng lợi vĩ đại và bước tiến vượt bậc này, vai trò của Hồ Chủ tịch thật vô cùng quan trọng. Nếu thiếu vị lãnh tụ dân tộc ấy ta còn gặp bao nhiêu trở ngại trên bước đường đi.
Cùng anh Phan Anh chén bánh chưng và một ít mứt lạc, dư vị của ngày tết. Chè thật ngon của chị Lượng đưa từ Khu IV ra. Trong cảnh rừng, bữa ăn này kể cũng không thua thủ đô mấy! Ăn xong, đưa anh Phan Anh lên ngựa ra về.
28 - 6 - 1950 - Tiếp anh Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Cùng bàn vấn đề sinh hoạt khó khăn, lương thực thiếu cho bộ đội, ảnh hưởng một mặt cho chiến sự và có lẽ mặt trầm trọng hơn là mãi lực của đồng tiền. Anh Phan Anh vừa ở Hội nghị Cán bộ Kinh tế về nhưng anh em ở Bộ Kinh tế vẫn chưa tìm được giải pháp gì cụ thể.
Sự khó khăn về quân sự, khó khăn về kinh tế, hai tình trạng khó khăn tập trung và cụ thể hóa vào tài chính làm cho vấn đề tài chính trở thành vấn đề hết sức khó giải quyết.
Cả buổi chiều cùng với các anh Phan Anh và Bính trao đổi ý kiến nhưng vẫn lúng túng trong một vấn đề nan giải.
Đêm nay tiếp tục kiểm thảo các đồng chí.
19 - 8 - 1950 - 3 giờ sáng dậy, gọi các chú Lộc, Quy sắm sửa đuốc để đi. Xem qua một số công văn khẩn và chỉ thị cho Tập ở nhà giải quyết.
Ra đi trong sương đầy rừng làm cho mọi người hơi rét nhưng nhờ ngọn đuốc cũng ấm. Đường thật là xấu. Cũng may mà đêm qua hoãn lại không đi. Nếu đi thì vất vả lắm.
Hửng sáng cho một chú liên lạc trở về. Bỏ đuốc, cùng chú Lộc đi tiếp. Gặp Phan Anh cưỡi ngựa trở về. Hỏi thăm thì việc đón tiếp chính phủ Lào đã xong và vui vẻ. Tưởng như thế thì có thể trở về được, không ngờ Hoàng Minh Giám, Bộ Ngoại giao cũng vừa về tới và trao thơ của Đồng. Thì ra Đồng cần gặp rất gấp để trao đổi ý kiến trước khi mình đi gặp đồng chí La Quý Ba, Đại sứ Trung Hoa. Phải cấp tốc đến ngay để gặp Đồng nhưng đến nơi thì Đồng đã ra về được một lúc.
2 - 9 - 1950 - Một lúc sau, lần lượt các cụ Tôn Đức Thắng, Phạm Bá Trực, các anh Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng và cụ Phan Kế Toại cũng đến đông đủ.
Sau khi kể chuyện vất vả dọc đường và sự bất ngờ của mọi người khi vào gặp Hồ Chủ tịch lần này, Hồ Chủ tịch tuyên bố bắt đầu hội nghị, lúc đó vào khoảng 10 giờ.
Hội đồng họp đến 4 giờ chiều. Một số vị ở gần xin kiếu ra về. Chúng mình cùng Hồ Chủ tịch ăn bữa cơm chiều rồi Hồ Chủ tịch cũng đi ngay. Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng và mình đêm nay còn ở lại trao đổi ý kiến về một số vấn đề. Vả lại chúng mình phải đi xa, ngày mai mới về kịp.
Cùng với các anh Phan Anh, Đồng, Bửu trao đổi ý kiến qua loa nhưng vì thiếu sự nghiên cứu đi sâu nên chưa có kết luận gì cụ thể và chắc chắn.
3 - 9 - 1950 - Ăn sáng xong, mỗi người gói theo một gói cơm rồi từ giã, phân tán mỗi người một ngả.
Cùng Phan Anh đi một khúc đường. Cơ quan của anh Phan Anh cũng không xa mấy. Ghé thăm cơ quan và lấy một anh liên lạc đưa đường để chèo mảng sang sông. Lần này về đi đường khác. Nhờ trời nắng hai hôm nay, nước sông xuống, đường cũng có phần dễ đi hơn. Đi riết một mạch. Chỉ ghé ăn cơm tại nhà một người Mán. Đến chiều thì đến cơ quan.
10 - 12 - 1950 - Chủ nhật, giao việc lại cho anh Bính tiếp tục họp văn phòng cho xong các vấn đề sẽ đưa ra Hội đồng Chính phủ kỳ này. Cùng với X đi thăm bệnh viện bác sĩ Tùng. Cụ Lê Đình Thám đau ruột phải mổ và nằm tại đây. X còn đi thăm chị Hoàng Thị Ái, chị Phan Anh bị đau cancer cũng về chữa ở đây.
28 - 1 - 1951 - Đi thăm Bộ Canh nông.
Trưa nay mời các anh Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm đến ăn cơm tại đây với Tô.(1)
Trao đổi về ngày và địa điểm họp Hội đồng Chính phủ kỳ tới. Trước Tết hay sau Tết? Thì giờ sát nút quá, vả lại còn chờ Giáp ở mặt trận về cho kịp để báo cáo Chiến dịch Trung du, nên phải định trúng vào các ngày Tết.
2 - 3 - 1951 - Mặc dầu rét, sáng dậy tập thể dục và tắm suối. Tắm xong bị lạnh cóng một lúc rồi khỏe lại, trong người lại thấy dễ chịu.
Chú Lộc mang ngựa tới cho biết đã đưa X và Phan Anh đến Hội nghị liên Việt. Bình thường cả.
4 - 6 - 1951 - Hội đồng Chính phủ bắt đầu dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Hội đồng họp hai ngày rưỡi, lần này có thêm anh Lê Việt Lượng, được cử chức Phó giám đốc Ngân hàng Quốc gia, hôm nay tuyên thệ trước Quốc hội và Chính phủ.
Báo cáo tình hình thế giới do Phan Anh phụ trách lần này được hoan nghênh vì công phu sưu tầm tài liệu khá dồi dào.
Trong báo cáo lại có một vài câu thơ ý vị.
….
9 - 6 - 1951 - Cùng với Triệu cố vấn(2) kiểm điểm qua chương trình hội nghị và định kế hoạch hướng dẫn cuộc hội nghị.
Theo tinh thần đã định và muốn cho cán bộ đều thấm nhuần chính sách để có thể phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Hội nghị học tập phải kéo dài đến 15 hôm là ít.
Tất cả các loại thuế về công nghiệp, thương nghiệp lần lượt đưa ra nghiên cứu, học tập.
Đáng lẽ ngày 13 - 6 về Bộ giải quyết các việc đương chờ đợi nhưng được tin anh Phan Anh đến dự Hội nghị nên ở lại đón để giới thiệu với hội nghị và Triệu cố vấn.
 


 


(*) Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Lao động.
(1) Ung thư.
(1) Đồng chí Phạm Văn Đồng.
(2) Cố vấn Trung Quốc có họ là Triệu.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559197

Hôm nay

2214

Hôm qua

2301

Tuần này

2515

Tháng này

226740

Tháng qua

122920

Tất cả

114559197