Những góc nhìn Văn hoá
Truyện thơ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại

Nếu như khái niệm “truyện thơ Nôm” đến nay đã khá thống nhất trong giới nghiên cứu, thì “truyện thơ quốc ngữ” vẫn tồn tại nhiều cách định danh. Nó được gọi là “thơ” căn cứ theo hình thức diễn ngôn bằng văn vần, là “truyện” dựa vào nội dung tự sự, là “truyện thơ cận đại” bởi thời điểm lịch sử tồn tại của tác phẩm. “Truyện thơ quốc ngữ” ở đây có thể được định danh là những tác phẩm văn học được sáng tác, xuất bản trong thời kỳ cận đại (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), viết bằng văn tự quốc ngữ La-tin, có nội dung tự sự, sử dụng thể loại văn vần (thường là lục bát hoặc song thất lục bát). Khái niệm “văn xuôi quốc ngữ” sử dụng ở đây giới hạn chỉ các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật bằng chữ quốc ngữ được sáng tác trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Trong đó, bao hàm tất cả những tác phẩm với tên gọi “đoản thiên tiểu thuyết”, “tiểu thuyết”, “hoạt kê tiểu thuyết”, “kim thời tiểu thuyết”, “thời sự tiểu thuyết” v.v… Cùng tồn tại trong giai đoạn bản lề, nơi diễn ra sự chuyển giao giữa hai hệ hình văn học: văn học cổ trung đại và văn học cận hiện đại, thơ ca quốc ngữ nói chung và truyện thơ quốc ngữ nói riêng có mối quan hệ tương tác đa chiều với văn xuôi quốc ngữ.
1. Vai trò của truyện thơ quốc ngữ trong quá trình phôi thai văn xuôi quốc ngữ
Thơ ca quốc ngữ và văn xuôi quốc ngữ Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tuy cùng cộng sinh cùng một môi trường văn học nhưng lại tồn tại trong hai trạng huống trái biệt nhau. Nếu thơ ca quốc ngữ là sự tiếp nối, kế thừa cả một truyền thống thơ tiếng Việt lâu dài, thì văn xuôi quốc ngữ, cùng giai đoạn đó lại đang phải tự kiến tạo nên truyền thống bởi sự vắng bóng của văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt trong lịch sử văn chương dân tộc. Cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887 là một sự khởi đầu ấn tượng của nền văn xuôi quốc ngữ, nhưng không có sự tiếp nối và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Thế hệ sáng tác tiểu thuyết đầu tiên chỉ thực sự xuất hiện sau năm 1910. Khoảng thời gian gần 25 năm này là công cuộc “tìm đường” đầy gian truân của văn xuôi quốc ngữ. Chối bỏ “bệ đỡ” từ văn xuôi tự sự Nôm Công giáo, văn xuôi quốc ngữ đã tìm đến nhiều ngả đường thử nghiệm khác nhau. Con đường phi truyền thống là việc dịch thuật, mô phỏng, phóng tác từ nguồn tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc và văn học phương Tây (văn học Pháp) trên báo chí quốc ngữ. Ngoài ra, có một con đường khác, dù chỉ là một đoạn ngắn, cũng từng in dấu chân thăm dò, chập chững của văn xuôi quốc ngữ, thường ít được giới nghiên cứu chú ý. Đó là đoạn đường quay về học tập kinh nghiệm thẩm mỹ từ chính truyền thống thơ ca dân tộc. Trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy không có văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt, song truyện thơ - một thể loại trữ tình đã đảm nhiệm trọn vẹn vai trò của một thể loại tự sự để phần nào vơi lấp khoảng trống hụt ấy, cho dù truyện thơ và tiểu thuyết văn xuôi có sự khác biệt về chất trên phương diện nghệ thuật. Trên con đường tìm về với truyền thống truyện thơ Nôm, nhiều tác giả đã lựa chọn truyện thơ quốc ngữ như một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại, là một bước chuẩn bị cho sự phôi thai của văn xuôi quốc ngữ. Giai đoạn phiên âm, biên soạn, chú giải truyện thơ Nôm, sáng tác truyện thơ quốc ngữ trở thành bước đệm cần thiết của nhiều tác giả văn xuôi quốc ngữ. Cuối thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký là tác giả tiên phong phiên âm, chú giải và xuất bản vài truyện thơ quốc ngữ đầu tiên: Lục súc tranh công, Phan Trần truyện.Tiếp sau đó, người đọc biết đến Trương Minh Ký với tác phẩm Lục súc tranh công được khởi đăng trên Gia Định báo từ số 2 năm thứ 27 (ngày 13.1.1891) và Nhị thập tứ hiếu khởi đăng trên Gia Định báo từ số 49 năm thứ 32 (ngày 8.12.1896).
Truyện thơ quốc ngữ - Lục súc tranh công
Trong những bước đi dò dẫm, chập chững đầu tiên của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, nhiều nhà văn đã dựa vào truyền thống thơ ca dân tộc tạo nên những tác phẩm “thử nghiệm”. Ở đó, họ cố gắng kết hợp một cách triết chung những cái trước đó tưởng chừng khó có thể kết hợp, chấp nhận sử dụng một cách cứng nhắc những biện pháp văn học mang tính chất khác nhau. Hồ Biểu Chánh là một trường hợp tiêu biểu cho quá trình thực tập sáng tác tiểu thuyết bằng hình thức truyện thơ trước khi sáng tác tiểu thuyết bằng văn xuôi quốc ngữ. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện thơ quốc ngữ U tình lục viết năm 1909, in năm 1913. Ngay ở trang bìa tác phẩm có ghi chú dòng chữ bằng tiếng Pháp “Roman annamite”. Như vậy, theo quan niệm của người cầm bút, đây là một tiểu thuyết Việt Nam(1).
Truyện thơ quốc ngữ U tình lục viết năm 1909, in năm 1913 là tác phẩm đầu tay của Hồ Biểu Chánh
Những thử nghiệm chưa thành công của truyện thơ quốc ngữ tuy làm cho quá trình hình thành văn xuôi quốc ngữ thêm quanh co, chậm chạp, nhưng đã trở thành một động lực mạnh mẽ thôi thúc nhu cầu ra đời của văn xuôi quốc ngữ. Truyện thơ quốc ngữ đã hoàn thành nhiệm vụ kết nối khi nhờ nó, rào cản ngôn ngữ văn tự đã bị xóa tan để văn xuôi quốc ngữ có thể gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với truyện thơ Nôm, từ đó kế thừa kho gia tài giàu có từ truyền thống truyện thơ dân tộc. Đề tài đạo lý trong truyện thơ vẫn được tiếp nối trong văn xuôi quốc ngữ. Các tác giả dùng câu chuyện để đề cao, thuyết minh đạo đức truyền thống. Trên tờ Nông cổ mín đàm (1901-1924) có rất nhiều truyện đạo lý nhưcủa Lương Khắc Ninh, Nguyễn Dư Hoài, Nguyễn Chánh Sắt… Những mẫu hình nhân vật anh hùng nghĩa hiệp như Hai Miên, Sáu Trọng, thầy Thông Chánh của truyện thơ quốc ngữ vẫn tiếp tục xuất hiện trong truyện ngắn giai đoạn sau. Đó là những người anh hùng - tướng cướp - nghĩa hiệp như ở Truyện chàng Lía của Quách Tấn, Gái đâu có gái lạ đời của T.L. Truyện chàng Lía của Quách Tấn cũng là sự kế thừa đề tài của một truyện thơ nổi tiếng cùng tên. Việc đề cao tiết hạnh người phụ nữ trong sáng tác văn xuôi đầu thế kỷ XX mang đậm ảnh hưởng từ nhân vật nữ trong truyện thơ Nôm, đặc biệt là truyện Nôm bình dân (như nàng Cúc Hoa, Ngọc Hoa). Sơn Vương (1908 - 1987) là một trong những nhà văn tiêu biểu trong việc đề cao tiết hạnh truyền thống của nhân vật nữ. Ông luôn hướng nhân vật nữ của mình đến sự chung thủy trong tình yêu, trong cuộc sống gia đình.
Dấu vết ảnh hưởng truyện thơ trong văn xuôi quốc ngữ thời kỳ đầu còn thể hiện ở kết cấu tác phẩm. Trong cuộc thi thơ văn trên Nông cổ mín đàm, chủ bút Gilbert Chiếu đã đưa ra những yêu cầu cụ thể hướng các nhà tiểu thuyết mới của Việt Nam đến những nguyên tắc quen thuộc của văn chương cũ về cấu trúc, kết cấu cốt truyện và đến những lý tưởng truyền thống. Ông khuyên người cầm bút xây dựng một kết cấu tiểu thuyết như sau:
- Phần một: dẫn đề, những nguyên nhân (của các cuộc phiêu lưu), xuất xứ (của nhân vật), mở đề v.v…
- Phần hai: sự tri ân hay sự bất công, nỗi bất hạnh, phiêu lưu, những thử thách, những chặng đường v.v…
- Phần ba: cha và con, vợ và chồng trở lại với cuộc sống trong hòa hợp, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác(1).
Kết cấu truyền thống của truyện thơ Nôm, đặc biệt là truyện thơ bình dân vẫn hiện diện trong kết thúc có hậu hay quan niệm của dân gian “ác giả ác báo” trong nhiều “đoản thiên tiểu thuyết”. Khuynh hướng đạo đức thể hiện ở cách đặt nhan đề tác phẩm (Nghĩa hiệp kỳ duyên, Một đôi hiệp khách, Tài mạng tương đố, Lòng người nham hiểm…); ở cách chọn tên nhân vật (người tốt gồm những Trọng Luân, Trọng Nghĩa, Hữu Chí; kẻ xấu là bọn Tám Chĩnh, Thị Bườn, Phi Đáng; con gái đẹp nết, đẹp người được gọi Xuân Lan, Thu Cúc, Mộ Trinh…); ở lối kết thúc có hậu trong cảnh đại đoàn viên. Trong nhiều truyện của Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, tác giả - người kể chuyện buộc phải tác động vào cốt truyện làm thay đổi số phận nhân vật để có một kết thúc có hậu, nhằm đảm bảo mục đích “văn dĩ tải đạo”.
Trong các yếu tố cơ bản hình thành nền văn xuôi quốc ngữ ở Việt Nam như bối cảnh lịch sử xã hội, sự phát triển phổ biến của chữ quốc ngữ và báo chí…, dịch thuật văn học nước ngoài cũng là một tiền đề thiết yếu. Thơ ca quốc ngữ cũng góp công vào giai đoạn chuẩn bị đó. Tập thơ dịch của Trương Minh Ký bao gồm 17 bài thơ dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine là một trong những dịch phẩm sớm nhất giới thiệu văn học Pháp đến với độc giả bản xứ. Những câu chuyện về thế giới loài vật giản dị, dí dỏm mà sâu sắc như thế là một gợi ý đề tài lý thú cho nhiều tác phẩm văn xuôi quốc ngữ sau này như Chuột lắt và chàng ếch của Lê V.Lương(3). Truyện thơ đầu tiên có nguồn gốc phương Tây là Tê-lê-mạc phiêu lưu ký của Trương Minh Ký xuất bản năm 1887 là bản dịch bằng thơ lục bát từ nguyên tác Les aventures de Télémaque (1699) của nhà văn Pháp Fenelon(4). Truyện thơ Vậy mới phải (viết năm 1913, in năm 1918) của Hồ Biểu Chánh phỏng theo Le Cid của P. Corneille, vở bi kịch nổi tiếng trong văn học Pháp thế kỷ XVII. Tác phẩm đánh dấu bước chuyển từ dịch thuật sang mô phỏng tác phẩm văn học Pháp và hoàn toàn có màu sắc Việt Nam.
Giai đoạn sử dụng thơ ca quốc ngữ của văn xuôi tự sự là bước tiếp nối để chắt lọc cái hay của truyền thống, từ đó tiến tới đoạn tuyệt với truyền thống. Đây là giai đoạn đầu trong hành trình gian nan nhiều quanh co, trắc trở để thử thách và tôi luyện văn chương dân tộc, để có đủ nội lực chuyển hóa từ cái của người thành cái của mình. Nghiên cứu những bước đi đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ, Bùi Đức Tịnh đã đánh giá vai trò của thơ ca quốc ngữ: “…Văn loại tiểu thuyết trong văn học hiện đại đã phôi thai từ các dạng truyện thơ có sẵn, thoát khỏi sự hấp dẫn của các truyện dịch từ tác phẩm Trung Hoa và tiếp nhận ảnh hưởng của tiểu thuyết phương Tây… Hình thức phôi thai sớm nhất của tiểu thuyết ở miền Nam là thơ, tức loại truyện của văn chương cổ điển đổi lốt bằng cách lấy cuộc đời của một nhân vật đương thời làm đề tài”(5). N.I.Nikulin cũng có quan điểm tương tự khi nhận định rằng việc dựa trên truyền thống của truyện thơ Nôm, việc tìm hiểu lại chúng là yếu tố cấu thành quan trọng của sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam hiện đại(6).
2. Ảnh hưởng của văn xuôi quốc ngữ đối với truyện thơ quốc ngữ
Trong mối quan hệ tương tác đa chiều giữa các thể loại, thơ ca quốc ngữ là một nhân tố góp công vào quá trình phôi thai của văn xuôi quốc ngữ. Ngược lại, sự ra đời của văn xuôi quốc ngữ cũng có tác động đến sự phát triển của thơ ca quốc ngữ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong sáng tác đầu tay của Hồ Biểu Chánh có dấu ấn của Nguyễn Trọng Quản(7). Truyện thơ U tình lục của ông nói về một chàng trai bị một phụ nữ thầm yêu giả mạo lá thư để ly gián anh với người tình mà anh từng chung chăn gối. Đề tài này làm người đọc không thể không liên tưởng đến đề tài “cả ghen” của anh chồng chất phác do bị mắc lừa hai lá thư giả mạo của một phụ nữ trắc nết, đi đến phá hoại hạnh phúc gia đình, giết cả bạn và vợ trong Truyện thầy Lazaro Phiền(8).
Lazaroo Phiền - Tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam
Văn xuôi quốc ngữ góp phần giúp truyện thơ quốc ngữ định hình xu thế hiện thực hóa, xa rời dần những yếu tố hư cấu hoang đường, kỳ ảo. Gilbert Chiếu - chủ bút tờ Nông cổ mín đàm - cảnh báo những nhà tiểu thuyết tương lai tránh sa vào những yếu tố cổ tích huyền thoại: “Không nên chạy theo những điều mê tín dị đoan, - trong bản thông báo viết - để làm sống dậy nhân vật này hay nhân vật khác cần phải tận dụng những phương thuốc hữu hiệu hay nhờ người thầy thuốc khéo léo, chứ không nên nói đến các loại ma quỷ khác nhau; để trừng phạt nhân vật nào đó cần phải nói đến căn bệnh, khẩu đại bác, thuốc độc v.v...”(9). Tuy quy chuẩn “hiện thực” của văn học thời kỳ này vẫn còn được người cầm bút hiểu khá giản đơn nhưng bước đầu nó đã tạo nên những cách phản ánh, miêu tả và diễn đạt mới mẻ trong văn xuôi quốc ngữ. Xu thế đó cũng có tác động đến thơ ca quốc ngữ. Truyện thơ quốc ngữ đi gần hơn đến văn học hiện thực khi bắt đầu xuất hiện những kết thúc không có hậu và sự vắng bóng hoàn toàn của yếu tố hoang đường, kỳ ảo. Không khí thời đại còn in dấu trong cả những truyện thơ vịnh tích cũ. Qua truyện thơ giai đoạn này có thể thấy rõ văn hóa phương Tây đã từng bước xâm lấn đến mọi sinh hoạt của xã hội, nhất là mảnh đất Nam Kỳ. Sự xuất hiện của những cô gái lẳng lơ sẵn sàng mời bạn trai đi “khách sạn” để lừa tình như Mười Thắm (Thơ Sáu Nhỏ), những bữa tiệc đủ “rượu Tây rượu Chệc”, những trận giang hồ huyết chiến nơi sòng bạc Tàu Ô (Cậu Hai Miên)… trong truyện thơ quốc ngữ đã góp phần đưa tác phẩm dần bước ra khỏi không gian nghệ thuật truyền thống của truyện thơ Nôm.
Lối tư duy thực chứng ảnh hưởng văn hóa phương Tây trong văn xuôi cũng có tác động đến truyện thơ quốc ngữ. Các tác giả bắt đầu lưu tâm hơn đến tính chân xác, cụ thể về thời gian trong tác phẩm. Câu chuyện trong truyện thơ U tình lục được Hồ Văn Trung ấn định rõ thời gian
Trong năm ngàn tám tám mươi,
Bốn phương lặng lẽ, các nơi thái bình.
(U tình lục)
Trong Tục Vân Tiên truyện, diễn biến truyện được miêu tả với những mốc thời gian cụ thể
- Mười giờ trời mọc vừa cao
Cùng nhau sau trước xôn xao giắt về
- Trường đình mình hỡi tạm ngơi
Hai giờ trông điểm vận thời sẽ hay
(Tục Vân Tiên truyện)(10)
Địa điểm diễn ra câu chuyện trong truyện thơ là những địa danh cụ thể của Việt Nam như chợ Bà Chiểu - Xóm Gà (Thơ Sáu Nhỏ), Gò Công (U tình lục), Ba Tri - Bến Tre ( Tục Vân Tiên truyện), Sài Gòn Chợ Lớn (Cậu Hai Miên)…
Yếu tố phi truyền thống bắt đầu xuất hiện khi những tình tiết của đời sống hiện đại được tác giả đưa vào truyện thơ. Lần đầu tiên, Hồ Biểu Chánh đã để cho nhân vật Tấn Nhơn và Cúc Hương vượt qua giới hạn của tình yêu truyền thống. Mặc dù trước đó đôi trẻ đều ý thức rõ việc vượt qua giới hạn, cùng nhau bỏ trốn là điều “nhục nhã tổ tông”, “ngàn thu tiếng xấu hãy còn”, song cả hai đều không thể tự giữ mình:
Mấy thu nhạn núi cá gành
Đêm thanh gần gũi giữ gìn sao đang?
Tiệc xuân một giấc mơ màng,
Vườn xuân ong đã mở đàng vào ra
(U tình lục)
Ngôn ngữ truyện thơ quốc ngữ cũng có chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ văn xuôi. Đó không còn là hình thức “thơ điệu ngâm” như trong truyện thơ Nôm. Người viết có xu hướng “văn xuôi” hóa hình thức câu thơ. Hiện tượng này phản ánh xu thế diễn đạt mới của thơ ca, song cũng đồng thời bộc lộ nhiều hạn chế, có thể coi là một bước lùi so với ngôn ngữ truyện thơ Nôm bác học. Một loạt các từ ngữ mới du nhập từ tiếng Pháp đã xuất hiện trong truyện thơ như: công-lơ, công-ti, ông-xút, quan dám-đốc, biên dây thép,… Không khí thời đại còn in dấu trong cả những truyện thơ vịnh tích cũ. Sự phóng khoáng, chiều chuộng của chàng công tử Thúc Sinh đối với nàng Kiều được miêu tả cụ thể với “Cà ra nhậm kim cang ba hột”, “hàng cách-sơ-mia Bon-nê”, “ô-tô Ca-lết dạo đàng hóng mát” (Hoạn - Thơ bắt Thúy - Kiều). Điều này vừa phản ánh một cách trung thực lời ăn tiếng nói của một bộ phận cư dân, nhất là bộ phận thị dân thời ấy lại vừa thể hiện khả năng tiếp nhận, vay mượn, chuyển hóa vốn từ vựng nước ngoài.
Tóm lại, việc đặt truyện thơ quốc ngữ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX trong mối tương quan với văn xuôi quốc ngữ cùng giai đoạn sẽ cung cấp một điểm nhìn tham chiếu có ý nghĩa trong nghiên cứu văn học Việt Nam cận hiện đại. Thông qua mối quan hệ tương tác thể loại đa chiều đó có thể thấy, nếu chỉ căn cứ vào những thành tựu cách tân, khó có thể đánh giá toàn diện vị trí của truyện thơ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vị trí của truyện thơ quốc ngữ giai đoạn cận đại chỉ có ý nghĩa trọn vẹn nếu nó được xem như một bước đệm quan trọng khi vừa là “hậu thân” của truyện thơ Nôm, vừa cung cấp kinh nghiệm thẩm mĩ cho sự ra đời và có những ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ nói riêng và văn học quốc ngữ nói chung.
-------------------------------
(*). Viện Văn học
1. Nhìn ra văn học thế giới, cũng có không ít tác gia lựa chọn thể loại truyện thơ làm bước khởi đầu văn nghiệp, như đại văn hào Puskin của Nga nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết bằng thơ như truyện thơEpghênhi Ônhêgin (1823) trước khi sáng tác văn xuôi.
2. Nông cổ mín đàmra ngày 23 October 1906.
3. Lê V.Lương (Thala), Chuột lắt và chàng ếch, Nam Kỳ địa phậnsố 764, 8 Novembre 1923.
4. Tác phẩm được khởi đăng trên Gia Định báo từ ngày 20.6.1885.
5. Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1856 - 1932), Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.158.
6. Nikulin N.I, Truyện thơ Việt Nam thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX và tiểu thuyết hiện đại, Trần Thị Phương Phương dịch, nguồn http: Khoavanhocvangonngu.edu.vn
7. Bùi Đức Tịnh, Sđd, tr.229.
8. Nguyễn Huệ Chi, “Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu”, Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2013, tr.817.
9. Quốc Anh, “Nông cổ mín đàm” và cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học quốc ngữ, Tạp chí văn học số 3, 1978, tr.144.
10. Tây Hiên Kỳ, Tục Vân Tiên truyện, Nông cổ mín đàm số 59, 9 October 1902.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559401

2101

2317

2719

226944

122920

114559401