Cuộc sống quanh ta
Văn hóa còn thì chế độ còn. Văn hóa mất thì chế độ mất
Nhận thức và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phải ở tầm mức văn hóa thì mới thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Trung ương ra nghị quyết về xây dựng Đảng lần này. Phải bắt đầu bằng văn hóa và cuối cùng là văn hóa để thấy rằng văn hóa còn thì chế độ còn, văn hóa mất thì chế độ mất.
VĂN hóa nói ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cần được hiểu không phải là “cờ, đèn, kèn, trống”. Và ở đây- trong khuôn khổ bài viết này- cũng không bàn đến tất cả như lễ hội, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết... Những thứ đó đều nằm trong cấu trúc của văn hóa nhưng không phải là những điều căn cốt nhất. Văn hóa có phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực nhưng các mặt về nhân cách, tâm lý, đạo đức, tư tưởng, lối sống, tâm hồn, cách ứng xử, quyền cơ bản của con người, tức là những lĩnh vực thuộc văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa tư tưởng, văn hóa lối sống được coi là những lĩnh vực quan trọng nhất. Đó là những nét riêng biệt về tinh thần, khắc họa tính cách, cốt cách, đặc tính, đặc trưng, bản sắc, cái “hồn” của một cá nhân, xã hội, cộng đồng và dân tộc.
Văn hóa có vai trò, sứ mệnh to lớn, động lực của sự phát triển. Trong thời đại ngày nay, yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định sự tồn tại, phát triển nhanh và bền vững là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, tư tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý chí, nghị lực, sự sáng tạo, thành thạo của cá nhân và cộng đồng. Nước nào coi trọng bồi dưỡng đức dục, nâng cao dân trí, hun đúc dân khí, đào tạo nhân tài thì sớm muộn sẽ giàu có và phát triển. Nguồn tài nguyên quý nhất, vốn xã hội quý giá nhất là con người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển. Đây là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng chế độ mới.
Văn hóa soi đường, mở đường cho một dân tộc, lãnh đạo dân tộc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Sự giàu có và phát triển của bất cứ quốc gia nào đều có sự khai sáng của văn hóa. Văn hóa chính là nền tảng và dấu hiệu của phát triển. Văn hóa đem đến cho con người khả năng suy xét, tự ý thức, tìm tòi và sáng tạo. Văn hóa làm cho con người ngày càng xa rời trạng thái nguyên sơ-động vật để khẳng định tính người, chất người, “trình độ người”; hướng con người tới những giá trị cao đẹp về chân, thiện, mỹ, làm cho con người có tính nhân bản.
Văn hóa nâng cao lý tưởng và tình cảm cách mạng cho mỗi người và mọi người. Đối với nước ta hiện nay, đó là tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết tụ vào lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn hóa có nội hàm rộng nhưng xét đến cùng, trong xã hội có giai cấp, văn hóa bao giờ cũng có cốt tủy là hệ tư tưởng giai cấp. Vì hệ tư tưởng chi phối quan niệm về giá trị, chi phối đạo đức, lối sống và hành vi của con người. C.Mác từng nói “những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những học thuyết cách mạng và khoa học, hướng vào giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, khắc phục triệt để tình trạng con người bị tha hóa, tạo điều kiện phát triển và không ngừng hoàn thiện con người.
Về mặt tình cảm, văn hóa mang lại cho con người triết lý nhân sinh “ở đời và làm người”. Ở đời và làm người là phải biết thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Văn hóa bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách lành mạnh cho con người, đem đến cho con người triết lý sống biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; cái gì lợi cho dân là chân lý, phục vụ dân là chân lý. Thông qua cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng, con người được nâng cao về đạo đức, tâm hồn, có lối sống trong sạch, lành mạnh. Con người có văn hóa sẽ không bao giờ làm việc theo phong cách dựa vào quyền lực, tức là bắt người khác phục tùng; ngược lại họ sẽ có phong cách làm việc quần chúng, thường gọi là tác phong quần chúng. Đó là sâu sát quần chúng, trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, kính yêu dân, phục vụ dân. Người có văn hóa sẽ có niềm tin yêu, quý mến, kính trọng con người, trân trọng con người, bao dung, độ lượng với con người. Người có văn hóa rất chú ý lắng nghe ý kiến người khác, giải quyết những kiến nghị chính đáng, hoan nghênh quần chúng phê bình, tiếp thu phê bình và sửa chữa. Người có văn hóa là người biết tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, theo tinh thần dân là chủ và dân làm chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đó là những người có tác phong dân chủ, biết bàn luận đem đến cho con người ánh sáng để nhìn thấu sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm chăm lo đời sống của nhân dân, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành, làm cho dân được chữa bệnh.
Văn hóa đem lại cho con người sức đề kháng mãnh liệt chống lại các căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị. Tại sao có những kẻ hành dân, khinh dân, lừa đảo và ăn cắp của dân, tham nhũng, lãng phí? Tại sao có những hạng người “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(1) như Bác Hồ cảnh báo? Tại sao có thứ cán bộ mắc bệnh thành tích, nhưng lại không bao giờ dám nhận trách nhiệm cá nhân, thậm chí tranh công đổ lỗi? Lại có loại người nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đường, làm một nẻo, nói thật làm giả? Xét đến cùng là vì họ không có văn hóa.
Tại sao Liên Xô sụp đổ? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là sự suy thoái đạo đức và dối trá. Gần đây, Tạp chí “Foreign Policy”, một tạp chí uy tín của Mỹ, số tháng 7-8/2011 đăng tải bài viết “Mọi điều người ta cho rằng mình biết về sự sụp đổ của Liên Xô đều sai lầm”, cho thấy sự sụp đổ của Liên Xô không hẳn vì lý do kinh tế, quân sự, chính trị hay sức ép từ bên ngoài, mà có nguyên nhân sâu xa từ sự suy thoái đạo đức và dối trá. Bài báo dẫn lại lời của Thủ tướng Nikolai Ryzhkov (dưới thời Gorbachev), “tình trạng đạo đức của xã hội” vào năm 1985 là nét đặc trưng “kinh hoàng nhất”: (Chúng ta) đánh cắp của chính chúng ta, nhận và đưa hối lộ, nói dối trong các báo cáo, trên báo chí, từ những bục giảng, đắm mình trong những lời dối trá của chúng ta, đeo huy chương cho nhau. Và tất cả điều này đã diễn ra - từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”(2). Mikhail Antonov tuyên bố trong một tiểu luận năm 1987 với tiêu đề “Vậy thì điều gì đang xảy ra với chúng ta?” được đăng tải trên Tạp chí Oktyabr, phải “cứu lấy nhân dân- không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, mà chủ yếu để họ thoát khỏi chính mình, thoát khỏi hậu quả của quá trình suy đồi đạo đức đang giết chết những phẩm chất cao quý nhất của con người”(3). Gần đây, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng cũng nói rõ: “Sự tan rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; một số người lãnh đạo cấp cao của Đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm về đường lối, thậm chí phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu nên khi tình hình xấu xảy ra đã tan rã”(4).
Thủ tướng Anh David Cameron nói (ngày 15-8-2011) rằng “nước Anh đang phải đối mặt một nền văn hóa lười biếng, vô trách nhiệm và ích kỷ - nguyên nhân chính làm bùng lên cuộc bạo loạn kéo dài 4 ngày qua khiến 5 người chết, hàng ngàn người bị truy tố tội hình sự, thiệt hại hàng trăm triệu USD”(5). Phát biểu tại trung tâm Thanh niên ở miền nam nước Anh, Thủ tướng Cameron nói rằng, “vụ bạo loạn vừa qua làm thức tỉnh cả nước, các vấn đề xã hội vốn âm ỷ hình thành nhiều thập kỷ qua đã bùng nổ ngay trước mắt mọi người. Chứng kiến cảnh bạo loạn trên đường phố, ai cũng muốn những vấn đề xã hội này được giải quyết và sự xuống cấp đạo đức bị đẩy lùi”.
Sự trường tồn của một dân tộc chính là sự trường tồn của văn hóa. Nhất là khi dân tộc có đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản thì văn hóa trong Đảng càng giữ một vai trò quan trọng. Đảng Cộng sản là trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Cán bộ, đảng viên là những người ưu tú của dân tộc. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Văn hóa trong Đảng trước hết và lâu dài là văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức, lối sống. Bởi vì sự sai lầm về đường lối chính trị và sự hư hỏng của cán bộ đảng viên là hai nguy cơ lớn của đảng cầm quyền. Xây dựng văn hóa trong Đảng trước hết là xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh cách mạng vững vàng trong mọi tình huống phức tạp, mọi bước ngoặt hiểm nghèo, mọi giai đoạn cách mạng khác nhau. Trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, cứng rắn về chiến lược, mềm dẻo về sách lược, linh hoạt về biện pháp, huy động được lực lượng của toàn dân tộc, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Trong những nhân tố làm nên sức mạnh của Đảng thì lòng tin của nhân dân là quan trọng nhất. Trong văn hóa chính trị của Đảng, về tư tưởng, đó là tư tưởng cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công, luôn luôn đề phòng và kịp thời khắc phục những lệch lạc “tả”, hữu khuynh, chống tư tưởng cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, đồng thời có khả năng dự báo các chiều hướng có thể xảy ra. Đó là tư tưởng cách mạng, khoa học, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất phát, lấy cải tạo biến đổi hiện thực Việt Nam làm mục tiêu. Tư tưởng của Đảng được làm giàu thêm bằng việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Văn hóa đạo đức, lối sống của Đảng là Đảng phải thật sự là đạo đức, là văn minh. Đảng phải là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức chiến đấu kiên cường; một tổ chức với đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng và các nhân viên đều là đầy tớ trung thành, tận tụy của dân; phải thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, dám hy sinh lợi ích riêng tư vì lợi ích chung của Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Bản chất của Đảng là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, văn hóa trong Đảng kém sẽ trở thành lực cản cho sự phát triển, thậm chí còn làm băng hoại Đảng và chế độ.
Văn hóa có vai trò, sứ mệnh to lớn như vậy, nhưng không phải tự nhiên mà có. Chúng ta chỉ nói, chỉ hiểu, chỉ dừng lại ở nhận thức lý lẽ dù sâu sắc đến đâu cũng vẫn chưa là văn hóa, chưa nói đến sức mạnh của văn hóa. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn cư dân, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và hoạt động của con người. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý, nếp sống quốc dân, từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức vụ lãnh đạo, quản lý và cấp cao. Tức là chỉ khi nhận thức biến thành niềm tin bên trong, thành hành động thật sự, tự nhiên hàng ngày thì mới trở thành văn hóa. Khái niệm “trở thành văn hóa” không dành cho lời nói, mà phải nói đi đôi với làm, hành động thật sự, hơn thế nữa còn phải nêu gương với ý thức trách nhiệm cá nhân cao. Đây là một cuộc cách mạng – cách mạng văn hóa-tư tưởng, hết sức khó khăn, lâu dài, gian khổ, phức tạp và quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Cái xấu cũng như cái tốt, khi đã ăn sâu vào tâm lý, nếp sống thì trở nên bền vững, kiên cố, có sức sống dai dẳng. Điều này cắt nghĩa tại sao nhiều thói quen truyền thống lạc hậu đang trỗi dậy nhanh trong xã hội ta.
Văn hóa càng có ý nghĩa hơn đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo, cán bộ cấp cao. Một người dân, một cán bộ bình thường suy thoái về văn hóa thì phạm vi ảnh hưởng hẹp. Sự suy thoái về văn hóa của cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, đứng đầu thì phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của Đảng, đến sự tồn vong của chế độ.
Hội nghị Trung ương 4 bàn “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xét đến cùng và sâu xa là bàn công tác xây Đảng về văn hóa. “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” mà Nghị quyết nêu lên thực chất là sự tha hóa về văn hóa. Đó là sự suy thoái về văn hóa chính trị, văn hóa tư tưởng, văn hóa đạo đức, văn hóa trách nhiệm, văn hóa tổ chức, văn hóa lối sống. Một bộ phận không nhỏ đó đã mất hết đạo đức, tâm hồn, nhân cách, ý chí, nghị lực, lối sống đẹp. Bộ phận không nhỏ đó là tác nhân quan trọng “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”; nếu không được sửa chữa, khắc phục “sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Nhận thức và thực hành Nghị quyết Trung ương 4 phải ở tầm mức văn hóa thì mới thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Trung ương ra nghị quyết về xây dựng Đảng. Cũng phải bắt đầu bằng văn hóa và cuối cùng là văn hóa để thấy rằng văn hóa còn thì chế độ còn, văn hóa mất thì chế độ mất.
---------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 57.
(2) Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Tài liệu tham khảo đặc biệt phục vụ cồng tác lãnh đạo, quản lý, số 9-2011, tr.23.
(3) Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Tài liệu tham khảo đặc biệt, Sdd, tr.24.
(4) Báo Nhân dân, ngày 28-2-2012.
(5) Báo Tiền Phong, ngày 16-8-2011.
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Xuân về Tết đến: Cảm nhận văn chương xứ Nghệ từ điểm nhìn văn hóa
Thống kê truy cập
114513952
Hôm nay
2122
Hôm qua
2303
Tuần này
21889
Tháng này
220825
Tháng qua
121356
Tất cả
114513952