Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Hoàng Như Mai - rực rỡ nhân cách

Nghe nói có đoàn làm phim từ thành phố Hồ Chí Minh ra để hoàn thành bộ phim về GS Hoàng Như Mai, anh em khoa Văn Tổng hợp Hà Nội xưa kéo nhau lên văn phòng khoa chờ đợi. Nhưng rồi đoàn nhỡ hẹn. Cũng là dịp ngồi với nhau tri ân các thầy, nhắc lại chuyện cũ.

Thế hệ các giáo sư đã đào tạo nên chúng tôi thật là đa dạng, hơn nữa, cũng thật phức tạp. Nhưng họ có một đặc điểm chung là rất khổ cực. Khổ về vật chất thì khỏi nói. Nhưng đặc biệt là khổ tâm. Gánh trên vai mình hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, đến khi đất nước đổi mới thì là lúc các thầy cũng đã về già. Chúng tôi bây giờ đã sung sướng gấp vạn lần các thầy.
Dẫy lán học lợp giấy dầu ọp ẹp. Phía cửa sổ là những giao thông hào chưa kịp lấp. Ở cuối sân chơi kí túc xá Mễ Trì là một góc nhà ăn bị bom đánh sập, hố bom lổng chổng bê tông cốt sắt. Thầy vào lớp, khăn phu la và áo vét. Sang trọng và sang sảng. Mỗi giờ dạy của thầy mang đến hạnh phúc cho những tâm hồn nhà quê ngẩn ngơ, mơ mộng, đói ăn và đói chữ. Ngoài hè, thấp thoáng sinh viên các khoa, các khóa khác há mồm nghe lỏm.
Thầy dạy văn học từ tiền chiến sang kháng chiến. Cũng lạ lắm, trong thời chống Mĩ như thế mà chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy một lời phê phán Thơ mới, ngược lại, bằng giọng đọc của thầy, lửa đam mê trong lòng chúng tôi được thổi bùng về một thời đại đổi mới thơ ca. Những ai đã nghe thầy đọc và bình bài thơ Hai sắc hoa ti gôn thì sẽ suốt đời không quên được. Thầy dạy bằng sự trải nghiệm, lịch lãm, bằng tâm hồn. Ít lí lẽ lắm. Trong bài giảng của thầy, chỉ có văn chương. Rất ít nghị quyết này, đường lối nọ. Sau này chúng tôi cũng được học chuyên đề các giáo sư khác về cùng giai đoạn. Một số cụ chỉ giỏi moi đời tư của các tác giả, nào ông này nghiện, ông này đi cao lâu, ông kia đi ả đào, ông nữa “xê dịch” mất lập trường, nào ông khác thì “dinh tê”, ông khác nữa thì viết đa nghĩa, can tội thích biểu tượng. Giờ học chỉ toàn là câu chuyện làm quà, hạ bệ tiền nhân không thương xót. Nghe cũng thú vị nhưng nghề nghiệp thì không học được chi cả. Cũng có cụ sau này nghĩ lại, quay ra “chiêu tuyết” cho Thơ mới.
Ngay hồi đó, chúng tôi chỉ một thắc mắc là tại sao GS Hoàng Như Mai lại ít viết. Giáo trình của thầy là những trang viết tay hoặc đánh máy đơn sơ. Tôi đem điều đó hỏi anh Trần Ngọc Vương, học trên một lớp, người mạnh bạo trong giao tiếp. Anh nói: “Tôi ra nhà nói chuyện cùng cụ rồi. Hãi lắm ông ơi. Thông kim bác cổ. Phương pháp luận tuyệt vời. Có điều cụ chưa muốn viết mà thôi. Cụ không muốn tham gia vào cuộc nội chiến nào cả”.
 
 
À, té ra khi chúng tôi vào học, dư âm của cuộc đấu tranh tư tưởng 1968 – 1969 ở khoa Văn còn váng vất. Sau này, tôi có hỏi GS Bùi Duy Tân về vụ đó, thầy nói: “Cụ Cẩn, cụ Hượu, cụ Mai như hạc bay trên trời ấy. Các cụ có những mối quan hệ khác, chấp gì lũ trẻ ranh”. Một cuộc đấu tranh mà đích ngắm là Chi bộ Đảng, làm khoa Văn cơ chừng như tan đàn sẻ nghé.
Ngẫm ra thì đúng vậy. Thầy không viết chắc hoặc vì cầu toàn hoặc vì không muốn trái lòng mình. Rồi thầy chuyển vô nam công tác.
Năm 1986, khoa Văn kỉ niệm 30 năm thành lập. Nghèo quá, tôi và GS Nguyễn Lộc được khoa giao mang chiếc quạt bàn Washin của Trung Quốc ra chợ trời bán được gần 2 chỉ vàng, lấy tiền tổ chức. Thầy từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự. Giữa hội trường khu thể thao Tăng Bạt Hổ, thầy sang sảng kể câu chuyện nhớ đời:
-Tôi được các anh giao cho viết cái giáo trình. Hai năm không được chữ nào. Còn hai tháng nữa cũng chả được chữ nào. Đúng hai tuần nữa, lo quá. Có cậu sinh viên cũ ghé chơi, rủ đi ăn thịt chó. Tôi đánh một bụng no căng. Về ngồi vào bàn. Mười ngày. Xong. Tôi nghĩ mãi tại sao lại vậy ​ Sau tôi mới nghiệm ra là, để viết được giáo trình, phải có tí chất... cầy trong người các anh ạ. Thế đấy.
Thầy dùng cái từ nặng hơn chữ “cầy” nhưng tôi xin phép kể vậy cho nhẹ đi một ít.
Năm 1991, từ Phnum Pênh, tôi về Sài Gòn thăm thầy. Thầy hào hứng kể về “năm cỗ xe tăng” nghệ thuật (năm đoàn kịch Thủ đô) ào ạt tiến công vào thành phố, tạo nên một cú sốc văn hóa, thay đổi gout của công chúng vốn quen cho rằng cải lương là nhất. Thầy nói: “Kịch, chỉ có kịch sẽ cải tạo thẩm mĩ, thức tỉnh lương tâm, cải cách xã hội!”. Giọng thầy lại hào sảng như năm nào trên bục giảng, một niềm đam mê như ngày nào chàng thanh niên học Luật khoa, đi diễn kịch, dấn thân theo cách mạng, làm nhà giáo văn chương.
Thầy dạy học lấy tâm truyền tâm, hối thúc sự đam mê của học trò. Vững vàng đi qua mọi biến cố theo kiểu “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến của thầy chính là nhân cách. Thầy dạy ít nhưng chúng tôi học được thật nhiều là ở chỗ đó./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513917

Hôm nay

287

Hôm qua

2303

Tuần này

21854

Tháng này

220790

Tháng qua

121356

Tất cả

114513917