Đất Nghệ

Mấy bài văn, thơ của nhà nho Lê Triệu viết về Nghệ An

Lê Triệu (1771-1846), thường gọi là Cả Triệu, tên tự là Ôn Phủ, hiệu Liên Khê, quê xã Hoàng Phong, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông không đỗ đạt, nhưng nổi tiếng hay chữ, được người đương thời ví như danh nho Nguyễn Hành (1771-1824) người Tiên Điền xứ Nghệ xưa: “Nghệ Hai Hành, Thanh Cả Triệu”.

Trước đây vì chưa sưu tầm được các trước tác của ông, mà chỉ dựa vào giai thoại, nên hiểu biết chưa đầy đủ, có nhiều nhầm lẫn! Vừa qua, nhờ phát hiện tác phẩm của ông "Liên Khê di tập” và “Nam hành tạp vịnh”, do người cháu nội sưu tập lại vào năm Nhâm Tí, triều Tự Đức (1852), trong đó có bài đề tựa là bút tích của ông và hơn hai trăm bài thơ, văn do ông sáng tác. Vì vậy đến nay mới biết rõ phần nào về năm sinh, năm mất và hành trạng của ông. Tác phẩm “Liên Khê di tập” có khoảng 160 bài thơ do tác giả sáng tác để đề tặng bạn hữu, phần lớn là các nhà khoa bảng, quan lại đương thời nhiều địa phương, có một số ở Nghệ An. Còn tác phẩm “Nam hành tạp vịnh” gồm khoảng 60 bài kí, bài thơ viết về những địa danh nổi tiếng mà tác giả đã đặt chân đến, trong chuyến du hành từ Thanh Hóa vào Huế.

Các trước tác thơ văn của Liên Khê bị mất mát nhiều, “mười phần chỉ mới sưu tập được một hai”(1). và hiện chưa dịch hết. Nhưng có một số bài rất giá trị, cả về nghệ thuật lẫn nội dung và hết sức độc đáo. Chẳng hạn bài thơ: “Kiến Quang Trung linh cửu” (Nhìn thấy linh cửu vua Quang Trung). Nội dung cho biết tác giả đã đến tận lăng mộ vị anh hùng dân tộc Quang Trung, sau hai năm bị Gia Long khai quật, phi tang và công khai ca ngợi Quang Trung là anh hùng, lên án Gia Long là tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, bị muôn đời chê cười(2). Hoặc bài thơ: “Khỏa nhị đại tiểu Trường Sa” (Đặt chân lên hai Trường Sa lớn nhỏ), nội dung cho biết cách nay trên 200 năm, Lê Triệu có thể đã tới thăm quần đảo Hoàng Sa và sáng tác thơ để lại!(3).
Như trên đã trình bày, trong chuyến “Nam hành”, vào năm Giáp Tí, triều Gia Long (1804), Lê Triệu đi qua Nghệ An. Ông đã ghé thăm một số bạn hữu, thắng cảnh danh lam xứ Nghệ và gửi lại những sáng tác thơ văn. Ví như mấy bài thơ: “Tặng Hoan Châu danh sĩ Đinh Bạt Nhự”, “Thướng Quốc tử giám tư nghiệp tiên sinh (Nghệ An nhân)”, “Bằng quận công sự ngẫu tác”, “Song Ngư sơn”, “Vọng Thiên Cầm sơn hoài cổ”, “Quá Kinh Dương Vương từ”... Trước đây chúng tôi đã giới thiệu được hai bài: “Vọng Thiên Cầm sơn hoài cổ”(4) và “Quá Kinh Dương Vương từ”(5). Năm nay nhân kỷ niệm ngày sinh của Liên Khê Lê Triệu, chúng tôi xin giới thiệu tiếp bài thơ tác giả viết tặng người anh em kết nghĩa, quê Chân Lộc Nghệ An, nhan đề: “Tặng Nguyễn Đốc học khế hữu” và 2 bài viết về vùng cương giới Nam, Bắc của Hoan Châu (xứ Nghệ) là: “Ngọc Sơn Lãnh Khê kí” và “Hoành Sơn quan hoài cổ”.
Bài I - 
Phiên âm
“Tặng Nguyễn Đốc học khế hữu (Công Nghệ An nhân)
Thiên tải thư hi tín diệc hy
Bồng Sơn bố vọng nhược phân kì
Kiếm thư đắc lộ công hà quí
Sếnh bạt vô tài ngã tự tri
Tùng bách hỉ giai tiền bản sắc
Quan san khởi trở cựu tương tùy
Hồng Phong, Châu Lĩnh sơn hà viễn
Điểu dục cầu thanh khởi quyện phi”
Dịch nghĩa:
“Tặng Nguyễn Đốc học người anh em kết nghĩa
     (Ông người Nghệ An)(6) 
Đã lâu lắm rồi ít nhận được tin tức của nhau
Non Bồng nhìn khắp mà thấy hai ta vẫn đôi đường chia cách
Kiếm thư ông thuận đường, ông chẳng thẹn thùng gì
Sếnh bạt tôi vô tài, tôi tự mình biết
Tùng bách mừng vì cả hai cùng giữ được bản sắc xưa
Sông núi há vì cách trở mà chúng ta không được gần nhau?
Hồng Lĩnh, Châu Phong (7) trời bao xa cách
Chim muốn tìm tiếng gọi nhau mà có quản gì mỏi cánh!”
 Dịch thơ:
“Thư tín bao năm chẳng nhận gì
Non Bồng trông ngóng nỗi chia li
Kiếm thư thuận nẻo ông nào thẹn
Sếnh bạt vô tài tôi nhớ ghi
Tùng bách mừng nhau cùng giữ nếp
Quan sơn cách trở nỡ phân kì
Châu Phong, Hồng Lĩnh trời bao cách
Mỏi cánh tìm nhau chẳng quản chi!”  
(Hồng Phi phiên âm - HP,HN dịch thơ)
Bài II
Phiên âm:
“Ngọc Sơn Lãnh Khê kí
Ngọc Sơn chi Nam, kì địa hữu Lãnh Khê yên. Truyền văn cửu hĩ!
Nhĩ lai ngu túc Bồng Môn lâm động dĩ Nam vị khuy tất bộ địa. Tuy văn tư khê danh diệc lãnh khán liễu.
Tuế Giáp Tí chi mộ Đông dư dĩ Nam hành thân lí kì cảnh ngoạn kì tuyền nhi ái yên. Cơ hữu trạc tuy chi tưởng, nải cúc kì thủy, tắc bạch như tuyết, lãnh như băng như lí nghiêm sương, như mạo hàn lộ kì dữ tha khê tương biệt nải tri tư khê chi danh bất thị lãng truyền.
Ngu dĩ sự khẩu chi. Thổ nhân vân: “Bất duy long động, tuy hạ thiên khốc nhiệt tuyền khê như thang nhi thử khê độc lãnh. Vãng lai hành nhân giai tá dĩ quán nhiệt giả. Y! ngu tri chi hĩ! Tuyền chi xuất ư thổ sơn giả thủy thường cam nhi ân. Tuyền chi xuất ư thạch sơn giả thúy thường đạm nhi lãnh. Thị khê tự Na Sơn phát nguyên, sơn mạch liên hành nhất vọng giai thạch, thạch trung hữu khiếu nhi truyền xuất yên. Dương hòa chi sở bất đáo, thổ khí chi sở bất xâm kì lãnh giả hạt quái! Tuy nhiên Khản Thủy chi tượng chúng âm hàm dương, gia bình chi nguyệt nhị dương xuất địa tuy hằng hàn chi khê vị hữu bất đái ôn nhuận thời ý tứ duy tô lạc sơn lạc thủy, giả tri chi phi biện vị phanh trà như Lục Vũ bối khả kế kì ba lưu dã, ngu cố hiểu nhi xuất chi”.
Dịch nghĩa:
“Khe Nước Lạnh ở Ngọc Sơn(8)
Phía Nam Ngọc Sơn, nơi ấy có khe Nước Lạnh. Tôi nghe nói đến khe này từ lâu. Gần đây tôi đi về Nam, tới Bồng Môn, cũng chỉ nghe, chưa nhìn thấy, song vẫn thờ ơ chưa chú ý gì!
Mùa đông năm Giáp Tí (1804), tôi vào Nam mới thực sự bước chân lên mảnh đất này. Xem suối đó mà cảm thấy vô cùng yêu thích! Tôi định sẽ rửa ráy, tắm giặt, nhưng khi múc nước lên thì thấy lạnh và trắng như tuyết, như băng, như dẫm chân vào sương lạnh, giá, như đầu đội trên mưa đá! Khác hẳn với nhiều khe suối ở gần đó.
Tôi tò mò hỏi những người thổ dân qua đó, thì nghe một vài người bảo: “Khe này không phải chỉ đến mùa đông giá buốt, nước mới lạnh thế. Ngay cả khi mùa nóng bức dữ dội, các khe suối khác nước như sôi, riêng khe này nước vẫn giá lạnh như vậy! Khách khứa qua lại đây dùng nước khe này để tắm rửa giải nhiệt”.
Ôi! Tôi rõ rồi! Suối chảy ra từ núi đất thì nước thường ngọt và ấm. Còn nước chảy ra từ khe núi đá thì thường nhạt và lạnh. Khe phát nguyên từ núi Nưa(9), mạch nước chảy liên tục, nhìn đâu cũng thấy toàn là núi đá. Trong núi đá có lổ nứt làm thành khe chảy ra. Khí dương hòa (mặt trời) không đến, khí của đất lại không thể xâm phạm, thì suối sẽ lạnh có gì là đáng lạ!
Tuy nhiên, tượng của Khản thuộc Hành thủy.Tượng của nước là thuộc về hành Khản(10) .Trong âm khí có ngậm dương khí, nên trong tháng gia bình thì khí nhị dương ra khỏi đất, tuy khe lạnh song chưa hẳn là không mang theo hơi ấm ? Theo ý tôi cũng như những người có thú vui với núi non sông nước ai là không biết điều đó! Tuy chưa sành sỏi phân biệt loại nước nào đáng pha trà, pha nước, như các ông Lục Vũ (11) hay những người sau thành thạo, nên tôi chỉ ghi lại để biểu hiện cảm nghĩ của tôi mà thôi!”.
Bài III
Phiên âm:
“Hoành Sơn quan hoài cổ
Bố Chính, Hoan Châu địa cực xung
Cổ lai hoành lạc nhất điều long
Việt Chiêm hợp nhận thiên niên sự
Nam Bắc phân mao đệ nhất phong
Hoàng Lí cố cương chiêu khấu lỗ
Bạch Vân di chỉ phục anh hùng
Hạnh kim cửu tế tam đồng hội       
Vạn lí sơn hà tại mục trung”.
Dịch nghĩa:
“Qua Hoành Sơn nhớ chuyện cũ
Châu Bố Chính và Châu Hoan(12) địa thế vô cùng xung yếu, hiểm trở
Từ xưa đến nay bị ngăn cách bởi một dãy núi chắn ngang như hình con rồng
Chuyện Việt Chiêm hai nước giao phong đã trải hàng ngàn năm
Nam Bắc ngăn đôi(13) cũng bởi một dãy núi này.
Đây là bờ cõi từ thời Lí đã chiêu dụ được giặc dữ
Dấu vết xưa để lại là mây trắng trên đỉnh non cao khiến cho đời khâm phục các bậc anh hùng
Nhưng nay bờ cõi xa xưa cả ba đã thu về một mối
Muôn dặm non sông đều nằm trong tầm mắt”.
Dịch thơ: “Bố Chính Hoan Châu thế hiểm xung
Xưa nay ngăn bởi một thân rồng
Việt Chiêm giao chiến ngàn năm chuyện
Nam Bắc phân đôi tách mỗi vùng
Cõi cũ Lí Hoàng chiêu giặc dữ
Dấu xưa mây trắng phục anh hùng
Mừng nay ba cõi cùng chung mối
Muôn dặm thu về một núi sông”.
                                          (Hồng Phi phiên âm và dịch)
Chúng tôi hi vọng rằng tới đây trước tác của Liên Khê Lê Triệu mới sưu tầm, được nghiên cứu, biên dịch đầy đủ và sẽ cung cấp thêm những áng thơ văn của ông, để bạn đọc Nghệ An và cả nước có hiểu biết trung thực, đầy đủ hơn về một nhà nho không đỗ đạt, nhưng phẩm cách và văn chương rất nổi tiếng được người đời truyền tụng!
 
 
--------------------------
(1) Theo bài tựa của người sưu tập viết năm Nhâm Tí triều Tự Đức (1852)
(2) Tạp chí Xưa và Nay số 245 (10-2005)
(3) Bài đã dịch nhưng chưa công bố
(4) Tạp chí Văn hóa HàTĩnh, 5-2000.
(5) Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 25-1-2007.
(6) Trong một bài họa thơ vị Đốc học họ Nguyễn, tác giả cho biết thêm ông này quê huyện Chân Lộc. Có thể là Nguyễn Bật Lượng, đỗ Cử nhân khoa Tân Tị, triều Minh Mạng (1821), từng giữ chức Đốc học chăng?
 (7) Dãy núi Hồng Lĩnh thuộc Hà Tĩnh và Nghệ An xưa. Châu Phong là hòn núi Ngọc, thuộc huyện Ngọc, thuộc huyện Hoàng Hóa, quê hương tác giả.
(8) Ngọc Sơn là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bây giờ.
(9) Núi Nưa nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
(10)Theo Bát quái,Ngũ hành. Thuật ngữ trong Kinh Dịch.
(11) Học giả Trung Quốc thời Đường chuyên nghiên cứu về trà (chè)
(12) Là tỉnh Quảng Bình và Nghệ An bây giờ.
(13)Tác giả chỉ cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511415

Hôm nay

278

Hôm qua

2336

Tuần này

21789

Tháng này

218288

Tháng qua

121356

Tất cả

114511415