Những góc nhìn Văn hoá

Trận Chân Mộng - Trạm Thản trong sách báo phương Tây

 

Sách báo và hồ sơ lưu trữ phương tây cho thấy cuộc hành binh Lorraine được khởi đầu khá nhịp nhàng, phối hợp được ba cánh quân bộ - không - thủy, phá được một số kho tàng nằm sâu trong hậu phương của Việt Minh… Nhưng đã kết thúc bằng thảm bại trên đường lui quân tại đoạn Chân Mộng – Trạm Thản trên đường số 2. Với khoảng hai tiểu đoàn trang bị vũ khí bộ binh thường, mật phục đón lõng đôi hình 8 tiểu đoàn cơ giới của đối phương tại nơi hiểm yếu, trận Chân Mộng – Trạm Thản là một minh họa về cách đánh: “Thường dùng mai phục, lấy ít địch nhiều” của Việt Nam.

Theo sách Những viên than hồng của cuộc chiến: Sự sụp đổ một đế quốc và sự tạo tác một Việt Nam Cộng hòa (của Fredrik Logevall, tr. 322 - 323), các diễn biến của màn khai cuộc Chiến dịch Tây Bắc đã khiến Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương phải phản ứng quyết liệt:

15/10/1952, một trung đoàn thuộc sư đoàn 312 Việt Minh đã vây đồn của Pháp ở Gia Hội, cách Nghĩa Lộ 25 dặm về phía Đông Nam.

16/10, Pháp thả tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6ème Bataillon de Parachutistes Coloniaux -6e BPC) do Thiếu tá Marcel Bigeard chỉ huy xuống Tú Lệ, nằm giữa Gia Hội và Nghĩa Lộ, để yểm trợ cho quân Pháp ở Gia Hội rút về bờ tây sông Đà.

17/10, hai trung đoàn của F 308 Việt Minh đánh chiếm cứ điểm Nghĩa Lộ chỉ trong vòng một giờ.

Sau khi mất Nghĩa Lộ, quân Pháp từ các tiền đồn khác ở hai phía của cứ điểm này rút chạy về phía sông Đà. Tiểu đoàn dù số 6 tác chiến quyết liệt với Việt Minh để che chắn cho cuộc rút lui này.

Do khó khăn về tiếp tế lương thực và đạn dược, bộ đội Việt Minh đã không thể truy quét tàn quân Pháp trong khu vực này[1].

Đây là lúc tướng Võ Nguyên Giáp cài thế trận để chuẩn bị cho cuộc tiến công các căn cứ của đối phương tại vào một vùng người Pháp muốn xây thành “đất thánh” của họ, Xứ tự trị Thái (Territoire autonome Taï, TAT). Phía Việt Minh gọi là chiến dịch Tây Bắc.

Để phá ý đồ tiến quân lên Tây Bắc của Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh, tướng Salan đã mở chiến dịch Lorraine đánh vào hậu cứ của Việt Minh tại Phú Thọ, Đoan Hùng, Tuyên Quang, buộc tướng Giáp phải đưa chủ lực quay về giữ hậu phương.

Chiến dịch Lorraine là chiến dịch lớn nhất được triển khai tới lúc đó tại Đông Dươngbởicác lực lượng của LiênhiệpPháp. Lực lượng tham chiến lên tới bốn Binh đoàn cơ động(GM I, II, II, IV, mỗi GM có 4 tiểu đoàn)một lữ đoàn đổ bộ đường không gồm ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn bộ binh, hai bán lữ thiết giáp, hai chiến xa chống tăng, các phi đội máy bay trinh sát, hai thủy đội (Dinassaut) tàu chiến, hai tiểu đoàn pháo binh và các đơn vị công binh.Tổng quân số là 39 ngàn binh sĩ.

Chiến dịch Lorraine, phía Pháp còn gọi là một cuộc Thám sát tăng cường (reconnaissance - in - force), được Bộ chỉ huy Pháp dự kiến sẽ diễn ra trong 4 giai đoạn, như sau[2]:

Thoạt đầu, cụm quân tiên phong gồm 2 GM từ Trung Hà tiến đánh đối phương trên hướng Phú Thọ, thành lập một căn cứ đầu cầu cho quân cơ động qua sông Hồng. Hướng tiến này tới 8/11 phải được mở rộng với sự tham chiến của thê đội 2, là 2 G từ Việt Trì lên theo đường số 2, tham chiến. 2/ Hai thê đội này phát triển tiến công dọc theo đường số 2 lên đến Phủ Đoan (Đoan Hùng), nơi chúng sẽ hội quân với quân đổ bộ đường không - các tiểu đoàn dù. Các thủy đội có nhiệm vụ ngăn chặn đường rút quân bằng đường sông của đối phương. 3/ Quân đội Pháp sẽ phá hủy tất cả các kho tàng và hậu cứ của Việt Minh trong vùng Phủ Đoan. Phụ thuộc vào phản ứng của Việt Minh, người Pháp sẽ quyết định chiếm đóng vùng này dài hạn, hay tiến sâu hơn vào vùng đất do Việt Minh kiểm soát.

 Hình 1: Mở màn chiến dịch Lorraine[3]

Thám sát tăng cường

29/10Salan mở chiến dịch Lorraine.

5/11 quân Phápchiếm Phú Thọ.

9/11quân Pháp chiếm Phủ Đoan (Đoan Hùng). Có sự tham gia của 3 tiểu đoàn dù được ném xuống một địa điểm gần Phủ Đoan[4].

14/11,quân Pháp đánh chiếm Phủ Yên (huyện Yên Bình, lúc đó thuộc Tuyên Quang). Phía Pháp chiếm được một kho vũ khí của Việt Minh tại đây[5]. Người Pháp ngây ngất với chiến tích này, khi một đại đội tăng của Pháp phát hiện hai xe vận tải Molotova do Liên Xô sản xuất và viện trợ. Sách của tác giả Bernard Fall cho rằng đây là bằng chứng hiển hiện của việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Minh, và tới cuối cuộc chiến tranh này, sẽ có tới 800 xe tải Molotova được cấp cho Việt Minh.

Tướng Giáp không phản ứng quyết liệt ngay, mà chờ tới khi các đường tiếp tế của Pháp đã bị kéo căng, mới đẩy mạnh hoạt động quấy rối, tiêu hao liên tục, để buộc các cánh quân Pháp về vị trí đóng quân. Đó là thời điểm giữa tháng 11, khi ông Giáp, theo Bernard Fall, cử trung đoàn 36 và 176 lui về trấn giữ các kho tàng quan trọng tại Thái Nguyên và Yên Bái.

Nhận thấy Võ Nguyên Giáp không phản ứng ở hướng này mà vẫn tiếp tục triển khai cuộc tiến công vào xứ Thái, nên Salan đã ra lệnh lui quân.

Chiến sử của Pháp cũng ghi nhận:

Khoảng giữa tháng 11, Salan nhận thấy kế hoạch Lorraine không đạt được các mục đích của nó. Các lực lượng chủ lực của Giáp đã không được tung vào tác chiến (chống Lorraine), và Đại quân viễn chính Pháp (CFEO) hiện nay đang trú đóng tại một địa bàn như một ngón tay trỏ vào hướng lãnh thổ của Việt Minh một cách vô ích. Việc tiếp tế đường không cho quân viễn chính trở nên quá tải, và các đoàn công voa (các đội hình xe quân sự, ở đây là các đoàn xe vận tải tiếp tế của Pháp) và các phương tiện vận tải đường sông của Pháp trở nên quá đắt giá khi phải đối mặt với các cuộc phục kích của các lực lượng vũ trang tại chỗ của Việt Minh.

Vì thế  từ 14/11/1954, quân Pháp được lệnh rút khỏi các vị trí vừa tạm chiếm được, về đóng quân sau Phòng tuyến De Lattre.

Chân Mộng…

Cuộc rút lui này ban đầu khá ổn thỏa[6]. Tuy nhiên, theo Bernard Fall:

Trận quyết chiến xảy ra khi Trung đoàn 36 của Việt Minh cho phục binh nằm chờ đoàn công voa của các GM 1 và 4, trên đường số 2, tại đoạn đường hẹp gần Chân Mộng, từ đêm 16 rạng ngày 17/11.

Chiến sử của Pháp viết:

17 tháng 11, hai trung đoàn Việt Minh mà Giáp ném trở lại vùng Đoan Hùng - Phú Thọ, và Trung đoàn 36[7] của Việt Minh đã triển khai một cuộc mai phục đại quy mô tại hẻm núi Chân Mộng, nơi mà Quốc lộ 2 (RC2) uốn mình chạy qua một quãng rừng rộng, dốc đứng, trên một quãng chỉ khoảng 150 m. Khi đoàn công voa của Pháp bao gồm các đơn vị thuộc Binh đoàn cơ động 1 và 4 (gồm các xe bọc thép và xe tăng thuộc: Tiểu đoàn bộ binh Đông Dương (BMI); Tiểu đoàn 2 Trung đoàn lê dương thuộc địa số 2 (II/2e REI); Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn xạ thủ Algerie số 7 (4e BM/7e RTA); Trung đoàn xe tăng Thủy quân lục chiến (RICM) vừa đến nơi thì chựng lại bởi luồng hỏa lực chế áp mạnh mẽ của súng cối, và các đợt xung phong ào ạt của bộ binh Việt Minh, nên chịu thương vong nặng nề tại hai điểm phục kích của đối phương.

Theo Bernard Fall, trận này bắt đầu như sau:

Quân Việt Minh đã làm nổ tung một chiếc tăng trong tốp dẫn đầu, khiến cho con đường bị chặn lại, sau đó nhờ hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ từ các ngọn đồi xung quanh, tiến hành xung phong để tiêu diệt đoàn công voa một cách có phương pháp…

Quân sử Pháp viết tiếp:

Chỉ nhờ phản kích mạnh mẽ của các xe tăng và xe tải phía sau mới chặn được đoàn xe khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy vậy, may mắn đã hỗ trợ đoàn công voa thoát vây được.

Báo cáo về tình hình quân sự Bắc Kỳcủa CIA hôm 2/12/1952, cho hay đội hình quân Pháp rút lui được yểm trợ mạnh mẽ bởi các máy bay.

Chiến dịch Lorraine, giai đoạn rút quân[8].

 

Theo Bernard Fall:

Khi quân Việt Minh tạm ngưng chiến (tại các điểm phục kích trên đường số 2 như Chân Mộng), đoàn công voa tới được Ngọc Tháp (Phú Thọ) lúc 22h30 ngày 17/11.

Theo quân sử Pháp, cuộc truy kích chưa kết thúc:

Các hoạt động phục kích như thế vẫn gieo lên đoàn công voa rút chạy trong suốt tuần sau, gây một tổng thiệt hại (trong toàn cuộc hành binh Lorraine) lên tới 1200 quân của Pháp tử trận. Và nếu không có hỏa lực (yểm trợ, oanh tạc) đường không của Pháp, một tổn thất lớn hơn là không thể ngăn chặn được.

Các đánh giá

Trận Chân Mộng - Trạm Thản được đề cập tới trong vài chục sách tiếng Anh, Pháp, Đức… về đề tài chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Báo cáo về tình hình quân sự Bắc Kỳcủa CIA hôm 2/12/1952[9] cho biết thiệt hại của Pháp tại Chân Mộng - Trạm Thản là 6 xe xích bánh sau (half - tracked), hai xe tăng, và 8 xe jeep. Thiệt hại về người là 150 lính của phía Pháp chết và bị thương (số liệu này của Bernar Fall là 55 tử trận, 125 bị thương và 133 mất tích).

Báo cáo này của CIA cũng cho biết ý đồ “nhử” (entice) một đội hình lớn của quân Việt vào một địa hình (bằng phẳng hơn) thuận cho việc phát huy pháo binh, máy bay và tăng - thiết giáp của Pháp đã bất thành. Báo cáo này còn nhận thấy năng lực phối hợp giữa các chiến trường của Việt Minh, khi cho rằng phong trào du kích chiến được đẩy mạnh ở phần phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, vào khoảng 15/11, cũng là một nguyên nhân khiến Pháp đi tới quyết định rút quân, một khi đà tiến của các binh đoàn cơ động đã chựng lại. Sự tăng trưởng rõ rệt của hoạt động du kích khắp nơi thời kỳ này cũng được nhắc đi nhắc lại trong báo cáo này. Cụ thể, tại vùng đồng bằng Bắc Bộ chẳng hạn, Việt Minh có tới 4700 tay súng, trong đó 10 ngàn là quân chủ lực. Thông tin của báo cáo này về việc Lorraine đã kéo được một sư đoàn Việt Minh ra khỏi thế uy hiếp khu vực sông Đà do Pháp tạm chiếm là không phù hợp với thực tế lúc đó.

Gần đây, quân sử Pháp cũng đưa ra các đánh giá về chiến sự xung quanh chiến dịch Lorraine.Dù Pháp đoạt được một số hàng tiếp tế hậu cần của Việt Minh, ông Giáp đã nhanh chóng bù đắp được chúng từ hoạt động cung cấp từ Trung Quốc, nên vẫn ở vào thế chiến lược uy hiếp (quân Pháp) ở Lào. Trong khi chiến dịch Lorraine là một cuộc hành binh được lên kế hoạch tốt theo bài bản của chiến tranh quy ước, nhưng ông Giáp cho thấy ông ấy đã vượt xa khỏi tầm một đối thủ theo quan niệm thông thường của chiến tranh quy ước! Salan đã bị một cú sặc máu mũi, còn ông Giáp gần như không mất mát gì[10].

Theo tác giả Fredrik Logevall, viết trong sáchNhững viên than hồng của cuộc chiến… cuộc hành binh Lorraine đã không cản được cuộc tấn công vào xứ Thái của Việt Minh, cũng không hủy hoại nghiêm trọng được đường tiếp tế hậu cần của phe cách mạng.                                                                      

 


[2] Theo Bernard Fall, Con đường không vui (Street Without Joy), NXB Schocken Books, 1989.

[4] Báo cáo về tình hình quân sự Bắc Kỳ của CIA hôm 2/12/1952. https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP79T00937A000200010011-8.pdf

[5] Theo Báo cáo về tình hình quân sự Bắc Kỳ của CIA hôm 2/12/1952, quân Pháp đoạt được 4 xe tải Molotova, và 25 tấn đạn súng cối 120mm, do Liên Xô sản xuất. https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP79T00937A000200010011-8.pdf;

[7] Chỉ có hai tiểu đoàn do các ông Cao Lưu (tiểu đoàn 89) và Mai Xuân Tần (tiểu đoàn 80) chỉ huy phục kích tại Chân Mộng, dưới quyền chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hồng Sơn. Tiểu đoàn 84 của Sơn Mã về sau, chạy bộ đuổi địch đến Trạm Thản tiêu diệt được một thiết giáp của địch nhưng tiểu đoàn trưởng đã hy sinh. (Chú thích của ông Hồng Cư).

[8] Orbis xuất bản.

[9] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP79T00937A000200010011-8.pdf

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443589

Hôm nay

2147

Hôm qua

2333

Tuần này

21402

Tháng này

218763

Tháng qua

112676

Tất cả

114443589