Cuộc sống quanh ta

Năm anh em cùng một xóm thơ

Ông Ngô Thời Nhậm xưa từng nói: “Nước ta là một nước Thơ”. Câu nói ấy quả không ngoa, vì ở nước ta, thơ ca xuất hiện khắp hang cùng, ngõ hẻm đến chốn sân đình, phố xá. Cả những câu hát dân ca cũng từ những câu thơ mà ra.

Rồi ta thấy gần đây có những “làng thơ” đặc sắc như làng Chùa thuộc Hà Tây (cũ), cả làng làm thơ, đọc thơ, bình thơ… rồi viết những câu thơ dân giã chữ to lên pano treo dọc đường làng… Vậy thì hiện tượng “xóm thơ” cũng chả có gì lạ.

Ở đây tôi muốn nói tới cái xóm thơ, quê hương của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương nổi tiếng ra cả thế giới. Cái xóm thơ này có tên là xóm Điếm, nơi có cái điếm canh từ thời trước, thuộc xã Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An. Nói là xóm thơ, vì xóm này không chỉ có Hồ Xuân Hương làm thơ, mà có hàng chục hàng trăm người làm thơ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Chỉ tính từ cụ Hồ Phi Diễn đến nay cũng không đếm hết những tên tuổi thành danh từ cái xóm nhỏ này.

 
Xóm Điếm ở trong một cái làng có đến 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương trong đó có đến 13 giải nguyên như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát… đỗ đại khoa thì có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ; một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương. Sau này có đến mấy nhà thơ, nhà văn hội viên hội Nhà Văn Việt Nam và nhiều nhà thơ khác là hội viên tỉnh này, thành phố nọ, rải rác khắp nơi. Nói thế để thấy truyền thống văn chương chữ nghĩa ở đây thật là giàu có. Và việc xuất bản một tập thơ xóm Điếm cho đầy đủ thì chắc phải sưu tập công phu lắm.

***

Ở đây, chỉ là tập thơ tự chọn của 5 tác giả sinh ra từ xóm Điếm trước sau 1940, cách nhau nhiều nhất là 10 tuổi, nghĩa là họ cùng thế hệ, cùng thời, cùng trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến và đều sống ở xa quê. Một cuộc “hội ngộ” ngẫu hứng. Đó là Phó giáo sư toán học Văn Như Cương, nhà thơ Hồ Phi Phục, nhà thơ Dương Huy, nhà thơ Dương Danh Dũng và nhà thơ Lam Giang.

1. Văn Như Cương nổi tiếng dạy toán, từng soạn nhiều tập sách giáo khoa cho ngành giáo dục, nhưng ông cũng là người yêu văn chương, chữ nghĩa. Ông có nhiều bài thơ tự trào và câu đối được bạn bè truyền tụng. Và đôi khi cao hứng, ông cũng tếu táo cho vui đời: “Văn Như Cương, toán cũng Như Cương”. Ông làm thơ không nhiều, và cũng chỉ để đọc chơi trong các cuộc bạn bè hiếu hỷ, hoặc để tặng người thân. Khi “nạp bản” vào tập thơ này, ông cứ băn khoăn có nên in hay không, bởi ông làm thơ đâu phải để in. Nhưng đã “trót” rồi thì “thôi kệ”. Là ông do dự thế, chứ đọc thơ ông lại thấy thật nhẹ nhàng và thanh thoát:

Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn,
Mong rằng Toán học bớt khô khan.
- Em ơi, trong Toán nhiều công thức
Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn.
                       (Toán và hoa)

Có lần tôi nghe ông nói say sưa về con số trong thơ. Với ông, trong thơ con số cũng là con chữ, nó chứa đựng cả tâm hồn của con người. Có lẽ vì thế mà trong thơ ông hay giật mình về con số tuổi tác. Nhưng sau cái giật mình bản năng ấy, lại hiện ra một trí tuệ giàu hài hước: “Năm chục như ta cũng khối người, Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi”; “Sáu mươi chưa chịu về đâu nhé, Khối cụ tám mươi vẫn cố ngồi!”, “Em sáu mươi và anh sáu ba, Đố ai dám bảo chúng ta già?”. Đôi khi ta thấy trong thơ ông một sự sắp đặt khá tài tình: “Bà quá sáu lăm, tôi bảy mươi - Sống thêm mấy chục nữa cho đời!... Tuổi già cứ đến không sao hết, Bà vẫn như xưa trong mắt tôi”.

Ông có 2 bài thơ cấu tứ thật bất ngờ, đó là bài “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” và bài “Ông và cháu”. Con cõng mẹ bất ngờ thấy mẹ nhẹ tênh. Nhưng bất ngờ hơn là mẹ sợ chân con mỏi (vì con cũng đã già). Bài thơ này khiến tôi nhớ lại 15 năm trước bắt gặp tấm ảnh Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già mà ai đó chộp được đem đăng lên báo. Nhìn tấm ảnh, xúc động vô cùng. Khi đọc bài thơ “Cõng mẹ…” của ông, mới thấm thía cái tình mẫu tử lúc tuổi già. Có lẽ vì thế mà ông có một tình yêu con cháu đến phát thèm:

Ông yêu cháu nhất nhà,
Yêu hơn yêu mẹ cháu,
Yêu hơn cả yêu bà.
 
Vì cháu chưa biết nói
Chẳng cãi ông bao giờ.
 
Thơ Văn Như Cương thấm đẫm chất “nói trạng” của những ông đồ xứ Nghệ xưa. Thông minh, hóm hỉnh, thân gần…

2. Dương Huy làm báo nhưng lại nặng nghiệp thơ. Ông làm thơ trào phúng châm chọc thói hư tật xấu. Ông làm thơ cho thiếu nhi. Và làm thơ trữ tình. Nhưng nhiều nhất là thơ trào phúng. Ông đã cho in hơn 1000 bài thơ trào phúng trên báo và xuất bản thành sách. Sách thơ trào phúng của ông được dân bán báo mang đi rao bán dạo và thu được khối tiền hoa hồng. Nhưng ông lại vào hội Nhà Văn bằng những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Thơ thiếu nhi của ông ngộ nghĩnh nhờ những quan sát bằng đôi mắt hóm hỉnh, trẻ thơ; và thường là để trả lời những câu hỏi làm khó cho người lớn. Ta thấy trong thơ ông một tâm hồn thật trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời với những phát hiện nhiều khi bất ngờ và độc đáo. Thuyền thì ngủ như người:
 
Bác Thuyền ngủ cũng lạ
Chẳng chịu trèo lên giường
Úp mặt xuống cát vàng
Nghiêng tai về phía biển.
 
Tuổi thì ở đâu:
 
Con dê ngắt lộc
Tuổi treo trên cằm
Con lợn hay nằm
Tuổi ôm trước bụng
 
Mùa xuân thì màu gì:
 
Mùa xuân khoác màu xanh
Khi ra đồng thăm lúa
Mùa xuân đỏ màu lửa
Khi thắp sáng nụ đào
 
Và cái số 0 tinh nghịch lại chính là bài học nhận mặt số và tập đếm của trẻ con:
 
Chơi chồng nụ chồng hoa
Số 0 thành số 8
Chống gậy đi thăm bạn
Số 0 hóa số 10.
 
Trong đời sống, Dương Huy là người giản dị, không biết đi xe máy bao giờ. Lúc về già thì xe đạp cũng bỏ, mà chỉ đi bộ. Đi bộ quan sát được nhiều và kỹ, nên ngòi bút của ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi.
 
3. Dương Danh Dũng ngoài đời chả thấy lúc nào buồn. Gặp anh lúc nào cũng nụ cười thường trực. Hào hoa và lãng tử. Mọi việc cứ “nhẹ như lông hồng”. Vậy mà đọc thơ anh lại thấy một con người cả yêu, cả nghĩ, nặng nợ với quê với người với việc. Chiến tranh đi làm lính chiến luôn đau đáu nhớ quê nhà: “Cứ mỗi lúc vào sâu trận đánh - Lại mơ về mái lá vườn rau”, đau đáu thương người hẹn ước: “Anh vẫn chưa về em đợi mãi/ Đồng trơ gốc rạ nhện giăng sương/ Lời hẹn hôm nao còn xanh lắm/ Chỉ có tình em đã chín vàng!”. Ấy là cái hồn quê nó ấp ủ trong anh đã trở thành tiềm thức, nên cái màu xanh-vàng mới buốt nhức làm sao. Làm thơ về đồng quê thì nhiều người đã làm, đã thành công, ngỡ như cái đề tài quê kiểng ấy đã sờn mòn, nhàu nát… vậy mà với Dương Danh Dũng quê làng bao giờ cũng mới mẻ, tươi ròng. Những câu thơ của anh viết về quê kiểng luôn làm ta ngạc nhiên như mới gặp lần đầu:
 
Lội qua ruộng lác, đồng năn
Gặp con bìm bịp đang nằm ngủ trưa
 
Ngay cả cách nhìn quá khứ của anh cũng lạ vì nó luôn đan cài cùng hiện tại nhiều ngỡ ngàng buốt nhói:
 
Mồ cha cỏ lụi hết rồi
Người xưa còn lại một nồi đất đen
 
Ngày đi bao ánh mắt huyền
Nay về gặp bạn – bạn nhìn không ra
 
Cầm tay chỉ muốn khóc òa
Còn đâu nước mắt để mà khóc đây?
 
Tìm con sáo nhặt đường cày
Thì ra sáo đã bỏ bầy mà đi.
 
Thơ neo vào ta bởi thơ không còn là chữ nữa, mà chữ đã hóa thành người. Đọc những câu thơ như thế lại muốt ruột nhớ câu thơ Đường xưa nói về ông lão lâu ngày về quê: “Nhi đồng tương kiến bất tương thức/ Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai” (Trẻ con thấy lạ, cười hỏi: khách từ đâu tới?).
 
Dương Danh Dũng có nỗi buồn thương cố hữu về vùng quê nghèo vất vả truyền đời. Anh thường thốt lên những nỗi buồn như vô lý về những mẹ già chốn quê làng: “Tóc xanh gửi hết cho đời/ Bây giờ đầu bạc còn ngồi bán rau”, cùng với sự chia sẻ cảm thông sâu sắc: “Dông chiều giã nát thân đê/ Mùa chưa kịp hái lũ về cuốn trôi/ Nhọc nhằn đãi hạt thóc rơi/ Lần khân chuột cống leo ngồi ngọn cây”. Tình và cảnh trong thơ anh như quấn lấy nhau để làm nên một bức tranh hiện thực nhức nhối lòng người. Và có lúc tưởng như mọi sự tạm bợ đều vô nghĩa, thì với anh lại được hóa giải đến tận cùng:
 
Trầy trật nửa đời chưa hết tạm
Thôi tạm bằng lòng chết khỏi lo.
 
Đọc thơ Dương Danh Dũng nhiều trĩu nặng nhân tình thế thái vậy, nhưng anh làm thơ có vẻ dễ dàng như rút từ trong túi áo ra. Có chút gì đó của Nguyễn Bính xưa, dân giã và thanh thoát, hồn quê mà bay bổng trữ tình. Thơ anh cũng nói nhiều về tình yêu, có lúc vọng lên tiếng thở dài não ruột “Tô Thị nàng ơi thôi đừng đợi/ Bao kẻ ra đi đã bạc tình”, có lúc bâng khuâng xao xuyến: “Người buồn – Thả sóng buồn trôi/ Chở theo lối nhỏ một người sang sông...”, nhưng thường là những câu thơ đẹp cả thi ảnh lẫn thi điệu:
 
Biết gió về đâu, mây về đâu
Ngước trông hoa núi rụng trắng đầu
Ngẩn ngơ sơn nữ vừa tan chợ
Cõng ngát hương rừng trong mắt nâu.
 
Và ngay cả trong sự vọng nhớ người nữ sĩ họ Hồ của làng mình, anh cũng có một cách nhìn riêng biệt: “Mấy đời thi sỹ Quỳnh Đôi/ Câu thơ đóng cọc giữa trời mà lay”.
 
Đó cũng là tiếng kêu thương thăm thẳm của một hồn thơ nín khóc để nở cười.
 
 
4. Lam Giang là bút danh của Hồ Sĩ Thành, cái bút danh mang tên dòng sông quê như báo hiệu cho một chuyến đi xa hun hút của người thơ. Điều đó đã nghiệm đúng vào cuộc đời anh – người lính thơ Lam Giang. Người lính thơ từ quê nhà hành quân dọc 10 năm tuổi trẻ qua chiến trận để đậu lại nơi “hòn ngọc Viễn Đông” sau ngày 30 tháng Tư đầy máu, nước mắt và nụ cười. Thơ của Lam Giang cũng xuất hiện trên báo chí trong cuộc hành quân đằng đẵng ấy. Thơ viết về lính, viết về mặt trận, viết về chiến thắng và thơ viết về quê. Giấc mơ quê luôn ẩn hiện trong tâm hồn người lính với ngày trở về ăm ắp niềm vui, nhưng với Lam Giang, anh đã phải xa quê biền biệt. Sài Gòn đã thành quê thứ hai của anh, và thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê cha đất tổ. Có lẽ nhờ thế mà anh viết được nhiều bài thơ khi trở lại quê nhà với cảm xúc khó kìm nén. Có lẽ tính anh không cầu kỳ kiểu cách nên thơ anh khá mộc mạc, dung dị. Với một trục liên tưởng quen thuộc: quá khứ, hiện tại, tương lai không nhiều bất ngờ trong cấu tứ, nhưng bù lại là vốn sống và cảm xúc chân thật của một người lính giàu tình cảm và thẳng ngay, Lam Giang đã ghi lại được tiếng lòng của người về:
 
Mười năm đi trận quay về
Gặp còn lác đác loe hoe mấy thằng
Đứa hàn vi, kẻ giàu sang
Đứa thì xanh cỏ, thằng mang tật nguyền
 
Kẻ khôn ngoan có chức quyền
Người thì lam lũ đến nhìn không ra
Mỗi lần về, lại dần xa
Đứa hưu non, đứa sớm già hom hem.
 
Một người lính từng trải nơi đạn lửa bỗng làm ta xúc động khi nép mình vào tuổi thơ xa lắc để xác tín mình là đứa con bé nhỏ của quê hương:
 
Em ơi, có một gã chăn bò rưng rưng mắt
Nơi góc làng tha thẩn chiều nay
Cả mùi hương đọng từ gan ruột
Đang lần theo dấu cỏ về đây.
 
Và không chỉ là quê của riêng mình, của thế hệ mình, Lam Giang còn có niềm vui khó tả khi đưa con gái về làng nhận quê, khiến hồn thơ anh như trẻ lại:
 
Lạ trong mắt trẻ mục đồng
Con tôi môi đỏ má hồng, thăm quê
Lớn khôn mẹ mới cho về
Bố làm vệ sĩ "bảo kê" đường dài.
 
Con chào mà chẳng biết ai
Bố "phiên dịch" hết làng ngoài thôn trong…
 
Vừa là con (quê hương) lại là bố, tâm trạng nhà thơ thật đa chiều. Nhưng tâm trạng người lính luôn thao thức trong anh với đồng đội của mình. Và anh nhìn thấy nỗi đau lớn với bao người chị người em khắc khoải chờ chồng:
 
Loạn ly bao cuộc hợp tan
Đá đâu tạc hết những nàng vọng phu
Bồng con đứng giữ sương mù
Chàng không về lại được từ nghĩa trang…
 
Con người Lam Giang đúng như bài thơ anh đã viết tặng chính mình một chân dung tự họa: “Đam mê nặng nợ giấy nghiên/ Làm thơ làm lính đâu phiền lụy ai”. Vậy mà nhà thơ đã phiền lụy nỗi đau và thấy mình nặng nợ với cuộc đời này. Đó cũng là tấm lòng nhân văn của nhà thơ vậy.
 
5. Hồ Phi Phục có một giọng thơ phảng phất triết học về Cái Đẹp. Một giọng thơ vừa xa xôi vừa gần gũi, mà khó nắm bắt. Mỗi lần đọc thơ ông là thêm một lần khám phá những vỉa tầng thoắt ẩn thoắt hiện, không hiểu là bóng hay là hình. Có khi hình hóa bóng. Có khi bóng hóa hình. Nó vừa là hoa. Nó lại cũng là hương. Và Cái Đẹp cũng là vậy hoặc gần như vậy.
 
Ở bài thơ nào cũng hiện lên bóng hình Cái Đẹp mà nhà thơ vừa run rẩy đón nhận, vừa hoảng hốt sợ đánh rơi. Nhưng Cái Đẹp với ông như là đã mất, và chỉ có ở tương lai hoặc trong quá khứ. Xuyên suốt thơ ông đồng vọng một chữ “hoài”. Đó là sự hoài vọng hay là nỗi hoài nghi cứ canh cánh bên lòng về Cái Đẹp.
 
Có phải các giác quan đã cũ kỹ lâu ngày?
Có phải cái đẹp phai mờ khi con người ngày một già nua?
Những tưởng đã mất cái không bao giờ mất
Mất thật rồi điều chậm được nhận ra
 
Tất nhiên là Cái Đẹp không bao giờ biến mất hoàn toàn trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong lòng người. Nhưng Cái Đẹp lý tưởng bao giờ cũng khó đạt tới, nó là trò chơi trốn tìm không bao giờ kết thúc. Hồ Phi Phục biết rõ điều đó, nhưng anh là một nhà thơ đau đáu tư duy triết học nên không ngại ngần mổ xẻ sự vật nhằm cứu rỗi chính mình. Anh tìm Cái Đẹp từ trong lũy tre làng đến ngọn sóng Bãi Ngang, từ hang động Phong Nha đến bạt ngàn rừng chết, từ người danh ca đến nhà họa sĩ, từ cậu bé săn hươu đến những nhà thơ, từ lòng hồ đến bầu trời sấm sét, từ ngày lại ngày đến thời gian vĩnh cửu… và trong cả những nhà triết học cổ kim. Nghĩa là ông đi tìm Cái Đẹp trong chính cuộc sống biến động quanh mình. Và ông đã nhận ra nhiều điều bình thường cao thượng:
 
- Cuộc đời hồ, - là
                        Cuộc đời tất cả những cuộc đời mưa
 
- Chiếc gậy trúc
Dò dẫm đường đời gồ ghề
Lạnh lùng không ham chỉ trỏ
Nó nương tựa người
Người nương tựa nó
 
- Triết học là nơi ẩn náu tốt nhất
Cho những ý kiến thiểu số
 
Làm một hành trình đi tìm Cái Đẹp thật không đơn giản. Nhiều khi chỉ “Thấy một vòng đi ám ảnh bước chân về”, nhưng với Hồ Phi Phục, ông vẫn kiên trì trên con đường chinh phục chính mình dù chỉ phát hiện ra cái ổ mối chân đê hay những bài thơ sọt rác để reo vang hồi còi báo động trước con người:
 
Ngày lại qua ngày
Ổ mối ruỗng chân đê
Người đi không ngoái lại
Sọt rác đầy thơ vô đề
 
Chính vì vậy mà đọc thơ ông, ta vừa thấy bị nghẹn thở lại vừa thấy mình được giải thoát về phía Cái Đẹp đang lên. Đó cũng là khát vọng nhân văn của ông, một khát vọng cháy bỏng luôn phát sáng.
 
Thơ Hồ Phi Phục nhờ thế mà tạo được sự khác biệt, ám ảnh người đọc. Cũng như ngoài đời ông cũng có sự khác biệt mà ít ai ngờ tới. Ông lặng lẽ hướng tâm vào thơ, nhưng được mời vào hội Nhà Văn Việt Nam trong khi có nhiều người đua chen thì ông lại từ chối và cám ơn. Thấy tôi ngạc nhiên về điều đó, ông vui vẻ nói: Không sao đâu anh, chỉ sợ mình không làm được thơ thôi. Câu trả lời nhẹ nhõm của ông khiến tôi nhớ câu thơ ông viết về cậu bé săn hươu: “Mũi mác tha hươu của cậu bé/ Đã làm bực bội cả phường săn/ Mũi mác khác thường không vô dụng/ Nó trở thành ngòi bút nhà văn”.

***
Đọc tập thơ của 5 tác giả cùng xóm không dễ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người. Nhưng nhận ra sự khác biệt thì chả khó khăn gì. Có thể người này hẫng hụt sự bay bổng, người kia thiếu sự hàm súc; người này hơi lạnh, người kia lại quá nóng,v.v… thì cũng là một cơ hội để bổ sung cho nhau chăng? Thì cũng như tính khí người ta vậy, tính khí và văn hóa, cuộc sống và trải nghiệm, năng khiếu và tài hoa hẳn mỗi người mỗi khác, nhưng cái tình của người cùng xóm, lại là cái xóm giàu truyền thống văn chương, chữ nghĩa, thiết nghĩ chẳng phải so bì.
 
Hà Nội, 3.2012
NTT.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513918

Hôm nay

288

Hôm qua

2303

Tuần này

21855

Tháng này

220791

Tháng qua

121356

Tất cả

114513918