Xứ Nghệ ngày nay

Ơ Đu nay đã đổi thay

Trong ánh nắng đầu đông, hơi ấm le lói chan hòa cùng cái se se “gõ cửa”, chúng tôi ngược ngàn về với bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương), nơi có cộng đồng người Ơ đu - tộc người được xem là ít người nhất cả nước đang sinh sống. Những ngày cuối vụ, không khí làm việc như hối hả hơn, nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên đôi mắt, nụ cười của mỗi người dân Ơ Đu nơi đây.

            Nhiều quả đồi ở Văng Môn được phủ xanh sắn cao sản

Mất gần 2 tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện chúng tôi mới vào được bản Văng Môn, nơi có 100% đồng bào dân tộc Ơ Đu - một trong những dân tộc ít người nhất cả nước đang sinh sống. Con đường nhựa uốn lượn theo những con dốc như thử thách bất cứ ai lần đầu đặt chân về thăm bản. Mới hơn 7 giờ sáng, nhưng trên những sườn núi đã nhấp nhô nón trắng, mũ xanh, tiếng nói cười vang cả cánh rừng. Cũng dễ hiểu, sau một thời gian tương đối dài giành cân bằng cuộc sống, sinh hoạt với đại dịch Covid-19, không khí hôm nay như chộn rộn hơn, những rẫy lúa vàng óng, chín mẩy, những “dải” xanh ngút của rẫy sắn cao sản, cỏ voi, những rẫy ngô vào độ đợi ngày thu hoạch. Anh Lo Văn Hoàng, vừa cùng vợ khuân những bó cỏ voi lên xe, vừa hồ hởi khoe: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền, con giống như trâu, bò, gia đình tôi đã trồng cỏ, trồng sắn, nuôi trâu, bò với mong muốn xóa đói giảm nghèo. Có vốn, giống, vợ chồng tôi đã phấn đấu và nay đã xóa được nghèo, ổn định cuộc sống. Tết năm nay chắc chắn sẽ vui hơn mọi năm”.

Cán bộ khuyến nông huyện tập huấn cho người dân Ơ Đu cách ủ phân vi sinh, làm sản phẩm bán ra thị trường

Một số mô hình kinh tế được hình thành ở Văng Môn (trong ảnh: Lễ ra mắt tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản)

Cùng niềm vui với gia đình anh Hoàng, trong ngôi nhà mới tương đối đầy đủ tiện nghi, Trưởng bản Lương Thị Lan kể lại: “Cách đây hơn chục năm về trước, khi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ khởi công xây dựng, theo chủ trương của Nhà nước, điểm khu tái định cư bản Văng Môn của xã Nga My đã đón hơn 73 hộ dân người dân tộc Ơ Đu ở xã Kim Đa chuyển về đây sinh sống. Để người dân sớm ổn định cuộc sống ở nơi mới, Chính phủ đã cấp cho mỗi nhân khẩu 2500 m2 đất canh tác. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được nhận 1 ngôi nhà xây mới, hỗ trợ thêm một con bò và một số chính sách khác cũng kịp thời đến với bà con. Thời gian đầu, bà con khá bỡ ngỡ với môi trường sống mới, nhiều hộ đã muốn quay trở về bản cũ”… Đó là câu chuyện của mấy năm về trước, những năm gần đây, người dân bản Văng Môn được mùa, vật nuôi phát triển ổn định. Đặc biệt, những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nên cuộc sống của người dân nơi từng bước ổn định.

Thiếu nữ Ơ Đu mạnh dạn khoe trang phục của dân tộc mình trên sân khấu

Giờ đây, người Ơ Đu đã từ bỏ hẳn lối sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm, gạt bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Thay vào đó, họ đã sống định cư để khai hoang mở đất trồng thêm cây ngô, cây sắn, trồng rau, cỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gần 124ha rừng chủ yếu là Xoan, Keo, hơn 8,6ha đất bãi trồng cỏ voi và hơn 5ha sắn cao sản đang trên đà phát triển tốt. Đến nay, ở bản tái định cư Văng Môn, 111 hộ, 451 khẩu người Ơ Đu cùng chung sống đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Khi cái bụng ngày một thêm no, đêm ngủ thêm ấm áp, con cháu Ơ Đu được đến trường thì bà con Ơ Đu có cơ hội tìm lại được nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình mà bao năm sống xen ghép với các dân tộc anh em khác họ dần đánh mất đi. Tiếng nói, trang phục cổ, Lễ hội mừng tiếng sấm hay các phong tục khác của người Ơ Đu đã được bảo tồn và lưu giữ. Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Sau khi được đầu tư hạ tầng cơ sở, được giao đất, giao rừng, đồng bào yên tâm sản xuất. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế cũng được đưa vào cho đồng bào làm. Nay ý thức của đồng bào thay đổi rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa truyền thống của người Ơ Đu được nâng lên”.

Được sải bước trên các ngả đường bê tông hóa mới cảm nhận được sự đổi thay ở bản Ơ Đu, một bản dân tộc ít người đã nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Bản Văn hóa. Rời Bản Ơ Đu khi ánh hoàng hôn dần khuất núi, chúng tôi cảm nhận được một mùa xuân mới mang theo hơi ấm đủ đầy đang hiện hữu, cuộc sống của đồng bào Ơ Đu nơi đây đang từng ngày chuyển mình, đổi thay với nhiều gam màu tươi mới./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 7, tháng 12/2022)

                               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511033

Hôm nay

232

Hôm qua

2359

Tuần này

21407

Tháng này

217906

Tháng qua

121356

Tất cả

114511033