Đất Nghệ

Biển Cửa Lò và Cửa Lò với biển

Bây giờ nói đến Cửa Lò, đại đa số mọi người đều cho rằng đấy là một bãi biển nghỉ mát nổi tiếng. Du khách nhớ Cửa Lò bởi bãi cát dài, trắng, mịn và nước biển xanh biếc.

Những người kỹ càng hơn nhớ thêm, yêu Cửa Lò bởi dân chúng ở đây còn mộc mạc, chân thành, đáng tin. Với riêng tôi, Cửa Lò còn lớn hơn thế, nhiều hơn thế.

Biển luôn tạo ra cảm giác đặc biệt

Với bất cứ ai, khi nói tới biển, nhất là khi đứng trước biển, người ta đều có cảm giác khác lạ so với khi ở phố, ở làng, ở đồng, ở núi. Có thể là do biển to lớn, gần gũi, phơi phới, thẳm sâu… và đầy bí ẩn. Những con sóng nối đuôi nhau xô bờ và tan vào hư không, dường như luôn mời gọi con người cảm nhận và khám phá. Biển ở mọi nơi đã vậy; biển ở nơi hội tụ được núi, sông, cát trắng còn tạo được nhiều cảm giác hơn thế. Biển Cửa Lò là một nơi như vậy.

Tôi không phải sinh ra Cửa Lò, mà là ở Quỳnh Lưu. Nhà tôi cách đường viền con sóng khoảng hơn 100 mét, đối diện với Cửa Lò qua cung vịnh Diễn Châu. Từ bờ biển làng tôi khi nào cũng nhìn thấy hòn Ngư rõ mồn một.

Tôi là con trai thứ ba trong gia đình có 6 anh em. Do nhà đông người nên tôi lên ở với cậu và bà ngoại từ năm 3 tuổi. Từ khi tôi có trí nhớ (khoảng 5 tuổi), tôi không hiểu vì sao mỗi lần gặp tôi, bố gọi tôi là “chú”. Khi tôi được hơn 5 tuổi, bố tôi bảo: “Hôm nào biển lặng, bố sẽ đưa chú đi học bơi”.

Với cánh con trai làng biển quê tôi, học bơi thật đơn giản. Bố đưa tôi lên thuyền, ra xa bờ, buộc dây vào bụng tôi rồi thả xuống biển. Dưới nước, tôi quẫy đạp lung tung, trên thuyền bố tôi theo dõi chăm chú. Khi tôi đuối sức, sắp chìm, bố tôi cầm dây kéo căng, tôi lại nổi trên mặt nước. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, tôi có thể tự nổi trên mặt nước mà không bị chìm. Bố tôi có vẻ hài lòng, chỉ nói một câu: “Khá đấy, vậy là chú biết bơi rồi”.

Những năm chiến tranh, ngư dân bị bắt, thuyền đánh cá bị đốt rất nhiều. Quân khu 4 có chủ trương thành lập những đội thuyền cảm tử để đánh tàu địch. Bố tôi bỏ chức chủ nhiệm hợp tác xã đánh cá để trở thành chỉ huy một đội thuyền cảm tử. Sau ba tháng học sử dụng vũ khí, bố tôi cùng đồng đội được làm lễ truy điệu sống. Bố tôi hy sinh ngày 8 – 8 - 1968 trong một trận đánh trên biển đã được báo chí thời đó ghi lại. Khi bố tôi hy sinh, những người dân biển  bình thường, không hề có bất cứ thiết bị gì đã lặn sâu hàng chục mét đưa bố tôi lên. Chỉ có những người gắn bó với biển mới làm được việc này.

Bố tôi mất, anh cả đi bộ đội, anh thứ hai đi đại học, tôi trở thành người đàn ông lớn trong gia đình. Tôi vừa đi học, vừa phải bắt đầu phải kiếm tiền. Cách kiếm tiền duy nhất ở làng tôi là ra biển, đi câu và đánh lưới. Trong những lần gặp giông bão, không kịp trở về nhà, tôi đã trú ngụ ở Cửa Lò. Theo như những người đàn ông cao tuổi ở làng tôi, lớn lên tôi sẽ là một thuyền trưởng khá. Ấy thế mà tôi lại không trở thành một lão ngư. Tuy nhiên, biển với tôi đã trở nên gần gũi, thân quen đến mức cứ thấy biển là tôi tìm cách ngâm mình trong nước. Tôi đã làm việc này không chỉ ở quê tôi, ở Cửa Lỏ, mà ở khắp nơi tôi tới, dù đó là vịnh Hạ Long, biển Xuân Thành, Nha Trang, Đà Nẵng… Thậm chí tôi tắm ở Biển Đen vào mùa đông, ngâm mình trong biển Hồng Hải khi ngoài trời 45 độ C. Bạn bè bảo tôi bơi giỏi. Thật ra, tôi không bơi mà đi trong nước.

Cửa Lò lớn hơn, nhiều hơn một bãi biển nghỉ mát

Với đa số người xứ Nghệ, dù họ sống ở đâu, Cửa Lò có ý nghĩa nhiều hơn là một bãi biến nghỉ mát nổi tiếng. Điều này có thể khẳng định, bởi khi nhắc tới Cửa Lò, mắt họ sáng lên, trong giọng nói có âm hưởng rì rào của sóng. Điều này có được mới chỉ hơn chục năm trở lại đây, khi Cửa Lò trở thành cái đích tìm đến của nhiều người trong mùa hè. Ở Hà Nội, TP Hồ chí Minh, thậm chí là ở Moskva, khi biết anh (chị) là người xứ Nghệ, mọi người thường hỏi: “Thế nhà anh (chị) có ở gần Cửa Lò không?”. Như thế cũng đủ thấy Cửa Lò đã trở thành một trong những thứ “đặc sản” của Nghệ An.

Thật ra, với nhiều người, đi nghỉ mát ở biển không chỉ để thưởng thức tôm, cua, mực, cá; cũng không chỉ được ngâm mình trong làn nước xanh, vươn mình trên sóng, mà còn là được hưởng “chất biển”. “Chất biển” là tổng hợp và tinh lọc của gió, sóng, cát, mặt trời, ánh trăng, cái mặn mòi, cái vời vợi, cái thẳm sâu huyền hoặc của hoàng hôn và cái rạng ngời của bình minh chớm hé. Người ta yêu Cửa Lò vì dường như cái “chất biển” ở đây nồng nàn hơn ở nơi khác. Có được điều này vì bãi biển Cửa Lò nằm giữa hai cửa sông Cấm và sông Lam. Nước hai con sông này không làm cho biển đục, ngược lại, chúng khiến độ mặn của nước biển ôn hòa, phù hợp với làn da của người đi tắm. Chính phù sa của hai con sông là nguồn thức ăn vô tận để tôm, cá, mực, ghẹ ở nơi này thơm ngon, đậm đà hơn ở nơi khác.

Điều quan trọng nhất, người Cửa Lò còn giữ được cái hồn hậu, mộc mạc dễ thương trong giao tiếp và lời ăn, tiếng nói. Những phẩm chất này cần được gìn giữ, nhân lên để Cửa Lò luôn vẹn nguyên là biển yêu của người xứ Nghệ.

                

                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511420

Hôm nay

283

Hôm qua

2336

Tuần này

21794

Tháng này

218293

Tháng qua

121356

Tất cả

114511420