Mặc dù chỉ mới ra đời từ năm 2007, uy tín của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã là một hiện thực hiển nhiên. Chúng tôi rất hân hoan và hãnh diện nhận được giải thưởng về dịch thuật năm nay của Quỹ – nhất là khi Quỹ này lại mang tên một nhà chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng kính yêu.
Thưa quý vị và các bạn,
Người Việt nào cũng muốn nhìn thấy văn hóa Việt trường tồn. Nhưng muốn vậy, như bất cứ dân tộc nào khác, chúng ta luôn luôn phải tìm giải đáp cho hai câu hỏi: phải vất bỏ cái gì của ta, và phải học hỏi cái gì từ kẻ khác, để có thể tồn tại lâu dài trong lịch sử nhân loại, như một nền văn minh? Bởi vì, ít nhất từ đầu thế kỷ XX, chúng ta đều biết: không chỉ có con người mới chết đi. «Chúng ta, những nền văn minh, nay ta đều biết rằng mình không hề là bất tử»[1][1] .
Dịch kinh sách từ các nền văn hóa bên ngoài chính là phần thiết yếu nhất của câu trả lời cho trăn trở thứ hai : học hỏi kẻ khác để sống còn. Bởi vì, đúng như triết gia Pháp Paul Ricoeur đã nhận định, trong một luận văn viết cho UNESCO, phiên dịch chính là «mẫu hình cho tất cả mọi trao đổi, không chỉ giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ kia, mà còn giữa nền văn hóa này với nền văn hóa kia nữa»[2][2].
Nhưng tại sao tôi lại chọn Cổ Hy Lạp, tại sao lại chọn Socrates ?
Thưa quý vị và các bạn,
Nói về thằng tôi đã là điều đáng ghét. Nói về những xác tín của nó lại càng đáng ghét hơn – nhất là khi chúng có thể không đúng như ta hằng suy nghĩ. Dù sao, đã lên đây, cho tôi thổ lộ đôi ba điều vẫn thường tự nhắc nhở mình.
Thứ nhất : Hãy đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc canh hay đơn sắc ; hãy đoạn tuyệt với loại «tư duy duy nhất». Có những nền văn minh tự xem mình là cái rốn của vũ trụ ; chúng ta đều biết chúng đã có số phận nào. Đừng tự tay xây nhà mồ, dù đồ sộ và lộng lẫy, cho chính mình.
Thứ hai : Hãy đoạn tuyệt với những cổ võ «về nguồn», với tâm thức luôn luôn lo sợ «mất bản sắc», với mộng mị khư khư «bảo tồn văn hóa dân tộc». Việt Nam ta không có hãnh diện được là một chiếc nôi của văn minh nhân loại. Ta không có chiếc nôi hoành tráng nào để trở về yên ngủ cả. Có nhiều nét văn hóa ta cứ ôm cứng vì ngỡ là của mình, xem kỹ lại hóa ra là bị áp đặt bởi kẻ khác. Hãy «chấn dân khí». Đất Pháp cũng không phải là một chiếc nôi của văn minh nhân loại: người Pháp viết bằng chữ cái Latin, tính toán bằng số Ả Rập. Điều đó không ngăn cản họ cống hiến cho nhân loại bao giá trị văn hóa lớn lao sau này.
Thứ ba : Đừng để bị cầm tù bởi ý niệm «bản sắc văn hóa». Trong cùng bài luận ở trên,Ricoeur còn viết : «Tôi hình dung bản đồ văn hóa thế giới như một mạng lưới nhiều nguồn sáng lan tỏa từ các trung tâm hay tổ văn hóa đan chéo vào nhau, và được định nghĩa không phải bằng chủ quyền của nhà nước quốc gia, mà bằng sức sáng tạo, bằng cái năng lực ảnh hưởng lên những nôi, tổ khác và tạo ra phản hồi». Như vậy, từ bỏ ý niệm biên giới trong quan hệ văn hóa, Ricoeur xem «bản sắc văn hóa» của mỗi quốc gia như một biến số lịch sử; ông đặt tên nó là «bản sắc trần thuật (tự sự)» rồi đặt nó đối lập trực diện với cái ý tưởng có một bản sắc bất biến ... «Nét đặc trưng của bản sắc trần thuật là nó được định nghĩa không phải bằng cái đồng nhất mà bằng cái chuyển biến: mỗi tập thể sinh động đều luôn luôn có một lịch sử để tường thuật, và câu chuyện kể là một trong những nẻo đường hợp thành sự tỏa sáng đan chéo vào nhau của các nền văn hóa»2.
Thứ tư : Đất nước ta may mắn có hàng ngàn cây số bờ biển, nhưng chúng ta chỉ mới nói đến kinh tế biển gần đây thôi. Hãy nhìn xa hơn những vấn đề kinh tế dù thiết yếu, mà nghĩ thêm về «văn hóa biển» – «văn hóa ra khơi». Đã nghĩ tới chuyện «hậu dân sinh», hãy hạ quyết tâm «khai dân trí». Chúng ta đã «giải phóng đôi vai và đôi tay»; hãy tự giải phóng nốt cái đầu, hãy «tự lực khai hóa» tiếp. Tự nhiên, mỗi công trình phiên dịch sẽ là một chiếc thuyền vượt trùng dương, để chở về bao giá trị lạ lẫm nhưng hay đẹp, và về lâu về dài, vô cùng hữu ích.
Thứ năm : Tôi tin rằng chúng ta cần học hỏi rất nhiều từ phương Tây. Thử nhìn quanh ta mà xem. Internet, điện thoại di động, thiết bị thu hình - phát sóng, ôtô, máy bay, xe lửa cao tốc, thuyền đại dương, tàu vũ trụ, v. v... Bao nhiêu thứ mỗi ngày vây quanh ta, là bấy nhiêu sản phẩm kinh tế gốc gác từ đây. Nhưng sức mạnh kinh tế của phương Tây chỉ là phần nổi của tảng băng, cái làm cho sức mạnh kinh tế ấy nổi cao như núi, nghĩa là cái phần chìm của băng sơn này, chính là những giá trị văn hóa – trong đó có tư duy lý tính, có tinh thần phê phán, có tư tưởng tự do, có tư tưởng dân trị hay dân chủ.
Và Cổ Hy Lạp chính là chiếc nôi của nền văn hóa ấy. Và Socrates chính là triết gia đầu tiên của dòng triết học muốn áp dụng lý tính vào mọi vấn đề con người, là nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột: triết học chống tôn giáo, phê phán chống bảo thủ, chuyển biến chống bất động,... trong thời Cổ Hy Lạp ấy.
Tất nhiên, chúng ta có thể chỉ nhại hàng hóa Tây phương, sản xuất ra những hàng giả, hàng dỏm của họ rồi quỵt luôn tác quyền, như có nơi đã làm. Nhưng tôi thực tình nghĩ rằng, để đạt đến tầm vóc thật sự của phương Tây, cần một nỗ lực học hỏi đích thực. Nhưng thế nào là học hỏi đích thực ?
Thưa quý vị và các bạn,
Ở đây, chúng ta có thể nhìn vào ngay lịch sử văn hóa của phương Tây, để thấy các nước Âu châu đã tự học hỏi như thế nào, hay nói cụ thể và chính xác hơn, đã tiếp thu những giá trị văn hóa của Hy Lạp xa xưa như thế nào.
Lịch sử chính trị cổ Hy Lạp xem như chấm dứt khi các thành quốc ở đây trở thành tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã năm 27 TCN. Nhưng từ trước đó, những giá trị văn hóa của Athens đã lan tràn khắp nơi theo bước chân bành trướng của kẻ chinh phục. Đời sau gọi hiện tượng này là sự Hy Lạp hóa.
Thành Alexandria (Ai Cập) trở thành thủ đô văn hóa của thế giới Hy Lạp hóa này, và Thư viện Hoàng gia ở đây thành trung tâm học thuật của cả thế giới cổ đại. Kinh sách khắp nơi được đưa về Alexandria bằng mọi phương tiện, sách Hy Lạp được dịch ra các thứ tiếng khác và ngược lại. Nhưng khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, văn hóa Hy Lạp cũng suy sụp theo. Tiếng Hy Lạp còn được sử dụng tại Byzantium (hay Đế quốc Đông La Mã), nhưng tư tưởng đã mất thế thống lĩnh, tác phẩm không còn được phiên dịch, giới học giả chú tâm nhiều hơn vào việc gìn giữ những văn bản Ki Tô giáo.
Sự khôi phục lại những giá trị văn hóa Hy Lạp ở phương Tây được thực hiện qua 3 đợt của «thời đại phiên dịch», trong bối cảnh chồng chéo của những cuộc chiến xâm lấn / giải phóng giữa các xứ Âu châu Kitô giáo và Ả Rập Hồi giáo.
– Đợt thứ nhất, từ chữ Hy Lạp sang chữ Ả Rập, kéo dài từ tk thứ VIII đến tk thứ IX. Nó xảy ra khi Đế quốc Ả Rập cũng bị những giá trị văn hóa của Hy Lạp thu hút, sau khi thôn tính nhiều xứ Hy Lạp hóa (Mesopotamia, Syria, Ai Cập) và các vùng phía nam Byzantium (Tây Ban Nha, Sicily). Tác phẩm triết học và khoa học bằng chữ Hy Lạp và cả Latin được giới học giả Ả Rập liên tục phiên dịch, bình luận, và phổ biến.
– Đợt thứ hai, từ chữ Ả Rập sang chữ Latin, trong suốt hai tk XII - XIII. Với sự xây dựng và phát triển của các đại học khắp châu Âu, văn bản thuộc các lĩnh vực khoa học được phiên dịch nhiều nhất, sau mới đến triết học và tôn giáo. Khi công cuộc giải phóng các lãnh thổ bị Hồi giáo thôn tính thành tựu, học giả Âu châu khắp nơi đổ về Tây Ban Nha và Sicily để nghiên cứu học thuật và văn hóa Ả Rập. Tuy họ bất ngờ khám phá ra một ít văn bản bằng Hy Lạp còn giữ được, việc phiên dịch vẫn chủ yếu là từ chữ Ả Rập, trong khuôn khổ cũ.
– Đợt thứ ba, từ nguyên bản Hy Lạp sang chữ Latin, trong suốt thế kỷ thứ XV. Khi Byzantium bị Đế quốc Ottoman xâm chiếm (năm 1453), giới học thức từ đây đi lánh nạn tại các xứ lân cận mang theo một lượng lớn kinh sách bằng cả ba thứ tiếng (Ả Rập, Hy Lạp, Latin), đúng vào lúc tại nhiều nước Âu châu cũng nổi lên trào lưu «nhân bản» (lúc đầu phát sinh từ Ý và chỉ nhằm đổi mới việc dạy và học các bộ môn ngôn ngữ và văn học cổ, studia humanitatis = the humanities = les humanités). Thế nên các tác giả Hy Lạp được khám phá lại và dịch ra tiếng Latin từ chữ gốc...
«Nhân bản», từ đây, bao hàm tất cả mọi giá trị con người bắt nguồn từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Từ đây, thế kỷ «Phục Hưng» có thể lên đường, và với sự thúc đẩy của một biến cố cực kỳ quan trọng khác là sự phát minh ra máy in của Johannes Gutenberg (1455, Mainz), làm tiên đề cho thế kỷ «Khai Sáng».
Đấy, châu Âu đã tự học, đã tiếp thu những giá trị văn hóa của cổ Hy Lạp như thế đấy. Phiên dịch và phổ biến sâu rộng, bằng giáo dục.
Thưa quý vị và các bạn,
Giải thích sự thất bại của Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với phương Tây (Pháp) mà ông xem là cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất, nhà văn Nguyên Ngọc viết:
«Nếu thông minh và khôn khéo trong tiếp nhận văn hóa là đặc điểm quý của người Việt, thì không triệt để, không đi đến cùng, hời hợt, cũng là đặc điểm khác không hề kém quan trọng»...«Học lấy cái lạ đến từ bên ngoài cho yêu cầu sống còn tức thì của mình, nên rất thường chỉ “hớt” lấy cái cần, cái trên bề mặt mà học, và rồi chỉ dừng lại ở đó. Ngay đối với Phật giáo trước đấy cũng vậy, ở cấp triều đình chủ yếu cũng chỉ được khai thác cho mục đích cai trị, ở cấp nhân dân thì hòa trong đạo lý nhân ái dân gian của người bình dân, chẳng mấy khi tìm đến Phật giáo như một nền triết học uyên thâm bậc nhất của nhân loại, có lẽ chỉ trừ thời Lý Trần, dẫu đã cố gắng nhiều nhưng quả cũng chưa có mấy thành tựu lớn và sâu. Đối với Nho học cũng vậy, suốt một nghìn năm học Nho, nhưng Việt Nam không hề có được một nhà Kinh học như Hàn quốc hay Nhật Bản»[3][3].
Chia sẻ những nhận định trên của tác giả, tôi tin rằng muốn học hỏi thực sự những giá trị văn hóa của phương Tây, người Việt chúng ta cần tiếp thu chúng từ gốc rễ, chứ không thể tự bằng lòng với sự lắp ghép cành ngọn, hay tệ hơn nữa, sao chép những thành phẩm của người khác.
Bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu, hay từ những điểm mốc. Kiên nhẫn làm công việc phiên dịch nghiêm túc tối đa có thể làm. Mạnh bạo đưa chúng vào chương trình giáo dục. Chỉ khi nào những giá trị văn hóa con người chân chính của phương Tây không còn là chuyện ngoại lai, mà được tiếp thu đến mức có khả năng trở thành động lực nội sinh, thì sự học hỏi mới có thể được xem là thành công.
Thưa quý vị và các bạn,
Phiên dịch sách vở là phần nào làm công việc của người hướng dẫn du lịch. Chỉ khác nỗi đây là một hành trình văn hóa. Nhưng phiên dịch kinh sách cổ từ 25 thế kỷ trước thì đúng là làm người hướng dẫn xem viện bảo tàng, với tất cả những rủi ro đáng thất vọng của nó.
Athens của «thế kỷ Perikles» nay đã đầy rêu phong. Và đường nét huyền ảo của Socrates giờ có thể còn lung linh hơn trước nữa.
Khu Agora hiện là nơi ngổn ngang bao di tích kiến trúc của một thời vàng son đã khuất – chỉ còn hòn đá đánh dấu ranh giới là vẫn nằm nguyên ở chỗ nó đã được đặt hai mươi mấy thế kỷ trước. Đưa độc giả vào đây chẳng khác nào đẩy du khách vào một viện bảo tàng lộ thiên. Chỉ mong rằng họ – đối tượng của mọi nỗ lực phiên dịch của tôi, những học sinh và sinh viên Việt Nam – cũng nghe được, từ đâu đây, thì thầm mấy câu thơ của Paul Valery khắc trên tường Viện Bảo Tàng Nhân học ở Paris:
«Tùy người bước vào đây
Mà tôi là nấm mồ hay kho tàng
Mà tôi lên tiếng hay câm nín
Điều này chỉ tùy thuộc nơi bạn thôi
Ai ơi, chớ bước vào đây mà không ham muốn gì»[4][4].
Bởi vì không ham muốn chi thì chẳng được gì cả – từ hiểu biết hay tình yêu, đến hạnh ngộ hoặc khám phá.
Chỉ mong rằng họ cũng cảm nhận tương tự như một triết gia đương đại: đã dan díu với triết học, thì ít nhất cũng phải một lần trong đời, nghĩ về Socrates và cái chết của Socrates[5][5]. Vì sao? Cho tôi hỏi lại : Nhân cách và cái chết của Ông chẳng là lời chất vấn muôn đời đối với lương tri con người hay sao? Nhất là khi vụ án và cái chết của Socrates đâu chỉ là chuyện cổ tích : nó xảy ra ở khắp nơi, ngay trong thế kỷ 21 này.
[1][1]«Nous autres, civilisations, nous savons maintenant que nous sommes mortelles» (Paul Valéry, La Crise de l’esprit, 1919)
[2][2] Paul Ricoeur,Cultures, du deuil à la traduction. Le Monde, 24 Mai, 2004 (Phát biểu tại «Những Trao đổi của Thế kỷ XXI : «Giá trị sẽ đi về đâu?», tổ chức ngày 28-4-2004 tại Unesco). Văn hóa : từ để trở sang phiên dịch. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Luật (www.amvc.free.fr.)
[3][3] Nguyên Ngọc, Về chuyện bản sắc, bản sắc dân tộc.
[4][4]«Il dépend de celui qui passe/ Que je sois tombe ou trésor/ Que je parle ou me taise/ Ceci ne tient qu'à toi/ Ami, n'entre pas sans désir» (Câu thơ phương châm của Paul Valéry khắc trên tường Viện bảo tàng Con người - Musée de l’Homme - thuộc quần thể Palais de Chaillot)
[5][5]«Il faut bien, comme professeur de philosophie, avoir faire au moins une fois dans sa vie, un cours sur Socrate et la mort de Socrate» (Michel Foucault, sdttm, tr. 142).