- Chuyện thường ngày ở ... mùa Du lịch. Khách sạn họ mài dao suốt cả mùa đông rồi. Lương tối thiểu của cán bộ mới lên 1.050.000đ/tháng nhưng nhà nghỉ bình dân của Hạ Long mềm lắm, chỉ có 1.200.000đ/đêm thôi. Ông muốn du thì nhớ đưa thêm tiền mới lịch được ha.
- Nè, đã ăn chơi thì đừng có kêu la. Thời suy thoái toàn cầu, không lo tái cấu trúc, ổn định vĩ mô mà cứ nói chuyện bội chi thế là tư duy kinh tế của ông có vấn đề nặng rồi, check lại đi. Tui nói trời nóng và dân đi du lịch đông là để mà thương...
- Thương gì ?
- Ông không biết à ? Chuẩn bị mùa thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng nữa rồi. Thương và tội con cháu quá đi.
- Ừ nhỉ. Tui nghe bọn trẻ kháo nhau mỗi việc chọn trường chọn khối đã hoa cả mắt. Năm nay hồ sơ dự tuyển các ngành khoa học xã hội đếm đầu ngón tay. Chết thật, ít năm nữa lấy đâu nhân lực mà gánh vác những chuyện đại sự quốc gia.
- Ông khỏi lo, khoản này xứ mình đầy kinh nghiệm, thậm chí là siêu kinh nghiệm. Thiếu gì kẻ đầu óc một gang mà vẫn ngự đầu một ngành, lại có kẻ trước chỉ học vặn ốc vít nhưng giờ vẫn chỉ đạo được ối chuyện về chữ nghĩa đấy.
- He he, ông thì chỉ được tội ... nói đúng thôi.
- Sao không đúng, tui là dân Nghệ, tui mê nhất ở xứ Nghệ là cái sự học. Mấy năm vừa rồi kinh tế thì mình cứ biết điều im đi cho ... tiến bộ. Còn lại bọn nhỏ nó làm sáng cả Nghệ An ra chứ có ai khác.
- Tui nghe một chuyên gia kinh tế công khai giữa một hội nghị quan trọng là về IQ thì dân Việt Nam có nét sắc sảo như dân Israel, mà trong dân Việt thì người Nghệ lại là gen trội hơn cả. Đúng không?
- Nghe ra thì cũng hơi nổ một tý, nhưng cũng có lý đấy. Mỗi năm đầu vào của các trường Đại học - Cao đẳng nuốt của xứ mình khoảng trên dưới 20.000 sinh viên. Thi quốc tế có vàng quốc tế, mà vàng xịn như Nguyễn Tất Nghĩa hẳn hoi. Năm ngoái báo đài ầm ầm đưa tin Tăng Văn Bình ở Đô Lương hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm nhưng thi đại học thì đạt 30 điểm, trở thành thủ khoa của mọi thủ khoa. Nghe mà sướng cho người Nghệ thật.
- Nhưng ngẫm lại thấy buồn ông ạ.
- Có gì mà buồn. Dọc cả dải đất chữ S này đi đâu cũng gặp trọ trẹ giọng Nghệ nhưng rất tài giỏi, đáng nể quá đi.
- Tui buồn là xứ mình giờ mất nhiều quá rồi. Gỗ rừng thì cạn kiệt, đất đai thì lắm kẻ thao túng.
- Ôi ba cái thứ ấy xưa cũ rồi. Ông lên Quỳ Hợp mà xem, khoáng sản tành banh lên cả. Một cây gỗ quý chỉ cần vài ba trăm năm, nhưng một phiến đá trắng hay một mẩu quặng thiếc là cần hàng mấy triệu, thậm chí hàng mấy chục triệu năm. Bọn mình có hóa kiếp đến cụ kỵ chắt chít cũng đừng mơ có lại vùng khoáng sản nhiều mật mỡ vậy nữa ha.
- Mà cũng may, để nó mất hết đi vậy thì mình mới thấy còn lại một thứ.
- Ông lại nói chuyện Sơn Tây làm chết cây Hà Nội rồi.
- Thật mà. Mất rừng, mất mỏ, mất đất đai, mất vị thế nhưng xứ mình vẫn được cái sự học. Đó là may còn gì.
- Mất hết thì còn nói làm gì. Đời này trời có cho ai được cả đâu. Mà tui xem ra may nhất là dân xứ mình quá hay. Đầu tư cho chuyện học hành thì mình chưa là gì so với Nam Định, Bình Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Nhưng con cháu mình biết phận và nuôi chí, nói dại mồm có đứa học như điên.
- Đúc kết rồi. Đất Nghệ sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa; con đỗ, cháu đỗ, ông đỗ, đỗ cả nhà. Thế mới tài !
- Nhưng ông ạ, có đứa bạn tui tận trong Sài Gòn alô ra quê mày nghèo nhưng học giỏi, thừa nhận. Nhưng quê mày sao học giỏi mà vẫn nghèo, thừa nhận không? Tui chịu không trả lời.
- Cũng vì xứ mình nhiều quá dùng không hết. Nghe nói mấy năm trước định làm thành cái Trung tâm đào tạo nguồn lực cho cả khu vực nhưng dạo này thấy im rồi. Vậy nên con cháu phải tự tìm nơi mà xuất khẩu chứ. Mình không dùng thì nơi khác dùng hộ, biết đâu họ dùng còn hay hơn mình nữa. Thế mới gọi là hội nhập và hợp tác chứ.
- Ông nói cứ như Nghị quyết ấy. Biết vậy nhưng tui vẫn buồn ông ạ. Chỉ còn lại một viên ngọc mà cũng chưa tìm được cách dùng. Buồn lắm.at.