PV: Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, theo chỗ tôi biết thì nhận định về nguy cơ thoái hóa của Đảng, về vận mệnh của dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TƯ 4 vừa rồi là ở mức độ cao nhất từ trước đến nay. Tổng Bí thư và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ dẫn ra hàng loạt biểu hiện của sự sa sút, đúng hơn là sự khủng hoảng. Tiếp cận vấn đề từ văn hóa, theo ông thì nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng này là gì?
Bùi Đình Phong (BĐP): Nói rằng nhận định về nguy cơ thoái hóa của Đảng, vận mệnh của dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TƯ 4 vừa rồi là ở mức độ cao nhất từ trước đến nay thì cũng đúng, vì ở một vài khía cạnh nào đó có thể thấy lần đầu tiên Nghị quyết Trung ương 4 đề cập tới mà chưa thấy ở các nghị quyết trước như khi nói về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì Nghị quyết có nói tới đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Tuy nhiên, trở lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết của ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra của Đảng từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến tháng 3-1982 khi nhận định về tồn tại và yếu kém đã nêu rõ “trong 5 năm, đã phải đưa ra khỏi Đảng 9 vạn đảng viên, nhưng còn hàng chục vạn đảng viên yếu kém không được giáo dục xử lý đúng mức”.
Đại hội VI đã nói đến “vi phạm có tổ chức và cả tổ chức cũng vi phạm”. Tiêu đề của Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) tháng 1-1999: “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đề cập ba vấn đề lớn: (1) Nhận thức tư tưởng chính trị. (2) Đạo đức và lối sống, nhấn mạnh tham nhũng, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa. (3) Một số vấn đề về tổ chức. Nghị quyết nói đến “tham nhũng vẫn còn nhức nhối và là nguy cơ đe dọa bản chất cách mạng của Đảng” và cho rằng “tham nhũng thì chứng minh bao nhiêu cũng không đủ, càng nói càng thấy đau xót”.
Các Đại hội IX, X và XI đều nói đến “bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trang chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Nói như vậy để thấy bệnh đã nặng, cho nên phải chữa tận gốc, chữa một cách cơ bản. Phải tiếp cận gốc rễ, nguyên nhân của vấn đề từ văn hóa thì mới giải quyết được một cách căn bản. Về cá nhân cán bộ, đảng viên mà nói, trước hết đó là văn hóa trách nhiệm, văn hóa bổn phận. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân. Cán bộ là những người ưu tú, tinh hoa của dân tộc, có bổn phận phục vụ nhân dân. Là đảng viên, cán bộ mà anh không nhận thức và không làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình, tức là anh đã đánh rơi chính mình, thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Về tổ chức mà nói, còn nhiều thiếu hụt, yếu kém về văn hóa tổ chức. Ví dụ, trong việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ, chúng ta thiếu văn hóa dùng người. Tại sao để người có tài, có đức đứng ngoài bộ máy quản lý, lãnh đạo? Tại sao để những người năng lực yếu kém, uy tín giảm, đạo đức xuống cấp trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước? Có thể nói những bộ phận và cá nhân liên quan tới công tác cán bộ thiếu hẳn nền tảng về văn hóa, mà quan trọng nhất là ý thức đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Thiếu luân lý làm lợi cho quần chúng, vì nước vì dân thì làm sao có thể trọng và dụng người tài, đức làm việc được.
PV: Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua hơn 80 năm tồn tại và vận động, đã xác lập cho mình một hệ giá trị. Tình trạng hiện nay là sự đổ vỡ cấu trúc bảng giá trị hay là quá độ của việc xác lập một bảng giá trị mới?
BĐP: Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc thì từ lúc ra đời đến nay vẫn khẳng định hệ giá trị của mình. Đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, trong tư tưởng và hành động đã lệch chuẩn giá trị, đảo lộn giá trị. Họ đã làm hoen ố giá trị của Đảng. Họ là “những con sâu làm rầu nồi canh”. Họ đã rơi vào vũng bùn tệ hại của chủ nghĩa cá nhân. Họ cần phải bị xử lý nghiêm theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chúng ta không được đánh đồng họ với bản chất của Đảng.
PV: Bảng giá trị đó cũng phải vận động để phù hợp với những điều kiện mới. Vậy theo ông thì vec tơ vận động của nó phải theo hướng nào?
BĐP: Đương nhiên là như vậy. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vừa bảo đảm tính khoa học, cách mạng theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin vừa có những đặc điểm riêng. Đảng ta vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Tóm lại, một đường lối đúng của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn của đất nước, cùng nhịp bước xu thế của thời đại và đáp ứng nguyện vọng lòng dân.
PV: Tại sao lại phải như vậy?
Đảng ta là con đẻ của dân tộc, ngay từ khi ra đời đã cắm rễ sâu trong lòng dân tộc. Chỉ có Đảng ở các nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam thì khi ra đời mới phải có thêm yếu tố mới là phong trào yêu nước. Đảng ta lớn lên và trưởng thành, phát triển là nhờ sự nuôi dưỡng, đùm bọc của dân tộc. Đảng lãnh đạo nhân dân trước hết tiến hành công cuộc đổi mới ở Việt Nam, vì vậy phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Nhưng Việt Nam là một bộ phận của thế giới toàn cầu hóa, khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, nên phải phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phù hợp với nguyện vọng của lòng dân. Bởi vì, Đảng lãnh đạo nhưng lấy dân làm gốc; Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Nhân dân là người làm ra thắng lợi của cách mạng. Chỗ dựa quan trọng nhất, vững chắc nhất, kiên cố nhất là lòng dân. Nếu không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thì sẽ đi đến chỗ giảm lòng tin, mất lòng tin của nhân dân với Đảng. Mà mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả.
PV: Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo dân tộc Việt Nam. Thực ra đây là vấn đề giá trị. Anh có bảng giá trị tiên tiến hơn, nhân văn hơn thì anh mới lãnh đạo được dân tộc. Trong tình trạng khủng hoảng hiện nay thì vai trò tiên phong, định hướng, vai trò lãnh đạo của Đảng đã và đang được thể hiện như thế nào và phải thay đổi như thế nào?
BĐP: Tôi cho rằng cho đến bây giờ, với lịch sử hơn 80 năm lãnh đạo của Đảng, bằng những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử, việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo dân tộc Việt Nam thì không có gì để tranh cãi. Đây là sự khẳng định của lịch sử và dân tộc, chứ không phải chúng ta thích thì khẳng định. Nó là sự khẳng định của chính lịch sử, bởi vì lịch sử đã ghi nhận những giá trị của Đảng trong Cương lĩnh, đường lối và việc tổ chức thực hiện như đã trình bày ở trên. Không thể phủ nhận những bài học kinh nghiệm có giá trị trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đó là Đảng đã nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế... Phải thừa nhận rằng, trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Tuy nhiên, những giá trị nêu trên thì không một tổ chức, lực lượng nào có thể thay thế được.
Hiện nay, phải nhận thức đúng đắn rằng, bài học kinh nghiệm nào tốt thì ta phát huy, bài học nào chưa thành công hoặc thất bại thì phải khắc phục. Đảng ta khẳng định trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị tư tưởng, lối sống, có sức chiến đấu cao, có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm.
Hiện nay những vấn đề suy thoái về văn hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là cấp bách, đáng báo động. Vì vậy, Đảng phải có những biện pháp quyết liệt, không thể chậm trễ. Đảng phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra sự thật, làm thật. Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước. Bởi vì nếu không làm hoặc làm không có kết quả như lòng mong đợi của dân thì sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
PV: Vấn đề quyết định sự tồn tại của Đảng phải chăng là đạo đức, là phẩm chất nhân văn của mỗi đảng viên và của cả tổ chức Đảng? Nếu đúng vậy thì cần định hướng và xây dựng hệ giá trị đạo đức của Đảng như thế nào để phù hợp với truyền thống và nền tảng đạo đức của cộng đồng người Việt?
BĐP: Tôi đồng ý là như vậy. Bởi vì văn hóa trong Đảng còn thì Đảng còn, văn hóa trong Đảng mất, đó sẽ là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Ta nói xây dựng Đảng về ba mặt, thực chất là xây dựng Đảng về văn hóa chính trị, văn hóa tư tưởng, văn hóa tổ chức.
Văn hóa Việt Nam là nhân cách luận, trong đó xử lý ba mối quan hệ lớn: với mình, với người, với việc mà bao trùm là bổn phận với Tổ quốc, với nhân dân. Từ khi có Nguyễn ái Quốc thì đó là nhân cách luận cách mạng. Phải học một cách thật sự nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh để xem Người dạy về giá trị đạo đức của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Người dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Điều này là nói về bản chất của Đảng, ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Điều đó cũng có nghĩa là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.
Trong khi xây dựng hệ giá trị đạo đức, cần phải chống những gì là phản giá trị như tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân.
PV: Trong điều kiện thực tế hiện nay, theo ông thì công cụ nào và lực lượng nào để chống khủng hoảng của Đảng, đúng ra là của chế độ, của đất nước?
BĐP: Trước hết phải khẳng định vai trò của tổ chức trong việc thực hiện mà Đảng là lực lượng hàng đầu. Đảng phải nêu cao quyết tâm chính trị và trách nhiệm trước dân tộc. Mọi giải pháp đều bắt đầu từ quyết tâm và sự khởi xướng của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Phải thực hiện nghiêm kỷ luật trong Đảng và xử lý nghiêm theo pháp luật của Nhà nước. Tất nhiên không phải chỉ khép kín trong nội bộ Đảng. Một điều rất quan trọng là tổ chức cho nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
PV: Điều kiện tiên quyết để chỉnh đốn Đảng hiện nay là gì? Tại sao?
BĐP: Đảng phải tự chỉnh đốn, không ai làm thay Đảng được. Mọi giải pháp, định hướng đều bắt đầu từ dũng khí, bản lĩnh văn hóa, trong đó đặc biệt là văn hóa tự phê bình và phê bình của người đứng đầu, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương. Văn hóa đạo đức là văn hóa nêu gương, là đạo làm gương. Người xưa từng tổng kết: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc dột xuống”. Bác Hồ thường nhắc lại câu nói của dân ta: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tất cả những điều đó đều muốn nói đến vai trò, ý nghĩa của việc nêu gương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên (thực hiện)