Mấy tuần nay dư luận trong giới khoa học xôn xao về công trình máy phát điện chạy bằng nước. Trước khi giới báo chí chú ý đến công trình này, một diễn đàn trong giới khoa học (dành cho những người từng tham gia viết bài cho kỉ yếu Humboldt) đã râm ran bàn thảo về công trình này. Là người ngoại đạo, người viết bài này chỉ đọc và ghi nhận ý kiến của nhiều bạn trong chuyên ngành. Nói một cách khách quan, tất cả các chuyên gia trong diễn đàn đều nghi ngờ (nếu không muốn nói là không tin) tính khoa học của công trình. Nhưng người ta cũng kiên nhẫn chờ giải thích của tác giả công trình chứ không đưa ra những nhận xét trước công chúng. Tuy nhiên, đến khi tác giả giải thích thì đồng loạt các chuyên gia viết bài chỉ ra những chi tiết có thể nói là bất hợp lí và phi khoa học trong công trình. Đến khi có cuộc họp báo dưới sự chủ toạ của một vị nổi tiếng thì dư luận càng quan tâm vì những tuyên bố và kết luận không mang tính khoa học chút nào cả. Riêng người viết bài này cảm thấy sốc khi đọc được phát biểu của tác giả cho rằng đã công bố hai bài báo khoa học nhưng không chịu tiết lộ tên tập san! Tôi thấy đây là một vấn đề về văn hoá khoa học mà tôi có dịp đề cập trong cuốn sách “Đi vào nghiên cứu khoa học” mới xuất bản vào tháng 12 qua (và sắp tái bản trong tuần này).
Một trong những nét chính của văn hoá khoa học là minh bạch. Nhà khoa học có nghĩa vụ phải công bố những kết quả nghiên cứu kèm theo những phương pháp và cách tiếp cận vấn đề. Diễn đàn để công bố thường là các tập san khoa học, nhưng trong vài trường hợp cá biệt, cũng có thể là các hội nghị khoa học. Không nói ra ở đây thì ai cũng biết rằng công bố thành quả nghiên cứu trên những tập san khoa học là một cách thức “trình làng” cho cộng đồng khoa học, để mọi người có thể thẩm định giá trị của công trình nghiên cứu. Nhà khoa học thường rất hăng hái “chào hàng” công trình của mình, chứ hiếm thấy ai lại dấu diếm kết quả nghiên cứu. Cố nhiên, cũng có trường hợp tác giả không chịu tiết lộ phương pháp (vì họ sẽ đăng kí bản quyền sáng chế) nhưng họ vẫn phải nói sơ qua về các chi tiết kĩ thuật quan trọng. Dấu diếm hay không chịu công bố chi tiết thí nghiệm là một điều rất ư phi khoa học.
Ý nghĩa của công bố nghiên cứu chẳng những là minh bạch mà còn là một yêu cầu của nghiên cứu khoa học. Một trong những yêu cầu của khoa học là tính tái thiết lập (repeatability). Một công trình nghiên cứu mà đồng nghiệp khác không thể lặp lại kết quả nghiên cứu trước thì không thể xem là khoa học được (mà là pseudoscience – khoa học dỏm). Khi tác giả công bố kết quả cùng với nhưng chi tiết về phương pháp là tác giả muốn đồng nghiệp trên thế giới lặp lại những kết quả đó bằng những phương pháp đó, nếu có điều kiện. Chỉ khi nào kết quả đó được tái lập nhiều lần và độc lập thì mới xem là tri thức khoa học được. Thái độ không công bố kết quả và phương pháp nghiên cứu phải nói là rất xa lạ trong khoa học, vì điều đó có khi phản ảnh sự thiếu tự tin của nhà khoa học, hay công trình đó có “vấn đề”.
Thật là ngở ngàng khi biết tác giả nói rằng đã công bố bài báo khoa học nhưng … không chịu tiết lộ tên tập san khoa học! Thoạt đầu, tôi cứ tưởng phóng viên viết đùa cho vui, nhưng hoá ra là một phát biểu đàng hoàng. Đã là tập san khoa học, và nếu là tập san nghiêm chỉnh, thì chắc chắn phải có trong danh mục của các thư mục như ISI hay tương tự. Nếu đã công bố thì tên tác giả chắc chắn phải xuất hiện trong thư mục. Vậy thì làm sao tác giả có thể thốt lên câu “nhưng tôi không tiết lộ tên của tạp chí đó đâu”! Chỉ có người chưa bao giờ công bố khoa học mới có thể nói như thế. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng tác giả có lẽ lở lời trong khi lúng túng vì bị phóng viên bao vây, nhưng nếu lở lời thì thiết tưởng một câu đính chính cũng cần thiết.
Những độc giả của tập san là người đánh giá khách quan nhất. Thật vậy, những tập san khoa học nghiêm chỉnh (để phân biệt với những tập san “bậy bạ”) thường là cơ quan ngôn luận của một đoàn thể khoa học, và đại đa số độc giả thường là những người trong chuyên ngành. Một số độc giả này là những chuyên gia có kinh nghiệm cao có thể trong lĩnh vực tác giả trình làng nghiên cứu của mình, và do đó, chính họ là những người đánh giá đáng tin cậy nhất và khách quan nhất. Những quan chức khoa học, cho dù với những phẩm hàm cao chót vót, nếu không phải là chuyên gia trong chuyên ngành thì không thể nào và không bao giờ là những người có trình độ thẩm định khách quan. Nhưng trớ trêu thay, ở nước ta lại có tình trạng những người không có chuyên môn trong lĩnh vực quan tâm, không có thành tích khoa học trong chuyên ngành, mà lại ngồi trong những hội đồng thẩm định công trình khoa học của người khác!
Hệ quả của tình trạng “ngồi nhầm chỗ” là có những phán xét có khi làm cho giới khoa học lắc đầu ngao ngán. Chẳng hạn như sau khi nghe báo cáo của tác giả công trình (cứ tạm cho là “công trình”) “máy phát điện chạy bằng… nước” trình bày [không đầy đủ], hội đồng đi đến kết luận rằng đây là công trình quan trọng có giá trị bạc tỉ, rồi đề nghị Nhà nước cung cấp kinh phí để nghiên cứu tiếp. Kết luận này “bay trước mặt” ý kiến của các chuyên gia trong chuyên ngành từng chỉ ra những mâu thuẫn và tính “unbelievability” trong công trình đó! Thật khó tưởng tượng có cơ quan nào có thể chi tiền cho một công trình nghiên cứu mà chưa hình thành đến một bài báo khoa học. Tiền từ mồ hôi nước mắt người dân, chứ đâu phải nước lả hay lá cây mà phung phí như thế!
Khoa học là phải minh bạch và mang tính tái thiết lập. Đó cũng là hai tiêu chuẩn của văn hoá khoa học. Khoa học thành công là nhờ vào tính minh bạch, kế thừa, và tính tái thiết lập. Một công trình nghiên cứu, cho dù là đẳng cấp Nobel, thì vẫn phải công bố để đồng nghiệp thẩm định. Thật ra, công trình càng quan trọng thì yêu cầu thẩm định càng cao. Từ lúc khoa học hiện đại hình thành cho đến nay, không có một nhà khoa học nào được trao giải thưởng như giải Nobel mà chưa bao giờ công bố nghiên cứu của mình. Văn hoá khoa học cũng chính là văn hoá công bố và minh bạch. Không thể làm khoa học nghiêm túc mà không có văn hoá khoa học.
Nguồn: nguyenvantuan.com