Cuộc sống quanh ta

Tiên Lãng ơi!...

Năm 1976, là sinh viên năm thứ ba ngành sử học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được nhà trường cử đi thực tập thực tế ở Tiên Lãng với đề tài “Trận càn Clode (quả chuông) của thực dân Pháp ở Tiên Lãng trong những năm kháng chiến chống Pháp”. Thầy giáo hướng dẫn là thầy Phùng Hữu Phú - người sau này làm đến chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban VHTT TƯ.

36 năm đã qua nhưng kỷ niệm về Tiên Lãng ngày nào vẫn mặn đặm và sâu sắc trong ký ức của tôi. Chúng tôi ở Nhà khách Huyện ủy và được phục vụ rất tận tình, chu đáo. Trong đời sinh viên và kể cả sau này khi đã là giáo viên, tôi đã được đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người (đủ các “cấp bậc” người), nhưng có thể nói rằng hiếm có một nơi nào mà tôi được gặp (“tình cờ” chăng?) những người nông dân đôn hậu, dễ gần, tốt bụng và dịu dàng đến thế. Ở họ, rất ít thấy cái gồ ghề gai góc như nông dân miền Trung quê tôi; hầu như không có cái lườn lọc, quay quắt như những con người dẫu quen đi chân đất nhưng sống gần với “cận thị, cận giang”... Người Tiên Lãng là sự trộn lẫn hài hòa giữa cái mặn mòi phóng khoáng của biển cả, cái chất ngọt đằm say đắm của “địa linh” - nơi sản sinh, ươm trồng nên lá thuốc lào nổi tiếng khắp xa gần... Ai không biết nơi địa linh thì có sản vật, thắng cảnh đặc biệt, có nhân kiệt hào hoa,có nhiều người tử tế?
Chúng tôi có 3 sinh viên, được chị phục vụ nhà khách “cơm bưng nước rót” ngày ba bữa với nụ cười thường trực tươi tắn trên môi. Sinh viên mà được đối xử như thế, có lẽ tôi chưa thấy bao giờ. Một lần, thầy giáo hướng dẫn về thăm (kiểm tra). Chúng tôi kể cho thầy nghe về mọi sự gì cũng trôi chảy, thuận lợi; khoongkhis làm việc, tiếp xúc miễn bàn; ăn uống thì ngồi ở Hà Nội chỉ có nằm mơ (tính theo tiêu chuẩn bếp ăn tập thể của sinh viên); ước gì thực tập không phải 4 tuần mà lâu hơn nữa... Thầy Phú cười và nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Hải Phòng nổi tiếng với bài hát về Những Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên..., với thuốc lào Vĩnh Bảo - Tiên Lãng. Đó là những cái tên nhiều người biết. Nhưng, có một điều ít ai biết là người Tiên Lãng đã đẹp, dễ gần lại rộng lượng, bao dung...”
Chuyện đã 36 năm rồi, tôi chưa có dịp trở lại với miền đất ấy nhưng mỗi khi nghĩ đến, nhớ đến người và đất của những cô tiên phiêu lãng tuyệt vời là tự nhiên, một cảm giác ấm áp, biết ơn lại dậy đến, khó tả, bồi hồi...
Vậy mà... Bỗng đâu cả nước như sôi lên, bùng lên với vụ án chấn động liên quan đến chuyện thu hồi đất giống như ở Nọc Nạn năm nào: 6 chiến sĩ công an, bộ đội bị bắn, bị nổ mìn đến trọng thương - vụ việc nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong lịch sử của 67 năm của Nước Việt Nam Mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân sáng lập nên, từ cái thời không còn anh Pha, chị Dậu.
Cái đau, cái quặn lòng và xót xa vô cùng chính là ở chỗ ấy. Người dân Tiên Lãng đánh bại cuộc càn quét quy mô của hàng trăm quân Pháp với đủ tàu bay, tàu bò ấy có tình yêu với quê hương, đất nước thiết tha. Những câu chuyện kể của rất nhiều người già trực tiếp tham gia trận càn năm nào cho tôi biết rõ điều ấy. Họ sẵn sàng hy sinh vì mảnh đất yêu thương - mảnh đất mà không ít khi, còn quý hơn cả mạng sống của chính mình. Chính vì cái lẽ giản dị mà thiêng ấy, chuyện đến bước đường cùng, người nông dân chân chất hôm nào bỗng dưng nổi dậy là điều phải tìm hiểu, nghĩ suy cặn kẽ, đủ đầy. Chẳng ai đồng tình với cách chống người thi hành công vụ - pháp luật sẽ trừng phạt nghiêm khắc mọi sự vi phạm. Tuy nhiên, tôi không thể nào không nghĩ và tin rằng chính cái cội nguồn của vấn đề mới là điều quan trọng nhất: Nếu không có lòng tham quá đáng của những ai đó có chức quyền; không có sự coi thường pháp luật, tự tung tự tác của những ông “vua” một cõi đến mức gây nên sự hoảng loạn, bức bối không thể kiềm chế nổi thì làm sao nên nỗi...
Chắc rằng, rất nhiều cơ quan và những người có trách nhiệm sẽ học hỏi từ bài học Tiên Lãng nhiều điều. Nhưng, chắc chắn vấn nạn liên quan đến đất đai là điều không thể không giải quyết theo nguyên tắc vì dân. Không một ai - dẫu có chức vụ cỡ nào có quyền coi thường luật pháp, coi thường lòng dân, coi việc dồn người dân đến bước đường cùng là chuyện “thường ngày”. Ôi, Tiên Lãng ơi!...
            
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513729

Hôm nay

2202

Hôm qua

2313

Tuần này

21666

Tháng này

220602

Tháng qua

121356

Tất cả

114513729