Cuộc sống quanh ta

Nghĩ về hai tiếng đồng chí!

Cũng như hai tiếng Đảng ta, hai tiếng đồng chí có một vị trí, ý nghĩa rất riêng trong đời sống ngôn ngữ của người Việt kể từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê chủ biên thì từ đồng chí có ba nghĩa: 1. Người cùng chí hướng chính trị, trong quan hệ với nhau. 2. Từ dùng trong đảng cộng sản, để gọi đảng viên. 3. Từ dùng trong xưng hô để gọi một người với tư cách là đảng viên đảng cộng sản, đoàn viên một đoàn thể cách mạng hoặc công dân một nước xã hội chủ nghĩa (Tr 331. NXB Đà Nẵng, tái bản 1997). Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại, làm thay đổi số phận dân tộc, thay đổi thân phận người dân ta, từ đó người đảng viên đảng cộng sản, đoàn viên các đoàn thể cách mạng có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và có vị trí quan trọng trong sinh hoạt thường ngày. Nói đến tư cách của người đảng viên, đoàn viên là nói đến sự gương mẫu, tiến bộ, tiên phong, cần, kiệm, liêm, chính,chí công vô tư. Do đó, đồng chí trở thành từ xưng hô khá phổ biến và thường gắn với sự tôn kính, trân trọng, vừa gần gũi, tình cảm, thân mật. Thậm chí, từ đồng chí đã đi vào văn học nghệ thuật với một vị thế khá đặc biệt, trở thành một đề tài, thành nhân vật trung tâm để ngợi ca, phản ánh tình cảm gắn bó máu thịt, thiêng liêng của những con người mang lý tưởng cao đẹp của thời đại: Súng bên súng đầu sát bên đầu/Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ/Đồng chí !... (Đồng chí của Chính Hữu); Đồng chí nứ vui vui/ Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ/Đồng chí mô nhớ nữa/Kể chuyện Bình Trị Thiên/Cho bầy tôi nghe ví/Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí (Nhớ của Hồng Nguyên); Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí/ Dắt nhau đi cho đến sáng mai nay/Anh đón em về xuân cũng đến trong tay (Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu);…

Tuy nhiên, với tinh thần không ngại né tránh sự thật, chúng ta buộc phải nói ra một sự thật khá đau lòng là ý nghĩa của từ đồng chí đến nay đã khác đi khá nhiều. Hình như, trong xưng hô, người ta đã ít dùng, ngại dùng từ đồng chí. Thậm chí, có người còn cho rằng bây giờ chỉ những lúc căng thẳng, gay gắt, “có vấn đề” người ta mới xưng hô với nhau bằng hai tiếng đồng chí. Ngôn ngữ có đời sống riêng của nó, có quy luật phát triển hoặc lụi tàn của nó. Điều đáng nói là, trong trường hợp này, phải chăng “thân phận” của từ đồng chí hình như đã không song hành cùng sự lớn mạnh về số lượng đảng viên, với chiều dài thời gian thành lập Đảng. Sự khác nhau trong hai tiếng đồng chí ngày trước và ngày nay chắc hẳn ít nhiều phản ánh phần nào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và đời sống. Phải chăng, đó là một phần nội dung phản ánh của sựsuy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra.
Sự thiếu mặn mà, phai nhạt về tình cảm, cảm xúc khi xưng hô với nhau bằng hai tiếng đồng chí phải chăng đã phần nào phản ánh quá trình phai nhạt về lý tưởng, về niềm tin, tình cảm giữa một “bộ phận không nhỏ” đảng viên với Đảng, đảng viên với đảng viên, đảng viên với quần chúng nhân dân. Phải chăng ở những nơi mà vai trò, vị trí, tính chiến đấu của người đảng viên, đoàn viên bị suy giảm thì từ đồng chí cũng vì thế mà bị giảm đi những ý nghĩa tốt đẹp vốn có, cần phải có của nó. Phải chăng, khi tư cách đảng viên, đoàn viên chỉ còn là cái vỏ, cái mác bề ngoài thì từ đồng chí vì thế cũng chỉ được xưng hô với nhau như là hai tiếng vô hồn, vô cảm.
Là lớp người ra đời sau ngày đất nước thống nhất, tự hào về truyền thống vẻ vang và sự lớn mạnh của Đảng ta, chúng tôi lại càng cảm thấy sự cần thiết phải làm cho hai tiếng đồng chí được trở về đúng vẻ đẹp mà nó vốn có, cần có và xứng đáng có được. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ đảng viên hãy thật sự trở nên xứng đáng hơn với vai trò, vị trí và phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên. Trong mọi hoàn cảnh, người đảng viên, đoàn viên phải thật sự là người tiến bộ, hội tụ những phẩm chất tốt đẹp, xứng đáng là hạt nhân, nhân tố điển hình, đảng viên phải tiên phong nêu gương người tốt việc tốt, là hình mẫu của phong trào, cơ quan, đơn vị, thì tin chắc rằng hai tiếng đồng chí lại vẫn được vang lên với niềm tôn kính, trân trọng, thiêng liêng mà tình cảm, gần gũi.
Thiết nghĩ, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, và không nằm ngoài vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513971

Hôm nay

2141

Hôm qua

2303

Tuần này

21908

Tháng này

220844

Tháng qua

121356

Tất cả

114513971