Cuộc sống quanh ta
Xây dựng Đảng về văn hóa
LÂU nay, khi bàn về công tác xây dựng Đảng, chúng ta chỉ khuôn lại trong ba lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là những điều căn cốt. Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và thực tiễn cuộc sống cho thấy “văn hóa hiểu rộng cũng là chính trị. Chính trị hiểu sâu cũng là văn hóa”. Vì vậy, cần phải bàn xây dựng Đảng về văn hóa.
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đảng về văn hóa
Văn hóa có sứ mệnh to lớn, soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Xây dựng văn hóa thực chất là xây dựng con người. Xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ đứng đầu, chủ chốt. Văn hóa trong Đảng càng có sứ mệnh quan trọng. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và lợi ích của nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân.
Tám mươi hai năm lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy mỗi bước trưởng thành và phát triển của Đảng đều có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Đó là văn hóa chính trị mà quan trọng nhất là phát huy mặt tích cực của quyền lực, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là văn hóa tư tưởng mà lõi cốt là kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là văn hóa đạo đức, mà biểu hiện rực rỡ là nhiều chiến sĩ cách mạng đã không dính líu gì với vòng danh lợi, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó là văn hóa lối sống với những lớp đảng viên đời tư trong sạch, nếp sống giản dị, không bị chủ nghĩa cá nhân chi phối. Đó là văn hóa trách nhiệm với nhiều tấm gương luôn xác định bổn phận như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận; nếu có sai lầm, khuyết điểm thì sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, không tranh công đổ lỗi, tìm nguyên nhân và sửa chữa, khắc phục. Đó là văn hóa tự phê bình và phê bình với tình đồng chí thương yêu lẫn nhau...
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ tốt thì Đảng mới vững. Cán bộ tốt phải lấy đạo đức làm gốc. Theo Hồ Chí Minh “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(1).
Đại hội XI chỉ ra những thoái hóa, biến chất trong Đảng. Đó là tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục... Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”(2). Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.
Sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, lãnh đạo, quản lý, đó là sự hư hỏng, tha hóa về văn hóa. Điều này có nghĩa là nền tảng tinh thần của xã hội đang bị xói mòn. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, tích cực, có tinh thần cách mạng, đem lại hiệu quả thật sự thì sinh mệnh của Đảng và sự mất còn của chế độ không thể xem thường.
Sự xuống cấp về văn hóa trong Đảng là mảnh đất tốt để kẻ thù khai thác và thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Cái phản văn hóa, dưới văn hóa là phải phanh phui và loại bỏ nhưng không nguy hiểm bằng cái na ná như văn hóa. Kẻ thù và cái xấu là nguy hiểm nhưng không đáng sợ bằng na ná như cái tốt. Suy thoái về chính trị tư tưởng là phải lên án và loại bỏ nhưng không nguy hiểm bằng cái na ná như sự trung thành. Dưới góc nhìn văn hóa, sự lẫn lộn tốt xấu, đúng sai, trắng đen, vàng thau là hết sức nguy hiểm. Kẻ thù và cái hư hỏng, nếu thật lòng giải quyết, thì có địa chỉ; còn những cái na ná là rất khó tìm ra địa chỉ. Dân gian gọi cái na ná là “các đồng chí chưa bị lộ”. Các thế lực thù địch dù nham hiểm đến đâu cũng không thể xóa bỏ được chế độ ta ngoại trừ chúng ta tự xóa bỏ bằng chính sự tha hóa về văn hóa trong Đảng; không ai có thể bôi nhọ được chúng ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ bằng chính sự suy thoái về văn hóa đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những cái “tự “ này là một trong những biểu hiện của cái “na ná” không thể xem thường.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải hành động. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật là cần nhưng chưa đủ. Phải hành động thật. Bản chất của văn hóa - cái đẹp - là phải thấm vào từng người, từng gia đình, từng tổ chức, từng đơn vị và phải biến thành hành động thật. Giả dối là phi văn hóa. Nói mà không làm là thiếu văn hóa. Nói nhiều làm ít là không có văn hóa. Nói một đằng làm một nẻo là phản văn hóa. Những điều này không thể tồn tại ở một Đảng “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ dạy; không thể có trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao, có chức, có quyền, trong các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Hội nghị Trung ương bốn lần này chỉ ra.
2. Các nhóm giải pháp xây dựng Đảng về văn hóa
Tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn khẳng định nhân dân là những người sáng tạo, có trách nhiệm với sự tồn vong của chế độ và đất nước. Đảng cầm quyền để/cho dân làm chủ. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc. Vì vậy, lần này Trung ương nên có kế hoạch tổ chức, kêu gọi nhân dân phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trước vận mệnh của Đảng và dân tộc tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng. Trung ương cần có quy định tất cả các loại hình báo chí phải có chuyên mục xây dựng Đảng theo tinh thần Hội nghị Trung ương bốn, có sơ kết, đánh giá vào dịp 19-5-2012 và 2-9-2012. Phải làm thường xuyên liên tục từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XI.
Các trung tâm khoa học, các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, trao đổi, tọa đàm đi thẳng vào vấn đề về nguyên nhân và giải pháp. Câu hỏi ở Hội nghị Trung ương: “Vướng mắc chính là ở chỗ nào?” nếu được thẳng thắn trao đổi chắc sẽ có những lời giải đáp thỏa đáng. Còn hiện nay, cách nghĩ của chúng ta vẫn lẫn lộn giữa nguyên nhân và biểu hiện vì vậy không thể tìm ra giải pháp khắc phục.
Nhân dân tham gia xây dựng Đảng không chỉ ở viết bài tâm huyết cho Đảng. Điều quan trọng hơn là sự phát hiện và giám sát của nhân dân. Một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để nhân dân, báo chí, dư luận vào cuộc, nếu không có một cơ chế cụ thể. Nếu vẫn tù mù, “kín cổng cao tường” thì làm sao báo chí có thông tin? Mà ở đâu tù mù, thiếu công khai, minh bạch là ở đó tiêu cực. Hơn nữa, ai bảo vệ những người phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực. Nếu không có một sự rõ ràng, cụ thể đủ khả năng bảo vệ người tích cực thì liệu có bao nhiêu người dân, đảng viên thẳng thắn dám đấu tranh.
Sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, của Trung ương.
Đạo làm gương là một nét đẹp của văn hóa. Văn hóa tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển Đảng. Nhưng rõ ràng nếu chỉ có kêu gọi làm gương, tự phê bình và phê bình thì kết quả không đạt yêu cầu đề ra. Hội nghị Trung ương kêu gọi “sự gương mẫu của Trung ương trong tự phê bình để tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”. Sự kêu gọi này rất đáng trân trọng. Nhưng rõ ràng Trung ương đã chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao. Như vậy, số này đã rơi vào vũng bùn rồi. Mà đã rơi vào rồi thì phải xử lý dứt điểm như Hội nghị Trung ương bốn đã chỉ ra, chứ không còn là tránh rơi nữa. Số còn lại được hiểu là chưa rơi, trong đó có “các đồng chí chưa bị lộ”, nên không phải là chưa rơi, liệu chỉ có tự phê bình và phê bình có làm cho tránh rơi được không? Đó là câu hỏi lớn mà dư luận rất lo ngại và băn khoăn. Nếu không có cơ chế để tìm ra “những đồng chí chưa bị lộ” mà chỉ có tự phê bình và phê bình không thôi thì rất khó để tìm ra địa chỉ.
Lần này không nên trở lại một thói quen cũ là trách nhiệm chịu chung tập thể mà không có địa chỉ cá nhân. Đại hội IX, X và XI, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã tự phê bình trước Đại hội và nhận trách nhiệm trước nhân dân. Chính phủ cũng từng nhận trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân rộng lượng về sự gương mẫu tự phê bình đó. Nhưng nhân dân cần hơn là địa chỉ trách nhiệm cụ thể. Không thể không có địa chỉ cụ thể. Nếu lần này cũng chung chung thì nhân dân mất lòng tin vào Đảng. Lần này vấn đề chịu trách nhiệm và gương mẫu còn phải thể hiện ở các bộ, ban, ngành, địa phương có cán bộ hư hỏng thì cán bộ cấp trên quản lý cán bộ đó cũng phải chịu trách nhiệm và có các hình thức xử lý. Không thể bộ, ban, ngành, địa phương có nhiều vấn đề nhức nhối mà lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương đó vẫn không liên quan, thậm chí cuối năm vẫn nhận các hình thức khen thưởng.
Một trong những điểm mới của Hội nghị Trung ương lần này là nhấn mạnh “sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”. Gương mẫu ở đây không phải chỉ ở tự phê bình và phê bình, nhận trách nhiệm mà cuối cùng phải có kết quả cụ thể. Khi Trung ương nói “có ý nghĩa quyết định” có nghĩa là ở khu vực này làm tốt thì ảnh hưởng, lan tỏa tới cả Đảng; ngược lại, khu vực này làm không có kết quả thì coi như cuộc vận động xây dựng Đảng lần này không thành công.
Cần rút kinh nghiệm từ Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2)
Đọc Nghị quyết Trung ương bốn lần này chúng ta thấy có những nhận định, đánh giá như Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2), tháng 1-1999. Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) nhấn mạnh “tình trạng vi phạm kỷ luật của đảng viên, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tư tưởng chính trị, trong đó có cả biểu hiện cơ hội chính trị; về đạo đức lối sống, về tệ tham nhũng, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, mất đoàn kết, cục bộ địa phương, ý thức tổ chức kỷ luật kém”. Nghị quyết cũng nói đến “những lo lắng về sức chiến đấu của Đảng giảm đi, do đó giảm cả lòng tin trong nhân dân với Đảng”. Rồi Nghị quyết cũng đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra là vì sao Đảng đã có những chủ trương, biện pháp về công tác xây dựng đảng, nhưng những tồn tại, yếu kém trong công tác này không những không giảm đi mà có chiều hướng tăng và nghiêm trọng hơn, do những nguyên nhân gì?”. Đại Hội IX nêu nhiệm vụ “Tiếp tục thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) khóa VIII. Đại hội X kết luận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh”. Đánh giá ở Đại hội XI như đã nêu ở trên, còn nghiêm trọng hơn.
Từ những khái quát trên, vấn đề đặt ra là cần có một sự mổ xẻ thật sự với tinh thần cách mạng và khoa học, ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh đất nước vì những nguyên nhân gì ta chưa làm được từ Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) đến nay? Có một thực tế là sự “rất coi trọng” chủ yếu mới dừng lại ở “nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng” như Hội nghị Trung ương lần này chỉ ra. Ta còn thiếu cái chất làm thật, làm quyết liệt, tìm đúng địa chỉ như Trung ương chỉ ra “kể cả ở cấp cao”.
Một vấn đề khác thuộc về ứng xử văn hóa cũng cần rút kinh nghiệm, đó là cách nhận khuyết điểm và phê bình, tự phê bình. Đây là vấn đề thuộc nhận thức. Đơn giản trong nhận thức sẽ đơn giản trong hành động. Nếu nhận thức khuyết điểm, yếu kém của Trung ương và cán bộ cấp cao, lãnh đạo, quản lý chỉ làm “hạn chế những thành tựu lẽ ra đã có thể đạt được nhiều hơn” như đã ghi trong Đại hội XI, có lẽ chưa đúng tính chất của vấn đề. Phải nhận thức theo tinh thần Hội nghị Trung ương bốn lần này mới có xung lực để thực hiện nghị quyết. Đó là xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tức là nếu Trung ương làm tốt thì quyết định sức mạnh, sinh khí, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, sự tồn tại của chế độ. Nếu Trung ương có khuyết điểm, yếu kém thì sẽ có nguy cơ mất chế độ, mất Đảng. Khi chúng ta nhận thức được như vậy thì sẽ mang lại nhiều niềm tin, hy vọng về kết quả tốt đẹp thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần bốn lần này.
………………………
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.252-253.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173,174,175.
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513919
Hôm nay
289
Hôm qua
2303
Tuần này
21856
Tháng này
220792
Tháng qua
121356
Tất cả
114513919