Được phát biểu quan trọng nói trên gợi ý, một số báo in và báo mạng đã đăng những ý kiến xung quanh vấn đề lợi ích nhóm đang chi phối quá trình quyết sách ở các cấp lãnh đạo như thế nào. Đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng có tính thời sự, rất nên đưa ra tranh luận công khai.
Các vụ rắc rối xảy ra trong cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ở nhiều nơi thời gian qua cho thấy sự va chạm lợi ích kinh tế (chứ không phải va chạm ý thức hệ) giữa các nhóm dân chúng đã bắt đầu có những biểu hiện gay gắt, báo động xu hướng đối lập trong xã hội đang tăng lên, khối đại đoàn kết dân tộc Bác Hồ dầy công xây đắp có khả năng bị suy suyển, lý tưởng chủ nghĩa xã hội đang trở nên xa vời. Nguyên nhân sâu xa của tình hình này là sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ quan chức chính quyền đã để cho quá trình hoạch định và thực thi chính sách bị chi phối bởi lợi ích ích kỷ của một số ít người, chứ không phải lợi ích của đa số nhân dân.
Thực ra ở nước nào, thời nào cũng có những va chạm lợi ích giữa các nhóm dân, nhưng khi lợi ích của số đông phải nhường bước cho lợi ích của một số ít người thì vấn đề đã trở nên rất đáng quan tâm bàn thảo và đòi hỏi có biện pháp giải quyết êm thấm, trước hết nhằm bảo vệ lợi ích của số đông nhân dân, nhất là người lao động, quần thể người nghèo, thứ hai nhằm giữ ổn định xã hội.
2. ở đây chúng ta rất cần làm rõ lợi ích nhóm mà TBT Nguyễn Phú Trọng nói là lợi ích của nhóm nào?
Hiển nhiên đó không phải là lợi ích của nhóm người chiếm đại đa số dân ta. Khi TBT xếp lợi ích nhóm ngang hàng với tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí, thì rõ ràng ông muốn nói nó là một nhân tố tiêu cực, chớ nên để nó chi phối việc hoạch định và thực thi chính sách.
Theo thiển ý của chúng tôi, ở đây có lẽ TBT muốn nói tới lợi ích của một số nhóm đặc quyền đặc lợi. Các nhóm này chiếm phần rất nhỏ trong số dân nhưng do có đặc quyền đặc lợi nên họ đang vì bảo vệ và tranh giành lợi ích ích kỷ của mình mà tác động mạnh mẽ đến quá trình quyết sách của cấp lãnh đạo từ cao tới thấp. Lợi ích của họ đang trở nên ngày càng đối lập với lợi ích của đa số dân; họ là vật cản tiến trình phát triển kinh tế-xã hội-chính trị của đất nước ta.
Khi lần đầu tiên đưa ra vấn đề nhạy cảm này, có lẽ TBT muốn nói tới tình trạng một số chủ trương chính sách của ta có thể đã bị nhóm người đặc quyền đặc lợi nào đó chi phối theo hướng có lợi cho họ, có hại cho đa số nhân dân. Phải chăng đây là hồi chuông báo động sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay đã nguy hiểm tới mức làm cho những cấp nào đó trong bộ máy lãnh đạo đã xa rời lợi ích của nhân dân?
Có thể thấy điều này qua lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình với tư cách là Bộ trưởng Tài chính... Quản lý Nhà nước phải vì lợi ích của 86 triệu dân, chứ không vì lợi ích của một hay nhóm doanh nghiệp và cá nhân nào”. ở đây tuy chưa nêu tên doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đang chi phối giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhưng trong 10 năm làm Phó rồi Trưởng Tổng Kiểm toán nhà nước ông Huệ thừa biết họ là ai. Dù sao, phát ngôn của Bộ trưởng Huệ thật quyết liệt khiến dân chúng cảm thấy bất ngờ, bởi lẽ bao năm nay chưa cán bộ cấp cao nào dám nói như vậy, tuy tình hình đã rõ như ban ngày.
Một nhà báo của mạng VietNamNet giải thích sở dĩ có tâm trạng bất ngờ đó là do "lâu nay dai dẳng trong tâm lý xã hội là sự hoài nghi về cái tâm của nhiều quan chức. Họ làm việc vì dân hay vì ai?".
Quả vậy, nếu các quan chức đều làm việc thực sự vì lợi ích của 86 triệu dân thì tình hình kinh tế đã chẳng trì trệ, tâm trạng bất bình của dân đã chẳng ngày một tăng lên như nhiều năm qua. Điển hình là sự trì trệ trong giao thông vận tải, tới mức tân Bộ trưởng Đinh La Thăng khi vừa tiếp quản nhiệm vụ mới đã gây xôn xao dư luận vì ông liên tiếp có những phát biểu và hành động tấn công thẳng vào tình trạng trì trệ.
Nhưng số phận cái mới mong manh lắm, lẻ loi lắm. Đến mức nhân dân phải kêu lên: “Sao chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng?”, “Mình Bộ trưởng Thăng, xoay chuyển thế nào?”, còn các ngành cứ... im im làm sao ý? (VietNamNet, 3/11/2011).
Vụ Tiên Lãng ồn ào thế mà nhiều cơ quan hữu trách chỉ vào cuộc khi có lệnh của Thủ tướng. Hầu hết các đại biểu dân cử như đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đương nhiệm, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hải Phòng đều im lặng đến khó hiểu. Các quan chức Hải Phòng thì hành động rất mâu thuẫn: thoạt tiên họ quá vội vàng khẩn trương huy động lực lượng trấn áp gia đình bị cưỡng chế; sau đó khi dư luận vạch ra cái sai của họ thì họ lúng túng như gà mắc tóc, chậm chạp tìm cách giải quyết. Tình trạng im lặng và chậm chạp khó hiểu ấy khiến dư luận nghi vấn về chất lượng chính trị của không ít đại biểu dân trong cơ quan lập pháp và hành pháp; phải chăng họ đang xa rời việc bảo vệ lợi ích của dân và bị lợi ích nào đó chi phối?
May sao một số nhà báo chân chính đã dũng cảm đến tận hiện trường tìm hiểu thực tế và thông tin chính xác cho toàn dân biết tình hình thực sự, qua đó đảo ngược chiều hướng dư luận. Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và một số cán bộ cấp cao khác tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn kịp thời lên tiếng bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân, vạch ra cái sai của chính quyền địa phương, khiến toàn dân hồ hởi hy vọng vụ này không thể "rơi vào im lặng" được nữa. Cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đưa ra những phân tích có tình có lý, nhất là quan điểm không được lẫn lộn mâu thuẫn nội bộ nhân dân với mâu thuẫn địch ta. Giới trí thức đã kịp thời lên tiếng phản biện lại cách thông tin sai trái của chính quyền Tiên Lãng Hải Phòng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói lên những ý kiến rất sâu sắc về vấn đề nông dân, tràn đầy tình thông cảm với nỗi khổ của họ. Công lý đã lên tiếng; nếu không thì rất có thể vụ này sẽ được giải quyết theo hướng lợi ích của người dân phải nhường bước cho lợi ích của ai đó.
3. Công cuộc đổi mới, nền kinh tế thị trường hóa và sự thừa nhận sở hữu tư nhân đã làm tăng rõ rệt của cải xã hội và xuất hiện một số ít người giàu lên nhanh trong khi toàn dân cũng giàu lên nhưng chậm hơn. Lẽ ra làm giàu là chuyện đáng hoan nghênh, nhưng do thiếu các chính sách đúng đắn dẫn dắt nên thời gian qua phân hóa giàu nghèo tăng lên quá nhanh. Người giàu càng giàu hơn, và một cách tương đối, người nghèo càng nghèo đi. Của cải tập trung trong tay một số ít người trở thành vốn liếng để họ tìm mọi cách làm giàu hơn nữa, chủ yếu bằng hai cách: - đầu tư vào các dự án kinh doanh hợp pháp và cả bất hợp pháp; - hối lộ móc ngoặc quan chức chính quyền để được hưởng các ưu đãi về đầu tư. Ngoài ra một số quan chức ở nhiều cấp lạm dụng quyền lực mình được giao để tham nhũng và bản thân họ (hoặc người thân của họ) trở nên giàu có, sau đó tiếp tục tham nhũng và chạy chức, mua chức để có nhiều dịp tham nhũng hơn. Giáo sư Dương Phú Hiệp đã cảnh báo về tình trạng cài cắm người nhà của mình vào các vị trí lãnh đạo, một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử nước Việt Nam mới và đang nhanh chóng làm mất lòng tin của dân.
Thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã làm nổi bật giá trị cực kỳ to lớn của đất đai. Đầu tư kinh doanh nhà đất trở thành hình thức kiếm lời nhanh nhất cho giới quan chức tham nhũng và giới nhà giàu.
Ai cũng vậy, đã giàu lại càng ham muốn giàu hơn nữa. Vì mục đích ấy lẽ tự nhiên những người giàu sẽ liên kết lại, hình thành các nhóm lợi ích (NLI) của thiểu số. Những người thuộc các nhóm này không bao giờ muốn từ bỏ lợi ích của mình; họ rất dễ đối lập với lợi ích của đa số nhân dân.
Thực ra các nhóm này gọi đúng tên phải là Nhóm đã được hưởng lợi ích, tức nhóm người đã giành được và thực sự đang sở hữu những lợi ích cực lớn, nắm trong tay những tài sản vật chất và quyền lực cực lớn có thể làm khuynh đảo hệ thống công quyền (như trong vấn đề quy hoạch đô thị, giao thông, các dự án xây dựng lớn). Loại NLI này tiếng Anh gọi là Vested Interest Groups, nhưng ở đây vì để ngắn gọn, chúng tôi vẫn gọi là NLI.
Cho tới nay đại để có thể thấy trong giới quan chức ở nước ta đã hình thành hai loại NLI chủ yếu, hoặc hai nhóm đặc quyền đặc lợi lớn.
Nhóm thứ nhất là NLI quyền lực với đại diện là các quan chức tham nhũng ở mọi cấp, họ lợi dụng quyền lực được nhân dân giao để làm giàu chủ yếu bằng cách nhận hối lộ từ tất cả mọi nguồn trong ngoài nước.
Nhóm thứ hai là NLI đặc quyền với đại diện là một số quan tham phụ trách các ngành kinh doanh những sản phẩm hoặc dịch vụ có tính đặc quyền và độc quyền, lợi nhuận lớn mà khó kiểm soát, chủ yếu là kinh doanh tài nguyên thiên nhiên (thí dụ dầu khí, khoáng sản, đất đai), các nhu yếu phẩm tối cần, tài chính tiền tệ, v.v…
Thứ lợi ích mà các NLI đó được hưởng là lợi ích đặc biệt, không phải là kết quả lao động chính đáng, và nếu cứ để lợi ích đó tăng lên thì đối lập và xung đột xã hội sẽ ngày một tăng lên theo. Hai NLI nói trên đang trong quá trình trưởng thành, họ gắn bó với nhau, hình thành một sức mạnh đáng sợ tính bằng hàng chục hàng trăm nghìn tỷ đồng. Một số người trong các NLI đó đang tìm cách tác động tới quá trình quyết sách ở lãnh đạo mọi cấp để mưu lợi cho mình theo luật chơi có tiền thì mua được nhiều thứ, nhiều tiền thì mua được tất cả mọi thứ, kể cả chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Rõ ràng nếu không sớm ngăn chặn và làm suy yếu tác động của các NLI kể trên đối với việc hoạch định các quyết sách của nhà nước thì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ ngày một xa vời và kết cục chế độ ta sẽ đi theo vết xe đổ của Liên Xô hoặc sẽ rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình (như các nước Mỹ La Tinh).
Muốn ổn định chính trị thì phải điều hòa hợp lý lợi ích của các nhóm dân. Như trong xuất khẩu nông sản cần điều hòa lợi ích của nhóm nông dân làm ra sản phẩm với lợi ích của nhóm lưu thông nông sản (thương nhân hoặc doanh nghiệp quốc doanh, tư doanh; nếu có mâu thuẫn gay gắt thì phải bênh vực lợi ích của đa số.
4. Giờ đây toàn dân ta đặt hết niềm hy vọng vào công cuộc chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ mà TBT Nguyễn Phú Trọng khẩn thiết đề xuất và phát động. Nếu Đảng chỉnh đốn thành công thì sẽ góp phần quyết định giúp chế độ ta tránh khỏi nghịch cảnh kể trên. Nhằm thực thi sự chỉnh đốn ấy, Hội nghị TƯ Đảng vừa qua đã thảo luận và thông qua ba văn bản, gồm “Quy định thi hành Điều lệ Đảng khóa XI”; “Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; và “Quy định những điều đảng viên không được làm”.
Việc ban hành văn bản thứ ba nhằm thể chế hóa công tác quản lý đảng viên sẽ có tác dụng tốt hơn việc tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động này được tuyên truyền rầm rộ nhưng còn nặng về hình thức, hiệu quả thực tế thấp vì không có tính ràng buộc; hiện tượng tiêu cực trong hệ thống nhà nước, nhất là ở các cơ quan hành chính, trật tự trị an và các ngành phục vụ dân sinh không hề giảm. Nhiều bài học lịch sử đã cho thấy nhân trị, đức trị không thể thay cho pháp trị, trong Đảng cũng vậy.
Mới đây Điều 1 Điều lệ Đảng khóa XI đã được sửa lại thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân,đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam;...” (có thêm vế thứ hai sau dấu phẩy); vì vậy sẽ là hợp tình hợp lý nếu để nhân dân lao động và toàn dân tộc tham gia giám sát đội tiền phong của mình thực hiện các quy định nói trên ra sao. Lịch sử cho thấy quần chúng nhân dân bao giờ cũng là người thực hiện tốt nhất chức năng giám sát các thể chế quyền lực. Để các thể chế đó tự giám sát thì chỉ là uổng công vô ích. Bao năm nay đã có không ít đảng viên trong các chi bộ được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh cho tới ngày cá nhân hoặc cả cơ quan họ bị lộ là tham nhũng.
Thiết nghĩ cũng nên ban hành các điều luật hoặc quy định cụ thể nhằm thực hiện yêu cầu không để cho tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích của nhóm đặc quyền đặc lợi chi phối việc hoạch định các chủ trương chính sách, như đề xuất sáng suốt của TBT Nguyễn Phú Trọng.