Cuộc sống quanh ta

Lương Hẻo

Nhân Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) bàn về vấn đề cải cách tiền lương, tôi hỏi mấy chuyên viên khoảng tuổi 7X, 8X lương bổng thế nào.

Một cô nhanh nhảu bổng không có, lương thì hẻo lắm chú à. Tôi hỏi hẻo là thế nào. Cô ta làm phép tính bạn cháu đây, ra trường đã 7 mùa phượng nở mà lương bây giờ chỉ hơn 2 triệu/tháng. Nó còn ngậm ngùi thu nhập của cháu không bằng phân nửa tiền lãi gánh bún riêu của cụ bà đầu phố.

Tôi đi tìm hiểu mới thấy câu chuyện này đúng là kiểu bát quái trận đồ.

Để trở thành công chức nhà nước, một học sinh Phổ thông trung học phải qua 2 kỳ thi tuyển chính thức: thi qua sàng tuyển sinh Đại học và thi tuyển vào Công chức.

Hầu hết những học sinh có tư duy tốt và lực học khá mới lọt qua cuộc đấu  quyết tử trong kỳ thi Đại học. Nhiều phụ huynh còn nói con thi Đại học nhưng suốt năm cả nhà phải vã mồ hôi, phải trải qua không biết bao nhiêu là cảm xúc lo toan, hồi hộp, hỉ hả. Tính theo thời giá tiết kiệm bây giờ, mỗi sinh viên chi khoảng 3 triệu đồng/tháng, quăng quật 4 năm ở Hà Nội đã xài ít nhất của bố mẹ cả trăm triệu đồng.

Cầm bằng tốt nghiệp Đại học, muốn thành công chức lại phải tiếp tục thi. Cuộc thi này cũng đầy gian nan. Cửa vào đã hẹp, lại thêm ưu tiên con em chính sách, con cháu các cụ, chạy sân sau sân trước nên không ít sinh viên có bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi vẫn trì trà trì trật mấy mùa mới len được vào cái ghế công chức dự bị.

Bắt đầu vào làm việc, nếu lương tối thiểu là 830.000đồng thì công chức dự bị được hưởng 1.816.000 đồng/tháng (85% của hệ số khởi điểm chuyên viên 2,34). Sau ít nhất 01 năm nếu đủ điều kiện chuyển thành chuyên viên thì mức lương sẽ được lên 2.136.000 đồng/tháng. Kể từ đó cứ sau 3 năm thì được xem xét để nâng lên 01 bậc với số tiền khoảng 300.000đồng/tháng. Bây giờ lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng, tiền lương có hơn tý nhưng loại công chức đã làm việc khoảng 10 năm thì cũng chỉ có mức lương 3.150.000đồng/tháng, nếu trừ bảo hiểm và các khoản phí khác thì thực nhận chỉ còn gần 2.700.000đồng.     

Chừng ấy lương cho sau 10 năm làm việc thì đúng là bèo bọt và hẻo quá.   

Nhưng câu chuyện về đồng lương hẻo lâu nay cũng đang được dư luận phản ánh theo một chiều hướng khác.

Văn phòng Chính phủ cho biết số lượng công chức của nước mình liên tục tăng thêm, cả nước hiện có đến 281.692 công chức. Chỉ tính mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng/công chức thì mỗi năm Nhà nước chi khoảng hơn 10 ngàn tỷ. So với nhiều nước trong khu vực số lượng đó thật ra không lớn. Nhưng điều đáng suy nghĩ là chất lượng và hiệu quả của đội ngũ công chức đóng góp cho lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước đang có quá nhiều chuyện lởm khởm.   

Ai cũng biết công chức là nguồn lực được đào tạo bài bản nhất, lao động trong khu vực quản lý hành chính nhà nước là lao động cao cấp, hiệu quả được tính bằng bội số so với lao động giản đơn. Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế thì không ít ý kiến thẳng thừng đánh giá chất lượng công chức hiện đang rất đáng báo động. Chuyện này vừa được xới nóng lên tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3 và mới đây ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp lại đưa một thông tin gây choáng. Ông cho biết hiện có 30% cán bộ, công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và 30% có mặt chỉ để lãnh lương. Mấy năm trước có vị lãnh đạo Quốc hội lại còn bức xúc đề xuất phải cắt giảm 40% công chức - viên chức.

Tôi không bàn đến độ chính xác của những con số, nhưng tôi tin những con số đó là biểu hiện đúng về thực trạng công chức. Cái vòng luẩn quẩn hiện nay là hiệu quả lao động tuy thấp nhưng ngành nào cũng xin tăng biên chế. Rồi biên chế tăng nhưng hiệu quả lại cứ thấp, hiệu quả thấp nhưng tổng kết cuối năm ai cũng hoàn thành nhiệm vụ và tới kỳ lương lại vẫn tăng đều đều. Cơ chế quản lý kiểu bầy đàn và chính sách cào bằng như vậy thực ra là sự sỉ nhục cho những công chức mẫn cán và cuối cùng thì việc chảy máu chất xám sẽ là tất yếu.

Trong cuộc đối thoại về chính sách tiền lương mới đây của Đài Truyền hình Việt Nam, có ý kiến cho rằng lương công chức hiện không phản ánh được sự công bằng và mức lương này đang triệt tiêu động lực phấn đấu của công chức. Điều đó có đúng một phần bởi công bằng hay không thì cơ quan trực tiếp sử dụng lao động là biết rõ nhất và triệt tiêu hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều chuyện khác. Ví như mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng trả lương cho những công chức tầm gửi. thì đó là sự thiệt hại hết sức nặng nề chứ không thể nói là sự triệt tiêu.

Thành ra câu chuyện về lương đúng là hẻo cho một bộ phận công chức có tâm có tài nhưng lại quá hời cho những công chức hàng ngày đang nhởn nhơ ngồi mát.

Đó mới là cội nguồn của sự mất công bằng và là nguyên nhân chủ yếu triệt tiêu động lực lao động của công chức. Một khi nhà nước chưa dám nhìn thẳng vào sự thật này để mạnh tay khắc phục thì câu chuyện về lương hẻo vẫn xem như chưa thể có hồi kết.

     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114564235

Hôm nay

2162

Hôm qua

2369

Tuần này

21176

Tháng này

222759

Tháng qua

129483

Tất cả

114564235