TỪ thực tế xã điểm xây dựng NTM
Nam Anh là xã điểm được chọn để triển khai xây dựng chương trình NTM của huyện điểm Nam Đàn. Toàn xã có 1.793 hộ, 7.900 dân, là làng thuần nông, tỷ lệ lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 15%/năm, bình quân thu nhập năm 2011 đạt từ 13 đến 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 14,5%, cuối năm bình xét giảm xuống còn 12,5%.
Khi huyện phát động xây dựng chương trình NTM, xã đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân. Nhiều xóm, người dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, góp tiền để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng. Trong năm 2011, bà con xóm 5 đã góp tiền làm được 1.250 m đường bê tông, bà con xóm 9 góp tiền, góp công đổ nền đường, bà con xóm 1,2,3,4 tự nguyện hiến đất, chặt cây, tháo dỡ một số công trình để làm đường liên xóm. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn NTM, Nam Anh đang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hồ Viết Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: so với 19 tiêu chí (TC), 39 nội dung của chương trình xây dựng NTM thì Nam Anh chỉ mới đạt một số TC, một số tiêu chí đạt thấp và còn nhiều TC rất khó hoàn thành. Cụ thể, TC số 2 (giao thông nông thôn): xã có 23,7km đường trục xã, liên xã nhưng mới chỉ nhựa hóa được 14,1km, hiện đã xuống cấp và chưa đạt về chiều rộng đường, đường liên thôn mới cứng hóa được 47% và cũng chưa đạt về kích cỡ nền đường, mương thoát nước. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Nhà nước hỗ trợ 670 triệu đồng, huyện hỗ trợ 189 triệu đồng, xã làm 2km đường hết hơn 2,8 tỷ đồng, phải huy động từ dân trong 2 năm. TC số 3 (thủy lợi): tỷ lệ kênh mương do xã quản lý kiên cố hóa 56%, chưa đạt so với chỉ tiêu 85%. TC 4 (hệ thống điện): hiện chưa đạt nhưng sau khi hoàn thành dự án điện RII với tổng số vốn 5,5 tỷ từ nguồn ngân sách thì sẽ đạt, hiện tỷ lệ các hộ dân sử dụng điện đạt 100%. Ông Sỹ cho biết Nam Anh được hưởng lợi từ dự án nên mới hoàn thành TC điện, còn đối với các xã khác thì cực kì khó khăn. TC số 5 (trường học): hiện xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia, có một trường đã xuống cấp, xã muốn xây dựng lại nhưng chưa có tiền. TC số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), xã hiện có hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao thôn xã song đều chưa đạt về khuôn viên, diện tích sử dụng. TC 7 (chợ nông thôn), hiện xã đã có chợ truyền thống, song chưa đạt về diện tích và cơ sở vật chất. TC số 8 (bưu điện), mặc dù xã đã có điểm bưu điện văn hóa nhưng hoạt động cầm chừng, lượng khách hàng thưa thớt, còn internet chưa về đến thôn do chưa có điều kiện và người dân không có nhu cầu. TC số 9 (nhà ở), hiện xã không còn nhà tạm, nhà dột nát song tỷ lệ nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng chỉ 45% (866/1793). TC 15 (y tế) đạt nhưng cơ sở vật chất trạm y tế xã đã xuống cấp.
Để xây dựng NTM đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn. Nam Anh dự tính hết khoảng 240 tỷ đồng, trong khi huy động từ dân không được nhiều do đa số dân có thu nhập trung bình. Xã mỗi năm thu ngân sách đạt 3 tỷ đồng, song chỉ cân đối được chi thường xuyên, không có nguồn trích lại xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn thu chủ yếu của xã (nếu có) chỉ trông vào nguồn bán đất (được trích lại 40%), song đất cũng chỉ có hạn; mặt khác, đất Nam Anh giá không cao so với mặt bằng thị trường. Hiện quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp của xã rất thấp, chỉ khoảng 1,5 sào/lao động. Khi xã quy hoạch mở đường liên xã qua cánh đồng, bà Nguyễn Thị Dung, xóm 7 phàn nàn: “Đất sản xuất đã thiếu, nay lại mở đường ra giữa đồng mất không biết bao nhiêu là đất. Mà tiền đâu mà làm đường”. Đương nhiên, một khi thu nhập của người dân được nâng cao sẽ có nguồn tích lũy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Song bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân hiện rất nan giải. Xã đang xây dựng mô hình trồng hoa lý cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm. Nhưng đó là con số lý thuyết, chưa tính đến rủi ro trong sản xuất, đặc biệt là khi đầu ra bế tắc do cung vượt quá cầu. Thu nhập bình quân đầu người của dân Nam Anh hiện 15 triệu đồng/năm, chưa đạt mức bình quân của tỉnh, so với TC gấp 1,4 lần mức thu nhập bình quân của tỉnh quả là rất xa vời. Tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng còn cao (12,4%) so với TC 5%. Những hộ nghèo rất khó thoát nghèo, do những điều kiện khách quan và cả tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách ưu đãi của người dân. Toàn xã hiện có 70% lao động trong độ tuổi làm nông nghiệp, để đạt tỷ lệ chỉ còn 35% so với TC quả là không tưởng. Khi được hỏi chương trình xây dựng NTM của địa phương bao giờ về đích, ông Hồ Viết Sỹ thẳng thắn: “Địa phương cứ triển khai, còn nói thật chúng tôi không thể xác định được mốc thời gian cụ thể bao giờ thì hoàn thành”.
Những tiêu chí xa vời
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương đã phản ánh không ít TC quá cao so với thực tiễn, thậm chí không có cơ sở khoa học. Theo bộ TC quốc gia về xây dựng NTM (ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ), mỗi xã đạt chuẩn NTM phải có một chợ nông thôn, diện tích 3.000 m2, có đầy đủ các hạng mục, bảo đảm vệ sinh. Từ thực tiễn đời sống và sản xuất ở nông thôn, tiêu chí này rất khó thành hiện thực vì khó khăn về quỹ đất, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn.
Nhưng quan trọng hơn là giả sử khi chợ được xây dựng xong rồi liệu có thu hút được các chủ hộ kinh doanh và người dân vào hoạt động hay không? Dân số nông thôn đang giảm, sẽ không đủ người buôn bán và người mua cho mỗi xã một chợ lớn như vậy. Thứ hai là số lượng hàng hóa trao đổi và nhu cầu mua bán của dân cư nông thôn cũng không lớn đến mức cần phải tổ chức mỗi xã một chợ. Quá nhiều chợ sẽ sinh ra manh mún, rời rạc, không có điều kiện đầu tư các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại lớn. Thứ ba là tập quán sinh hoạt, buôn bán của người dân quyết định sự hình thành và tồn tại của chợ. Từ hàng trăm năm nay, vùng nông thôn chỉ hình thành một số chợ thu hút được đông đảo người dân và hầu như đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Nam Đàn có 23 xã, thị trấn nhưng từ trước đến nay chỉ có 7 chợ, có nơi mật độ chợ thưa hơn. Các chợ đã trở thành những địa chỉ văn hóa như chợ Sa Nam, chợ Vạc (Nam Đàn), chợ Quyết, chợ Quán Lau, chợ Vinh (TP Vinh), chợ Rộ, chợ Cồn, chợ Rạng (Thanh Chương), chợ Nậm Cắn (Kỳ Sơn)… Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc xây dựng các chợ mới nhưng không thu hút được người dân vào mua bán nên đành bỏ không hoặc phải chuyển mục đích sử dụng như ở Anh Sơn, Thanh Chương… Bởi vì gắn liền với chợ là nếp sống, nếp sinh hoạt mang đậm màu sắc văn hóa của người dân.
Tiêu chí về giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng đối với những xã miền xuôi đã không đủ nguồn lực để làm, đối các vùng miền núi thì càng không có điều kiện thực hiện.
Mục tiêu cơ bản, có tính quyết định trong chương trình xây dựng NTM là tổ chức sản xuất, kinh doanh đem lại thu nhập cao, nâng cao mức sống cho người dân. Song đây là việc đã tiến hành từ nhiều chục năm nay, với rất nhiều kế hoạch, chương trình, dự án từ vi mô đến vĩ mô nhưng vẫn chưa đem lại những kết quả như mong đợi. Để thực hiện TC 10 (thu nhập), TC 12 (cơ cấu lao động), Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra 5 nhóm giải pháp gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa nông nghiệp; bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là những giải pháp không mới, nhiều nơi đã cố gắng triển khai và hiệu quả đạt được chỉ mức vừa phải. Nông dân không chỉ thiếu vốn, trình độ kỹ thuật, phương tiện sản xuất mà khâu hết sức nan giải là đầu ra của sản phẩm. Nhiều mô hình khi bắt đầu triển khai cho thấy hiệu quả rõ rệt nhưng sau một thời gian bế tắc về đầu ra nên không thể phát triển được. Nhiều làng nghề truyền thống không phát triển được do bí đầu ra. Chỉ một số làng nghề đáp ứng nhu cầu thị trường như mộc, bún bánh, hương, hoa… phát triển, cho thu nhập khá song lại thường gây ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ có quy hoạch của từng xã, chưa có quy hoạch chung toàn huyện và toàn tỉnh theo chương trình NTM nên sự bất cập là khó tránh khỏi. Một hiện tượng nữa là những xã đạt tiêu chí về môi trường thì thường nghèo, thu nhập rất thấp, còn nhiều xã có nhà máy, xí nghiệp, công trường cho thu nhập khá lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 435 xã tham gia chương trình xây dựng NTM, qua điều tra, chỉ có 1 xã đạt 12/19 TC; 3 xã đạt 11 TC, 6 xã đạt 10 TC; 11 xã đạt 9 TC… còn lại có 67 xã đạt 2 TC, 43 xã đạt 1 TC, 50 xã không đạt TC nào. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 20,06%, cao hơn 15% so với tiêu chí NTM (5%). Tỷ lệ hộ nghèo cao sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ gia đình văn hóa, làng văn hóa và nhiều tiêu chí kinh tế - xã hội khác. Với tiến độ hiện tại, chỉ một số ít xã điều kiện thuận lợi, người dân có thu nhập cao mới có cơ hội đạt đủ 19 TC, còn những địa phương khó khăn thì sẽ mãi “bét bảng” và hầu như không có cơ hội về đích. Thiết nghĩ, để chương trình NTM về đích đúng dự kiến, Chính phủ, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần nghiêm túc xem xét, điều chỉnh một số TC, lộ trình và biện pháp, cũng như bố trí, tính toán nguồn vốn xây dựng NTM sao cho cụ thể, sát thực và khả thi.