Cuộc sống quanh ta

Kể chuyện Cửa Lò, đảo Ngư

Mỗi lần được đi đâu đó, tôi lại nhớ câu thơ của một người bạn văn ở Bình Định: “Nỗi khát đi cứ canh cánh bên lòng”. Đôi khi, tôi dùng nó để tự biện minh cho sự ham rong chơi của mình”

Thực ra, đã cầm bút, chẳng mấy ai không ham đi. Có điều, chẳng phải ai mời cũng đi, bởi đôi khi đó lại giống như lời mời vay nợ, dù nợ ấy chẳng ai đòi. Vậy nên nếu có anh nhà báo hay văn nghệ sĩ nào bảo rằng, mời đi chơi, xe đưa xe đón, ăn nghỉ vô tư, nhiều khi còn có quà mang về, mà cũng không muốn đi, là họ nói thật. Không đi là bởi sợ không trả được nợ, chứ không phải lòng đã hết “nỗi khát đi”. Chuyến đi đảo của tôi lần này cũng vậy. Đang lúc bận bịu, ý tưởng chưa đến mà người biên tập của bổn báo lại bảo “Chỉ còn chờ bài của chị là báo ra” thì ngại quá, ngại quá! Nhưng sự thèm đi đã át nỗi lo nợ nần. Trong sự thèm đi ấy còn một nguyên do nữa. Ấy là bạn bè tôi, nhiều người đã về với Cửa Lò vài ba lần, lại than phiền: “Cửa Lò, bãi tắm thì thích thật, cả nước không đâu bằng; ăn uống cũng vậy, vừa ngon vừa rẻ; nhưng chẳng biết chơi đâu. Chẳng lẽ chỉ có ăn với tắm!”. Tôi cãi: “Đi biển, chẳng để ăn với tắm là gì? Hai thứ cốt tử nhất ấy thì Cửa Lò bầy tui nhất nước! Còn đi chơi  - thì đúng là hơi ít, nhưng vẫn có chỗ đi chớ!”. Và tôi kể, tả. Về hòn Lan Châu thơ mộng ở sát ven bờ gần phía cửa Hội. Về ngôi chùa Lô Sơn (còn gọi là Phổ Am) tựa trên một ngọn núi nhỏ, cảnh trí đẹp và nên thơ lắm; về ngôi đền thờ Thái sư cương quốc công Nguyễn Xí – ngôi đền được vua Lê Thánh Tông vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) đã cho xây dựng; vào năm 1802, vua Gia Long cắt cử 2 người chăm sóc; và năm 1920, triều Nguyễn lại cấp 200 đồng Đông Dương để tu sửa – một di tích lịch sử quốc gia (1 trong 10 di tích nhân thần ở Nghệ An). Rất may là con cháu của ngài đã gìn giữ được gần như nguyên vẹn những đồ tế khí và dáng nét cổ kính của ngôi đền, và khuôn viên rộng 11.000 ha mát rượi bóng cây để bây giờ nhân dân quanh vùng và khách thập phương về lễ bái, thăm quan; một điểm tựa tinh thần vô giá!.

Tôi kể đến đấy thì… hết vốn. Còn bạn tôi thì chưa hài lòng. Hỏi đảo Ngư thế nào, tôi đành chịu. Đảo Ngư chỉ cách bờ có 4km, vậy mà tôi đã lỡ mấy chuyến rồi. Vậy nên, chuyến này tôi quyết đi ra đảo! Chuyến đi này do tạp chí Văn hoá Nghệ An và Uỷ ban nhân dân thị xã Cửa Lò tổ chức. Vài hôm trước, chúng tôi đã định đi bằng thuyền nhỏ, nhưng anh Doãn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch thị xã, nói: “Không được! Các anh chị đi là phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Và anh gọi điện sang Trung tâm cứu hộ của thị xã.

Sáng hôm sau, từ Vinh chúng tôi kéo quân đi, đến Cửa Hội thì nhận được tin biển động, không ra đảo được. Đúng là đêm qua có trận gió rất to. Chúng tôi vẫn đi tiếp xuống Cửa Lò. Nhìn phố xá cũng biết, đêm qua nơi đây sóng to gió lớn; thị xã tập trung khắc phục hậu quả. Biển vẫn chưa yên. Dân làm báo, chúng tôi học theo người đánh cá, không ra xa khơi được thì đánh bắt cá nhỏ ven bờ chứ chẳng chịu về không…

*

*          *

Chùa  Lô Sơn

Lần này đoàn chỉ còn lại ba người. Cả một tàu cứu hộ chở được mấy chục người lại chở có ba người ra đảo! Tôi cứ ngẩn người vì tiếc của. Hai người lái tàu cứu hộ CH-07, lẽ ra cần được chúng tôi động viên, thì lại phải động viên tôi:

- Ăn thua gì chị. Có người họ đi chơi không một mình thuê cả một tàu to thì răng!

Tôi càng tiếc càng lo. Tốn kém phiền hà người ta mà không nên cơm cháo gì thì biết ăn nói thế nào.

Tàu nhẹ tải, sóng vẫn còn khá to, nên lắc mạnh. Lúc đầu tôi còn để mắt đến đống phao, bởi tôi không biết bơi, hễ rớt xuống nước là chìm; nhưng một lúc sau thì cái cảm giác sung sướng giữa biển cả bao la nắng gió, mát rượi hơi nước; cái cảm giác khi thuyền đè sóng lướt băng băng và mình thì căng ngực mà thở, mở hết mọi giác quan mà tận hưởng - đã khiến tôi quên cả những “lăn tăn” ban nãy. Giờ mới hiểu được, vì sao những người đàn ông miền biển, gian khổ vất vả mấy, nguy hiểm mấy, thậm chí biết đi biển có chuyến lỗ vốn, mà hễ có thể đi được là họ quyết ra khơi. Đôi khi họ ra khơi vì nhớ biển!

Tàu đi theo luồng lạch đã được vẽ bằng những chiếc phao cứ lắc lư, nghiêng ngả; rồi cặp vào cầu tàu. Hết khoảng 15 phút, gần bằng đi chơi một vòng hồ Ba Bể.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là chùa Đảo Ngư. Ngôi chùa mới được phục dựng cách đây mấy năm nên chưa có được nét rêu phong, nhưng bù lại, lại có được một khung cảnh sơn thuỷ hữu tình, chùa bề thế, mặt hướng ra biển, lưng tựa vào  núi, khuôn viên rộng, cây cối sum suê, đặc biệt hai cây lộc vừng cổ thụ có tuổi thọ mấy trăm năm, xanh tràn sức sống ngay phía trước sân chùa, che mát cả khoảng sân rộng và một cái giếng cổ khá to. Cây cối ở đây đủ bóng mát cho hàng ngàn người cùng ngồi lễ Phật. Chùa vắng vẻ chứ không tấp nập như chùa Lô Sơn ở trong bờ. Các cửa đều mở toang. Chẳng thấy bóng ai, nhưng nhìn vẫn biết có người vừa chăm sóc.

Lễ Phật xong, chúng tôi cứ nhằm hướng có con đường lên núi mà trèo. Gặp tấm bảng đầu tiên: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” thì biết đúng là đơn vị bộ đội – chủ nhân của đảo. Chúng tôi không hẹn mà đến nên người lính đảo gặp đầu tiên vừa tiếp nước ở bộ bàn đá chông chênh, vừa gọi điện cho chỉ huy.

- Thủ trưởng mời các anh chị lên. Dọc đường có chỗ nghỉ chân…

Tôi rất thích leo núi. Nhìn con dốc cứ tưởng bở ăn lắm, hoá ra phải nghỉ đến ba, bốn trạm. Thở ra đằng tai rồi, thấm cái nắng nóng ở đỉnh núi rồi thì vừa đến đến được khu vực của chỉ huy đảo. Chưa thấy người đón, chúng tôi ngắm núi ngắm biển. Đứng trong bờ, chỉ thấy hai ngọn núi nhỏ xếp một cặp Song Ngư, cứ nghĩ chẳng có gì nhiều để xem để chơi. Trèo lên đây mới thấy hoá ra là rất hùng vĩ và nên thơ. Tiết kiệm thời gian, chúng tôi leo tiếp mấy bậc nữa lên đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo. Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Hà,… có cả. Một lọ hoa loa kèn còn mới; bị gió thổi ngã đã khô nước. Tôi tự trách mình. Hứa với các anh lần sau ra đảo sẽ có hoa tươi.

Người đàn ông cao lớn trông chắc nịch và đầy vẻ dãi dầu, bước lên mời khách và giới thiệu:

- Tôi là Cường, đảo trưởng! đây là anh Thưởng, đảo phó. Còn một đồng chí đảo phó hôm nay đang đi họp trong bờ.

- Anh Vương Kiếm Cường…? Nhà báo Quang Đại hỏi.

Hoá ra đây là nhân vật quen thuộc của báo chí mà tôi không biết.

Anh kể chuyện lính đảo. Chuyện tập luyện. Chuyện cứu hộ. Chuyện tình. Rất vui. Nhưng dặn là không đưa lên báo; dù là những chuyện ấy chuyện thật mà như thể chuyện tiếu lâm, ở quanh đây chẳng có ai là không biết.

Rồi anh đưa chúng tôi đi thăm đảo. Xuống núi bằng con đường ở sườn phía đông. Trên đầu  những tán những tầng cây đan kín. Càng xuống càng mát lạnh. Anh Cường chỉ xuống biển xanh thăm thẳm phía dưới:

- Dưới đó và trên đỉnh núi, nhiệt độ chênh nhau cỡ hai chục độ.

- Lá lằng nhiều quá! Nhà báo Chu Thị Xuyến – Phó tổng biên tập tạp chí Văn hoá Nghệ An – người đã vất vả tổ chức chuyến đi này, reo lên.

Tôi chẳng biết lá lằng nó dày mỏng vuông tròn thế nào, vì mới chỉ thấy thứ lá khô thái sợi như thuốc lào – nhưng canh lá lằng thì nghiện lắm! canh lá lằng nấu với tép đồng và cà chua kiu thì có thể xếp vào món ngon xứ Nghệ được, dù nó vốn là món ăn của người nghèo, rất đơn giản và rẻ tiền. Vị chua ngọt rất thanh của cà kiu chín, vị ngọt của tép đồng (hoặc tép biển khô), vị đắng lịm đặc trưng của lá lằng; và mùi thơm của các nguyên liệu rất có duyên với nhau nữa, tạo nên một món ăn lạ lùng, ngon, mát, bổ, và…gợi nhớ gợi thương lắm!

Chúng tôi xuống đến lưng chừng núi thì gặp bộ đội đang nấu ăn. Rau tự trồng được. Thịt trong bờ đưa ra hôm trước. Chỉ có bếp chật và nóng, và khói. Giá có thời gian mà ở lại, ăn cơm với lính chắc ngon lắm! Chúng tôi mà không tiếc mấy chục lít dầu thì đã ở lại thật. Trung tá Cường hứa mai sẽ cho tàu đưa về. Tôi để ý trong phòng nghỉ của bộ đội, trên bàn có những chồng sách, chủ yếu là sách văn học Pháp và Nga, những tác giả tác phẩm nổi tiếng. Chợt nhớ lúc nãy khi tôi tặng mấy cuốn tạp chí Sông Lam, anh Cường nói: “Chúng tôi rất thích đọc tạp chí Sông Lam. Đọc hết, không bỏ trang nào. Nhưng gần đây sao không thấy có?”. Tôi đã nghe câu này rồi. Trước, quân khu 4 đặt mua 100 cuốn/số, nay thì không, vì “lí do kinh phí”. Cả quân khu, một năm khoảng 4 triệu đồng Việt Nam chứ bao nhiêu. Mà thôi, biết làm sao! Tổng biên tập tạp chí Văn hoá Nghệ An nói “Sở (VHTT &DL) gửi công văn vận động các đơn vị trong ngành, chỉ có 3 cơ quan đặt mua tạp chí của mình” mà Văn hoá Nghệ An cũng nổi đình đám đấy chứ. Những người “lắm chữ” ở Hà Nội, Sài Gòn nhiều người biết đến và cộng tác. Vậy thì có thể nhìn cái sự đọc của cán bộ ta mà báo động về văn hoá đọc, và về nhiều thứ khác được rồi! Vậy mà những người lính đảo vẫn thèm đọc thì lại không có. Thế nào lần sau ra đảo, tôi cũng sẽ mang nhiều sách, báo. Tự hứa thế thôi, chẳng biết đến bao giờ… Trung tá Vương Kiếm Cường và thiếu tá Phan Văn Thưởng đưa chúng tôi xuống bãi tắm Tiên. Bãi tắm nằm trong vùng eo biển giữa hai ngọn núi, nước trong vắt, dưới chân không có cát chỉ toàn sỏi. Cả một vựa hòn chặn giấy! Màu nâu, màu trắng, màu xanh,…

Đặt tên bãi tắm Tiên, chắc lẽ là lính đảo. Đích thị là chốn tiên rồi. Chỗ này vẫn còn do bộ đội quản lý, tàu dân sự chưa được vào. Ở đây chỉ có lính, không tắm tiên cũng uổng. Tôi nhớ trong câu chuyện hôm trước, anh Doãn Tiến Dũng có nói về dự án khai thác du lịch, và nhắc đến bãi tắm này. Đẹp thế này, đệ nhất bãi tắm thế này, phải cho cả nước biết chứ, không thì uổng lắm! Chúng tôi đã hứa với hai người lái tàu là sẽ cố gắng quay lại sớm, mà không sao rời chân được. Chắc sốt ruột quá vì mặt trời sắp lặn, họ mới gọi điện nhắc về.

Hoàng hôn biển thật tuyệt. Mặt biển tím, nhấp nhô nổi những muôn vàn nhũ nước. Nước mời gọi. Nước chở che. Nước vuốt ve.

Tàu chúng tôi lại đè sóng băng về phía vầng mặt trời đỏ ối, tròn vành vạnh, đang xuống dần sau cánh rừng chắn sóng.

Tôi sẽ còn quay lại, để kể tiếp chuyện Cửa Lò, chuyện Đảo Ngư.

   Vinh, 4/2012

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569433

Hôm nay

2217

Hôm qua

2432

Tuần này

21816

Tháng này

227957

Tháng qua

129483

Tất cả

114569433