Những góc nhìn Văn hoá

GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường

 GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong những người trí thức Việt Nam thông minh siêu việt gắn với nhiều huyền thoại, một nhà sư phạm mẫu mực giàu tài năng. Ông sinh ngày 16/9/1909 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 22 tuổi, là học sinh Việt Nam (lúc đó còn thân phận thuộc địa) du học trên nước Pháp, Nguyễn Mạnh Tường đã lập nên kỷ lục làm chấn động học đường nước Pháp: trong một năm lấy luôn hai bằng Tiến sĩ Quốc gia Văn khoa và Luật khoa. Năm 1989, khi ông sang thăm nước Pháp, ngài Hiệu trưởng Trường Đại học Paris VII danh tiếng giới thiệu về Nguyễn Mạnh Tường trước đông đảo Hội đồng sư phạm và sinh viên toàn trường: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22”.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Với tầm kiến thức rộng lớn, ông tham gia vào các Đoàn Đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hoà bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc - 1952), Đại hội Hoà bình Thế giới ở Vienna (Áo - 1953), rồi làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles (Bỉ - 1955). Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...

Là một nhà sư phạm đầy tài năng và mẫu mực, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham gia giảng dạy tài trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An) cùng với các đồng nghiệp là những trí thức tài danh thời bấy giờ như Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn… Ông còn tham gia đào tạo trí thức phục vụ kháng chiến tại trường Dự bị Đại học Liên khu IV tại Thanh Hóa, Phó Giám đốc (nay là Phó Hiệu trưởng) trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là trường ĐHSP Hà Nội) khi miền Bắc mới giải phóng.
GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường từ trần ngày 13/6/1997, để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và học trò. Tổng Bí thư Đỗ Mười đến viếng ông và ghi vào sổ tang:  “Vô cùng thương tiếc Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam.
 Chào vĩnh biệt
 Đỗ Mười
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam.”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (16/9/1909 – 16/9/2009), chúng tôi xin giới thiệu bài viết về ông từ ký ức của những đồng nghiệp, bạn hữu, và học trò.
 
 
Kỳ 1: CỤ VŨ ĐÌNH HÒE - CỰU BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP
KỂ CHUYỆN VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ ÔNG CỐ VẤN VĨNH THỤY
Bài và ảnh: Kiều Mai Sơn
Chiều ngày 21/8/2009, bà Vũ Bảo Tuyên con gái của cụ Vũ Đình Hòe nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời tháng 8 năm 1945, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ tháng 3 năm 1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể) dẫn tôi đến nơi hai cụ đang cư trú thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Bậc công huân của đất nước vịn ghế bước ra, phong thái quắc thước, mái tóc bạc phơ phơ rung rung theo, thần thái tinh anh. Tôi tới xin cụ kể cho một số kỷ niệm với GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (16/9/1909 – 16/9/2009) người trí thức nổi danh trong nền giáo dục hai nước Việt – Pháp từ những năm ba mươi của thế kỷ XX. Là hàng cháu chắt, tôi giữ mãi ấn tượng về nụ cười hiền, tiếng nói vang và ấm của cụ Vũ Đình Hòe trong suốt câu chuyện:
-Về luật sư Nguyễn Mạnh Tường, à hà. Bây giờ cũng lâu năm lắm rồi, quên hết rồi. Ông Nguyễn Mạnh Tường là người trí thức cao cấp, được cấp học bổng của Chính phủ Pháp, học giỏi, đỗ 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia nước Pháp về Văn, về Luật. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 và trong kháng chiến tôi có tiếp xúc với ông rồi cũng có gặp nhau ở Mặt trận Tổ quốc.
Đi theo kháng chiến cũng rất vất vả và ông Nguyễn Mạnh Tường làm được việc quý hóa đó là luật sư tích cực đi cãi cho người nghèo. Ở Tòa án, các vụ hình sự thường có luật sư giúp đỡ. Cãi trước tòa án quân sự, thứ nhất là những vụ về chính trị, thứ hai là những vụ phá rối là điều bắt buộc. Người Pháp thì vẫn cứ muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường về thành. Kéo không được thì họ làm trở ngại công việc của ông.
- Có lần cụ từng kể, luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng bào chữa cho ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ tại Tòa án Quân sự. Sự việc này cụ thể ra sao ạ?
- Ông Vĩnh Thụy được Chính phủ, được Cụ Hồ giao công tác tham gia đoàn đi sang Trung Quốc để gặp Trung ương Đảng Quốc Dân Trung Hoa -Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ cách mạng Trung Quốc chưa thành công, hãy còn đánh nhau giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản. Mãi đến năm 1949 Đảng Cộng Sản mới đánh thắng được Tưởng Giới Thạch. Trước đó, Tưởng Giới Thạch có cộng tác đánh Nhật với Đảng Cộng Sản, hai lần hợp tác mà rồi nó lại giở chứng ra, thế là lủng củng hai phe, rồi mâu thuẫn, rồi đánh nhau bằng quân sự.
Tôi không được đọc báo cáo của ông Vĩnh Thụy, chỉ có nghe nói chuyện lại lõm bõm thôi. Nửa đường ông Vĩnh Thụy lợi dụng cơ hội tìm cách đi Hồng Kông, nửa đường không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần già ông ấy chịu để để Pháp lôi kéo đi ngược với đường lối đánh Pháp của dân ta, Chính phủ ta và Cụ Hồ.
Việc đưa ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ra xét xử trước Tòa án, Chính phủ ta phải cân nhắc nhiều. Tôi lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về  xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm. Đó là vào hồi năm 1950 - 1951.Cụ Hồ không muốn truy tố. Cụ tin là nếu mà mình khéo quan hệ thì vẫn có thể đưa ông ấy về lại với chính nghĩa được. Nhưng anh em khác thưa với Cụ Hồ là phong trào cách mạng trong nước yêu cầu phải truy tố. Bởi vì ông ấy là người của Chính phủ, làm Cố vấn tối cao, được cử đi làm công tác ngoại giao mà ông ấy lại đào nhiệm không quay về báo cáo với Chính phủ, với Hồ Chủ tịch, tự ý đi Hồng Kông… Để hợp thủ tục dân chủ, Hồ Chủ tịch đề nghị giơ tay biểu quyết. Tất cả thành viên Chính phủ đều giơ tay lên, trừ cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cụ nói đồng ý là ông Vĩnh Thụy phạm tội nặng đối với Tổ quốc, nhưng cụ không nỡ giơ tay biểu quyết. Mọi người nhớ xưa cụ đã một thời giữ chức Thượng thư trong triều đình Bảo Đại. Cuối cùng Chính phủ quyết định giao cho Tòa án xét xử theo đúng pháp luật, phải làm đàng hoàng đầy đủ thủ tục, có luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt.
Mấy tháng sau, Toà án quân khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm Chánh án, ông Bùi Lâm làm Công cáo uỷ viên, một Hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một Hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc - Thẩm phán do Giám đốc Tư pháp khu III phái sang. Hai luật sư cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.
Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thuỵ rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đối với Nguyễn Vĩnh Thuỵ về tội phản quốc.
- Thưa cụ, tư liệu về phiên tòa xét xử ông Vĩnh Thụy ngày nay liệu có còn không ạ?
- Có lẽ vẫn còn trong các Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Trung ương Đảng. Xử xong anh em có báo cáo lên Chính phủ và Bộ Tư pháp. Tôi chỉ biết đến thế thôi. Nội dung lời biện hộ của ông Nguyễn Mạnh Tường rất tiếc là tôi không được trực tiếp nghe và cũng không được đọc bản án.
Chuyện xảy ra đã lâu, tôi chỉ còn cảm tưởng: Nói chung là ông Nguyễn Mạnh Tường đã làm đúng nhiệm vụ của người luật sư. Pháp luật của mình lúc ấy, cũng chưa được hoàn chỉnh. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên toà chứ không được  thi hành cái án đã tuyên trước đó. Tòa án cũng đồng ý. Vụ án ông Vĩnh Thuỵ được xét xử thận trọng, nghiêm minh, được dư luận dân chúng, nhất là anh em trí thức hoan nghênh, ủng hộ.
***
Câu chuyện tạm thời bị gián đoạn vì căn bệnh giãn phế nang kinh niên trong cơ thể cụ. Cụ Vũ Đình Hòe là hậu duệ trực hệ của cụ Nghè làng Tự Tháp, Tiến sĩ Vũ Tông Phan triều Nguyễn, một danh sĩ ưu dân ái quốc, người đã cùng cụ Nguyễn Siêu và các danh sĩ Bắc Hà dựng lên quần thể kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên – Tháp Bút – Cầu Thê Húc – Đền Ngọc Sơn. Vào thành phố Hồ Chí Minh từ mấy năm nay để đảm bảo sức khỏe, cụ tiếp tục hoàn thành công trình nghiên cứu đang dang dở: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Sống ở đô thị phương Nam từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng cụ vẫn không nguôi nhớ về Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi cụ đã sinh ra và thừa kế lớp sĩ phu yêu nước.
Từ phòng tiếp khách trên tầng hai này nhìn ra ban công, khóm trúc trước cổng ngọn nhọn thẳng như Tháp Bút vươn cao như muốn làm dịu đi sự trần trụi của những khối bê tông cao tầng kiên cố xung quanh. Bên cạnh khóm trúc là cây lộc vừng chỉ thiếu một hồ nước để từng chùm hoa soi bóng lên mặt gương lung linh. Những chậu cảnh dọc hành lang, đĩa chuối đã đến đoạn “trứng cuốc” làm tôi nhớ nao lòng Hà Nội đã vào thu, cốm làng Vòng lúc này đã được các bà, các cô tung tẩy bán khắp phố phường quanh co dọc Bờ Hồ.
Cũng chính tại ven Hồ Gươm năm trước, mùa thu 2008 cụ Vũ Đình Hòe ra Hà Nội, ông con trưởng của cụ - nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi đẩy xe đưa cụ thăm lại “lối xưa”. Đến trước gần đền Ngọc Sơn, cụ chỉ sang cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm đối diện phía bên kia con phố, kể chuyện cho “thầy Khôi” và các cán bộ Văn hóa Thủ đô Hà Nội đi bên cạnh cùng nghe:
Đây là nơi ông nội anh (chỉ nhà giáo Vũ Thế Khôi) tiếp Cụ Hồ, vốn là đàn giảng kinh của cụ Lương Văn Can, cụ Nguyễn Thượng Hiền tham gia lập đấy. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập là Cụ Hồ đi thăm lại nhà cụ Lương Văn Can, rồi thăm bản điện Ngọc Sơn”.
Cụ Xuân Tăng – Vũ Bội Hoàn, thân sinh ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe, là chủ bản điện đền Ngọc Sơn đã mười năm, từ năm 1936, thấy Cụ Hồ đến, cụ mừng quá chạy ra đón. Hồ Chủ tịch thân mật: “Thưa, cụ năm nay thọ bao nhiêu tuổi?”. Thưa cụ Chủ tịch, tôi tuổi Mậu Dần (1878). Thế là cụ hơn tôi hẳn một giáp. Xin rước cụ ngồi trước - Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp từ. Mặt nước Hồ Gươm xanh trong như thấu tận đáy. Ánh nắng lấp lóa làm tỏa rạng thêm khuôn mặt các cố lão ba mươi sáu phố phường. “Các cụ cao niên mà còn giảng thiện cho con cháu là quý lắm. Tôi xin được góp thêm một ý kiến: Xin các cụ giảng thêm cho điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ”.
Có lẽ nên gắn biển di tích lịch sử Cụ Hồ từng đến nơi đây -Tiếng cụ Vũ Đình Hòe hòa trong gió thu.
Như con tằm rút ruột nhả tơ, đi trọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến nay tuổi đời đã ngót một thế kỷ, cụ Vũ Đình Hòe vẫn không nguôi nhớ bạn đồng nghiệp trong ngành giáo dục và luật học. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, cụ Nguyễn Mạnh Tường dạy trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An) thì cụ Vũ Đình Hòe dạy trường tư thục Gia Long và tư thục Thăng Long. Khi cụ Vũ Đình Hòe tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Đại học Đông Dương cũng là giai đoạn cụ Nguyễn Mạnh Tường mở Văn phòng Luật sư tại 77 Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo – Hà Nội). Tháng 10 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và luật sư Nguyễn Mạnh Tường lại cùng đứng chung bục giảng tại Ban Văn khoa trường Đại học Đông Dương.
*          *          *
Cuối cùng cụ Vũ Đình Hòe hỏi tôi:
- Không biết bà Tường cao tuổi lắm rồi đấy nhỉ. Bà có được khỏe không?
- Thưa, cụ bà Nguyễn Mạnh Tường hai năm về trước bị ngã gãy chân và hoại tử chân. Bà Nguyễn Dung Nghi và ông con trưởng Nguyễn Tường Hưng, hai anh em cùng nhau chăm sóc, nay cụ bà đã khỏi nhưng chỉ đi lại được trong nhà thôi ạ.
- Ớ! Thế bây giờ bà ấy ở đâu?
– Dạ thưa, cụ bà vẫn ở 34 Tăng Bạt Hổ – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội.
 – Tăng Bạt Hổ, vẫn cái nhà có vườn? Đấy là nhà của gia đình. Bà ấy là con cụ Tống Nguyên Lễ, tên bà là Tống Lệ Dung, cùng ở trong tổ Phụ nữ nội trợ trí thức của Trung ương Hội Phụ nữ. Bà xã nhà tôi lại là Tổ trưởng tổ ấy thành ra cũng đi lại khá thân. Nhưng mà có một dạo ít đi lại thăm nhau, bây giờ tôi nghĩ lại cũng cứ ân hận.
Vừa lúc đó, bà Vũ Bảo Tuyên bước đến sau lưng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, đã được bà “đặc cách” cho hầu chuyện cụ tới 30 phút. Tôi vội đứng dậy xin phép cụ ra về…
Người xưa đã dạy: “Dược vô cam thảo, quốc vô lão thần”. Một dân tộc không thể thiếu lão thần, đặc biệt các bậc khai quốc công huân, bề thế văn hóa, tư duy độc lập, giàu kinh nghiệm và nhiệt tâm. Cụ Vũ Đình Hòe là gương sáng đã truyền lại đuốc tuệ cho thế hệ hậu sinh. Ở tuổi gần thế kỷ cụ vẫn ưu tư về vận nước. Được chạm vào bàn tay cụ, với tôi, đó là vinh dự đến gần tán cây đại thụ đồ sộ. Tôi cầu mong hai cụ Vũ Đình Hòe bách niên giai lão, song toàn đại thọ…   
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23/8/2009
 
Kỳ 2: GS.NGND.AHLĐ TRẦN VĂN GIÀU GS.TS LUẬT SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
 
GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu và GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vốn là đồng nghiệp trong giáo giới cách mạng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Cụ thể, vào năm 1952 khi trường Dự bị Đại học được mở tại Liên khu IV, GS Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thiệu Hóa – tỉnh Thanh Hóa (GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An), còn GS Nguyễn Mạnh Tường tham gia giảng dạy Văn học phương Tây.
Nhìn lại đội ngũ các bậc “sư biểu” của nền giáo dục cách mạng Việt Nam ban đầu, nay chỉ còn duy nhất GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu đã ở tuổi 99. Cụ bà Nguyễn Mạnh Tường, nhũ danh Tống Lệ Dung kể cho tôi nghe: “Nhà tôi với bác Trần Văn Giàu cũng là chỗ quen thân đấy. Hồi dạy Đại học, bác Trần Văn Giàu dạy về Lịch sử, dạy về Triết học. Bác ấy đọc nhiều sách, lại giỏi ăn nói, nói chuyện rất là mạch lạc”. Dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có mong muốn được gặp cụ Trần Văn Giàu xin ghi một vài kỷ niệm về GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân dịp lễ bách tuế - 100 năm (16/9/1909 – 16/9/2009). GS Trần Văn Giàu đồng ý. Cụ dặn người nhà nói thêm qua điện thoại là chỉ gặp tôi được ít phút thôi.
Đúng 17h30, chiều 23/8/2009, tôi chạm cửa tư gia GS Trần Văn Giàu tại đường Lý Thường Kiệt – phường 15 – quận 11– thành phố Hồ Chí Minh. Người cháu của cụ ra mở cửa và dẫn tôi lên lầu.
GS Trần Văn Giàu đang nằm nghỉ. Được diện kiến cụ, nhân vật lịch sử tôi ngưỡng mộ từ lâu. Người Nam Bộ vốn có thói quen gọi tên thân mật theo thứ tự, cụ Trần Văn Giàu được gọi bằng cái tên thân thuộc: anh Sáu, bác Sáu. Có nhiều bác Sáu nổi tiếng, nhưng chỉ một người danh tiếng đã gần như trở thành huyền thoại của “Thành đồng Tổ quốc” mà mọi người vẫn gọi thật rõ danh tánh là cụ Sáu Giàu. Tôi đỡ cụ dậy và tranh thủ vào chuyện ngay: “Hồi dạy Dự bị Đại học tại Thanh Hóa và dạy Đại học Sư phạm Văn khoa tại Hà Nội, cụ có hay gặp GS Nguyễn Mạnh Tường không ạ?”.
Cụ Sáu Giàu gật đầu, cười. Đoạn cụ lên tiếng: “Tôi nói khó lắm”.
Tôi kiên nhẫn chờ đợi để mong cụ có thể kể thêm một điều gì đó. Một khoảng lặng bao trùm. Tôi nhìn quanh phòng, bàn thờ cụ bà Trần Văn Giàu hư ảo trong ánh chiều tà. Vậy là cụ bà hưởng phúc nhẹ bước rời cõi trần ở tuổi 95 đã được bốn năm, theo quan niệm của người xưa “bà đi trước ông”. Hai cụ cùng sinh năm 1911, là năm diễn ra Cách mạng Tân Hợi – Trung Hoa, cũng là khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng để sang nước Pháp tìm phương cứu nước sau những con đường các bậc Văn thân, Sĩ phu yêu nước từ thời Cần vương, Đông du, Duy tân đã đi mà chưa biết khi nào tới được bến đậu.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Trước khi đi, gia đình muốn buộc chân “con tuấn mã” bằng cách chọn cô Đỗ Thị Đạo là ái nữ của gia đình điền chủ Đỗ Tường Ninh giàu nhất nhì đất Lục tỉnh Nam Kỳ, về làm vợ. Chàng hiền tế hứa với nhạc phụ đi học chuyến này nhất định sẽ lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa rồi mới chịu về nước.
Một năm sau, từ thành phố Toulouse sinh viên Trần Văn Giàu lên Paris tham dự cuộc biểu tình trước Phủ Tổng thống đòi xóa an tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cảnh sát liền tống giam anh vào nhà tù Loa Roquillis và sau đó Chính phủ Pháp trục xuất về nước.
Thất hứa, chàng rể không biết ăn nói ra sao với gia đình bên vợ. Ngày bố vợ gặp con rể trước song sắt nhà tù, cụ Đỗ Tường Ninh ôm chầm lấy Trần Văn Giàu nghẹn ngào nước mắt: “Anh về như thế này quả không hổ danh là rể gia đình Đỗ Tường”. Người dân Lục tỉnh ngày ấy, không ai xa lạ những bậc nam nhi quân tử dòng họ Đỗ Tường đã lần lượt ngã xuống vì giữ gìn từng tấc đất của giang sơn xã tắc không để rơi vào tay “bọn bạch quỷ”. Cố Đỗ Tường Kiên có 3 người con trai ở trong nghĩa quân Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cả ba người đều bị thực dân Pháp bắt. Con trai cả Đỗ Tường Phong bị án chém. Con trai thứ hai Đỗ Tường Định bị bắt đem về bản quán xử bắn. Con trai thứ ba là Đỗ Tường Soạn, giặc cắt gót chân để mất khả năng hoạt động. Cụ Đỗ Tường soạn là thân sinh điền chủ Đỗ Tường Ninh mà cụ bà Trần Văn Giàu – Đỗ Thị Đạo gọi bằng ông nội.
Suy nghĩ của tôi bị cắt đứt khi cụ Sáu Giàu kêu người cháu rót rượu. Là hàng cháu chắt, được cụ đồng ý tiếp đã là diễm phúc, tôi nhớ lời dạy đến với người trên phải cung kính, khi ngồi cũng cần chú ý không được ngồi ngang hàng, phải kéo ghế lùi lại phía sau; nay cụ lại cho hầu rượu, tôi không dám, mà xin phép dùng nước trà, lấy lý do còn phải lái xe về. Người cháu của cụ phụ thêm: “Cậu này học Đại học Sư phạm ra, nên mẫu mực như thầy giáo, cậu không uống rượu”. Cụ tỏ vẻ không vui. Bác nháy tôi: “Cậu uống chút rượu cho ông vui lòng”. Vậy là rượu nho tím được rót ra. Cụ Sáu Giàu nâng ly kêu tôi chạm. Cụ nói: “Tôi yếu lắm rồi. Chắc không ra Hà Nội được”. Dứt lời, cụ tiếp tục nâng ly, kêu tôi: “Uống đi”. Xong cụ đặt ngay xuống làm bác muốn chụp cảnh cụ uống rượu mà không kịp…
Giấc mộng của Trần Văn Giàu lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa để trở thành ông Nghè kép – Bidocteur – chỉ hơn một năm sau đã trở thành hiện thực bởi Nguyễn Mạnh Tường, chàng sinh viên là hậu duệ của lớp Sĩ phu Bắc Hà. Kỷ lục cổ lai hãn hữu ấy trong học đường nước Pháp đến nay chắc rằng chưa có người thứ hai lập lại. Tôi lại tiếp tục dòng suy nghĩ miên man khi thấy cụ dõi đôi mắt đi tận phương trời nào đó, xa xăm lắm, hình như ở Liên khu IV, trường Dự bị Đại học khi cụ ở một mình một túp lều dựng giữa đồng? Hay những ngày trở về Hà Nội khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ thành lập trường Đại học Sư phạm Văn khoa, khai giảng tại cơ sở cũ vốn là trường Đại học Đông Dương (đường Lê Thánh Tông – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) do GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc, GS Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy, GS Nguyễn Mạnh Tường làm Phó giám đốc? Rồi thời gian trong một hành trình gặp giông tố, bão táp của biển đời sau đó…
x
Cụ Sáu Giàu trao tay cho tôi cuốn sách “Vĩ đại một con người” (tác giả Trần Văn Giàu) tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008, với những dòng chữ run run mà vẫn còn ấm tình nặng nghĩa:
Thân tặng gia đình Nguyễn Mạnh Tường – Giàu”.
 
Nâng ly lần thứ ba, lão giáo sư uống một hơi dài cạn ly rồi mỉm cười. Tôi đưa máy ảnh và chớp được ngay: Nụ cười ở tuổi cận bách niên!...
15 phút gặp gỡ đã trôi qua thật là nhanh, tôi xin phép cụ đứng lên ra về. Nắm tay tôi, cụ Sáu Giàu dặn dò:
- “Lúc về Hà Nội nhớ cho tôi thăm gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường”.
Kẻ hầu chuyện là tôi xin mượn bút ghi lại khoảnh khắc gặp gỡ với với con người nghĩa khí kẻ sĩ Gia Định: GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu. Chỉ vài giờ sau đó, cũng chính tại ngôi biệt thự ẩn trong hẻm này, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh sẽ tới trao tặng cụ Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Tôi viết những dòng cuối cùng này tại con lộ nối dài từ Chợ Lớn tới Sài Gòn đúng vào ngày 25 tháng Tám năm 1945 cách nay 64 năm, khi đó dòng người như nước đổ về giành chính quyền tại Sài Gòn – Gia Định dưới sự chỉ huy của Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng Lâm thời Trần Văn Giàu cùng các nhà lãnh đạo như Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch… Tôi rời thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trong niềm hân hoan đã thỏa nguyện đến không ngờ. Ly rượu mà GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu cho tôi có vinh dự được hầu đó là dành cho gia đình người đồng nghiệp năm xưa và phải chăng cụ mong muốn thay lời chúc cho Lễ kỷ niệm bách tuế GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được thành công tốt đẹp! Thật không ngờ, người đồng hành không quen biết ngồi ghế bên cạnh trên chuyến đi cùng với tôi ra Thủ đô mang ra một tờ tạp chí có in hình cụ Sáu Giàu ngồi cùng người bạn đồng niên, đồng nghiệp, đồng Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Kính mong hai cụ mạnh khỏe, song toàn đại thọ trăm năm, song hành cùng con cháu trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…
 
TP. Hồ Chí Minh, ngày 25/8/2009
 
 
Kỳ 3: KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ GIÁO SƯ - TIẾN SĨ - LUẬT SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
 
Nhà cách mạng lão thành Phí Văn Bái, năm nay 96 tuổi, từng tham gia viết báo cùng nhà báo Trần Huy Liệu thời kỳ Mặt trận Bình Dân (1936), bí mật nuôi giấu đồng chí Hoàng Văn Thụ (1938 – 1940), kết nạp Đại tướng Lê Trọng Tấn vào Việt Minh (1944) và đưa nhạc sĩ Văn Cao bí mật đi kẻ nhạc Tiến quân ca (nay là Quốc ca) tại làng Bát Tràng trước ngày Tổng khởi nghĩa, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, bằng Gia đình có công với nước, hiện đang trú tại số nhà 50, ngõ 354 đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội kể.
***
Tháng 6 năm 1949 Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III được thành lập. Đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Đảng đoàn. Tôi (Phí Văn Bái) lúc đó mang bí danh Phan Kỳ Đức là Trưởng ban Tuyên huấn Liên khu ủy Liên khu III và đồng chí Nguyễn Văn Năng – Giám đốc Sở Lao động Liên khu III làm Uỷ viên Đảng đoàn. Vừa được thành lập nên Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III cần mở rộng tuyên truyền ảnh hưởng trong quần chúng trí thức, đặc biệt là trí thức tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Trong năm 1948 tôi làm công tác báo chí tại báo Nam Định kháng chiến và cũng đã từng tham gia tuyên truyền vận động, giới thiệu hai nhà báo – nhà thơ nổi tiếng cả nước, nay đều trên 90 tuổi là Chu Hà (Lã Xuân Choát) và Bùi Hạnh Cẩn, để kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lần này tôi được Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động luật sư Nguyễn Mạnh Tường khi đó đang tản cư tại tỉnh Thái Bình vào Đảng Xã hội. Nghe phổ biến xong nhiệm vụ tôi lo lắng vô cùng. 
Cái tên Nguyễn Mạnh Tường “Ông Nghè” Tây học với hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa năm 23 tuổi, một kỷ lục cổ lai hãn hữu, lịch sử giáo dục nước Pháp chưa từng có. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 với chính sách cầu hiền của Hồ Chủ tịch, ông đã được chính Người giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án cho phái đoàn Chính phủ về quan hệ ngoại giao Việt - Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt và sau đó được cử làm thành viên chính thức của phái đoàn tại Hội nghị lịch sử này. Ai từng đọc cuốn hồi kí “Một vài kí vãng về hội nghị Đà Lạt” của Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) đều ấn tượng trước những phát biểu lập luận về vấn đề Nam Bộ của Nguyễn Mạnh Tường: “Nam Bộ là một phần gắn chặt vào đất đai quốc gia chúng tôi… Đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của chúng tôi” (Le Nam Bộ fairt partie intégrante de notre sol national…il est la chair de notre chair, le sang de notre sang).
Trong khi tôi chỉ mới đỗ tốt nghiệp Tiểu học Pháp Việt (Certificat d'études Primaires)… Nhiệm vụ vận động Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội Việt Nam thật quá khó khăn đối với tôi.
Tôi thổ lộ những băn khoăn của mình với Bí thư Đảng đoàn. Đồng chí Đặng Châu Tuệ liền kéo tôi sang phòng bên cạnh giới thiệu với anh Bùi Lâm – công tố viên Toàn án Nhân dân Liên khu III đồng thời phụ trách lãnh đạo nghành kiểm sát và toà án lúc đó.
Anh em vẫn gọi Bùi Lâm là vị Bao Công đứng đầu toà án quân sự đặc biệt trấn áp và trừng trị bọn phản cách mạng. Anh là người nghiêm khắc, chính trực trong công việc nhưng sống rất chan hoà, tình cảm, hồn nhiên và dí dỏm hay bông đùa. Đứng trước anh Bùi Lâm và được sự khích lệ của anh sau khi trò chuyện thân tình, tôi mạnh dạn:
“Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyên truyền luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội. Việc này khó quá. Anh có bảo bối gì giúp tôi với”.
Ông “Bao Công” nở nụ cười hóm hỉnh: “Chú có biết anh em trí thức hiện nay đang “đói” không? Tôi chưa kịp hiểu ra đã thấy anh Bùi Lâm mở ngăn kéo lấy ra mấy số báo L’Humanite (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp trao vào tay tôi. Sau đó anh lại nheo mắt đặt lên một cuốn sách khác: Loin de Moscow (Xa Mạc Tư Khoa).
- “Chú đến gặp ông Nguyễn Mạnh Tường, cứ đưa bài này… Nhưng chú có quen ai ở Thái Bình không”?
- “Thưa anh, Chủ tịch tỉnh Thái Bình cậu Giang Đức Tuệ là bạn trước cùng làm báo Tin Mới với tôi ạ”. Phí Văn Bái trả lời.
- “Được – anh Bùi Lâm gật đầu, dặn dò kỹ lưỡng – Chú nhớ bảo Chủ tịch tỉnh xuống cùng, nhớ nhé”.
Khi đến Thái Bình, anh Giang Đức Tuệ - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh cùng Chủ tịch Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Thái Ninh là anh Vũ Nhượng[1] và tôi đến phố huyện Thái Ninh nơi luật sư Nguyễn Mạnh Tường và gia đình đang tản cư. Trước đó, anh Giang Đức Tuệ đã gửi giấy báo xuống xin hẹn gặp trước nên ba người chúng tôi vừa tới nơi đã thấy “ông Nghè” đứng đợi sẵn ở cổng để đón khách vào nhà.
Anh Giang Đức Tuệ tự giới thiệu về chúng tôi. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường với nụ cười thân thiết khẽ nở trên môi đáp lại. Lúc này tôi thầm cảm ơn sự chu đáo của anh Bùi Lâm: Muốn tuyên truyền vận động những nhà trí thức vào Đảng, trước hết phải tôn trọng trí thức. Nên anh Bùi Lâm yêu cầu đích danh Chủ tịch tỉnh đến cùng chứ không phải chỉ đánh một cái giấy thông báo hay cử một anh lính văn phòng đi theo.
Anh Giang Đức Tuệ giới thiệu luật sư Nguyễn Mạnh Tường là người có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hệ thống tư pháp của tỉnh Thái Bình nói riêng, rộng ra Liên khu III và lớn hơn cả là hệ thống tư pháp toàn quốc trong những ngày đầu chính quyền mới được thành lập. Nghe xong, tôi đứng dậy tự giới thiệu về bản thân và nhiệm vụ của mình. Hai anh em bắt tay nhau, vẻ mặt “ông Nghè” vẫn hết sức tự nhiên, bình thản. Tôi liền rút ra mấy tờ báo L’Humanite ngập ngừng: “Thưa anh…”
Chưa kịp để cho tôi nói hết câu, đôi mắt luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lên: -“Mấy năm tản cư kháng chiến, đây đúng là cái tôi cần mà tìm mãi vẫn không có được”.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tranh thủ xem lướt qua các tờ báo với những bài viết của các chính khách nước Pháp ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, phản đối chiến tranh xâm lược của những tên thực dân hiếu chiến. Đợi cho ông Nguyễn Mạnh Tường gấp lại tờ báo cuối cùng, tôi đặt tiếp lên cuốn Loin de Moscow (Xa Mạc Tư Khoa).
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hồ hởi ôm lấy tôi trong đôi tay càng siết chặt của mình: - “Anh về báo cáo lại với các anh ở trên rằng, Nguyễn Mạnh Tường tôi sẽ xin làm con ong để hút tinh hoa trong những sách báo này, sau đó tuyên truyền về cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Chúng ta không đơn độc mà còn có những người bạn quốc tế luôn kề vai sát cánh ủng hộ…”.
Tôi đưa tấm danh thiếp của Bí thư Đặng Châu Tuệ và không quên dặn lại: - “Anh cầm tấm thẻ này, đến Phủ Lý (thuộc tỉnh Hà Nam, lúc đó đang tiêu thổ kháng chiến) gặp mấy trạm công an gác, họ sẽ cho anh vào và đưa anh đến nơi. Xin anh nhớ cho là vào đúng ngày… giờ… này”.
- “Nhờ anh báo cáo lại với các anh cấp trên – ông Nguyễn Mạnh Tường trả lời – tôi sẽ lên sớm 1- 2 ngày”.
Vậy là không phải mất một lời tuyên truyền, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hăng hái nhiệt tình tham gia vào kháng chiến. Ông xuống với quần chúng nhân dân. Ông đi khắp miền Bắc miền Trung làm nhiệm vụ bào chữa theo sự phân công của cấp trên, đồng thời còn tham gia giảng dạy ở trường Dự bị Đại học. Ông được cử tham gia các Hội nghị Quốc tế để bảo vệ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có giới trí thức Pháp nhằm sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Sau này tôi vẫn thường gặp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường mỗi lần sinh hoạt chi bộ Đảng Xã hội tại TAND thành phố Hà Nội khi đó tôi làm Hội thẩm nhân dân có năm kiêm Bí thư chi bộ.
60 năm đã trôi qua kể từ cuộc gặp đầu tiên để tuyên truyền, vận động Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội tại Thái Bình. Tôi nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc về một người trí thức yêu nước đã đi theo cách mạng và cùng tham gia sinh hoạt Đảng Xã hội cho đến ngày Đảng Xã hội hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình và tuyên bố tự giải tán…     
Kiều Mai Sơn (ghi).
Hà Nội ngày 8/8/200
Phụ lục
 

 

BAN CHẤP HÀNH
ĐẢNG BỘ
LIÊN KHU 3
SỐ 97 QN/TC/LK
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM THỨ V
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
 

 

 
Chiểu nhu cầu công tác vận động tư bản, địa chủ, trí thức
BAN THƯỜNG VỤ LIÊN KHU UỶ 3
QUYẾT NGHỊ
1: Thành lập Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III gồm có 3 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Phan Kỳ Đức, Nguyễn Văn Năng.
2: Chỉ định đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Đảng đoàn.
3: Đồng chí Mười – TVUV phụ trách Dân vận; Tuệ, Đức, Năng chịu trách nhiệm thi hành quyết nghị này.
 

 

 
Nơi nhận
Ban Thường vụ LKU
Dân vận
Đ/c Tuệ, Năng, Đức
Lưu
 
Liên khu III ngày 29 tháng 6 năm 1949
BAN THƯỜNG VỤ LIÊN KHU UỶ III
Lê Thanh Nghị
 

 

 
 
 

 

BAN CHẤP HÀNH
Đảng bộ Liên khu 3
Số 46 NS – GT – LKU3
 
VI ỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM THỨ V
Độc - lập Tự - do Hạnh - phúc
 

 

 
GIẤY GIỚI THIỆU
Ban Thường Vụ Liên khu uỷ III chứng nhận và giới thiệu với các Tỉnh, Thành uỷ đồng chí Phan Kỳ Đức là Đảng đoàn Xã hội Liên khu 3 được uỷ đi liên lạc với các Tỉnh, Thành uỷ về công tác Đảng Xã hội.
Yêu cầu các đồng chí giúp đỡ đồng chí này trong mọi trường hợp cần thiết để tiến hành công tác của đoàn thể.
Chú ý: Giấy này có giá trị đến hết năm 1949.
 

 

 
Đặc điểm và chữ ký                 
đồng chí cầm giấy        
Phan Kỳ Đức  
Liên khu III ngày 22 tháng 6 năm 1949
Ban Thường vụ Liên khu uỷ III
Đỗ Mười
 
 

 

Kỳ 4: THẦY TÔI – GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG –
BAO KỶ NIỆM ĐẸP MỘT THỜI
 
Có một học sinh từ ban Tú tài, rời thành phố Huế bị Pháp tạm chiếm năm 1949 để ra vùng kháng chiến, đi dạy học trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu – Lâm Mộng Quang ở Thừa Thiên, rồi được đi học trường Dự bị Đại học mở tại Liên khu IV. Hơn nửa thế kỷ sau, cậu học trò đó đã trở thành một nhà lý luận phê bình, nhà giáo có tên tuổi: GS.NGND Trần Thanh Đạm – nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh. Theo lời hẹn, tôi đến gặp ông tại nhà riêng (khu tập thể trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh). Với một giọng xứ Huế nhẹ nhàng, nụ cười hiền hậu, ông dành thời gian trả lời cho tôi một số câu hỏi về GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy (16/9/1909 – 16/9/2009).
 
PV: Thưa GS Trần Thanh Đạm, được biết ông là một trong những sinh viên trường Dự bị Đại học khóa đầu tiên, xin ông kể lại một số kỷ niệm về GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
TTĐ: Ấn tượng và kỷ niệm của tôi về thầy Nguyễn Mạnh Tường rất là tốt đẹp. Vì rằng bối cảnh lúc bấy giờ rất là tốt đẹp. Tôi phải nói đôi chút cái bối cảnh này cho anh biết.
Trường Dự bị Đại học giám đốc là thầy Đặng Thai Mai, phó giám đốc là thầy Trần Văn Giàu, hồi bấy giờ mở 2 cơ sở. Cơ sở Nghệ An đóng ở huyện Thanh Chương, do giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách, có các giáo sư nổi tiếng là Nguyễn Thúc Hào dạy Toán, Cao Xuân Huy dạy Triết... Cơ sở Thanh Hóa đóng ở huyện Thiệu Hóa, do giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách, có các thầy Nguyễn Mạnh Tường dạy Văn học phương Tây, thầy Trương Tửu dạy Văn học Việt Nam, thầy Nguyễn Đức Chính dạy Địa lý, sau có thầy Đào Duy Anh dạy Lịch sử, thầy Nguyễn Lương Ngọc dạy Văn... Bên tự nhiên có các thầy Phó Đức Tố là Cử nhân Khoa học, thầy Hồ Đắc Liên kỹ sư địa chất dạy Vật lý. Một thầy nữa rất quan trọng là thầy Đặng Xuân Thiều, dạy chính trị. Thầy Nguyễn Lương Ngọc vừa làm Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV vừa đi dạy học, thầy Hải Triều làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, thầy Nguyễn Danh Hoàn lúc bấy giờ là Khu ủy viên Liên khu III, cũng đều có đến dạy chính trị, về đường lối cách mạng và kháng chiến.
Trường Dự bị Đại học từ 1952 – 1954, hai khóa, có thể nói như một bông hoa, như một hạt giống rất là đẹp của giáo dục kháng chiến. Phải nói rằng đó là công ơn của Bác Hồ, sáng kiến của Bác Hồ. Bác Hồ giao cho thầy Đặng Thai Mai, thầy Trần Văn Giàu tổ chức ra lớp học này.
Do trong bối cảnh như thế thì thầy dạy, trò học, nói chung với tinh thần kháng chiến, tinh thần yêu nước rất hăng hái. Hồi bấy giờ học trò được học Dự bị Đại học với những thầy như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Đào Duy Anh… là các vị học giả nổi tiếng nên anh chị em rất phấn khởi. Tuy là học Dự bị Đại học thôi nhưng mà cũng ngang Đại học. Hồi bấy giờ điều kiện học tập cũng khó khăn, thiếu thốn và chính các thầy cũng thiếu thốn. Sách vở không có bao nhiêu, cho nên các thầy dạy là rút ruột ra chứ có tài liệu gì mấy đâu. Có được chút tài liệu nào đều được khai thác triệt để.
PV: Thời điểm sau Cách mạng tháng Tám 1945 rồi kháng chiến, ông có thể cho biết các nhà giáo dạy văn học theo những nội dung gì và theo hình thức như thế nào không ạ?
TTĐ:Phải dạy theo chủ nghĩa Mác – Lênin, phải dạy theo Lý luận mới, quan điểm mới. Mà hồi bấy giờ nhiều cái rất mà mới mẻ. Dạy theo sách vở cũ, đem những Việt Nam văn học sử yếu của cụ Dương Quản Hàm vào thì học trò không chịu học (cười). Tại vì học trò cho đấy là sản phẩm của thời thực dân phong kiến. Cho nên các thầy phải nghĩ ra nội dung và hình thức mới để dạy học. Bây giờ tôi nghĩ lại thì các ông thầy hồi bấy giờ đứng trước các vấn đề nan giải chứ không phải dễ đâu (cười). Tuy nhiên các thầy cố gắng giải quyết được. Hồi bấy giờ nói chung là trò cũng như thầy, trong văn học rất quan tâm đến vấn đề lập trường. Thầy mà dạy sai lập trường, trò phản đối ngay lập tức, cho nên các thầy cũng lo.
Đấy nói chuyện thời học văn học như thế, cả thầy cả trò cùng mò mẫm tìm tòi cái mới. Nếu các em bây giờ học Văn học Việt Nam được rộng rãi thì thời ấy cả thầy, cả trò đều đi tìm một cách nhìn mới đối với Văn học Việt Nam, muốn từ bỏ những cái cũ. Ngày nay mình cũng thương các thầy trong buổi đầu tìm đường, nhận đường gặp phải khó khăn như vậy. Càng thương thì càng phục.
PV: Từ khi nào thì ông chính thức được học với GS Nguyễn Mạnh Tường ạ?
TTĐ: Đến cuối năm 1952 thì chủ trương của Bộ Giáo dục là thống nhất hai cơ sở trường Dự bị Đại học ở Nghệ An và Thanh Hóa làm một. Sinh viên Nghệ An phải hành quân ra phía Bắc nhập với Thanh Hóa ở Cầu Kè, bên cạnh sông Chu, thuộc huyện Thiệu Hóa. Đầu năm 1953 tôi mới được học với thầy Nguyễn Mạnh Tường...
Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa – Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: “Tôi thật là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải quái thai không?”. Học trò ngơ ngác. Thầy bảo: “Ai như tôi, 22 tuổi mà đậu một lúc 2 bằng Tiến sĩ, như thế không phải quái thai là gì”. Thầy tự hào và cứ nói thẳng ra như thế. Học trò thì bảo: “Thầy kiêu ngạo một cách hồn nhiên, thật thà - Notre Professeur est orgueilleux d’une manière innocente, sincère”. (cười).
Dạy Văn học phương Tây, thầy Tường ở một cái thế khó là đậu rất cao, biết rất nhiều, học rất giỏi nhưng dạy thì toàn những học trò nhà quê, Văn học phương Tây vừa xa lạ vừa cao siêu lắm. Mà đầu óc thầy Tường rất uyên bác những văn học Hy Lạp – La Mã, sành sỏi cả chữ La tinh, chữ Hy Lạp, còn văn học Pháp thì thầy là chuyên gia rồi.
Không phải ngẫu nhiên 22 tuổi ông đậu 2 bằng Tiến sĩ đâu.Thầy Nguyễn Mạnh Tường hồi bấy giờ là người viết văn Pháp rất hay. Có người đọc Luận án của thầy Tường phải thốt lên: Luận án của Nguyễn Mạnh Tường là một công trình văn chương tươi đẹp. Thầy viết văn Pháp hay hơn người Pháp (cười).
Khi dạy Văn học phương Tây thầy nói tiếng Việt không được thạo lắm nhưng mà thầy rất cố gắng. Có nhiều cái thầy dạy rất có ích với tôi sau này. Ví dụ thầy có nói một chút về văn học Hy Lạp – La Mã cổ, xa xôi lắm nhưng đại khái tôi cũng được biết đó là cái gì… Thầy Tường dạy, tuy rằng thầy nói những điều học trò không thấu được hết vì đầu óc của ông bác học lắm. Nhưng mà cái Phác đồ Văn học phương Tây ông gợi ra, nhất là phác đồ đầu tiên từ văn học Hy Lạp – La Mã mà sang Văn học Trung đại, đến thời kỳ Phục Hưng châu Âu rồi thời kỳ Cổ điển… Về sau này người ta không dạy nữa vì nhiều quá không dạy nổi.
Hồi bấy giờ học trò cũng ghê gớm lắm. Tuy là học như thế nhưng thầy và trò đua. Thầy trò cùng đi khám phá cả chứ…
PV: Và ấn tượng của ông về con người và cuộc đời của GS Nguyễn Mạnh Tường?
TTĐ: Nói chung là ấn tượng và kỷ niệm của tôi về thầy Nguyễn Mạnh Tường trong kháng chiến và về sau rất là tốt đẹp. Đầu tiên phải nói thầy Nguyễn Mạnh Tường là người có tấm lòng rất yêu nước. Thứ hai, ông là người đạo đức cá nhân rất trong sạch, giản dị, cần kiệm. Cái khó khăn chính vì thầy được đào tạo trong trường Pháp quá kỹ lưỡng, hoàn cảnh nước ta thời chiến tranh chưa phát huy hết được các khả năng và cống hiến của thầy.
Còn về sau này, từ 1954, khi thầy Tường về Hà Nội thì tôi không được học thầy nữa. Khi chúng tôi học Sư phạm Cao cấp, thầy Tường có dạy các bài giảng về Giáo dục học. Thật sự lúc bấy giờ cũng không có nhiều tài liệu lắm cho nên thầy tổng hợp những tài liệu của Pháp để dạy. Thầy dạy cũng có nhiều tư tưởng hay về giáo dục. Sau này có một thời kỳ thầy Nguyễn Mạnh Tường làm ở Nhà xuất bản Giáo dục, hoặc ở Viện Khoa học Giáo dục, có nhiều lần tôi tiếp xúc với thầy, thầy trò gặp nhau, đi sơ tán với nhau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thầy Nguyễn Mạnh Tường là người chịu thương chịu khó, rất giản dị, cần kiệm trong sinh hoạt, sống rất gương mẫu.
Cho đến ngày nay, nhớ đến giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, tôi thường nghĩ: chỉ riêng sự có mặt của thầy trong hàng ngũ các nhà trí thức đi kháng chiến cùng với Bác Hồ đã là một sự cổ vũ đối với tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy. Vì đó là một minh chứng cho tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của chúng ta, sự nghiệp của toàn thể nhân dân, của tất cả mọi người yêu nước. Trong những năm về sau, tôi nhận thấy những người như giáo sư Nguyễn Văn Huyên – Bộ trưởng Bộ Giáo dục, giáo sư Nguyễn Lương Ngọc – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục đều rất kính trọng, mến mộ giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Theo gương các vị thầy đó, tôi rất kính mộ thầy Nguyễn Mạnh Tường. Giá thầy còn đến ngày nay…
PV: Có một sự kiện lúc bấy giờ là đang dạy nửa chừng thì Trung ương Đảng điều GS Nguyễn Mạnh Tường làm thành viên của đoàn Việt Nam đi tham gia Hội nghị Hòa bình châu Á, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sau đó Hội nghị Hòa bình thế giới ở Viên (Áo). Ông có được biết điều gì về chuyến đi này hay không?
TTĐ: Thầy Nguyễn Mạnh Tường đi chuyến đó như được tháo cũi sổ lồng. Khi về thì thầy rất là phấn khởi, thỏa mãn. Học trò bảo: Thầy trước kia là người hai bằng Tiến sĩ – Bidocteur, còn bây giờ thầy là đại biểu đi dự hai Hội nghị Hòa bình – En participation à deux Conférences de Paix.
Thầy về có quà cho chúng tôi, là mấy bài văn bằng tiếng Pháp. Một bài thầy được mời phát biểu tại Đài Phát thanh Leningrad viết bằng tiếng Pháp, và một bài thì tờ tạp chí Dân chủ mới (La Démocratie Nouvelle)ở Pháp đăng lên. Lúc bấy giờ học trò mới thật phục thầy. Thầy giảng bằng tiếng Việt có thể còn đôi chút vướng mắc, đến khi thầy đọc hai bài văn của thầy trong chuyến đi đó, học trò tán tụng: Văn thầy hay quá! Văn thầy vang như chuông! (cười).
Vừa rồi trong một cuộc Hội nghị về Pháp ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh, được mời phát biểu ý kiến, tôi đọc một bài phát biểu bằng tiếng Pháp, có đoạn:
“Tôi đi kháng chiến mang theo hành trang ít ỏi về một ít từ vựng và một ít quy tắc ngữ pháp tiếng Pháp thôi. Nhưng khi đi học trong trường kháng chiến tôi được tiếp xúc với những thầy giáo vốn là những nhà trí thức kỳ cựu am hiểu về văn hóa Pháp... Ban ngày máy bay của Pháp làm chủ bầu trời, ném bom làng mạc, đồng ruộng, trâu bò của chúng tôi. Nhưng ban đêm chúng tôi cúi đầu xuống trên những chiếc đèn tự tạo để thông cảm với các văn hào và các nhà văn hóa Pháp từ Villon (nhà văn thời Trung đại), rồi Ronsard (thời Phục hưng) cho đến các nhà văn về sau này”.
Tôi đọc xong bài diễn văn ấy, ông Tùy viên Văn hóa Pháp lên bắt tay tôi, cứ tấm tắc khen: Bài của anh đặc sắc nhất. Thực ra đó là ý của thầy Nguyễn Mạnh Tường, trong bài văn thầy viết tại chuyến đi sang châu Âu, đăng trong Dân chủ mới, tôi nghe thầy đọc từ thời học Dự bị Đại học, tôi vẫn nhớ. Ý đó như thế này:
Ban ngày thì máy bay của quân viễn chinh Pháp bay lượn, làm chủ bầu trời Việt Nam và ném bom xuống các làng xóm Việt Nam. Nhưng ban đêm thì chúng tôi, thầy và trò, thắp đèn lên để tiếp xúc với các danh nhân nước Pháp, với Montaigne, với Hugo, với Corneille, với Racine… Đấy, cuộc kháng chiến của chúng tôi là như vậy”.
Hồi bấy giờ tôi khoái cái ý đó. Ý đó của thầy Tường rất là sáng tạo. Ông xuất thần viết trong bài văn như thế. Bài văn này không biết chỗ anh Nguyễn Tường Hưng có giữ được không? Những bài văn thầy Tường viết có thể nói ít người biết để đánh giá được tại vì thầy viết bằng tiếng Pháp. Càng về sau này những người biết tiếng Pháp càng ít đi. Các tác phẩm của thầy nếu mất đi thì thật là đáng tiếc.
PV: Xin cảm ơn GS.NGND Trần Thanh Đạm về cuộc trò chuyện hôm nay.
 

[1]: Vũ Nhượng (1909 – 1951) tham gia cách mạng từ năm 1927, bị tù Sơn La năm 1931, căng Bá Vân năm 1940. Khởi nghĩa giành chính quyền, ông làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Thái Ninh (Đông Quan cũ). Ông hy sinh ngày 17/2/1951 tại Nam Định.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522430

Hôm nay

2287

Hôm qua

2290

Tuần này

21204

Tháng này

220369

Tháng qua

121009

Tất cả

114522430