Thuỷ tín Hoan nam biên ải tráng
Bất tri khống địa kỷ trùng quan…"
Ấy là hai câu mở đầu bài thơ “Phú Nghĩa sơn hành vũ trung, tác” của Hiệp trấn Bùi Huy Bích (BHB).
Thuỷ tín Hoan nam biên ải tráng
Bất tri khống địa kỷ trùng quan…"
Ấy là hai câu mở đầu bài thơ “Phú Nghĩa sơn hành vũ trung, tác” của Hiệp trấn Bùi Huy Bích (BHB).
Trong Nghệ An thi tập (NATT), bản chữ Hán chép tay tại Thư viện Nghệ An, dưới đầu để bài này, có chú : Kỳ Hoa huyện. Trong khi gần đây có bài viết, chú rằng, Phú Nghĩa sơn trong bài thơ vừa nêu là ở huyện Quỳnh Lưu. E rằng sách cũ chép nhầm địa chỉ, để khỏi nghi ngờ, phải dựa vào người am hiểu thung thổ vùng này, tìm hiểu.
Khi được hỏi, Kỳ Hoa - miền biên ải Hoan nam, có nơi nào mang địa danh Phú Nghĩa Sơn mà BHB đi qua đó trong mưa, có thơ ?, cụ Thái Kim Đỉnh, bậc kỳ lão của Văn nghệ dân gian Xứ Nghệ, vui vẻ trả lời ngay: Có ! Có !
Như đụng mạch tư duy, cụ chậm rải đọc rành rọt từng từ:
“Giằng đầu ( ?), nhất ( ?), khẩu ( ? ) chữ điền ( ? )
Thảo ( 艸 ), vương ( ? ) chữ ngã ( ? ) là miền quê em .
Đó là câu hát ví rất đỗi tự hào của một miền đất văn hiến, với lối chơi ghép chữ của các cụ Đồ Nho ngày trước, hơi cầu kỳ nhưng có dụng ý gây hứng thú cho người nghe lần theo mặt chữ, từ đó suy ra: 4 chữ ở vế đầu, câu 6, là chữ Phú (? ); 3 chữ ở đầu câu 8, vế thứ hai, là chữ Nghĩa ( ?), Phú Nghĩa, ( ? ? ) Cụ còn cho biết Phú Nghĩa sơn nay thuộc xã Kỳ Hoa).
Với NATT, thơ BHB thường có chú thời điểm sáng tác, năm tuổi của ông cùng bối cảnh xuất xứ của thơ. Bằng cái nhìn tinh tế và ngòi bút sắc sảo vốn có, thơ ông, nhất là những bài thơ vịnh danh lam thắng cảnh, loại thơ địa chí, đã trở thành chỗ dựa cho các danh sĩ lớp sau khai thác, bổ sung như Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) với Nghệ An ký (NAK); Phan Huy Chú (1782-1840) với Hoàng Việt Địa dư chí (HVĐDC); Dương Thúc Hạp (1835-1920) với An Tĩnh Sơn thủy vịnh (ATSTV) … Còn có thể kể tới bà Huyện Thanh Quan, nếu không phải là sự khai thác, thì đây là sự gặp nhau giữa hai thi nhân ở hai thế hệ về một mối cảm khái trước một cảnh sắc, khi BHB trong “Phú Nghĩa Sơn hành vũ trung, tác” có “ … U điểu sầu viên (vượn sầu chim hận …) thì “Qua Đèo Ngang” của Bà có “… con cuốc cuốc đau lòng, cái da da mỏi miệng”, đậm nét.
Trong NAK, bài “Phú Nghĩa Sơn hành vũ trung” của BHB được đưa vào mục từ “Hoành Sơn”, tiết Núi, chương Địa chí, với lời dẫn: “Hoành Sơn “tức Đèo Ngang) ở xã Hoằng Lễ, Kỳ Hoa, (nay thuộc xã Kỳ Nam, Kỳ Anh) là dãy núi trấn giữ biên cương thuở trước, trên đất Kỳ Hoa. Một nhánh từ phía Tây vượt tới biển chặn ngang, cây cối um tùm xanh tốt. Xưa, đây là nơi xung yếu ngăn cách hai miền Giao Châu và Chiêm Thành. Thành dài, lũy ngắn hiểm trở, vững chắc đủ để cầm giữ. Ông Bùi Chấp chính (BHB), người Thanh Trì, đi qua núi Phú Nghĩa trong mưa có thơ:
"Thủy tín Hoan nam biên ái tráng
Bất tri không ách, kỷ trùng quan
Liên không thương mãng hồn lâm tụ
Bạt địa tha nga tận thạch sơn
U điểu sầu viên thùy phục quản
Độc khê nguy đặng chỉ như nhàn
Vũ trung cảnh tượng nan miêu xứ
Noãn kiêu đê ngang vân vũ gian"
Trong NATT: 1, khống ách nguyên văn là khống địa; 2, thùy phục quản nguyên là nan phục quản; 3, nan miêu xứ nguyên thùy miêu xứ. Bản dịch sau đây dựa vào bản NATT.
Mới tin miền biên ải phía nam Hoan Châu hùng tráng vững chắc.
Nơi chắn giữ này (khống địa) có biết bao lớp cửa dày đặc
Rừng cây xanh rậm tận chân trời
Đá núi cao vút nâng thế đất
Chim hận vượn sầu khó quản.
Nước khe độc dốc nguy hiểm, chỉ thoáng rầy (như nhàn)
Cảnh tượng nơi đây ngày mưa (vũ thiên) ai đến vẽ
(Ngồi trong) kiệu ấm lên (đèo) xuống (dốc) giữa mây mưa
Dịch thơ:
Mới tin biên ải Hoan Nam vững
Chẳng biết bao nhiêu lớp cửa dày
Xanh rậm chân trời, rừng bịt kín
Vút cao thế đất, đá ken đầy
Vượn sầu chim hận không hề quản
Khe độc dốc nguy chỉ thoáng rầy
Cảnh tượng ngày mưa ai đến vẽ
Nhấp nhô kiệu ấm giữa mưa mây
(BVC dịch)
BHB lên đường nhậm chức Đốc đồng Nghệ An vào sáng mồng một tháng bảy năm Đinh Dậu (1777) như chú dẫn của bài thơ: “Giang trình hiểu phát …” mở đầu NATT, tác giả đã ghi. Ta biết, đất nước ta thời ấy đang trong tình trạng Trịnh – Nguyễn phân tranh, kéo dài đã gần 150 năm. Theo quan chế thời Lê – Trịnh, Đốc trấn (viên quan đầu tỉnh) hầu hết là quan võ đầy quyền uy như Đoan quận công Bùi Thế Đạt, người xã Tiên Lý, Đông Thành, giữ chức Đốc trấn Nghệ An từ 1763-1777. Đối với những địa hạt trọng yếu và lớn như Nghệ An (bao gồm cả phủ Trấn Ninh và châu Bố Chính, còn có các văn thần, đạo cao đức trọng, được triều đình phái về, Đốc đồng. Người kế nhiệm BHB, vào ba năm sau đó, là Hoàng giáp Phạm Thạch Động. Vốn là chỗ thân tình với nhau từ trước, hai ông thường có thơ chúc mừng động viên nhau lo tròn phận sự.
Mùa xuân năm Tân Sửu, năm 38 tuổi, BHB về thăm Vĩnh Doanh: “Xuân trục Lam Giang triều thủy đáo/ Nhật tùng Hội Thống hải môn sinh …” (Mùa xuân theo dòng sông Lam đến/ Ban ngày ra cửa biển Hội Thống vui chơi …). Ông còn vào tận núi Cao Vọng, Trấn thành, sát cửa biển Kỳ La: “Cao Vọng sơn đầu cao xứ vọng/ Chỉ nghi thiên cận thử sơn đầu …” (Đỉnh đầu Cao Vọng lên cao ngóng/ Cứ ngỡ trời va đỉnh núi này…) và tới thăm Lạc Xuyên sơn, trại thuần dưỡng voi công mà thời phiên liêu ông đã từng thảo công văn truyền lệnh khởi công xây dựng trại.
Nặng lòng với trầm tích lịch sử và cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, ông để lại trong NATT một chùm thơ/ riêng của vùng này: 1, Phó Trấn thành (16); 2, Trấn Thành trung thu dạ (17); 3, Trấn thành thu vũ (19); 4, Thu tình Trấn thành dạ trung, tác (22); 5, Ngoạn Việt Sơn tuyền (18); Hiểu quá Lạc Xuyên sơn tức sự (40); 7, Trùng chước Việt Sơn tuyền (41(; 8, Phú Nghĩa Sơn hành vũ trung, tác (42); 9, Quá Liên Sơn tự (43); 10, Cao Vọng Sơn (137); 11, Mộc Miên khê (142); 12, Vọng Bàn Độ Sơn (143); 13, Vọng Thiên Cầm sơn … (Những con số trong ngoặc đơn (18), (40) … (142, (143) là số thứ tự, do chúng tôi tạm đánh, vào mỗi đề mục trong số 143 bài (có bài gồm 2,3 ... 8 liên khúc) của tập I, NATT, tập thuộc tác giả BHB).
Như đã nói trên, thơ Bùi Huy Bích trong NATT phần lớn đã được Bùi Dương Lịch, Phan Huy Chú, Dương Thúc Hạp chọn đưa vào tác phẩm của mình khi cùng miêu tả về một danh thắng. Tuy nhiên, so với NATT của PHB thì ở các bản khác có chỗ không giống nhau. Lại thêm những bản dịch càng về sau, tuy lời văn có sáng sủa hơn nhưng lại không sát lắm, thậm chí có chỗ nhầm lẫn nên đã ảnh hưởng ít nhiều tới tác phẩm.
Tỷ như: “Hoan nam” được coi là Hoan Diễn; thơ nói về Phú Nghĩa Sơn ở huyện Kỳ Hoa lại chú rằng thuộc huyện Quỳnh Lưu …. Có sự sai nhầm đáng tiếc đó, có lẽ, chỉ vì sự thiếu tư liệu khảo cứu.
Nay nhân được đọc tác phẩm từ nguyên văn và tham chiếu với tư liệu liên quan từ các bản khác bằng chữ Hán, chúng tôi xin thuật lại một số bài Bùi Tiên công viết về miền biên ải Hoan nam , nơi ông đã từng trấn ải, có trong Nghệ An thi tập.
*“Ngày 14 tháng 7 tới Vĩnh Doanh tức Yên Trường, Chân Phúc, Trấn đài bàn, Hóa Châu có cảnh báo, cần tới nơi thị sát vạch kế hoạch phòng ngự. Tháng 8 nhận lệnh đến Trấn thành lập đối sách ứng phó. Trấn thành ở xã Hà Trung, huyện Kỳ Hoa.”
Đoạn văn trên là chú dẫn của bài “Phó Trấn thành” (16): “Nhã văn Hoan khổn hiệu danh khu/ Thành thị phong lưu tự đế đô … / Cước thụ sơn sơn liên hán bích/ Mộ thiên nùng đạm khởi vân phu". Bài đã được cụ Đỗ Ngọc Toại dịch "Đất Hoan nổi tiếng từ bao/ Phong lưu thành thị khác nào đế đô…/ Núi non cao ngất từng không /Trời xanh mây nhạt, mây hồng bao che" và anh Nguyễn Trung Hiền giới thiệu trong “Danh sĩ Thăng Long Bùi Huy Bích với NATT” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 156 ra ngày 10/9/2009. Tuy nhiên, ngoại trừ lỗi chính tả trong khi in, thì “dị bản”: “Thương thiên” trong câu 8 nói trên, đã làm giảm ý vị của thơ rất nhiều. Theo nguyên âm là “Mộ thiên nùng đạm …”
Hai câu kết sẽ là : "Núi non cao ngất từng không
Trời chiều đậm nhạt bềnh bồng mây che"
(BVC tạm dịch)
+ “Đêm mưa, không trăng, trong quán vắng, một đèn một bóng, hai canh rưỡi (đêm đã khuya) nhấp ngụm nước chè. Lại nghe người hầu dâng một mâm con hoa quả , hải vật”.
Đó là bối cảnh bài “Trấn Thành Trung thu dạ” (17):
Phiên âm: Tịch mịch sơn thành vũ vị lan
Nguyệt hoa ưng thị chiếu Trường An
Bại lô nhiễu kính thu thanh ẩn
Bình sở liên không dạ khí hàn
Vụ ám trùng quan thời trích lậu
Đăng minh cô quán dộc bằng lan
Số bôi đạm mính thù giai tiết
Trân trọng tướng quân nhất quả bàn
Dịch nghĩa: Đêm Trung thu ở Trấn thành
Vắng vẻ Sơn thành mưa chưa tan
Hoa trăng đang dọi chốn Tràng An (Đô Thành, quê tác giả)
Hoa lau tàn vây quanh ẩn tiếng thu
Bụi gai phẳng liền trời đêm gió lạnh
Sương mù dăng dày cửa ải nhỏ giọt lách tách
Ngọn đèn chong quán vắng ngồi dựa lan can
Vài chén trà nhạt đón mừng tết Trung thu
Trân trọng dâng tướng quân một mâm hoa qủa
Dịch thơ:
Vắng vẻ Sơn thành mưa chưa tan
Hoa trăng đang dọi chốn Trường An
Lau tàn rạp đất hơi thu lặng
Bụi rậm liền trời đêm gió lan
ải trĩu sương dày treo ngọn cỏ
Đèn chong quán vắng tựa lan can
Chén trà nhạt đón Trung Thu đến
Trân trọng mâm quà dâng tướng quân
(BVC tạm dịch)
+”Ngoạn Việt Sơn truyền” (18)
Chú dẫn: Bên phải Trấn Thành một dải gò đồi bằng phẳng, thung lũng rộng liền với Đèo Ngang, vách dá cheo leo; cỏ cây rậm rạp. Từ trong hang dá chảy vọt ra một con suối nước trong mát lạnh, dòng nước có phẩm giá đệ nhất Hoan Châu. Dân địa phương đục gỗ làm máng dẫn về, nước xối như mưa không bao giờ cạn; nước chảy lan ra đồng ngô lúa tốt tươi. Tục gọi là Việt Tỉnh: giếng Vọt. Tương truyền ngày xưa có quan Đốc trấn cấm dân không được dùng, suối bỗng nhiên bị tắc không thông. Sau theo lời tiên, giết trâu tế thần, suối lại chảy như cũ.
Ta nhân lúc rảnh rỗi lên chơi, ngắm cảnh, tắm táp, hóng mát, lấy nước nấu chè. Vậy có thơ.
Phiên âm:
Nhất đái bình cương thúy điệu liên
Xuyên lâm lạc thạch tiện sàn viên
ốc tào cấp lựu hà vô vũ
Nham khiếu phi thoan cái hữu tiên
Cấp ngạnh đông tây phân viễn kính
Thi nang tằng phủ bạn phương tuyền
Thanh trà số oản lương âm hạ
Tương phủ Hoành Sơn bích tiếu thiên
Chữ “phủ” trong câu 8 bài này ở NAK là chữ “đối”
Dịch nghĩa: Ngắm cảnh suối Việt Sơn
Một dải gò bằng rừng cây xanh thẳm
Xuyên rừng luồn đá suối nước ngon tuôn trào
Máng nước luôn đầy, dù trời không mưa
Hang đá lại phun, nhờ tiên thánh chỉ bảo
Đó đây nhờ gàu tát đưa nước lên lối nhỏ
Bầu bạn cùng túi thơ có suối thơm đây
Vài chén chè xanh nghỉ ngơi hóng mát
Ngắm Đèo Ngang xanh xanh thấm tận trời
Dịch thơ : Bản 1. Theo NAK, Nguyễn Thị Thảo dịch, Nxb KHXH, Hà Nội: 2004, tr 201
Một gò cây cối xanh xanh
Hang đá rải rác xuyên rừng xuyên khe
Không mưa máng nước chảy ra,
Bay từ hang đá như là dáng tiên
Xa xa gàu tát nước lên
Túi thơ làm bạn với miền suối thơm
Tựa cây uống bát chè ngon
Núi Hoành trước mặt, biếc tuôn đầy trời
(Mai Xuân Hải dịch)
Bản 2:
Một dải non xanh bằng phẳng thắm
Xuyên rừng luồn đá suối phun nhanh
Không mưa máng dẫn nguồn tươi mát
Có thánh dòng tuôn nước ngọt lành
Gàu tát đó đây về lối nhỏ
Túi thơ bầu bạn với dòng thanh
Chè xanh vài chén nơi dâm mát
Ngắm cảnh trời xanh, Đèo Ngang xanh
(BVC tạm dịch)
Về Nghệ An, ông quan vào hàng đầu tỉnh (chỉ sau Đốc Trấn – Tổng đốc) có quyền, có học, có tâm, trong một thời gian ngắn khoảng 3 năm, dành lúc rỗi việc Bùi Huy Bích đã đi, đã viết. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn lớp trước; Bùi Dương Lịch, Nguyễn Thiếp … lớp sau, tên tuổi họ đã gắn với tên núi, tên sông xứ Nghệ. Là một văn nhân kiêm võ nghiệp, tới Trấn Thành Kỳ Hoa, ông không khỏi chạnh lòng về mội ngôi chùa cổ bị triệt hạ, thay vào đó là một “thú lâu” (tức Đồn biên ải). Khi ông tới, là lúc, cả hai đều đã cũ nát. Đó là tâm trạng của tác giả bài: “Quá Liên Sơn tự” (43) – Kỳ Hoa huyện
"Truyền văn cựu hữu Liên Sơn tự
Nhận đắc đài bi cổ thú trung
Bại ốc bán gian dư vận đạc
Tằng loan thiên điệp chỉ phương tùng
Lụy môn thế thạch trùng trùng đặng
Khê thủy băng nhai dực dực phong
Tưởng kiến vân quan vô sự cửu
Thú lâu triệt tận, tự hoàn không"
Qua chùa Liên Sơn (liền núi) huyện Kỳ Hoa
Nghe truyền rằng (ở đây) xưa có chùa Liên Sơn
(Nay còn) nhận rõ được tấm bia rêu phủ trong “đồn thú” cổ
Nhà nát nửa gian còn dư âm tiếng mõ
Núi cao nghìn tầng chỉ toàn là rừng thơm
Cửa lụy xếp thềm tầng tầng đá dựng
Nước khe xói bờ lớp lớp gió lay
Cứ nghĩ chốn quan ải trên mây không có chuyện cũ
“Lầu canh” triệt hết, chùa cũng không còn.
Dịch thơ:
Truyền rằng xưa có Liên Sơn tự
Còn đó bia rêu giữa điếm hoang
Ngìn lớp non cao rừng mãi thắm
Nửa gian nhà nát, mõ còn vang
Xếp thềm cửa lụy tầng tầng dựng
xói vách dòng khe lớp lớp loang
Quan ải trong mây đâu chuyện cũ
Lầu canh triệt tận, góc chùa hoang.
Vị tướng cầm bút "Trấn thủ Sơn Thành" nơi "Từ thuở Hùng Vương chơi núi nghe tiếng sáo trời nhân thể có tên". Một cái tên kiêu hãnh: "Đàn Trời" - Thiên Cầm ( chữ Cầm bộ Ngọc) ? ? Xót thay! Cũng là Thiên Cầm, nhưng có nghĩa là"Trời bắt"(chữ Cầm bộ thủ)?? để chỉ việc Hồ Vương bị quân Minh nơi đây, vào năm 1407. Ai coi là "Tặc tử"! Ai cho là "Hoàng thiên giết kẻ phụ tâm"; Ai nói là "muôn năm loài người nguyền rủa" thì ta (BHB) vẫn:
... "Thiên ức Hồ Vương thính ngọc cầm" (Riêng nhớ Hồ Vương thưởng ngọc cầm). Đó là tức sự của BHB trong bài:
Kỳ Hoa đạo trung vọng Thiên Cầm sơn
Hải Thượng đê mê thảo thụ âm
Quý Ly hà xứ hốt hành cầm
Khả liên tặc tử mưu thiên quốc
Bất ngộ Hoàng thiên sát phụ tâm
Khẩu thực vạn niên nhân thỏa mạ
Sơn quang nhất phiến khách trầm ngâm
Kỳ La đông vọng phù lam xứ
Thiên ức Hồ Vương thính ngọc cầm.
Dịch nghĩa:
Giữa đường Kỳ Hoa trông núi Thiên Cầm tức sự
Trên bờ biển mịt mùng cỏ cây rậm rạp
Quý Ly bỗng bị bắt ở nơi nào đây
Đáng thương tặc tử mưu dời nước
Không biết Hoàng thiên giết kẻ phụ tâm
Bia miệng muôn năm người đời chửi rủa
Trước quang cảnh núi khac lòng khách trầm ngâm
Kỳ La hơi núi từ phương đông tới
Riêng (Ta) nhớ Hồ Vương nghe tiếng ngọc cầm.
Dịch thơ:
Bờ biển mịt mùng cây với cỏ
Nơi đâu Hồ Quý bị giam cầm
Đáng thương giặc tính mưu dời nước
Chẳng biết trời hành kẻ phụ tâm
Bia miệng muôn năm đời chửi rủa
Trời quang một khoảnh khách trầm ngâm
Phương đông hơi núi Kỳ La nổi
Riêng nhớ Hồ Vương thưởng ngọc cầm.
Nhưng, cũng bài này, trong NAK ai đó đã chép:"Thiên ức Hùng Vương ..." nên đã đảo ngược thiên ý (ý riêng) tác giả.
Ai, chứ không phải BDL bởi, Bùi La Sơn đã từng viết: "Đại Huệ sơn hựu Thăng Thiên động, động phúc hựu Hồ Vương Đại Tuệ tự". Hơn nữa, theo văn cảnh, đã "... ức Hùng Vương" sao còn phải "thiên ức" (riêng nhớ). Thiết nghĩ đã đến lúc, xứ Nghệ cần phải có công trình dịch thuật và khảo cứu thơ BHB.
216
2359
21391
217890
121356
114511017