Chúng tôi muốn được ông trao đổi từ cách tiếp cận về đạo đức học đối với nhận định trên. Trước hết, tại sao Đảng ta nhấn mạnh nguy cơ nghiêm trọng từ sự suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên?
Như chúng ta biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người còn nói, đạo đức là gốc của người cách mạng, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đảng ta là Đảng cầm quyền, những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm của công cuộc đổi mới gắn liền với năng lực, bản lĩnh và trước hết là phẩm chất đạo đức của Đảng nói chung và mỗi đảng viên nói riêng. Bởi thế, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì đây quả là một tình hình, một vấn đề cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng là một vấn đề cấp bách của công cuộc đổi mới hiện nay. Cần lưu ý rằng, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được thẳng thắn chỉ ra qua các kì Đại hội và Hội nghị TW kể từ đổi mới đến nay; và Đảng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục, nhưng dường như sự suy thoái vẫn cứ ngày càng trầm trọng thêm. Điều đó cho thấy, tại Hội nghị TW 4 Khoá XI, Đảng nhấn mạnh hơn nữa tính nghiêm trọng của sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên là cần thiết.
Theo ông thì bảng giá trị đạo đức của Đảng ta là gì? Nó được xác lập như thế nào, từ lúc nào và gồm những tiêu chí cơ bản nào?
Nói đến Bảng giá trị đạo đức là nói đến một Hệ thống những giá trị đạo đức được sắp xếp thành Bảng theo một nguyên tắc nhất định. Theo nghĩa chặt chẽ như vậy, chưa thấy một văn kiện nào xác định một Bảng giá trị đạo đức của Đảng. Tuy vậy, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định những yêu cầu, những chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Cụ thể là, khi nói đến tư cách một người cách mạng, Người nói nói đến những yêu cầu qua ba mối quan hệ cơ bản: Đối với mình, đối với người, đối với công việc. Một cách chung nhất, Người nói, Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành (với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân); Dũng cảm (không sợ khổ, không sợ khó); Khiêm tốn (không tự cho mình là tài giỏi). Người cũng nói đến các yêu cầu, các chuẩn mực đạo đức của các tầng lớp trong xã hội, chẳng hạn: cán bộ, đảng viên, giai cấp công nhân, nông dân, bộ đội, công an, thanh thiếu niên,... Đối với cán bộ, đảng viên, Người nhiều lần nhấn mạnh các yêu cầu: Trung thành và ra sức phấn đấu cho lí tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Tổ quốc, nhân dân; Để thực hiện lí tưởng cách mạng, mỗi đảng viên cần có những phẩm chất, những đức tính cơ bản: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, vô tư. Đó là những yêu cầu cốt lõi của đạo đức cách mạng. Cụ thẻ hoá và thống nhất với tư tưởng của Người, Đảng diễn đạt những yêu cầu đạo đức đối với đảng viên trong Điều lệ Đảng, theo đó, người đảng viên: Đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân...; Tuyệt đối trung thành với mục đích lí tưởng cách mạng của Đảng...; Không ngừng học tập nâng cao kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng...;Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...;Tham gia xây dựngvà bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng,...Tại Hội nghị TW5 Khoá VIII, Đảng đã xác định những đức tính (5 đức tính chung, cơ bản) của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới cần được xây dựng vừa như mục tiêu vừa như động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, những yêu cầu, những đức tính đó cũng chính là những giá trị đạo đức cơ bản của Đảng hiện nay. Bởi lẽ những yêu cầu, những chuẩn mực đó khi định hướng cho hoạt động của Đảng cũng như của mỗi đảng viên thì hiện diện như là những giá trị đạo đức.
Bảng giá trị, hay hệ giá trị đạo đức đó trong tương quan với bảng giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc? Nó có những gì khác và tiến bộ hơn?
Tôi nghĩ rằng, những nội dung được xác định dưới dạng những nhiệm vụ của đảng viên và những đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có thể được coi là những giá trị đạo đức cơ bản của Bảng hoặc Hệ thống giá trị đạo đức của Đảng (xin tạm gọi như vậy). Vì trên thực tế, chúng đang được sử dụng như là nội dung cơ bản của giáo dục đạo đức trong Đảng (và cho toàn xã hội đối với 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới), cũng như trên thực tế, chúng đang giữ vai trò định hướng giá trị cho hoạt động của mỗi đảng viên. Tuy nhiên, đó chưa phải là một Bảng giá trị đạo đức theo nghĩa chặt chẽ vì nội dung còn những chỗ trùng lặp. Bởi vậy, để làm cơ sở cho định hướng giá trị, Đảng nên xác định một Bảng giá trị đạo đức của Đảng theo nghĩa chặt chẽ với những chuẩn mực, những giá tri cơ bản và sắp xếp theo một trật tự nhất định. Tuy vậy, với những nội dung như hiện nay, Bảng giá trị đạo đức nêu trên chính là sự kế thừa, là sự cụ thể hoá tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là sự kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Cũng cần phải nói rằng, sự kế thừa trong Bảng giá trị đạo đức này là sự kế thừa mang tính “vượt gộp” nói theo cách nói triết học. Cụ thể hơn, những yêu cầu trong mỗi giá trị đạo đức truyền thống được kế thừa đồng thời được vượt qua, nghĩa là được đổi mới, mở rộng nội dung,được nâng cấp để trở thành thành tố hữu cơ của Hệ thống giá trị đạo đức mới. Chẳng hạn, khi nói đến ý chí tự cường dân tộc như là sự kế thừa giá trị đạo đức truyền thống thì tự cường trong điều kiện hiện nay, phải thể hiện ý chí phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho việc đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu là những điều chưa có trong giá trị đạo đức truyền thống dân tộc,... Điều đó có nghĩa là, những giá trị đạo đức trong điều kiện hiện nay trong khi vẫn là sự tiếp tục truyền thống chúng đã tiếp cận với những yêu cầu của xã hội hiện đại và do đó của con người hiện đại, con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Tính giai cấp và tính dân tộc trong bảng giá trị đó như thế nào?
Tính giai cấp và tính dân tộc trong bảng giá trị đạo đức của Đảng là thống nhất. Bởi lẽ, những giá trị đạo đức nêu trên khi định hướng cho hoạt động của Đảng cũng như của mỗi đảng viên vì lợi ích của Đảng thì cũng có nghĩa là vì lợi ích của dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân lao động, của dân tộc. Điều lệ Đảng cũng khẳng định, Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Đạo đức của mỗi người, của các cộng đồng gắn liền hay là bị chi phối bởi nhu cầu, lợi ích và các động cơ tư tưởng. Các đảng viên của Đảng ta cũng vậy, họ cũng bị chi phối bởi các nhu cầu, lợi ích. Đặc biệt khác trước là nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế, thể chế thị trường. Các đảng viên cũng ở trong dòng chuyển đổi đó, sự dịch chuyển về quan niệm giá trị, tiếp theo là về đạo đức ở họ là tất yếu. Vậy chúng ta cần định hướng giá trị đạo đức đảng viên, lớn hơn là xác lập bảng giá trị đạo đức của Đảng ta như thế nào trong giai đoạn hiện nay để có thể đại diện cho những tiến bộ về đạo đức của dân tộc và thời đại?
C. Mác từng nói rằng, lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp thúc đẩy con người hoạt động. Tuy vậy, trong đời sống thực tiễn, việc thực hiện lợi ích cá nhân của người này có thể phương hại đến lợi ích của người khác, của xã hội. Để đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội, những phương thức điều chỉnh lợi ích trong đó có đạo đức đã xuất hiện. Đạo đức chính là phương thức giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội một cách tự giác và tự nguyện, là con đường “làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người” ( Mác). Tuy nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn này một cách phổ biến là cả một quá trình gắn liền với sự vân động và phát triển của lịch sử loài người nói chung, của mỗi dân tộc nói riêng. Mỗi cá nhân khi gia nhập vào đội ngũ của Đảng đều đã tự nguyện coi lợi ích của Đảng, của giai cấp và của dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, việc đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân không có nghĩa là phải hi sinh lợi ích cá nhân một cách tuyệt đối trong hoàn cảnh không đòi hỏi sự hi sinh như vậy. ổnong những điều kiện nhất định, sự thực hiện lợi ích cá nhân một cách chính đáng (nghĩa là lợi ích này không đối lập theo nghĩa tách rời và loại trừ lợi ích xã hội) thì sự thực hiện lợi ích cá nhân cũng chính là thực hiện một phần lợi ích xã hội. Hơn thế, mỗi đảng viên, ngoài tư cách đảng viên, họ còn là một con người, một cá nhân với những nhu cầu và lợi ích riêng chính đáng. Kinh tế thị trường vốn khuyến khích lợi ích cá nhân. Nhưng một thị trường hiện đại, văn minh, đặc biệt là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ khuyến khích những lợi ích cá nhân chính đáng. Bởi thế, việc xây dựng và hoàn thiện Bảng giá trị đạo đức của Đảng trong giai đoạn hiện nay cần và có thể dựa trên nguyên tắc kết hợp hợp lí lợi ích cá nhân chính đáng của đàng viên với lợi ích chung của Đảng,của giai cấp, của dân tộc. Chính sự đổi mới đất nước trên cơ sở kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và tạo ra những điều kiện cho phép sự kết hợp đó. Trên thực tế, quá trình xác lập Bảng giá trị đạo đức của Đảng đã và đang được thực hiện theo nguyên tắc đó. Một sự kết hợp mang tính định hướng như vậy sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy đảng viên phấn đấu cho lí tưởng của Đảng, lí tưởng có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, lí tưởng xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh; trong đó mỗi con người, mỗi cá nhân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Chính điều đó sẽ làm cho Bảng giá tri đạo đức của Đảng có thể đại diện cho những tiến bộ về đạo đức của dân tộc và thời đại.
Đạo đức của là hệ quả trực tiếp của các bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa cụ thể. Bởi vậy đạo đức mang dấu ấn của mỗi thời. Song mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc lại kết tinh từ trong trường kỳ lịch sử của mình những giá trị cốt lõi, trở thành truyền thống, bản sắc của dân tộc. Thep ông thì các giá trị cốt lõi của truyền thống đạo đức người Việt là gì và nó tồn tại như thế nào trong điều kiện cụ thể hiện nay?
Các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đã được nhiều học giả có tên tuổi tìm hiểu và hệ thống hoá. Những giá trị đó cũng đã được Đảng ta hệ thống hoá và diễn đạt như sau: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lí, đức tính cần cùa sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”. Những giá trị này là cội nguồn, cơ sở. đồng thời là yếu tố cấu thành Bảng giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, vì đạo đức mang tính thời đại, mà thời đại ngày nay có những yêu cầu mới nên các giá trị đạo đức truyền thống chỉ có thể gia nhập vào Hệ giá trị đạo đức mới khi chúng được đổi mới, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của dân tộc trong thời đại hiện nay.
Nếu tiếp cận vấn đề từ đạo đức học, xã hội học thì phải tìm căn nguyên trong sự vận động kinh tế - xã hội của đất nước. Có nghĩa là phải nghiên cứu, giải quyết về vấn đề lợi ích, nhu cầu để trên cơ sở đó định hướng giá trị đạo đức, trong đó có đạo đức của đảng viên, và thể chế hóa bằng các công cụ pháp lý. Theo ông, hệ thống các giải pháp khắc phục mà Nghị quyết 4 đề ra, nếu thực hiện nghiêm túc, có thể giải quyết được vấn nạn thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên hay chưa? Tại sao?
Hệ các giải pháp mà Hội nghị TW4 Khoá XI đề ra là Hệ thống giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Trên bình diện đạo đức, đó cũng là Hệ thống giải pháp nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đạo đức của Đảng hiện nay. Bởi lẽ, đạo đức không phải là lĩnh vực độc lập một cách tách rời mà thẩm thấu và thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Đảng và đảng viên. Những giải pháp mà Hội nghị đề ra dựa trên sự phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân của công tác xây dựng Đảng thời gian qua; dựa trên sự xác định những vấn đề cấp bách cần thực hiện mà trong đó, “Đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị , đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, là trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất”. Hệ thống giải pháp đồng thời còn căn cứ vào mục tiêu và phương châm của công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, đó là một Hệ thống giải pháp phù hợp, khả thi.
Điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công nghị quyết 4 lần này là gì? Tại sao?
Mặc dù khả thi, nhưng Hệ thống giải pháp đó chỉ có thể được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả với điều kiện là bản thân Đảng nói chung, mỗi đảng viên nói riêng, đặc biệt là các cấp lãnh đạo của Đảng thật sự có quyết tâm thực hiện ; trước hết là tự phê bình và phê bình một cách mạnh mẽ với tinh thần xây dựng, tinh thần cầu thị. Bởi lẽ, nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức, của những thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của dân tộc được Hội nghị xác định chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan, nghĩa là thuộc về con người - đảng viên (bao hàm lãnh đạo) và những cơ chế bất cập hoặc đã trở thành bất cập cũng do Đảng tạo ra. Chúng tôi muốn nói rằng, không phải đây là lần đầu tiên, Đảng nói đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đến việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Và mặc dù đây không phải là một vấn đề có thể giải quyết trong một sớm, một chiều, nhưng chỉ có sự quyết tâm, đồng tân thực sự thì mới có thể từng bước thực hiện được thành công các giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị TW4 Khoá XI đề ra.
Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay. Chúc ông mạnh khoẻ.
Phan Văn Thắng thực hiện