Cuộc sống quanh ta

Cuộc "làm lành" sau 42 năm của hai nhà văn Vũ Bão và Nguyễn Khải

Nhà văn Phạm Thế Hệ vốn chẳng có dây mơ rễ má chi với họ Vũ cả. Anh lính Vệ quốc đoàn Phạm Thế Hệ xông vào "trường văn trận bút" từ sớm lắm trình làng truyện dài Làm giời với bút danh Vũ Bão. Nghe đâu ông cụ thân sinh mắng cho một trận vì tội tự tiện lập họ tên mới này.

Vũ Bão trần tình với bạn bè: "Cái tên Phạm Thế Hệ nghe hơi hanh hách thế nào. Tớ vốn mê văn tài Vũ Trọng Phụng. Vũ Thế Hệ nghe lại càng… hách. Thì "mưa gió" tí chơi vậy". Nhưng khoác áo cà sa không thể thành nhà sư. Chỉ tới năm 1957 tiểu thuyết Sắp cưới của nhà xuất bản Văn Học do nhà văn Tô Hoài làm giám đốc ghi trên bìa một hàng chữ "Loại sách ra mắt" với số lượng in 3000 cuốn thì Vũ Bão mới gây nên chút "mưa gió" trong lòng bạn đọc. Năm 1957 - 1958 nhà văn khi đó hơi bị hiếm chứ không lắm như bây chừ nên Sắp cưới của Vũ Bão dư ba chẳng kém Vượt Côn Đảo của Phùng Quán là mấy.

Nhưng rồi đùng một cái người ta xì xào Sắp cưới có "vấn đề" (?) Mà chẳng còn là xì xào xầm xì nữa, một số tờ báo lớn ở thủ đô lúc đó đã thẳng thừng chỉ ra cái hơi hướng “ủy mị tiểu tư sản, phi giai cấp” của Sắp cưới v.v… Nặng "chùy" hơn cả là bài viết gần bốn trang với "co chữ tám" của nhà văn trẻ Nguyễn Khải trên Văn nghệ Quân đội tháng 7/1958. Trách nhiệm người viết qua cuốn "Sắp cưới" của Vũ Bão. Văn tức là người. Người đẻ ra văn ắt người viết phải chịu, phải có trách nhiệm với từng con chữ của mình. "Vấn đề" là đây chứ đâu nữa. Xin bạn đọc miễn cho tôi cái việc phân tích hoặc lược thuật nội dung bài báo ấy.
Vâng, thế là rầm cả lên. Vũ Bão khi đó đang công tác ở ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương nhận được chỉ thị phải kiểm điểm. Theo Vũ Bão, lúc đó ông có thanh minh và hình như có cãi nữa nhưng không mất xu nào mà vẫn mua được khối búa với rìu! May phúc cho Vũ Bão, đồng chí bí thư chi bộ đã gặp riêng trấn bớt cơn hăng của chàng thanh niên hai mươi sáu tuổi ấy, mắng cho Vũ Bão một trận "bơn bớt cái mồm đi" rồi trần tình với tổ chức đại ý thế này: Thưa các anh, đây là chuyện văn chương, chúng tôi thấy báo chí - báo lớn báo nhỏ, báo dân báo quân - phê phán như thế là đủ là thấm cho cậu này lắm rồi (!) Chưa hết, một tỉnh ủy viên Hà Nam vốn có quen biết Vũ Bão hồi còn hoạt động địch hậu đã xin Vũ Bão về Hà Nam làm cán bộ Tỉnh Đoàn. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lại "hợp thức" việc xin người ấy bằng cách ký quyết định "cho đi lao động cải tạo dài hạn". Hơn mười một năm, Vũ Bão cắm ở vùng chiêm trũng ấy cho đến cái năm nhà văn Hồ Phương xin cho Vũ Bão sung vào đội hình đi B với Bộ Tư lệnh Thông tin vào chiến trường B5…
Một bữa cách thời điểm Đại hội Nhà văn VI không lâu, cái dáng tập tễnh của Vũ Bão lại nhúc nhắc ở cửa phòng làm việc của tôi. Mới bập được mấy hơi thuốc, ông Vũ Bão đã thảy ra một tập giấy, tôi cứ tưởng ông "thảy" ra phóng sự cho báo như mọi bận hóa ra đó là bản sao bài Trách nhiệm người viết qua cuốn "Sắp cưới"… và tờ thư ngỏ gửi ngài… đại tá nhà văn Nguyễn Khải, dưới ký tên: binh nhì Phạm Thế Hệ tức Vũ Bão. Tôi cắm mặt vào tập giấy mặc cho ông cứ ngồi đốt thuốc ngùn ngụt. Gớm cho cái nhà ông Vũ Bão, ngôn từ dùng cho phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết đã ghê, chữ nghĩa ông dùng trong cái thư ngỏ này còn khoan nhặt hơn, thâm sâu hơn, chì chiết hơn trong cái việc trách cứ quy kết ông Nguyễn Khải đã lờ đi, đã lặng phắc, đã phẩy tay cái việc "gắp lửa" ngày ấy để ông phải âm thầm chịu đựng suốt 42 năm. Tôi biết cái "khoản" thư ngỏ kiêm bài báo 42 năm trước, ông sẽ "trưng" lên ở một diễn đàn nào đó, chẳng hạn như ở Đại hội Nhà văn, hoặc như ông nói nếu vì lý do nào đó không tới dự Đại hội, nhiều người khác sẽ đưa hộ tới tay ông Nguyễn Khải hoặc ông X. ông Y. trong ban tổ chức! Hình như "lườm" được ý tôi, ông vừa thở dốc (di chứng của lần tai biến mạch máu não) vừa nói: Các cậu còn trẻ các cậu chưa biết nên chưa thấm. Đau lắm. Nhưng không nói được. Nói vào lúc nào? Trách vào lúc nào? Bị ngã đài đau tưởng chết. Nếu cứ nằm chờ người ta đếm đến "9" là sẽ bị hốt quăng đi. Không, tớ đã vùng dậy. Mà gượng được đến lúc này cũng là quá. Thế mà "người ta" cứ faire silence (im lặng) thì có quá đáng không… Ông cứ lào phào một thôi như vậy. Còn tôi thì cứ gai gai…
*
*    *
May cái là nhà văn Nguyễn Khải cũng đã bay ra. Nhà văn Vũ Bão cũng đã tới dự Đại hội được. Lại mừng cho các cụ không biết sức viết thế nào đang "thai nghén" những chi nhưng cả hai ngó đều mạnh. Tôi thì chẳng đừng được sự tò mò lẫn nôn nóng khi tới ngồi cạnh nhà văn Nguyễn Khải rồi rụt rè khơi ra việc ấy, việc ấy… ông Nguyễn chăm chú nghe và rồi tôi chứng kiến một động thái không đúng tuổi cho lắm là ông lập cập nhắc nhắc cái phéc mơ tuya chiếc cặp lôi ra hai tờ giấy dứt từ cuốn vở học trò cấp một, chữ viết tay. Chữ của ông. Một tờ ông ghi xin được rút khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Tờ kia, tôi coi mà không tin vào mắt mình nữa. Tôi không chép, trích cụ thể ra đây nhưng đại ý ông xin lỗi nhà văn Vũ Bão cái hồi ấy (năm 1958) đã không hiểu hết mọi sự. Do hăng, do háo danh và cả… "ngu" nữa nên đã làm đã gây ra những sự như thế, như thế…
Đón cái nhìn dò hỏi của tôi, nhà văn Nguyễn Khải chậm rãi: "Mình ở trong ấy có nhận được thư ngỏ của ông Vũ Bão do mấy ông bạn chuyển. Quả thật mình choáng người! Mình đã quên đi việc này lâu rồi. Nhưng nếu tự cho mình cái quyền quên đi hay tình thế lúc đó nó phải như thế, như thế thì có lẽ không phải… Mình dự định ra chuyến này mình phải chủ động gặp… và cũng lường trước, nếu ông Vũ Bão công khai thư ngỏ, thì mình cũng công khai sự xin lỗi như trong nội dung tờ giấy này…" Thú thực, khoảng non một tiếng của phiên họp buổi sáng Đại hội Nhà văn, tôi chả nắm được thông tin gì ngoài những lời rủ rỉ của ông Nguyễn Khải. Rằng cái hồi ấy, cái năm 1958 và nhiều năm sau nữa ấy mà, ông Nguyễn Khải nói, mình hăng lắm, oách lắm, oai lắm. Ông còn hướng dẫn cả nhà thơ Thế Lữ viết kiểm điểm, cãi tay đôi với Đặng Thai Mai. Bây giờ có chợt ngẫm lại còn thấy nóng tai! Một lần mình ngồi với Chế Lan Viên ở ghế đá vườn trụ sở Hội Nhà văn, bà Hằng Phương vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan đợi Chế Lan Viên đi rồi lừ lừ nhìn tôi buông thõng: "Định đánh thằng nào thì cứ nói ra đi". Chao ôi, cái thời đó… có trong nghề lâu mới thấy thấm. Có thể phải nói thế này cậu ạ, mình xin lỗi không phải chỉ riêng trường hợp của ông Vũ Bão mà còn đối với một số anh em khác nữa kia… Mình có linh cảm là được dự Đại hội lần này có lẽ là lần cuối nên mình cũng thực lòng vậy. Các cậu còn trẻ (lại còn trẻ! Hai ông có điểm giống nhau thế) nếu có nhận xét gì, hạ chữ gì về ai cố gắng phải đôi hồi đắn đo lắm lắm v.v và v.v…
Tôi chẳng biết nói thế nào… Có khi lại lạc vào cái mê cung "Giễu mình mà cứ như không có mình" cũng nên (?!) đành xin phép ông sang ngồi với nhà văn Vũ Bão. Tôi càng lấy làm lạ là ông Vũ cứ trầm ngâm, chả ừ hữ gì khi tôi nhiệt thành "truyền đạt" lại. Có thể là mình chẳng là cái đinh gì giữa các cao thủ? Thoáng ngó vẻ gật gù của ông Vũ Bão tôi có cảm giác rằng ông tiên liệu việc nó phải như thế, như thế chăng?
Nhưng tôi khác ông, chả phải đợi tới 42 năm mới lựa được một thời điểm, với lại cũng có cách kiểm chứng của riêng mình. Vừa tới giờ giải lao, nhân lúc Thành Chương vác máy ảnh lướt qua, tôi giữ lại… Rồi tôi dắt cụ Vũ Bão cứ thế qua các hàng ghế tới khu vực đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh. Từ xa, cụ Nguyễn Khải chừng như đã đón được sự ma mãnh của tôi liền tươi cười đứng dậy dang tay ra đón cụ Vũ Bão ngồi xuống bên cạnh mình. Thoáng cái, đã thấy ánh đèn flash của họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Thành Chương lóe trên hai gương mặt rạng rỡ ấy…
17/4/2000
Nguồn: Báo Tiền Phong Chủ nhật số 17/2000



 

Trách nhiệm của người viết qua cuốn Sắp cưới của Vũ Bão
 
Nguyễn Khải
 Cuốn truyện dày những 203 trang, nói về một vấn đề lịch sử: cách mạng ruộng đất ở nông thôn. Nhưng tác giả muốn tỏ ra mình tế nhị nên chỉ đi vào một góc cạnh có vẻ hấp dẫn nhất: tình yêu của một đôi trai gái. Nhưng đôi trai gái ấy đều thuộc thành phần trung nông, lại là trung nông bị quy oan trong cải cách. Rồi từ chỗ đứng của cái gia đình trung nông bị quy oan ấy tác giả nhìn vào cuộc cách mạng lớn ở nông thôn để kể lể, than vãn, kêu khóc cho cái số phận của một cô con gái lời ăn tiếng nói thì có vẻ là nông dân, nhưng tính nết lại đặc tiểu tư sản thành thị. Kêu rên chán, tác giả lại mượn mồm cô ta và một số nhân vật bị oan ức khác mà chửi rủa cốt cán, Đội, rồi Cụm, rồi Đoàn, rồi Khu ủy, cán bộ của Trung ương, thậm chí châm biếm, chế giễu cả những đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước. Câu chyện cứ xoay quanh cái vụ "yêu đương trong đau khổ" ấy rồi… kết thúc. Nói về ruộng đất thuộc về tay người cày (qua truyện hình như là cái phần đáng bỏ đi, không quan trọng) vẻn vẹn vừa đúng sáu dòng ở trang 194 (gần cuối truyện). Nói về giai cấp địa chủ bị đánh gục tác giả cũng viết rất gượng gạo vừa đúng hai dòng, nhưng vẫn sợ là "tô hồng" nên phải thêm vào một tí đau xót cho nó hợp thời tức là cạnh mả tên địa chủ gian ác, còn có mả của đồng chí bí thư chi bộ bị xử trí oan. Nói thế này có thể tác giả lại cho rằng "không ưa thì dưa có giòi", tác giả có định viết toàn bộ cải cách đâu, chỉ cốt vẽ lên một khía cạnh "đau buồn" thôi đấy chứ. Cũng có thể đúng. Nhưng xem hết 203 trang sách thì cái thắng lợi to lớn của cải cách không thấy đâu cả (trừ ra mấy dòng nói trên) nhưng cái sai lầm trong cải cách lại được phản ánh hết sức tỉ mỉ, về mọi mặt. Vậy đâu phải người viết chỉ định nói về một góc cạnh, thực ra định bụng rằng từ một góc cạnh "đau xót, thất bại" ấy mà chiếu sáng được cái toàn thể "đau xót, thất bại". Đây là cái "toàn thể" qua ngòi bút Vũ Bão. Lực lượng lãnh đạo cải cách ruộng đất là hai nhân vật như sau: một anh đội hách dịch, ưa nịnh, ngu dốt, là thứ con rối của các cấp lãnh đạo cao hơn (Độ); là một cô cốt cán đĩ thõa, lưu manh và điêu toa (Lý)… Quần chúng của đội cải cách là một ông trung nông ích kỷ, vụ lợi, và xu nịnh (bố Xuân); là một anh thanh niên (lại trung nông) nhu nhược, hèn nhát, tham sống sợ chết, không dám bênh vực lẽ phải (Xuân); và một người "có răng nanh bịt vàng, bộ tóc gọng kính xõa xuống mang tai như đôi cánh gà rù". Một quyển sách nói về cuộc cách mạng của nông dân đánh đổ giai cấp địa chủ nhưng kỳ lạ thay suốt trong 203 trang giấy người đọc không thấy có địa chủ, nó là ai, tội ác nó ra sao, nó phải đền tội như thế nào? Nói cho có bằng chứng thì cũng có hai đoạn tác giả nói đến địa chủ: một đoạn là địa chủ nhân thấy cải cách có sai mà lên mặt ngông nghênh, và một đoạn địa chủ nói mỉa trung nông, nhưng thật nguy hiểm khi những câu mỉa ấy lại đúng với hoàn cảnh cái gia đình mà tác giả đã bày đặt. Vậy là địa chủ nói hay chính mồm người viết nói? Còn nông dân, bần cố nông có những ai? Chỉ có một chị bần nông (Lựu) dù nguy hiểm vẫn giữ được tình bạn cao quý với người bạn gái (Bưởi) bị quy sai; một anh cố nông, Đảng viên, do không được Đội dựa nên hục hặc, bất mãn, sau này viết đơn khiếu nại lên Trung ương; còn ai nữa… một anh du kích (Trí) là cháu Bưởi, cũng ấm ức với cải cách, luôn luôn gan dạ che chở cho người cô. Đọc xong truyện người đọc ngã ngửa ra: té ra cải cách ruộng đất chỉ là chuyện bịa đặt, ta lại đấu ta, toàn những "chuyện đau thương đang theo thời gian lùi dần vào dĩ vãng".
Tôi đã điểm một cách sơ lược nội dung của cuốn Sắp cưới rồi, vậy nên đánh giá tác giả cuốn truyện đó là người như thế nào đây, anh ấy viết như thế để nhằm mục đích gì, phục vụ ai. Trong việc phân tích này tôi muốn nhìn lại tôi, nhìn lại một số người viết trong thời gian vừa qua, do đó mà nhìn Vũ Bão được khách quan hơn.
*
*    *
Theo tôi nghĩ một nhược điểm lớn nhất của những người viết trẻ chúng ta là ít hiểu biết về nông thôn, nhất là nông thôn trước cách mạng. Nào mấy ai trong chúng ta đã từng được thở cái không khí ngột ngạt của nông thôn phong kiến, đã từng bị cái kìm của địa tô và nợ lãi, của những luật lệ và thói quen kẹp chặt vào cổ. Vì thế số đông chúng ta đồng tình với cách mạng ruộng đất bằng lý trí nhiều hơn là bằng tình cảm, sức căm thù giai cấp từ ngoài nhằm vào nhiều hơn là từ trong lòng ta trào ra. Tuy nhiên những tác phẩm viết về cái cách ruộng đất mấy năm qua đều ít nhiều phản ánh được cái đổi mới, cái ửng đỏ ở nông thôn. Nhưng đến khi phát hiện một số sai lầm thì cái nhược điểm của ta đã tác hại một cách rõ rệt. Vì ta chưa từng được sống trong cái cũ nên rất khó định được giá trị cái mới, ta không có khả năng so sánh, hay lẫn lộn, từ đấy dễ đi đến phủ nhận một thành tích to lớn của cách mạng. Cứ lấy một vài thí dụ thì đủ rõ. Thấy cải cách có quy oan, xử trí oan, gây nên tổn thất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, thế là ta nảy ra ngay xu hướng muốn phủ nhận tội ác của giai cấp địa chủ và bọn cường hào gian ác, thậm chí một số người còn cho rằng cải cách chỉ là chuyện bịa đặt, tự mình gây chuyện đâm chém mình. Gặp một số cán bộ trong đội công tác có tác phong quan liêu hách dịch (cũng như hãy còn ở một vài ngành khác), ta liền đánh giá cán bộ cải cách nói chung là lũ ngu dốt, là đồ bỏ đi hết. Vì có những hiện tượng quá tả, rối loạn trong phong trào cách mạng sôi sục mà đã có người nỡ quay lại ca ngợi cái tinh vi của luật pháp thực dân, luật pháp của nhà nước tư sản. Còn bần cố nông (kể cả cán bộ lẫn quần chúng) thì họ đánh giá cải cách bằng kinh nghiệm cuộc đời của họ, bằng sự so sánh hầu như đã thành một bản năng trong người họ. Họ thấy rất rõ giai cấp địa chủ có nhiều tội ác thật nhưng ta đánh chưa trúng, đánh nhầm; có những cán bộ quan liêu, hách dịch thật, nhưng cũng có rất nhiều cán bộ toàn tâm toàn ý vì quyền lợi của nông dân nghèo mà hành động, ngay cả những cán bộ có vẻ hách dịch trong thâm tâm họ cũng chỉ mong muốn do khí thế của mình mà nông dân được vùng dậy, giai cấp địa chủ phải gục xuống; có những hiện tượng ẩu tả thật nhưng mục đích và bản chất của những sự việc ấy còn cao quý gấp ngàn vạn lần các thứ luật lệ xảo quyệt của nhà nước thực dân và của giai cấp địa chủ phong kiến. Và điều quan trọng bao trùm tất cả là giai cấp địa chủ bị đánh gục, những luật lệ phong kiến từ ngàn năm trói buộc, bần cùng người nông dân bị thủ tiêu, ruộng đất về tay người cày, nông dân tự mình tổ chức lấy cuộc sống mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên mặc dù sai lầm của cải cách ruộng đất có trực tiếp làm thiệt hại đến tài sản, tính mệnh, tình cảm của một số người, nhưng sự ràng buộc giữa họ với cách mạng vẫn chặt chẽ, vì cái được của họ to lớn và lâu dài, còn cái mất của họ sẽ được đền bù lại dần dần do sự tiến lên của nông thôn. Đấy là điều giải thích xác đáng nhất vì sao trật tự nông thôn vẫn được ổn định ngay trong những ngày mưa to gió lớn, cán bộ bị xử trí oan hầu hết lại ra làm việc hăng hái như trước, quần chúng nông dân vẫn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, và hiện nay nông thôn đương đi trên con đường hợp tác hóa nông nghiệp.
Nhận thức đã lầm lẫn nhưng tác phong làm việc của một số người viết còn đáng chê trách hơn nhiều. Từ quan điểm phủ nhận cải cách ruộng đất, họ đi về nông thôn chỉ tìm gặp những người bị oan ức, bị thiệt hại, cố ý khêu gợi, moi móc, chắp nối những câu chuyện đau thương, nhiều khi còn khoét sâu thêm cho tăng phần bi thảm và góp lời than khóc. Họ không muốn thay đổi những ý nghĩ sai lệch của mình bằng sự nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ, khách quan thực tế ở nông thôn, mà lại thích củng cố nó bằng những lời lẽ của đài phát thanh miền Nam và qua mồm những phần tử gián điệp, phản cách mạng ở miền Bắc (đặc biệt qua những luận điệu phản động của nhóm phá hoại Nhân Văn - Giai Phẩm). Với những tài liệu của họ và của "chúng bạn", họ đã viết nên truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, tự mệnh danh là những người "phát hiện những sự thật lớn lao" làm sáng mắt người lãnh đạo, và rất trang trọng với "trách nhiệm cao quý" của mình.
Theo tôi Vũ Bão chính là nằm trong số người thiển cận, bảo thủ trong cách nhìn, và vô trách nhiệm, cẩu thả trong cách làm việc đó.
*
*    *
Bây giờ đứng về phía người viết với nhau mà nhận định truyện Sắp cưới thì phải nói tác giả cuốn sách đó là một người viết không có lý tưởng cách mạng, không thấy được cái nghiêm trang trong công việc mình làm, viết ra dưới sự xúi giục của những kẻ phá hoại trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Tài liệu, sự việc, cho đến nhân vật, cách bố cục đều phục vụ cho những ý định độc ác của tác giả một cách tùy tiện. Muốn để người đọc phẫn uất với một anh cán bộ cải cách, tác giả liền tạo cho anh một số tính nết rất xấu, đặt anh vào những trường hợp hết sức lố bịch, rồi đứng ngoài xúi bẩy: "Đấy! Đội đấy! Cười đi!" - Đến Lý, cốt cán, sự châm chọc càng cay độc hơn, rồi như sợ người đọc chưa đủ ghét cốt cán của cải cách nên tác giả còn bắt Lý phải gặp mặt cái nhân vật yêu quý của mình (là Bưởi) trong một trường hợp mà người đọc bắt buộc phải dồn lòng yêu thương của mình cho Bưởi và thóa mạ Lý không tiếc lời (từ trang 132 đến trang 137). Thật hả dạ người viết quá! Còn nhân vật trung nông yêu quý, mỹ miều của Vũ Bão thì sao? Chao ôi, nhan sắc đẹp như… một cô tiểu tư sản thành thị, lao động lại giỏi như cố nông, còn tính nết thì hồn nhiên, trong sáng, tiêu biểu cho tuổi trẻ. Thật là con người lý tưởng! Con người lý tưởng ấy lại gặp bước không may nhưng được bao nhiêu người che chở, và người che chở đắc lực nhất chính là Vũ Bão. Nhưng chính trong việc thể hiện cái nhân vật chính ấy mà tác giả đã lộ rõ dã tâm. Bao nhiêu tài liệu cóp nhặt, nghe ngóng, thu lượm được về sai lầm trong cải cách tác giả liền thông qua nhân vật này mà trình bày, rồi tác giả lại mượn mồm, mượn ý nghĩ, mượn cảnh ngộ của nhân vật đó mà uất ức, kể lể, than vãn, đau đớn suốt từ trang 70 đến tận trang 181 - Ngay sau khi gia đình Bưởi đã được minh oan rồi, Bưởi được huyện gọi lên làm việc ở cửa hàng hợp tác xã, tác giả vẫn bắt nhân vật của mình phải ngúng nguẩy, hờn dỗi, làm bộ làm tịch (dù chỉ là với người yêu cũ thôi) như một kẻ được thể tầm thường. Đọc Vũ Bão tôi cứ hỏi tại sao anh này lại có thể thâm thù cốt cán và Đội đến thế. Thật ra chỉ có thể giải thích như thế này. Có những người vốn không ưa gì bần cố nông lắm, nhưng dưới chế độ ta ai dám khinh rẻ dân cày, phải đợi một số cốt cán có sai lầm mới có dịp tốt công khai nguyền rủa họ là bọn người vừa ngu, vừa ngớ ngẩn, lại hách dịch. Lời lẽ chửi bới mới tàn tệ, cay đắng làm sao, không có thù sâu nói sao nổi những lời lẽ ấy. Cũng như muốn tỏ sự xót thương và ý muốn biện hộ cho giai cấp địa chủ mà một số người đã mượn mồm những gia đình bị quy oan trong cải cách để công khai xỉ vả, chế giễu cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Ý định thật của Vũ Bão chính là như vậy đấy.
*
*   *
Có thể tác giả sẽ biện bạch lại dễ thường nông thôn sau cải cách không có những hiện tượng oan ức, rối loạn hay sao? Không có chuyện nông dân đánh cốt cán ư? v.v… Những hiện tượng đó có thật nhưng vấn đề đặt ra là quan điểm, thái độ của người viết như thế nào? Tôi muốn nói đến trách nhiệm của chúng ta trong việc thể hiện sự thật đó. Anh muốn ở địa vị một nhà văn của giai cấp công nhân, hay chỉ muốn làm một kẻ phỉnh nịnh đáng khinh bỉ những sai lầm của quần chúng; anh định đặt mối cảm tình nồng nhiệt của mình vào một thành tựu to lớn của cách mạng là ruộng đất đã về tay người cày, giai cấp địa chủ vĩnh viễn bị xóa bỏ, hay lại say sưa với những vụ oan ức, đau thương để được dịp bộc lộ tất cả những điều không bằng lòng của mình đối với cách mạng, với Đảng mà bấy lâu nay anh vẫn ấp ủ tận đáy lòng. Anh vì thắng lợi của cách mạng mà phát hiện sự thật hay chỉ vì muốn làm vừa lòng một vài kẻ "đỡ đầu" mà cam tâm bóp méo sự thật đó đi. Qua cuốn Sắp cưới Vũ Bão đã tự định lấy vị trí của mình rồi, thiết tưởng không cần phê phán thêm gì nữa.
*
*    *
Có người xem xong Sắp cưới chỉ chê phần nội dung tư tưởng còn lại cảm phục cách viết sắc sảo, sinh động, hấp dẫn. Lời khen đó khiến tôi rất suy nghĩ. Có rất nhiều truyện nội dung thì tầm thường, có khi rất xấu nhưng tại sao nó vẫn lôi cuốn mình, truyền cảm sang mình, kích thích mình trong giây lát. Phần nghệ thuật của nó đạt chăng? Người viết có tài năng chăng? Thật ra thì không phải, chúng ta ít nhiều đã bị đánh lừa. Tôi nghĩ: nếu tôi cho phép tôi được viết những chuyện tình yêu tầm thường có chia ly, có đau khổ, tan vỡ; những chuyện khêu gợi những dục vọng xấu xa của con người; những chuyện bất mãn với đời, châm chọc cán bộ lãnh đạo, đề cao cá nhân mình thì chắc chắn tôi viết sẽ hay hơn bây giờ rất nhiều, tôi có đủ sức miêu tả nó thật uyển chuyển, phân tích tâm lý thật tinh vi, chí ít cũng hấp dẫn, thuyết phục được những người dại dột. Chẳng nhẽ người xem những sáng tác đó chỉ chê phần nội dung còn lại khen người viết cái phần thể hiện? Chẳng nhẽ vì viết thế mà tôi được công nhận là một tài năng? Chẳng qua vì mọi sự xấu xa tôi đã viết nên chính là do tôi chắt từ máu tôi ra, và nó lại tác động đến cái phần hèn hạ, bẩn thỉu, thấp kém ngay trong lòng độc giả. Muốn mua một tiếng khen không chân chính mà phải tự hạ mình thành một người chuyên đi "khêu gợi những cái hèn hạ, bất lương trong con người" hay sao? Cho nên người đọc nào có lời khen Sắp cưới viết sắc sảo, thì trước hết nguy hiểm cho tác giả, nhưng cũng nguy hiểm ngay cho cả chính người ấy, vì tác giả và độc giả đã gặp nhau ở nhiều điểm rồi. Cũng vì muốn tỏ ra mình là người nhận xét sắc sảo nên Vũ Bão đã sử dụng tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ chế giễu, nghịch ngợm thường ngày để mô tả những nhân vật mà mình thù ghét. Từ anh đội Độ khoác một cái "xà cột da to như cái thớt", đến Lý, cán bộ "vai đeo vắt vẻo cái túi xanh, tuy mới ở nhà bước ra nhưng cũng bắt chước cán bộ Đội buộc cái khăn mặt trắng ở quai túi".
Càng đọc càng thấy tác giả lộ rõ mặt là một tên hề khả ố, bỡn cợt cả những công việc nghiêm trang nhất của quần chúng, của cách mạng, khiến khó ai có thể nén nổi sự căm phẫn. Đến nỗi có một vài đoạn Vũ Bão cố ý viết cho đứng đắn, như đoạn suy nghĩ của Viên về Đảng (trang 90) thì người đọc lại càng tức giận thêm, muốn quát to một tiếng: "Thôi đi, đồ giả dối!"
*
*    *
Muốn đánh giá phẩm chất của một nhà văn, phân biệt được vàng thau lẫn lộn, chỉ cần xét xem thái độ phụ trách của nhà văn đó với việc điều tra, nghiên cứu thực tế xã hội ra sao và đứng ở vị trí nào mà nhìn nhận vấn đề và đặt cách giải quyết. Chính ở công việc quan trọng hàng đầu này mà nhà văn hoặc sẽ được quần chúng công nhận là người thầy, người bạn của họ, hoặc tự lột mặt nạ là một kẻ xui nguyên giục bị, phỉnh nịnh những thói xấu của quần chúng một cách đáng khinh, kiếm chác tiếng tăm, tiền bạc một cách mờ ám, có khi còn là tay sai cho những cơ quan tuyên truyền của bọn thù địch. Đối với những nhà văn chân chính điều lo lắng nhất của họ chưa phải là việc luyện ngòi bút cho trơn, mà chính là sự bảo vệ cái trong sáng trong tư tưởng, luôn luôn củng cố vị trí chiến đấu, và giữ tính nghiêm khắc trong phương pháp làm việc. Vũ Bão sở dĩ mắc sai lầm lớn là vì anh hoàn toàn thiếu những lo lắng cần có ở một người viết của giai cấp công nhân. Hiện giờ Vũ Bão đang đứng trước một thử thách rất nghiêm trọng, đấy là thái độ của anh với cái tác phẩm đầy tội lỗi của mình, đối với sự nghiệp văn học lâu dài của mình. Hoặc là anh sẽ nhận ra con người thật của anh qua dư luận của quần chúng, của giới văn học, kiên quyết khắc phục những thiếu sót to lớn bằng cách làm lại từ đầu, đi từ những bước cơ bản - mà trước đây ta thường bỏ qua - như hòa mình lâu dài vào những cơ sở sản xuất, cải tạo tư tưởng, bồi dưỡng lập trường chính trị; hoặc chỉ là sự lo sợ tầm thường, né tránh sự giúp đỡ thành tâm của xung quanh, bấu víu lấy một số ý kiến bênh vực của một vài người nào đó, rồi lại "viết lách thật khéo léo" để dần dần lấy lại sự tín nhiệm không chính đáng cho mình. Theo tôi nghĩ cách giải quyết đầu tuy gian khổ và dài lâu thật nhưng đấy là con đường đi duy nhất của tất cả chúng ta, còn cách giải quyết thứ hai thì thật không xa lạ gì, đó chính là con đường bùn của bọn Nhân Văn - Giai Phẩm đã bước vào cách đây có vài năm.
8-58
Nguồn: văn nghệ quân đội
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513954

Hôm nay

2124

Hôm qua

2303

Tuần này

21891

Tháng này

220827

Tháng qua

121356

Tất cả

114513954