Việc Chủ tịch của Thủ đô không thấy nộp lại quà biếu nữa dường như có liên quan ít nhiều đến ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Năm 2001, ông Nghiên được thuê lại biệt thự này với giá 500 ngàn đồng/tháng, (trong khi “một ngày trước đó” còn được cho thuê với giá 5000 USD/tháng). Tháng 8-2006, ông làm đơn xin mua theo nghị định 61 với giá 1,3 triệu đồng/m2. Báo Tiền Phong ước tính với “giá hóa giá”, ngôi biệt thự có giá chưa tới 1 tỷ đồng, bằng 10 tháng cho người nước ngoài thuê, trong khi giá trị thực tối thiểu 1,5 triệu USD.
Đến tận tháng 9-2007 ông Nghiên mới tuyên bố “trả lại”. Và 5 năm sau lời tuyên bố, đến tháng 9 năm ngoái, báo chí vẫn đưa tin ngôi biệt thự vẫn chưa được trả lại, thậm chí nó còn được vôi ve, tân trang xịn hơn so với 5 năm trước.
Câu chuyện nộp lại 1 tỷ trong năm đầu tiên và “ở lì” ngay cả sau khi đã hạ cánh của ông Chủ tịch đang làm nản lòng tin dân chúng.
Bởi vậy, rất dễ hiểu, dư luận đã không ít đàm tiếu khi, vừa mới đây, một vị trưởng phòng Cảnh sát giao thông CA Cần Thơ, đại tá Huỳnh Đấu Tranh báo cáo lãnh đạo và trả lại 100 triệu đồng tiền biếu xén.
Trả lời báo chí sau đó, đại tá Đấu Tranh nói ông nhiều lần được biếu “dăm bảy triệu đồng, dăm trăm đôla Mỹ, nghìn đôla Mỹ hoặc chai rượu”. Tuy nhiên, ông “đều trả lại”, ông “dặn người nhà”, ông “Cảm ơn vì người ta có lòng tốt mà biếu nhưng giải thích là công an nhân dân đang học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, phục vụ dân chứ đừng quà cáp gì”.
Ngay sau khi câu chuyện được đưa trên một diễn đàn ô tô xe máy, hàng trăm ý kiến đã tỏ ý nghi ngờ, đặt câu hỏi, thậm chí đàm tiếu: “Trước khi trả anh đã đấu tranh, mang đi trả cũng là đấu tranh, trả xong anh đấu tranh tiếp. Anh là Đấu Tranh”. Dư luận không phải không có lý khi đặt câu hỏi. Bởi khó tìm trong thực tế một cá nhân, kể cả cỡ “đại gia thủy sản” tự dưng cảm ơn 100 triệu đồng, lại tặng cho CSGT, chỉ vì được “tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính”. Và vì những “trường hợp” Lô Ích Giang, Hoàng Văn Nghiên không hề thấy xuất hiện lại.
Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân lại nghi ngờ, thậm chí đàm tiếu một câu chuyện “người thực việc thực”. Câu trả lời có lẽ cũng không có gì phức tạp: Vấn đề ở đây là niềm tin.
Hồi đầu tháng, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, con số 451 cán bộ, công chức đã nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng trong 5 năm 2006-2011 được chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là “Còn ít” và “Không phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay”. Ông Phúc cũng cho rằng "Tình trạng lợi dụng các dịp lễ Tết, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp chưa giảm".
Còn nhớ năm ngoái, khi CA TP HCM đề ra quy định CSGT làm nhiệm vụ không được mang quá 100 ngàn đồng đã có không ít ý kiến cho đây là một quy định “buồn cười”. Buồn cười không phải vì “quy định 100 ngàn”, mà bởi những kỳ vọng về việc sẽ ngăn chặn ngay được tiêu cực của quy định này.
Sự nghi ngờ, những điệu cười, và lời đàm tiếu đang là một biểu hiện cho thấy người dân ngày càng ít tin vào sự thanh liêm của đội ngũ cán bộ.
Nhưng không thế nói đến một sự khủng hoảng niềm tin, bởi còn có một “ngoại lệ Nguyễn Bá Thanh”. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lại vừa có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ CA Thành phố. “Kể từ tháng 3, Lực lượng CSGT tại 4 cửa ô sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tháng”.Tuy nhiên, nếu phát hiện CSGT nào nhận mãi lộ sẽ tước quân tịch và đuổi khỏi ngành, không cần phải xem xét mức độ nặng nhẹ. Tất nhiên, không xem xét đến số tiền nhận là 1 tỷ, 100 triệu, hay chỉ 100 ngàn đồng.
Điều không bất ngờ là người dân tin ngay vào những điều ông nói- dù bản chất đó chỉ là một tuyên bố như hàng chục tuyên bố trước đó.
Đơn giản là ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói, và đã từng làm đúng những gì mình nói. Đơn giản nhưng mà khó.
Nguồn: Đào Tuấn Blog