Thông thường, các nhà văn khi xây dựng hình tượng nhân vật, luôn tìm cách khai thác các “khía cạnh bất bình thường” của con người, trên cơ sở đó có thể lồng ghép một ẩn ý mang tính xã hội. Dù ở thời đại nào, con người vẫn tồn tại với tư cách là “mã chủ” để giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, lịch sử văn học xuất hiện trong các giai đoạn đều tồn tại sẵn hình ảnh con người với tư cách là một thân phận theo đúng nghĩa của nó. Qua con người, nhà văn có thể miêu tả, phản ánh, thể hiện, khám phá những đặc điểm bản chất nhẩt của xã hội. Từ 1975 đến nay, văn học Việt Nam bước đầu bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn dân chủ hoá nền văn học. Trong một xã hội đầy biến động, những cái cũ bị phá vỡ, những tư tưởng mới, quan niệm mới đang hình thành trong lòng xã hội, văn học Việt Nam nói chung, truyện ngắn Việt Nam nói riêng đang vận động không ngừng để bước vào quỹ đạo mới cùng với văn học thế giới. Tồn tại với tư cách là một mảnh ghép nằm trong mối quan hệ với muôn vàn mảnh ghép khác của cuộc sống, con người trong xã hộ Việt Nam hiện đại cũng đang biến chuyển, vận động trong vòng xoáy của thời đại. Chính vì vậy, trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm truyện ngắn của văn học Việt Nam những năm gần đây, con người được xây dựng, phản ánh theo hướng đa diện. Những phương diện mới của con người, đặc biệt là những bi kịch của con người cá nhân vốn bị né tránh trong văn học thời kì trước nay đã được các nhà văn tìm đến khai phá, phơi bày. Và đó chính là một điểm làm nên nét độc đáo của văn xuôi Việt Nam nói chung, truyện ngắn Việt Nam nói riêng từ sau 1975 đến nay.
1.2. Trong số các nhà văn Việt Nam đương đại, cùng với Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, …, Võ Thị Xuân Hà được biết đến như một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam giai đoạn này. Truyện ngắn của nhà văn này thường đi sâu vào khai thác con người cá nhân trong xã hội hiện đại với tất cả những mặt đời thường của nó. Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà được ví như một ngôi nhà gương mà ở đó, con người được nhìn nhận ở mọi góc độ, và cũng ở đó, con người có thể tự nhìn nhận được đủ thứ gương mặt của mình. Trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, đặc biệt là tập truyện Thế giới tối đen, người ta thấy nổi lên hàng loạt những bi kịch cá nhân của con người hiện đại: bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, lí tưởng; bi kịch con người cô đơn, lạc loài; bi kịch con người tha hoá, … Mặc dù vậy, cho đến nay, ngoài một số bài báo giới thiệu chung về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Võ Thị Xuân Hà như bài viết “Mong được là chính mình” của tác giả Thu Hà (báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh); “Ngôi nhà gương của Võ Thị Xuân Hà” của tác giả Hà Phạm Phú (báo Người đẹp Việt Nam), “Võ Thị Xuân Hà - hành trình nhận diện chính mình” của tác giả Ngọc Lan (báo Nông thôn ngày nay),…và công trình luận văn Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà của tác giả Phạm Thị Hải (Đại học Vinh, 2010), truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà nói chung, tập truyện ngắn Thế giới tối đen nói riêng vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Tìm hiểu đề tài Bi kịch con người cá nhân trong tập truyện ngắn Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà, chúng tôi mong muốn tìm hiểu một cách thể hiện, khám phá con người trong văn học Việt Nam những năm gần đây, đồng thời, qua đó cũng thấy được nét độc đáo trong cách thể hiện, khám phá con người, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Đó chính là những lí do cơ bản giúp chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu đề tài này.
2. Bi kịch con người cá nhân trong tập truyện ngắn Thế giới tối đen
2.1. Khái niệm bi kịch và bi kịch con người cá nhân
Theo cách hiểu truyền thống, bi kịch là “một thể của loại hình kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch”. Nó “phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hoà được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn, … diễn ra trong một tình huống căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng” [3, 18].
Trong văn học hiện đại, khái niệm bi kịch còn được hiểu theo một ý nghĩa khác. Nói đến bi kịch trong các tác phẩm văn học hiện đại là nói đến một trạng huống tâm lí, một đặc điểm số phận của con người, của thời đại. Đó chính là trạng huống mâu thuẫn đến cùng cực, là sự đau đớn, mất mát, là cảm giác bất mãn của con người trong cuộc đời đầy biến động và phức tạp. Chẳng hạn như sự mâu thuẫn giữa những yếu tố phát triển của thời đại với những yếu tố kìm hãm sự phát triển của thời đại; mâu thuẫn giữa những phạm trù đối lập bên trong con người, mâu thuẫn giữa con người với thực tại.
Ở đề tài này, khái niệm bi kịch được hiểu theo cách hiểu thứ hai, tức là một trạng huống tâm lí đầy mâu thuẫn của một con người cụ thể, số phận đau đớn, bất hạnh của một con người cụ thể giữa cuộc sống đời thường.
2.2. Những biểu hiện của bi kịch con người cá nhân trong tập truyện ngắn Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà
Thế giới tinh thần của con người là một thế giới phức tạp và nhiều tầng bậc. Cảm xúc và tâm trạng của con người vì thế là những đối tượng rất khó nắm bắt và phân tích rạch ròi. Bi kịch con người cá nhân là tổng hoà, phức hợp của những mâu thuẫn, xung đột, những nỗi đau không thể giải quyết, điều hoà trước tác động của hiện thực. Vì vậy, việc phân tích những biểu hiện của bi kịch con người cá nhân chỉ mang tính chất tương đối. Tìm hiểu tập truyện Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà, chúng tôi thấy nổi lên một số biểu hiện của bi kịch con người cá nhân, đó là: bi kịch con người cô đơn lạc lõng giữa thời đại; bi kịch con người bị ruồng bỏ; bi kịch con người bị tha hoá, bi kịch của con người đổ vỡ lí tưởng, mất đi niềm tin, bi kịch của con người sống trong sự khốn cùng dưới đáy xã hội.
2.2.1. Bi kịch con người cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời
Từ nửa sau thế kỉ XX, sự phát triển rầm rộ của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin truyền thông,… đã làm đảo lộn hoàn toàn bức tranh về thế giới. Thực tại trở nên hỗn loạn, trống rỗng. Cũng chính lúc này, Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh và bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại. Mỗi người Việt cũng bước ra khỏi cuộc sống chung của cả dân tộc, cả cộng đồng trong một thời kì lịch sử kháng chiến lâu dài để trở về với cuộc sống đời thường của mỗi cá nhân, với bản thể của chính mình. Thế nhưng, trước cơn bão của thời đại kinh tế thị trường, con người lâm vào tình trạng "chấn thương hậu hiện đại". Một trong những “chấn thương” ấy là cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời thực tại.
Thực ra bi kịch con người cô đơn, lạc lõng giữa thực tại không phải chỉ xuất hiện trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà. Nó đã xuất hiện trong văn học Việt Nam ở hình tượng Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, hình tượng Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, hình tượng Hoàng trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, hình tượng ông Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, hình tượng cô Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng của Trần Thuỳ Mai,… Tuy nhiên, đến truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, đặc biệt là tập truyện Thế giới tối đen, nhà văn đã tạo cho bi kịch này một màu sắc khác. Để thể hiện bi kịch con người cô đơn trong cuộc đời, Võ Thị Xuân Hà thường đặt nhân vật trong hai kiểu không gian đối lập: không gian rộng lớn, ồn ào, xô bồ, đối lập với con người và kiểu không gian tĩnh tại, chật hẹp, biệt lập tương đồng với hoàn cảnh cô đơn lẻ loi của con người. Hai kiểu không gian đối lập này cùng nhau tô đậm thêm cái cảm giác cô đơn, lạnh lẽo của con người. Ba mẹ con trong truyện ngắn Thế giới tối đen sống giữa một bãi rác bẩn thỉu vắng người qua lại. Nơi ấy, họ sống giữa một bày chó với những con người khốn cùng dưới đáy xã hội, gần như không có mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài. Nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn Bên cạnh căn gác nhỏ lúc nửa đêm sống trong một căn gác nhỏ, giữa một xóm trọ luôn đóng kín cổng, bên những bức tường cũ kĩ “ngăn cách những cái nhìn từ căn nhà này sang căn nhà khác”, ngăn cách “lũ cú vọ bên ngoài”. Nhân vật lão Thoài sống giữa một vùng đồi hoang sơ, một nghĩa địa hoang vắng do chính lão tạo ra… Bước vào không gian của truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, có cảm giác như đang bước vào một thế giới chật hẹp, ngột ngạt, tù túng. Nó ngột ngạt, tù túng như chính cuộc đời của mỗi con người đang sống ở không gian ấy. Thật vậy, giữa bãi rác bẩn thỉu, người phụ nữ trong truyện ngắn Thế giới tối đen có cảm giác như đang bị đày xuống một “địa ngục trần gian”. Sống bên cạnh hai người con gái, những khi phải đối mặt với sự khốn khổ của cuộc sống bên ngoài, chị luôn “dỗ dành hai con, giọng cứng cỏi”. Nhưng khi đêm xuống, nước mắt chị lại “lặng lẽ chảy”. Chị phải đối diện với sự cô đơn của chính bản thân mình. Trớ trêu hơn, nỗi cô đơn ấy ngoài chị ra, chỉ có con chó nhỏ thấu hiều, bởi “dường như nó nhìn thấy những giọt nước mắt” của chị. Cũng như vậy, trong truyện ngắn “Cõi người”, giữa một vùng đồi hiu quạnh, lão Thoài bị vợ bỏ rơi. Và từ đó, lão sống lặng lẽ với “nỗi đau ngấm ngầm trong lòng”, “cõi đời của lão trơ khắc mình lão” [1, 155]. Khi cô bé hát ăn xin tới khu đồi của lão, trở thành vợ của lão, thoạt nhìn, nỗi cô đơn dường như đã mất đi, nhưng ngược lại, nó lại trở nên thấm thía hơn, dai dẳng hơn. Cô bé sống bên lão như một cái bóng, và chỉ sống bên lão để trả cái ơn lão đã cho mẹ cô một nơi nương thân khi trở về với phía bên kia của cuộc đời. Lão Thoài sống cô đơn giữa cõi người mà lão đã tạo ra – cõi người của thế giới bên kia. Khu nghĩa địa tư nhân lão tự tạo đã chôn vùi cuộc đời lão, để lão mãi sống với sự cô đơn, lẻ loi đến cùng cực.
Khác với người phụ nữ trong truyện ngắn Thế giới tối đen và lão Thoài trong Cõi người, nhân xưng tôi trong truyện ngắn Bên cạnh căn gác nhở nửa đêm được sống trong một không gian ồn ào hơn. Nhưng đó không phải là tiếng ồn ào của cuộc sống đầy sinh khí mà là tiếng ồn ào của những cuộc đời đang chết dần trong sự ngột ngạt. Đó là tiếng chửi rủa của một bà nạ dòng ‘miệng quát tất cả những chướng ngại đặt gần lối đi”, của người phụ nữ trung niên “thỉnh thoảng chửi tung toé lên những đống rác đêm qua ai ném trước nhà” [1, 236], tiếng cãi nhau của hai vợ chồng “thằng hàng xóm gầy nhẳng” , miệng luôn tung ra “những từ ngữ mạt hạng nhất mà loài người có thể nghĩ ra”,… Những âm thanh ấy không làm giảm đi sự cô đơn mà dường như nó càng làm cho nỗi cô đơn trở nên thấm thía hơn trong lòng con người. Nhân vật trong Thế giới tối đen vì thế không thể vươn ra cuộc sống bên ngoài. Họ chết dần trong nỗi cô đơn, lặng lẽ giữa sự ngột ngạt, tù túng của cuộc đời. Điều đáng chú ý là các nhân vật trong tập truyện Thế giới tối đen thường rất ít đối thoại với người khác, họ thường chỉ đối thoại với chính bản thân mình. Lời đối thoại trong tập truyện này rất ít, chủ yếu là lời độc thoại và lời trần thuật của người kể truyện. Khảo sát 244 trang tập truyện ngắn này, chúng tôi thấy chỉ có 34 cuộc thoại. Cần lưu ý rằng những cuộc thoại này thường là những cuộc thoại được trần thuật lại theo trí nhớ của nhân vật, nó nằm trong tiềm thức của nhân vật. Có những cuộc thoại thực ra chỉ là sự đối thoại nội tâm của nhân vật, chẳng hạn như cuộc đối thoại giữa trơ lì và tâm hồn nửa vời trong truyện ngắn Thiên thần nhỏ. Có những cuộc đối thoại rất đặc biệt như cuộc đối thoại giữa người phụ nữ và linh hồn của chú chó Money trong Thế giới tối đen, cuộc đối thoại của lão Thoài với người phụ nữ hát ăn xin đã chết trong Cõi người, cuộc đối thoại của người phụ nữ với người chồng vô lương tâm trong Vườn hài nhi,… Dù là có sự đối thoại nhưng ở đây không phải là sự đối thoại thể hiện sự tương tác, mối liên hệ giữa người với người mà là sự đối thoại thể hiện nỗi cô đơn cùng cực của con người. Lão Thoài nói với linh hồn người phụ nữ hát ăn xin nhưng thực ra cũng là nói với chính mình, thú nhận sự cô đơn của cuộc đời mình. Người mẹ trong truyện ngắn Vườn hài nhi nói với chồng nhưng lại cũng là đối thoại với chính mình, thú tội với lòng mình. Người phụ nữ trong Thế giới tối đen nói chuyện với linh hồn của một con chó như một người bạn tri kỉ với nỗi thương nhớ khôn nguôi, đó là cuộc thoại của sự cô đơn, của một con người không thể sẻ chia với bất cứ ai những tâm sự trong lòng. Điều đặc biệt là trong 34 cuộc thoại này, có rất nhiều lời thoại là lời chửi của nhân vật. Con người ở đây không đối thoại với nhau một cách bình thường mà đối thoại bằng lời chửi: lời chửi của người khách, của thằng bị cắt cơm, của thể loại béo ngậy và đàn ông xương xấu trong Con đường vô tận; lời chửi của ba chị em gái nhà hàng xóm trong Thế giới tối đen, lời chửi của những người phụ nữ trong “Bên căn gác nhỏ nửa đêm”; lời chửi của hai cô gái trong Đêm ở hồ Hoả Tước,… Lời chửi này dù là lời đối thoại nhưng nó không có tác dụng tao lập quan hệ giữa con người với con người mà ngược lại chính là chướng ngại vật ngăn cách con người với con người, ngăn cách con người với cuộc sống, làm cho con người cảm thấy cô đơn trước thực tại. Cũng trong 244 trang truyện ngắn này, chúng tôi khảo sát được 73 lời độc thoại nội tâm của nhân vật. Nhân vật trong Thế giới tối đen dường như chỉ đối thoại với chính mình, đối thoại với tâm trạng cô đơn, lạc lõng của chính mình. Có lẽ vì thế mà trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, sự cô đơn của con người hiện lên một cách tự nhiên, có sức ảm ảnh dai dẳng trong suy nghĩ của người đọc.
2.2.2. Bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại
Cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa kinh nghiệm thực chứng với niềm tin tuyệt đối vào chân lí khoa học đã không còn tồn tại. Thay vào đó, người ta nói nhiều đến thuyết tương đối của Einstein, nguyên lí bất định của Heisenberg, lý thuyết đa thế giới của Embfred, lý thuyết hỗn loạn của I. Prigorin,… Mọi chân lí chỉ còn là tương đối, những giá trị đã được định hình giờ đây cũng được con người nhìn nhận lại. Con người nhìn thế giới, nhìn xã hội bằng cái nhìn đầy hoài nghi, thậm chí có phần tiêu cực. Cũng trong thời kì này, chủ nghĩa triết học hiện sinh với tư tưởng lo sợ chiến tranh, không tin vào khoa học, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng đã ảnh hưởng mạnh mẽ, rộng rãi trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là văn học. Ở Việt Nam, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, khi con người trở về với bản thể của chính mình, chủ nghĩa hiện sinh với cái nhìn đầy hoài nghi đã tác động không nhỏ đến văn học Việt Nam giai đoạn này. Mọi giá trị được thẩm định lại, tất cả đều trở nên hỗn loạn: hỗn loạn nhân thế, hỗn loạn chính trị xã hội, hỗn loạn tâm thức. Có lẽ vì thế mà trong giai đoạn này, con người trở nên bất an, mất niềm tin vào thực tại, thậm chí là mất niềm tin ở chính mình. Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học thế giới nói chung, văn học Việt Nam từ sau 1975 nói riêng đã nắm bắt được điều này. Một bi kịch khác của con người hiện đại đã được các nhà văn tái hiện trong các tác phẩm của mình – bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại.
Trong Thế giới tối đen, Võ Thị Xuân Hà không có dụng ý khắc sâu hình tượng con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại giống như các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ. Sự đổ vỡ niềm tin, sự hoài nghi cuộc đời chỉ xuất hiện trong giây lát ở mỗi nhân vật. Thế nhưng, chỉ trong giây lát thôi nó cũng tạo nên một bi kịch đau khổ cho con người.Trước hết, bi kịch ấy là hệ quả từ việc mất niềm tin vào cuộc đời. Lão Thoài trong truyện ngắn Cõi đời bị người vợ bỏ rơi, và sau đó, cô bé hát ăn xin cũng bỏ đi, lão sống cô đơn lạc lõng giữa cuộc đời, giữa cõi người trong cái nghĩa địa tư nhân mà lão tạo ra. Dù trong tác phẩm Võ Thi Xuân Hà không một lần nhắc đến sự hoài nghi trong lão, nhưng cái cách lão phản ứng lại cuộc đời bằng sự đau đớn ngấm ngầm, bằng việc “bán đất cho thiên hạ với giá cắt cổ” [1, 168] là một minh chứng về sự đổ vỡ niềm tin, sự bất cần trong con người lão. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật trong tập truyện Thế giới tối đen thường xuyên độc thoại nội tâm. Đó không chỉ là biểu hiện của sự cô đơn, lạc lõng mà còn là biểu hiện của sự mất niềm tin vào cuộc đời. Họ không thể bộc lộ những nỗi niềm sâu kín nhất của mình với bất cứ ai mà chỉ có thể bộc lộ với chính bản thân mình mà thôi.
Mất niềm tin đối với cuộc đời là một bi kịch đau đớn của con người cá nhân, nhưng đau đớn hơn là bi kịch con người mất niềm tin ở chính mình. Trong truyện ngắn Con đường vô tận, nhân vật người khách, năm xưa vốn là chàng sinh viên nghèo “chỉ có hai cái áo sơ mi một xanh một trắng thay đổi” đã sống một cuộc đời nhạt thếch chỉ vì mất niềm tin vào chính mình, vì không thể tìm được bản thể của người đàn ông trong mình. Chiếc áo lụa tơ tằm màu đỏ đun được cô gái mua cho đeo bám cả cuộc đời anh. Nó không phải là chiếc áo bình thường, nó là biểu tượng của sự bất lực của người đàn ông ấy. Sau cái đêm được ngủ trên “chăn êm nệm ấm, bên cạnh là một người con gái đang sẵn sàng trở thành một người đàn bà” nhưng “chàng lại chật vật” vì “không hiểu tại sao cái của nợ kia tại sao lại đơ ra như vậy?” [1, 36], chiếc áo đỏ đun với dòng chữ FOR MAN kia đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng không nguôi đối với chàng trai. Anh đã mất đi niềm tin vào chính mình. Phải chăng vì thế mà ỏ đâu anh cũng nhìn thấy sự vô nghĩa, và ở đâu anh cũng chỉ làm những việc vô nghĩa. “Miệng cười méo mó một mình với cái gương gỉ trong toa lét,… khách không thấy mình có ý định gì. Lòng nhạt thếch”. Cái nhạt thếch, cái vô nghĩa lí từ trong lòng toả ra bên ngoài, có lẽ vì thế mà “nhìn ngang nhìn dọc cái toa lét, lại thấy phía trên một cánh cửa ngang chẳng ra kiểu cửa gì, làm bằng nhựa xốp” [1, 35]. Mất niềm tin vào chính mình, người khách dường như chỉ sống cuộc đời vô nghĩa lí. Cuối tác phẩm, nhân vật này đã tìm được bản thể của chính mình, qua dòng chữ FOR MAN, thế nhưng cuộc tìm kiếm ấy cuối cùng lại là một bi kịch – bi kịch của một người đồng tính.
2.2.3. Bi kịch con người khốn cùng dưới đáy xã hội
Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI là một xã hội đầy biến động. Cơ chế thị trường, sự hội nhập mang đến cho cuộc sống con người sự tiện nghi, sự văn minh, nhưng đằng sau sự tiện nghi, văn minh ấy vẫn tồn tại nhưng con người đang sống thoi thóp dưới đáy xã hội với một cuộc sống khốn cùng. Trong Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà, bi kịch con người sống cuộc sống khốn cùng dưới đáy xã hội là bi kịch được tái hiện nhiều nhất. Trong tập truyện ngắn này, phần lớn các tác phẩm được tác giả dụng công để khám phá những con người dưới đáy xã hội như những người lao động nghèo, những cô gái điếm, những tên lưu manh, những đứa bé bị bỏ rơi… Trước hết, bi kịch của những con người này là phải sống trong cảnh nghèo hèn, trong sự bủa vây của miếng cơm manh áo. Vì miếng cơm manh áo mà cả một gia đình với hàng loạt những con người mà tác giả đặt tên là thể loại tóc tém, thể loại béo ngậy, đàn ông xương xẩu, thằng bị cắt cơm,… cùng phải sống “chen chúc nhau trong cái khoảnh đất quây chín mét vuông” [1, 28]. Họ phải sống như những kẻ lưu manh nay đây mai đó bằng cái nghề “vui chơi có thưởng” để lừa bịp thiên hạ bởi “làm gì có cái đếch gì mà thưởng” [1, 41]. Thế nhưng như thế đâu có nghĩa là họ đã qua khỏi sự bủa vây của miếng cơm manh áo. Chỉ có một cái chăn bông tiết kiệm mà thể loại tóc tém phải “ đứng rình mãi ở cái cửa hàng bách hoá cũ của huyện mới chặn được đúng đợt có loại chăn rẻ như tro này” [1, 41]. Và cuộc sống của họ vẫn cứ leo lét trôi đi, giữa “con đường vô tận”. Không phải ngẫu nhiên mà trong tập truyện ngắn này, Võ Thị Xuân Hà thường xuyên đặt nhân vật của mình vào không gian bãi rác, không gian của những căn gác chật hẹp, tù túng, không gian của những vùng đồi núi hiu quạnh, đó thực ra là không gian nghệ thuật thể hiện hoàn cảnh sống của nhân vật, thể hiện bi kịch về cuộc sống khốn cùng của nhân vật.
Không chỉ sống trong sự bủa vây của miếng cơm manh áo, nhân vật trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà còn bị đày đoạ về tinh thần. Hình ảnh ba cô gái điếm trong truyện ngắn Bên cạnh căn gác nhỏ nửa đêm là một ví dụ điển hình cho bi kịch này của con người. Phải sống cuộc đời của người con gái bán hoa đã là một sự đau đớn, nhục nhã đến ê chề, các cô còn bị bóp nghẹt bởi sự phỉ báng của người đời: “con kia, mày đinh đợi bà mày đi ra ngoài nhà hàng thì mày chui vào buồng thay bà mày đấy hả. Đừng tưởng thằng chó nhà bà sướng mày nhé. Ngàn đời vẫn là giống đực gặp giống đĩ nhé. Nó có đái ỉa vào mày dăm bảy bận thì bà mày đây cũng không ghen đâu con nhé. Nhưng mày mà kiếm cớ để mê hoặc nó thì tao dần l… mày ra rắc lên mộ tổ nhà mày con nhé” [1, 240]. Lời chửi của người phụ nữ nanh nọc như xé toạc vết thương trong lòng ba cô gái. Nhưng đâu chỉ có sự phỉ báng, các cô còn phải chịu sự bóc lột của chính đồng loại. Đi làm điếm nhưng vẫn phải nộp phí ngày, phí tháng cho các tú bà hiện đại. Đi làm điếm nhưng còn gặp phải thằng ăn sái, “nó nhai sái còn chả đủ tiền. Nó xin em phải bớt cho nó non nửa” [1, 241]. Là con người nhưng dường như các cô chẳng còn sống kiếp người. Đó là bi kịch đáng đau đớn hơn cả.
Có một điều đáng chú ý là khi viết về những con người lao khổ dưới đáy xã hội, Võ Thị Xuân Hà thường đi sâu khắc hoạ bi kịch của người phụ nữ. Số phận người phụ nữ trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà nói chung, trong tập truyện Thế giới tối đen nói riêng hiện lên đầy bất hạnh. Hai bà cháu trong Xóm đồi hoa, cô gái điếm đang thoi thóp sống những ngày cuối cùng trong Đêm ở hồ Hoả Tước, ba cô gái điếm trong “Bên cạnh căn gác nhỏ nửa đêm” là đại diện cho bi kịch của người phụ nữ sống nhục nhã dưới đáy xã hội. Người mẹ trong Thế giới tối đen, “Giữa bày chó”, người mẹ trong “Vườn hài nhi”, người vợ tên gầy nhẳng trong Bên cạnh căn gác nhỏ nửa đêm, hai mẹ con hát ăn xin trong Cõi người, thể loại tóc tém và thể loại béo ngậy trong Con đường vô tận, hai người vợ trong Mưa rơi là những con người đại diện cho sự khốn cùng của cuộc sống gia đình. Họ - hoặc phải sống nơi bãi rác, cô đơn giữa bày chó, hoặc phải đứt ruột vứt bỏ đứa con chưa thành hình hài trong mình, hoặc phải lo toan những gánh nặng cơm áo trong gia đình, hoặc là nạn nhân của một gia đình tan nát. Tất cả họ đều phải vật lộn với cuộc sống khốn cùng cả về thể xác và tinh thần dưới cái đáy nhơ nhớp của xã hội. Bi kịch ấy dường như là bi kịch lớn nhất của xã hội này.
2.2.4. Bi kịch con người tha hoá
Con người tha hoá thực ra chỉ là hệ quả của con người sống kiếp khốn cùng dưới đáy xã hội. Điều đáng nói là trong tập truyện Thế giới tối đen, sự tha hoá này lại diễn ra phần nhiều ở những con người được xem là trí thức trong xã hội. Nói như vậy không phải là những con người dưới đáy xã hội không bị tha hoá. Giữa sự bủa vây của miếng cơm manh áo, gia đình của thể loại béo ngậy, thể loại tóc tém, đàn ông xương xẩu đã phải chịu làm cái nghề nay đây mai đó lừa bịp người khác bằng những trò “vui chơi có thưởng”. Xót xa hơn, đêm về họ rủa xả lẫn nhau, bằm dặp nhau. Những người làm thuê cho gia đình này ngoài công việc làm “cò mồi”, đêm đến, họ trở thành những ả gái điếm, những gã trai bao. Tuy vậy, vẫn có thể thấy rằng, sự tha hoá ít diễn ra ở những con người dưới đáy xã hội. Trong Xóm đồi hoa, người bà sống cuộc đời của người phụ nữ bán hoa nhưng trong thẳm sâu con tim, bà vẫn mong ước một sự đổi khác. Cuối cùng, bà tìm đến dưới gốc cây hoàng lan để chết dưới hương thơm của nó, để hi vọng thay đổi cuộc đời ở một thế giới khác, và để truyền lại cho người cháu – cô cùi – cô gái điếm cái mơ ước thuần khiết của bất cứ người phụ nữ nào trong cuộc đời – mơ ước làm mẹ.Và cuối cùng cô cùi cũng đã nuôi nấng được ước mơ ấy của người bà, tạo nên một xóm đồi hoa đầy niềm yêu thương, hạnh phúc. Người mẹ trong truyện ngắn Thế giới tối đen và “Giữa bầy chó” dù sống cuộc đời cơ cực ở nơi mà chị cho rằng đó là “địa ngục trần gian” vẫn luôn mơ ước một sự đổi thay cho cuộc đời của con mình. Ba chị em cô Cả, cô Hai, cô Út trong truyện ngắn “Giữa bầy chó” vốn nanh nọc sau cũng trở về sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Nhìn một cách chung nhất, sự tha hoá rất ít xảy ra ở những con người khốn cùng trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà. Chỉ có những người trí thức, những người được coi là tầng lớp trên của xã hội mới rơi vào tình trạng tha hoá nhiều hơn. Nhưng nếu như con người tha hoá, tự đánh mất mình mà không nhận ra thì sẽ không có bi kịch. Bi kịch chỉ xảy ra khi họ sống giữa trạng thái đấu tranh giữa phần người và phần con, giữa con người bản năng và con người ý thức, và cuối cùng thì họ chịu thua cái phần con, cái con người bản năng ấy.
Trong truyện ngắn Thiên thần nhỏ, nhân vật chàng sinh viên đi gia sư luôn phải chìm trong trạng thái day dứt giữa sự giằng xé của hai cái bóng: lí trơ lì và tâm hồn nửa vời. Lí trơ lì thì luôn tính toán để lợi dụng người phụ nữ, mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó của sinh viên. Tâm hồn nửa vời thì lại luôn sợ hãi, ân hận. Hai cái bóng liên tục đấu tranh, đè nặng lên chàng sinh viên nghèo. Nhưng rồi lí trơ lì thắng, chàng sinh viên có khuôn mặt như một thiên thần đã lợi dụng người phụ nữ đáng thương để sống cuộc đời sinh viên một cách sung túc rồi bỏ nàng ra đi một cách nhẹ nhàng. Đó dường như là một kết quả đã định sẵn bởi trong con người ấy, cái bóng của lí trí, của sự mưu mô, tính toán thì “trơ lì” còn cái tâm hồn, cái tình cảm thì lại “nửa vời”. Cái bóng “lí trơ lì” và “tâm hồn nửa vời” thực ra không chỉ là cái bóng của riêng “thiên thần nhỏ”. Nó là hai cái bóng nằm trong hầu hết mọi con người trong xã hội hiện đại. Cuộc đấu tranh giữa hai cái bóng ấy thực ra cũng là cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người trong một con người. Đáng buồn là cái bóng “lí trơ lì” gần như luôn chiến thắng cái bóng “tâm hồn nửa vời”. Con người vì thế mà cũng dễ dàng bị tha hoá.
Cũng như vậy, trong tác phẩm Lời hẹn, hình ảnh một nhà văn đã từng là “sân trường và trí tuệ tâm hồn học trò”, từng làm mê mẩn bao gã học trò bởi những bản trường ca vĩ đại, trong phút chốc đã trở thành một con nghiện sống giữa đám người đang “say sưa sát phạt, ôm ấp, ngạt hơi men và khói thuốc bàn đèn” [1, 24], giữa căn phòng “hôi sì khói thuốc phiện” [1, 25] đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt đối với anh đại uý công an. Đó là bi kịch của một người nghệ sĩ, và hơn nữa, đó còn là bi kịch của những người được coi là thần tượng của người nghệ sĩ ấy. Bi kịch ấy không chỉ là nỗi đau riêng của một con người bị tha hoá mà còn là nỗi đau chung của những con người đổ vỡ niềm tin vì sự tha hoá ấy.
2.2.5. Bi kịch con người bị ruồng bỏ
Bi kịch con người bị ruồng bỏ xuất hiện không nhiều trong tập truyện Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà, nó chỉ được chấm phá đôi nét qua cuộc đời của lão Thoài trong truyện ngắn Cõi đời và được đặc tả ở truyện ngắn Vườn hài nhi. Lão Thoài là một kiểu con người bị bỏ rơi. Đầu tiên là người thân – người vợ bỏ rơi, sau đó là người đời, là công việc bỏ rơi. Lão sống lẻ loi trong một khu đất hoang vắng và trở thành người thừa của nông trường chè sau trận ốm kịch liệt vì người vợ bỏ đi. Chính vì bị bỏ rơi nên lão đã bị vướng váo biết bao bi kịch khác – bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, bi kịch con người cô đơn. Cả cuộc đời lão là một bi kịch lớn lồng ghép trong đó rất nhiều bi kịch nhỏ.
Bi kịch con người bị bỏ rơi được khắc hoạ rõ nét trong truyện ngắn “Vườn hài nhi”. Hàng trăm đứa trẻ bị bỏ đi vì chính sự vô lương tâm, sự ích kỉ của cha mẹ chúng, sự ích kỉ của xã hội. Những thân phận chưa đủ hình hài đã bị tước bỏ quyền làm người. Xót xa hơn, chúng bị tước đi quyền làm người trong sự đau đớn vật vã. Vườn hài nhi là nơi duy nhất chúng còn tìm được tình thương yêu của những số phận có hoàn cảnh bất hạnh như mình, và của lão Kính - một con người đầy tình thương, không dám vất đi những phần thi thể đã nát bấy của chúng. Dù những đứa trẻ bi ruồng bỏ ấy đã ca những bài ca của thiên thần, không hề oán trách cuộc đời, dù rằng thân thể của chúng đã hoà vào trời đất, trong những bụi chuối xanh tươi, trong những quả chuối căng mọng nhưng vườn hài nhi vẫn là sự ám ảnh khôn nguôi về sự bi kịch những thân phận con người bị ruồng bỏ - một bi kịch chỉ có trong xã hội hiện đại. Lời của người mẹ ở cuối tác phẩm là một sự tổng kết đầy đay đớn về cuộc đời: “Anh biết không, tình yêu của anh và tôi đầy tội lỗi, …trên cái cõi này thứ nào đẹp cũng đầy tội lỗi” [1, 186]. Chiều sâu nhân văn của tác phẩm hiện lên ở đó.
3. Kết luận
Có thể nói, Thế giới tối đen của Võ Thị Xuân Hà là một thế giới đầy bi kịch. Trong tác phẩm của mình, nhà văn đã cắt nghĩa rằng mình muốn đặt tên tác phẩm là Thế giới tối đen để lật ngược lại cách nhìn của người đời. Với Võ Thị Xuân Hầ, tối đen không phải là xấu bởi trong cái “cõi người” mà nhà văn phản ánh luôn có chiều sâu nhân văn, nhân bản. Thế nhưng chúng tôi cho rằng, đó chỉ là một cách cắt nghĩa. Nhìn lại không biết bao nhiêu bi kịch trong tác phẩm, chúng tôi cho rằng, thế giới tối đen chỉ tốt đẹp trong cái nhìn của bầy chó, đối với mỗi con người, thế giới tối đen vẫn là tối đen, nhưng khi nhìn nhận được cái tối đen ấy, con người mới có thể thức tỉnh để hiểu được bi kịch của chính mình. Đó mới thực sự là chiều sâu nhân văn – cái làm nên giá trị của tác phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Thị Xuân Hà (2009), Thế giới tối đen, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
2. Phạm Thị Hải (2010), Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2001), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.