Cuộc sống quanh ta

Văn hóa sợ

Người Việt Nam hiện có cả một nền văn hóa … sợ. Không tin, bạn cứ đến sống thử một thời gian rồi khắc biết. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra bởi cái “văn hóa “ ấy nó đập chan chát vào cuộc sống của bạn hàng ngày, hàng giờ. Nếu bạn là người ngoài hành tinh đến thì càng tốt. Bạn sẽ càng nhanh chóng cảm thấy mà không cần phải dùng đến trí thông minh làm gì cho lãng phí. Người ta thường dễ phát hiện ra những điều lạ, hơn là quen. Vì vậy, để nhận biết sự tồn tại của cái món “văn hóa sợ“ ấy, bạn cần phải là người có dòng giống (hoặc trình độ tiến hóa ) khác với dòng giống của cái cộng đồng đã làm nên nền văn hóa này, khác càng xa càng tốt.

Nói như thế nghĩa là chính những người “trong cuộc“, những con người đã tạo nên, (hoặc) đã “nhiễm“ nặng cái món “văn hóa sợ“ kia thường khó nhận ra sự tồn tại của nó. Lại sở dĩ nói đã đạt đến trình độ được coi là một “nền văn hóa “, bởi cái thứ “văn“ có tên là “sợ“ ấy đã trở thành hết sức bình thường. Đến nỗi nó đã “hóa“ vào máu thịt, đã biến thành phản xạ thường trực của mỗi con người ở mọi lúc, mọi nơi… Người viết không hiểu tại sao cho đến bây giờ, UNESCO vẫn chưa công nhận Quan họ Bắc Ninh là một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới? Chứ bạn cứ thử đến vùng quê hương đó mà thưởng thức đi. Bạn sẽ lập tức bị chinh phục bởi cả một nền văn hóa có tên là Quan họ ấy. Nó cũng đã thấm vào máu thịt, thậm chí đã nằm sâu trong cái “gien“ của mỗi con người thuộc vùng đất nhàn, nhã và tài hoa ấy từ bao đời. Hoàn toàn không cần phải cầu đến những nghệ sĩ quan họ chuyên nghiệp ở Đoàn văn công Quan họ đóng ngay tại thị xã Bắc Ninh. Mà có muốn cầu đến họ cũng khó, bởi họ thường phải đi đây đi đó hát kiếm tiền. Tới đúng địa phận ấy, bạn hãy dừng xe lại giữa đường, hãy bước ra khỏi xe, kiếm một vệ cỏ mà ngồi ngắm cánh đồng, ngắm những thôn xóm gần, xa đang rộn rã tiếng gà kêu, chó sủa… Bạn hãy mời một (hoặc vài càng tốt) bà nông dân hay cô gái bất kì nào đó đang cấy (hoặc làm cỏ…) ở dưới ruộng lên. Bạn hỏi han mấy câu rồi yêu cầu bà hay cô ấy hát cho nghe vài làn điệu Quan họ. Ngay lập tức, bạn sẽ được toại nguyện. Bạn sẽ mê ly với những giai điệu mượt mà, tình tứ, thỉnh thoảng lại vút lên, tưởng như hồn vía của cả một vùng quê vừa bất ngờ hiện ra dào dạt qua những câu hát, tự nhiên đến mức không thể tin nổi. Những giai điệu bình tĩnh mà sang trọng, thong thả mà đường hoàng, không việc gì phải vội vã. Xin được trích ra đây mấy câu dưới dạng… “tân hình thức“ như sau. Bắt đầu là: “Khách đến chơi nhà là chơi nhà / Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi là xơi trà này…“. Rồi tiếp đến: “Ngồi rằng là ngồi tựa có mấy song đào là ngồi tựa song đào -ấy mấy đêm là đêm hôm qua /Ngồi rằng là ngồi tựa có mấy song đào / Hỏi người là người quân tử có mấy ra vào là ra vào có thấy vấn vương (Hự rằng là hội hừ)…“. Với những “ý tứ“ như thế này: “Ngồi rằng ngồi tựa đêm trường… / Nửa chăn nửa chiếu nửa giường (để đó) đợi ai…“. .
Hoặc nếu có thể, bạn hãy ghé vào một quán nước nhỏ ở đầu làng hay cuối phố gì đó. Bạn nhờ ông/bà chủ quán vẫy mấy cháu bé vừa đi học (hoặc đi chăn trâu) về qua đó, mua tặng chúng mấy chiếc kẹo rồi bảo chúng hát Quan họ cho nghe. Bạn cũng sẽ được đáp ứng ngay lập tức. Không cần nhạc đệm, không cần micrô, ampli… Những làn điệu Quan họ tuyệt đẹp ấy vang lên, trong trẻo và điêu luyện ở hầu như bất cứ ai, ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào, hồn nhiên như những tiếng chim ca, như những làn khói bếp…
Người viết xin cam đoan rằng chuyến đi của bạn sẽ diễn ra đúng như thế. Từ Hà Nội đến Bắc Ninh chỉ chưa đầy một giờ xe hơi, đường cao tốc êm ru, chạy thẳng tắp dưới bầu trời lồng lộng. Hoặc giả hôm đó bạn lỡ xuất hành vào giờ xui xẻo, bạn bất ngờ bị từ chối hay không gặp được những con người bất kì như tôi vừa kể. Xin đừng vội thất vọng. Bạn hãy tìm thẳng vào nhà của một vị trưởng thôn, trưởng phường hay chủ tịch… gì gì đó. Hãy nói rõ yêu cầu, mục đích chuyến đi và những xui xẻo bạn vừa gặp trên đường. Ngay lập tức, ông ta sẽ “đền“ cho bạn một chương trình Quan họ hoành tráng, có bài bản, lớp lang đàng hoàng ngay tại nhà ông ta, do chính vợ chồng, con cái ông ta cùng mấy người hàng xóm thực hiện…
Câu chuyện về Quan họ trên như một cách định nghĩa về cái gọi là một nền văn hóa. Đó chính là văn hóa. Và… người Việt Nam thời nay (oái oăm thay), không chỉ thấm vào máu thịt mình, vào cái “gien“ di truyền của mình những vốn liếng văn hóa kiểu ấy.
Trước tiên, xin đề cập đến cái món văn hóa thuộc lĩnh vực văn chương, chữ nghĩa. Riêng về lĩnh vực này thì người Việt Nam hình như ai cũng có sẵn đâu đó một cái “gien“… “độc tài“. Có thể nói thẳng đuột ra rằng mỗi nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện nay bất kể già trẻ, bất kể viết nhiều hay viết ít, hầu hết đều là những… “nhà độc tài“. Câu tục ngữ: “văn mình vợ người“ chưa bao giờ lại tuyệt đối đúng như ở thời buổi này. Chỉ có quyền khen, không chấp nhận chê. Ca ngợi thì tha hồ, song không được phép phê phán, điều đó đã và đang là một “hội chứng“ mang tính chất thời đại. Nó hoành hành trong mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, không loại trừ cả trong văn chương. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của cái “gien“ độc tài phổ cập mang nhãn hiệu “Made in Vietnam“.
“Hội chứng“ này là một đòn chí mạng “giáng“ vào cái gọi là tự do sáng tác, đặc biệt trong lĩnh vực phê bình. Đồng ý là anh cứ việc viết trong buồng nhà anh một cách thoải mái, tự do, không ai cấm. Song viết mà cứ phải cân nhắc câu chữ, cân nhắc ngòi bút… viết trong một trạng thái nơm nớp, sợ “đụng chạm“ đến từ ông hàng xóm sợ đi, sợ bị “treo“, bị “cắt“, sợ không ai in, sợ bị “thổi còi“, viết mà luôn luôn phải tự kiểm duyệt chính mình… thì hỏi đó có còn là “tự do“ sáng tác nữa hay không? Trong những điều kiện như vậy, vẫn có thể tạo nên một nền văn chương đấy. Song nếu đó chỉ là một nền văn chương tầm thường, nhạt nhẽo và một chiều thì cũng không có gì phải ngạc nhiên. Có chăng thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài “hiện tượng“ gọi là “mới, lạ“, là “bạo dạn…“. nào đó, thì chẳng qua cũng chỉ là những loại cây lá nhọn, hoặc có gai… sinh ra do khí hậu khắc nghiệt đó mà thôi.
Phê bình văn học trong một trạng thái sợ mất lòng nhau, sợ bị trù úm, sợ bị “đánh“ hội đồng, đặc biệt là nỗi sợ mất lập trường, sợ bị quy chụp, luôn phải né tránh hết “vấn đề“ nọ đến “vấn đề“ kia… mà vẫn tạo ra được cái gọi là một nền phê bình thì đó mới là chuyện lạ. Huống chi sống theo triết lý: “Việc nhân nghĩa cốt ở… yên thân“ hiện đang là một trào lưu hợp với thời cuộc bậc nhất. Ngoài ra còn chưa kể đến một vài “nhà phê bình“ vốn đã cam tâm uốn cong ngòi bút của mình vì địa vị, vì chỗ làm, vì vinh thân phì gia… rồi.
Một ví dụ minh họa cho sự tác động của cái “hội chứng“ độc tài và sợ… độc tài ấy đối với phê bình là vấn đề liên quan đến các sáng tác trẻ. Đồng ý là trong đó có những sáng tác rất hay, song không phải tất cả, thậm chí chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Còn lại có nhiều thứ chỉ là “cũ người mới ta“ mà thôi. Song có thể nói một số nhà văn, nhà phê bình hiện nay thực bụng “nâng niu“, “dung dưỡng“. .. các cây bút trẻ thì ít, mà e ngại họ thì nhiều. Ngoại trừ một số “tên tuổi“ hăng hái o bế, lăng xê một cách thái quá, đáng ngờ, thậm chí còn có cả mùi… tình dục ở đây nữa, còn lại không ít nhà văn, nhà phê bình khác rất ngại “đụng“ tới họ.
Một số cây bút trẻ tất nhiên rất dễ “nhiễm“ (hoặc đã có sẵn) cái “gien“ “độc tài“ của lớp người đi trước, thậm chí còn “hậu sinh khả úy“. Vô phúc mà “chê“ họ thì sẽ nếm mùi liền. Gì chứ cái khoản “mắng mỏ“, “bút chiến“ thì một số nhà văn, nhà thơ trẻ ngày nay “ngoa“ hơn, “máu“ hơn và “khôn ngoan“ hơn lớp già rất nhiều. Có nhà thơ trẻ từng tuyên bố một câu “xanh rờn“, rằng ai mà không đọc thơ anh ta thì coi như thuộc loại “thực bất tri kì vị“ (!). Có nhà thơ nữ không ngại dùng cả những chất tiết ra từ chỗ kín của mình để “tương“ vào mặt kẻ nào còn dám “chê“ thơ “bà“. Có nhà văn nữ tuyên bố không hề (và không thèm) liếc mắt đến những bài viết chê văn mình. Vậy mà trong các bài trả lời phỏng vấn, thỉnh thoảng lại thấy nữ văn sĩ “đốp chát“ lại những nội dung không được “thuận tai“ mình của chính những bài viết đó (lòi cái đuôi nói dối ra). Lại có nhà thơ nữ trẻ khác, ngoài những “tuyên (và) ngôn“ đáo để của mình, còn núp hẳn dưới cái “bóng“ của một vị lãnh đạo cao cấp thì hỏi còn nhà phê bình nào dám ho he… Ấy là chưa kể bị kéo bè kéo cánh, túm năm tụm ba mắng là “cũ“, là “lạc hậu“, “bảo thủ“, là vân vân… Thậm chí còn bị “chửi“ là ngu, là không hiểu gì về “hiện đại“, “hậu hiện đại“, “hậu hậu hiện đại“… vân vân và… vân vân. “Độc tài“ mà đến cỡ ấy, tưởng khó có “kì phùng địch thủ“. Thôi thì đành vái dài mấy vái mà thốt lên: “Ôi! em sợ lắm“.
Trong những điều kiện “thê thảm“, sặc mùi chợ búa như thế, thì dẫu có diễn ra hàng trăm hội nghị tốn kém bạc tỉ của dân (chắc chắn thế) như kiểu cái “hội nghị“ Đồ Sơn vừa rồi cũng không thể làm cho nền phê bình ọp ẹp của ta nhúc nhích lên được. Hội Nhà văn chắc cũng thừa thông minh nên không thể không biết đến điều đó. Có điều họ vẫn (và sẽ còn) tổ chức những hội nghị kiểu như thế. Mục đích chưa hẳn đã vì một nền phê bình đích thực. Hoặc giả người ta muốn “định hướng“ tới một nền phê bình nào đấy chăng? Nghe nói trước hội nghị, một số nhà văn được coi là “chủ chốt“ (hoặc ở xa?), ngoài tiền tàu xe, ăn ở… còn được hội “biếu“ phong bì một triệu đồng. Rồi lại còn liên hoan, bia bọt, uống tại chỗ chưa đã còn thủ mấy chai vào bị để mang về…
Những thứ tiền ấy tất nhiên không phải do Hội Nhà văn Việt Nam “sáng tạo“ ra hay đi buôn mà có được. Tiền ấy đích thị là tiền đóng thuế của dân đấy. Và cũng không ở đâu như xứ ta, các nhà văn thi thoảng lại được “chén không“ tiền dân như thế. Hội Nhà văn xài tù tì hàng năm hết bao nhiêu tỉ tiền của dân? Vậy mà trừ một số tác phẩm (đã có từ lâu) được giảng dạy trong nhà trường, còn thì không dưới 95% những kẻ đóng thuế nuôi cái hội hùng hậu ấy hàng năm không hề (và cả không thèm) đọc một tác phẩm nào của các vị cả. Người đóng thuế cứ buộc phải “bố thí“ mãi như thế, trong khi các vị thì cứ nhơn nhơn hưởng, nhơn nhơn đánh chén, lại còn tranh giành nhau từng cái ghế, từng xuất đi “trại“, đi nước ngoài, đi dự hội nghị, tranh giành nhau những thứ “giải“ “mẹ hát con khen“… Thật đáng ghê thay. Liệu đây có thể coi là một thứ “văn hóa“ “xài tiền dân“ của Hội Nhà văn hay không? Hèn nào mà kẻ ở ngoài cứ thích được “chui“ vào, kẻ ở trong cứ cố giữ cho mình cái “chỗ“ ngồi cho bằng được (!)
Lẽ đời là như thế. Nói đi thì cũng phải nói lại, rằng chưa mấy ai vượt qua nổi những cái thường tình ấy của cuộc đời. Song lịch sử đã chứng tỏ không một thế lực (phê bình) nào có thể phủ nhận nổi những giá trị đích thực. Không một sự cưỡng bức nào có thể dập tắt được những sáng tạo thiên tài. Vấn đề là phải có những nhân tài đích thực. Những nỗi “sợ“ như vừa nói ở trên vì đã thấm vào máu, đã biến thành một thứ phản xạ bẩm sinh của các nhà văn, nhà phê bình… nên nó có bản chất y như một thứ “chấp“ trong triết học Phật giáo vậy.
Nói cụ thể, nó chính là một “ngã chấp“ (chấp vào cái bản ngã). Chính điều này mới làm hạn chế mọi thứ sáng tạo theo đúng nghĩa của từ đó. “Ngã chấp“ càng lớn, con người càng khó có khả năng tiếp cận tới những giá trị đích thực, càng khó “chứng ngộ“ được chân lý. Trong khi sáng tạo là một quá trình tạo ra các giá trị đích thực, thì việc tồn tại một cách mạnh mẽ, thường trực cái “ngã chấp“ (sợ) kia, đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu các khả năng sáng tạo.
Con người ta vốn chỉ hơn nhau ở khả năng hóa giải các thứ “chấp“, mà chia ra kẻ ngu, người giỏi, kẻ thông minh, người đần độn… đó thôi. Những khoảnh khắc sáng tạo đích thực chính là những khoảnh khắc mà một số cái “chấp“ nào đó được hóa giải. Kể cả những sáng tạo thiên tài, những kiệt tác cũng được tạo ra trong các tình huống tương tự. Cái “sợ“ thâm căn cố đế, cái “sợ“ thường trực trong mỗi con người đã được biến thành “chấp“. Nghĩa là thời cuộc, xã hội chẳng qua chỉ đóng vai trò là “nhân“ (nguyên nhân = “sợ“). Còn “quả“ (kết quả = “chấp“) chính lại sinh ra trong mỗi con người cụ thể. Việc vẫn đạt tới trạng thái “tự do sáng tạo“ được hay không, chính là nằm ở chỗ liệu anh ta có hóa giải được cái sự “chấp“ đó của mình hay không. Tự giải phóng mình ra khỏi trạng thái “chấp“, chính là thời điểm của đỉnh cao sáng tạo. Đó cũng là thời điểm tuyệt đối tự do của thiên tài. Xã hội, thời cuộc… chỉ can thiệp được vào những thứ tự do tầm thường. Còn tự do của thiên tài thì không một thế lực nào có thể can thiệp vào được.
Chợt nhớ chuyện một số nhà văn thời Liên Xô cũ đào hầm mà viết, để sau đó vẫn để lại cho đất nước, cho nhân loại những tác phẩm lớn, những kiệt tác. Có lẽ họ là những bậc thiên tài đã tự giải phóng mình ra khỏi những cái “chấp“ mà thời cuộc đã giáng xuống số phận của họ chăng? Còn ở ta, trong suốt những đêm trường mang tên “Nhân văn-Giai phẩm“… kia, hình như chẳng có tác phẩm nào được viết ở “trong hầm“ thì phải. Hoặc nếu có thì vẫn còn nằm trong vòng cương toả của “ngã chấp“ bời bời. Thế còn hiện nay…? Chắc phải chờ sự hóa giải những cái “chấp“ ấy từ trên trời ban xuống?
Triết lý Phật giáo còn chia ra nhiều thang bậc của “chấp“. Trong đó “chấp“ vào cái “ngã“ (tôi) là cái “chấp“ trước tiên, mạnh mẽ nhất, khó xóa nhất. Lúc xóa được, lúc không thì mới nằm trong khoảng gọi là Thanh văn, Duyên giác mà thôi. Bậc Thanh văn, Duyên giác cũng tương đương với người đạt tới một phần chữ “Nhân“ trong Khổng học. “Nhân“ có thể nói là người đã xóa được “ngã chấp“ rồi. Song từ đó giữ được lòng mình, bền được chí mình, không để cho cái “ngã chấp“ kia nó “tái lập“ lại thì không phải chuyện đơn giản. Khổng Tử bảo “Nhân“ mà (kéo dài) được ba tháng kể như khá lắm rồi… Vượt qua được “chấp ngã“, bấy giờ lại vướng vào một cái “chấp“ khác. Đó là “chấp“ vào “pháp“ (Phật pháp). Tiếp tục tu tập công án để xóa được “chấp pháp“, nghĩa là đã đến bực Bồ tát rồi đấy. Vậy mà vẫn còn “chấp không“. .. cứ gọi là cái sự “chấp“ nó trùng trùng điệp điệp. Khi nào đạt đến “phi tâm, phi vật“, “vô tu vô chứng“, không “chấp“ vào bất cứ cái gì nữa thì nghĩa là đã thành tiên, thành Phật từ lúc nào không hay rồi.
Người viết thì như thế. Vậy còn người đọc, người nghe… thì sao? Ở đâu cần tuyển người làm nghề kiểm duyệt? Xin hãy tới đây. Nơi đây bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhân viên kiểm duyệt. Những cái sợ từ trong trứng, sợ từ trong “gien“ đã tạo nên cả một “tư duy“ kiểm duyệt trong mỗi con người. Người ta luôn tự kiểm duyệt tất cả các “cơ quan đoàn thể“ của mình từ miệng nói, tai nghe đến mắt đọc… Anh chạy xe ôm trong lúc chờ khách giở tờ nhật báo ra đọc. Một bài báo nào đó làm anh ta giật mình. Tờ báo này “dám“ đăng về những “việc“ như thế này ư? “Thằng“ tác giả nào mà “to gan“ đến thế? Chắc thể nào cũng bị kỉ luật… Bác gác cổng trong lúc một mình giở cuốn sách ai đó để quên ra đọc lướt vài trang… Chà! Chuyện này chắc là chuyện nước ngoài. Ở nước mình đố ai dám viết. Chị lao công trong trường quét phải một trang sách vứt lăn lóc, tiện thể cầm lên xem nó rơi ra từ cuốn sách nào. Chẳng hiểu đọc thấy điều gì mà vội vàng vò nát, vứt vào thùng rác, mắt lấm lét như sợ bị ai bắt gặp. Bác nông dân trong lúc chờ cái điếu cày tới lượt mình, kể cho mấy bác nông dân khác một tin mới nghe được trên đài. Mấy bác kia trợn mắt lắc đầu quầy quậy. Ông chỉ bịa. Tin ấy đời nào đài “dám“ nói… Một nhà văn (loại vỉa hè) ngồi kể cho bạn bè nghe về mấy nội dung sắp viết. Bạn bè kẻ thì lờ đi, giả vờ như không nghe thấy. Kẻ thì hốt hoảng bảo đố dám viết. Nếu viết thật thì sao? Thì đố có chỗ nào in. Nếu có chỗ in? Đố ai dám đọc. Nếu có người đọc? Thì đố ai dám nghe. Thế nếu có kẻ trót nghe? Thì đố có dám tin…
Phải mất bao nhiêu năm mới tạo ra những “phản xạ“ (sợ) thường trực ấy ở trong mỗi con người? Chắc cũng không lâu lắm đâu. Tuy nhiên, các nhà sử học, các vị học giả, học thật… rồi sẽ tranh luận về điều này sôi nổi lắm cho mà xem. Ấy là mới chỉ quanh quẩn trong chuyện văn chương, chữ nghĩa… thôi đấy. Chưa kể đến những nỗi “sợ“ khác ở ngoài đời như: Nhập cư sợ không có hộ khẩu. Có con đi học từ mẫu giáo trở lên sợ cô, sợ thầy. Có bệnh sợ bác sĩ kê đơn, sợ nhà thuốc mặc tình hét giá. Đi siêu thị sợ mua phải hàng giả. Ra đường sợ cảnh sát giao thông. Đến cơ quan sợ xếp, sợ công đoàn… Đi buôn sợ hải quan, thuế vụ… Về nhà sợ vợ/chồng, con cái bất hòa. Nằm ngủ sợ gặp phải ác mộng…
Cứ gọi là trăm nỗi sợ đã ngấm vào cốt tủy. Nó phong phú như rừng, thấm nhuần như gió, lại biến ảo muôn hình vạn trạng. Nó trở thành những phản xạ tự nhiên, nó biến mỗi con người đều trở nên một kẻ hèn từ lúc nào không biết. Mà đối với một kẻ hèn thì triết lý “yên thân“ chính là một tôn giáo hạng nhất. Nói cách khác, một khi con người đã biến thành hèn hạ, thì sự thật không còn chốn nương thân. Cái “sợ“ đương nhiên là những chuyện hết sức bình thường, bình thường như cơm ăn nước uống, như không khí đang thở hàng ngày, bình thường đến mức không thể nhận ra. Những nỗi “sợ“ đã “hóa“ thân vào hẳn cuộc đời như thế đó. Kết quả là nó bật lên trong mọi trường hợp, ở mọi lúc, mọi nơi, ở trong mỗi con người… cũng “tự nhiên“ đến nỗi khó mà tin được. Y như những câu Quan họ cũng sẵn sàng cất lên từ trong mỗi con người bất kì ở cái vùng văn hóa Quan họ kia vậy. Thế thì còn gì nữa mà không định nghĩa đó cũng là cả… một nền “văn hóa “.
Không hiểu cháu chắt chúng ta ngày sau có biết lối mà tự hào về cái nền văn hóa sợ bất hủ này của ông cha hay không? Nếu biết, thể nào chúng cũng sẽ lập hồ sơ để trình lên UNESCO. Hy vọng sẽ được công nhận là một thứ di sản văn hóa … phi vật thể của… nhân loại. Khi đó, những thế hệ đã tạo nên cái văn hóa ấy sẽ tha hồ mà được ngậm (cười…) nơi chín suối.
10/2006

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513782

Hôm nay

2255

Hôm qua

2313

Tuần này

21719

Tháng này

220655

Tháng qua

121356

Tất cả

114513782