Khách mời văn hóa

Nhạc sĩ An Thuyên:Thực chất các làn điệu dân ca ví, giặm được xây dựng trên cái trục 3 nốt nhạc Mi - La - Đô

VHNA: Nhạc sĩ An Thuyên, từ những năm cuối thập kỷ 60 (TK XX) là cán bộ của Ty Văn hóa Nghệ An và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các vị lãnh đạo ngành lúc bấy giờ. Sau khi nhập ngũ ông tiếp tục con đường âm nhạc của mình với nhiều thành tựu góp phần làm nên đời sống âm nhạc nước nhà trong khoảng 2 thập kỷ nay. Trong các sáng tạo của mình, di sản âm nhạc và văn học của dân ca Nghệ Tĩnh là điểm tựa, là chất liệu cho các tác phẩm của ông. VHNA đã có cuộc trao đổi với ông về dân ca Nghệ Tĩnh, những gắn bó và cảm nhận của ông với dân ca Nghệ Tĩnh.

PV: Chúng tôi được biết ông đã có quá trình tham gia sưu tầm, nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh từ những năm còn chiến tranh chống Mỹ. Ông có thể nhắc lại, kể lại một vài công việc của ông và các đồng nghiệp hồi đó được không?

Nhạc sĩ An Thuyên (NS. AT): Ô trời ơi… Chuyện đi sưu tầm ngày xưa ư? Nó hằn sâu trong tôi sâu lắm, ông ơi.

Hồi đó, khoảng cuối những năm 1960, chiến tranh ác liệt, cái sống cái chết liền kề mà ông Trần Nguyên Trinh - Trưởng Ty Văn hóa Nghệ An, ông Nguyễn Trung Phong, nhà viết kịch, Phó trưởng ty, ông Nhà Thơ Trần Hữu Thung - Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An nữa, có một kế hoạch lớn cho cả ngành là quyết tâm sưu tầm văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, đâu phải chỉ có âm nhạc. Các ông ấy làm hết mọi việc cần thiết rồi thúc dục anh em lên đường. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm… cứ thế quyết liệt, khổ mấy cũng làm. Sưu tầm rồi nghiên cứu, rồi hội thảo, tranh luận… Tôi còn nhớ rõ có một hội nghị tổ chức bên Hà Tĩnh trong một hội trường sơ tán, mấy chục con người đang cãi nhau sai đúng thì bom Mỹ thả cách đó vài ba trăm mét, mọi người vơ vội tài liệu chạy xuống hầm trú ẩn, máy bay cút rồi lại kéo nhau lên tiếp tục cãi nhau, lại sai sai, đúng đúng… Ôi, lớn lao làm sao.

Riêng tôi, chuyện được đi sưu tầm dân ca cũng là một cơ duyên, một may mắn của số phận và có ý nghĩa to lớn vô cùng. Bốn, năm mươi năm rồi mà cứ tưởng mới như hôm qua. Hồi đó có đoàn nhạc sỹ ở Viện nghiên cứu âm nhạc gồm nhạc sỹ Đào Việt Hưng, nhạc sỹ Hồ Thoa vào Nghệ An đi sưu tầm dân ca. Họ cần một người trẻ nhiệt tình đi cùng họ làm “điếu đóm”, “hầu hạ cơm nước”. Thế là ông Trinh, ông Phong chọn tôi vì lúc đó tôi mới 17, 18 tuổi, trẻ nhất Ty Văn hóa Nghệ An. Đi theo “điếu đóm” cho các ông được 2 tháng thì các ông ấy về Hà Nội. Ông Phong hỏi tôi: “Có học được tý nghề nào không? Thích đi sưu tầm không? Tôi bảo, có học “mót” được chút ít rồi anh ạ, anh cho em đi tiếp đi. Thế là Ty Văn hóa cấp cho tôi 1 chiếc máy ghi âm R5 của Đông Đức, một chiếc  xe đạp “trâu” Liên Xô, sang bên đài phát thanh tỉnh xin được mấy cuộn băng “cối” lớn về nhà hý hoáy cả tháng trời làm được mấy chục cuộn băng nhỏ bằng nhôm, san băng cắt thành những cuốn nhỏ, cùng với mấy chục đôi pin con thỏ bên thương nghiệp cấp, thế là mũ lá, dép cao su lên đường đi sưu tầm gần 5 năm trời liền. Suốt một dải sông Lam từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên về Cửa Hội, qua Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành về Nghi Lộc, cứ thế lầm lũi đi, ghi chép, học hỏi, mặc đạn bom, mặc sốt rét ác tính, ngã nước “thập tử nhất sinh”… Năm năm với hàng trăm cuốn băng tự tạo đã thu được hàng trăm bài hát giá trị của các nghệ nhân trong toàn tỉnh. Chỉ tiếc rằng năm 1975 nội bộ Ty lủng củng, mấy anh em trẻ có triển vọng phải ra khỏi ngành, tôi đi bộ đội, phải bàn giao lại toàn bộ số băng sưu tầm đó. Đoàn Dân ca Nghệ An lúc đó có sử dụng khai thác một số làn điệu phổ biến. 2 - 3 năm sau tôi trở về, muốn xin lại số băng đó thì băng đã mốc hỏng hoàn toàn. Tôi buồn lắm vì trong bộ sưu tầm của tôi còn có rất nhiều bài bản hay mà chưa kịp phổ biến ra.

PV. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương sưu tầm, nghiên cứu của tỉnh và ngành văn hóa trong thời điểm chiến tranh ác liệt đó?

NS. AT: Đó là một sự tỏa sáng của trí tuệ và tâm huyết của những con người làm văn hóa và yêu quê hương đất nước đích thực. Nhờ đó, tổng quan văn nghệ dân gian cả Nghệ An và Hà Tĩnh đã được lộ diện và bảo vệ, bảo tồn một phần quan trọng. Bên văn học dân gian có hàng chục công trình nghiên cứu đồ sộ, tầm cỡ quốc gia ra đời của những tên tuổi lớn như ông Nguyễn Đổng Chi, ông Ninh Viết Giao, ông Thái Kim Đỉnh, ông Trần Hữu Thung… Bên âm nhạc có nhiều tên tuổi có công xuất sắc, ngoài những nhà nghiên cứu ở Trung ương, ta phải luôn ghi nhớ những con người luôn sống chết với mảnh đất này như ông Lê Hàm, Thanh Tùng, Mai Hồng, Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế…, các nghệ sỹ Đức Duy, Xuân Năm, Song Thao, Thanh Bảng, Đình Bảo… và không thể nào quên được ông Nguyễn Trung Phong người đã viết bài hát “Giận mà Thương” để đời, đây là bài hát dân ca Nghệ Tĩnh tui cho rằng hay nhất mọi thời đại. Đấy là ở miền xuôi, còn ở miền núi có ông Hoàng Thọ, Xuân Đàm, Ngân Văn Nguyên, Lĩnh Chất, Sầm Nga Di, Thanh Xuân… Các ông, các bà dẫu người còn, người mất, họ là những người Thầy, người Bạn lớn của tôi, là những người con dân ưu tú Xứ Nghệ không thể nào quên.

PV: Những kết quả quan trọng nhất hồi đó đạt được là gì, thưa ông?

NS. AT: Thời ấy, những người làm văn hóa đều là những người có tầm, có tâm lớn về văn hóa. Chỉ riêng về việc quyết liệt làm sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy vốn cổ ngay trong khi chiến tranh ác liệt nhất đó là bài học lớn cho chúng ta bây giờ. Với chủ trương này đã sưu tầm và nghiên cứu được một kho tàng văn nghệ dân gian Nghệ Tĩnh với một diện mạo khá đầy đủ, phong phú và đa dạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực âm nhạc dân gian, tôi có thể khẳng định rằng thời đó, từ giữa những năm 60 đến cuối 1980 đã cơ bản làm hoàn tất việc sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh, các làn điệu dân ca gốc với hàng trăm dị bản đã được lộ diện, làm cơ sở cho phong trào hát dân ca trong chiến tranh “tiếng hát át tiếng bom”, làm cơ sở cho kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ra đời, làm cơ sở cho những bài ca mới từ chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh ra đời, lan tỏa khắp mọi nơi. Thử hỏi nếu thời đó không làm mạnh mẽ, làm tổng thể thì bây giờ ta sẽ mất biết bao nhiêu di sản, sẽ còn lại được những gì. Thời gian và tuổi tác của các nghệ nhân đâu chờ đợi chúng ta. Những người sinh ra chủ trương và những người thực hiện sưu tầm nghiên cứu dân gian của ngành văn hóa 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An thời đó, bây giờ mấy ai nhớ tên tuổi họ, ghi công họ…? Chẳng lẽ cuộc sống cứ trượt dài như vậy sao…?

PV: Theo ông, đặc trưng âm nhạc của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là gì?

NS. AT: Đặc trưng âm nhạc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ư? Ông hỏi tôi câu này nó liên quan nhiều đến học thuật rồi đấy. Tôi không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp nên xin phép không nói được gì nhiều.

Tôi chỉ nói cái ám ảnh, cái dễ nhận ra của tôi về quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” thôi.

Theo tôi nỗi buồn! Nỗi buồn là đặc trưng thứ nhất, nổi bật nhất của dân ca Nghệ Tĩnh.

Dân ca ví, giặm thực chất là nỗi buồn thăm thẳm tận đáy của con người Nghệ Tĩnh. Tôi nói “Tận đáy” là để nói rằng không phải dân ca một số vùng khác không có buồn. Có! Nhưng không được tới “tận đáy” như dân ca Nghệ Tĩnh. Từ cái hồn dân ca đó ta có thể có được những lát cắt, có  thêm một góc nhìn về con người xứ Nghệ. Một là, người Nghệ là nơi hiếm thấy, nói ra được nỗi buồn thăm thẳm của mình. Người Nghệ bao đời nay là con người biết SỐNG THẬT. Thật lòng, thật thà, thật tính, thật như đếm, ngay thẳng, “thẳng như ruột ngựa”, ít biết giả dối… vì đã nói hết tận đáy rồi còn đâu mà giả dối. Hai là, người nói ra được nỗi buồn của mình là người DŨNG CẢM. Người Nghệ dũng cảm thì ai ai cũng biết. Dũng cảm đến ngang tàng ai ai cũng biết. Bao đời nay con dân xứ Nghệ với dòng máu dân ca ví, giặm của mình, dù sống ở quê nhà, dưới trời Việt hay trời Tây, với hai đặc tính SỐNG THẬT và DŨNG CẢM không dễ trộn lẫn vào đâu được.

Tôi nói thêm rằng cái buồn tận đáy của dân ca Nghệ Tĩnh đó được kiểm chứng nhiều mà ít người để ý đấy thôi. Tôi đã đi nhiều nơi, dù ở phương trời nào, không một người Việt Nam nào khi nghe những bài hát hay có chất liệu Nghệ Tĩnh mà họ không rung động khác thường. Họ yêu thích đến cuồng nhiệt, đến kỳ lạ, cứ như là bài hát ấy của riêng mình dù rằng họ không phải người sinh ra từ xứ Nghệ. Tại sao vậy? Tôi cho rằng vì nỗi buồn Nghệ Tĩnh đã chạm vào được nỗi buồn chung của nhiều người Việt Nam. Cái buồn, cái đau đó được chôn chặt nhưng khi chạm được vào nó thì nó sẽ không thể nguôi ngoai. Văn nghệ chừng nào chạm được vào cái đáy của cuộc sống, cái thăm thẳm nỗi đau buồn con người là văn nghệ vững bền. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã làm được điều đó và nó nhất định sẽ mãi mãi vững bền. Vì vậy mà nó là một di sản văn hóa đáng được vinh danh của nhân loại. Suốt cả đời tôi cứ ám ảnh với nỗi buồn sâu thẳm đó của dân ca Nghệ Tĩnh, tôi sống với nỗi buồn đó trong hai tiếng QUÊ HƯƠNG.

Đặc trưng thứ hai, theo tôi, đây là một miền dân ca có văn chương (lời ca) hay nhất.

Không có nơi nào các cuộc diễn xướng dân ca của các phường hội lại được nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn chương tham gia nhiều đến vậy như ở Nghệ Tĩnh. Những danh nhân như Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ… hay thời cận đại với những bài vè của Nhà thơ Trần Hữu Thung… cho ta một nhận định dễ thấy đó là lời trong các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh đạt đến độ hoàn bích của nghệ thuật văn chương. Hoàn bích đến mức, âm nhạc tôi nhìn thấy như là cái cột, còn lời ca là toàn bộ ngôi nhà. Âm nhạc là con đò, còn lời ca là những lấp lánh ánh trăng trải đầy dòng sông. Cho nên nghiên cứu và khai thác dân ca Nghệ Tĩnh phải có cái nhìn tổng thể, không thể chỉ nhìn cái cột mà không nhìn toàn bộ ngôi nhà, không thể chỉ nhìn con thuyền mà không biết nhìn cả dòng sông đầy trăng. Lâu nay tôi thấy các nhà nghiên cứu, sáng tác đó khu biệt, cá thể hóa 2 bộ phận chính cấu thành dân ca Nghệ Tĩnh, nên có thể vì thế mà theo tôi chưa có công trình nghiên cứu có tầm khái quát cao, chưa nói hết được giá trị tổng thể của di sản này. Dù rằng tôi luôn kính trọng các công trình nghiên cứu văn học dân gian Nghệ Tĩnh đồ sộ của các học giả như cụ Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Tất Thứ, Trần Hữu Thung… nhưng là sự khu biệt cái lớn lao của văn chương, còn âm nhạc thì chưa có một công trình nào tương xứng như thế. Ta mới chỉ nhìn được một phía của dân ca Nghệ Tĩnh thôi, nên người nghe thấy nó hay mà không biết tại sao? Chưa nói đến việc nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh phải bắt đầu từ việc hiểu sâu sắc con người Nghệ Tĩnh. Trong lĩnh vực sáng tác cũng vậy, chỉ khi nào người nhạc sỹ không đơn thuần tiếp thu chất liệu âm nhạc, phải có đậm đà văn chương trong chất liệu ấy và thấm đẫm tình đời, tình đời xứ Nghệ mới có những bài ca, mới rung động lòng người. Nay đang thông thường là giới nhạc chúng tôi đang ít chú ý đến lời ca, đấy là sự thiệt thòi lớn. Phải có văn chương trong lời ca thì ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh mới rung động lòng người.

PV: Nếu so sánh với âm nhạc của dân ca hai xứ gần xứ Nghệ là xứ Thanh và xứ Huế thì nó (âm nhạc của dân ca NT) sẽ có những đặc điểm gì?

NS. AT: Lại so sánh ư. Khác nhiều, khác về bản chất, khác về lề lối diễn xướng, về ngữ điệu, về cung, quãng âm nhạc…

Tôi chỉ dám nói nôm na thế này thôi:

Mảnh đất Xứ Thanh là nơi đầu tiên sinh ra những điệu hò Lao động tuyệt vời của người Việt và cũng là nơi cuối cùng của những cung bậc âm thanh mang rõ nét cốt cách dân ca Bắc bộ.

Dân ca xứ Huế là dân ca Kinh thành. Xứ Huế với 200 năm có kinh đô đó làm nên được một điều thần kỳ là một kinh đô duy nhất ở Việt Nam CÓ NHẠC riêng, đạt đến trình độ nhân loại. Nhạc dân gian được tái tạo, cách tân tới trình độ chuyên nghiệp. Nhạc của sự giao lưu, tiếp thu nhiều miền văn hóa với một bản lĩnh văn hóa Bình Trị Thiên mạnh mẽ, sáng tạo làm nên một di sản độc đáo: Ca Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Có lẽ, hiện nay, hơn lúc nào hết, ta nên nghiên cứu sâu để học tập cách mà cha ông mình đã làm: đó là hội nhập nhưng văn hóa dân tộc vẫn phát triển và quan trọng là vẫn giữ được cốt cách truyền thống, bản sắc của mình. Trong âm nhạc dân gian xuất sắc ta có Ca Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, Quan Họ, Đàn ca tài tử Nam bộ… đó là những giá trị thể hiện bản lĩnh văn hóa Việt Nam ở tầm cao nhất.

Dân ca Nghệ Tĩnh là con đẻ của một vùng đất cổ xưa, bao đời là phên dậu, điểm đến tận cùng của những con đường lịch sử từ phía Bắc vào, từ phía Nam ra. Đây là vùng đất cách xa những biến cố lịch sử và những hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài. Dân ca Nghệ Tĩnh như một gia sản tự cung, tự cấp của riêng làng, riêng xứ. Tôi nghĩ thật may mắn được sinh ra từ một miền dân ca CỔ XƯA bậc nhất, được uống sữa mẹ nguyên chất nhất. Dấu vết cổ xưa còn lại rất rõ trong giọng nói người Nghệ đơn âm. Đem so sánh với tiếng Việt phổ biến từ khi có chữ viết đến nay, có 6 dấu: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và không dấu, thì giọng Nghệ phát âm chỉ dùng 3 dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng tương ứng với dấu nặng, còn lại dấu huyền và không dấu. Và thế là âm nhạc dân gian xứ Nghệ được sinh ra từ giọng nói và cách phát âm của người Nghệ Tĩnh, đơn âm - 3 dấu. Từ khi tôi đi sưu tầm dân ca, tôi đã mang máng thấy rằng thực chất các làn điệu dân ca ví, giặm được xây dựng trên cái trục 3 nốt nhạc MI - LA - ĐÔ tương ứng đơn âm, 3 dấu nói trên. Tôi chưa có thời gian để nghiên cứu sâu luận điểm này, mong được các nhà nghiên cứu chia sẻ. Chỉ biết rằng quá trình sáng tác của tôi khi tôi viết về Nghệ Tĩnh nếu thoát ra khỏi cái trục  Mi - la - ĐÔ này sẽ không còn là Nghệ Tĩnh nữa. Và kể cả khi tôi viết về các vùng miền khác, kể cả về nước ngoài, nay tôi đã có sự nghiệp thì ai ai cũng nói rằng: “âm nhạc An Thuyên bắt nguồn từ âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh”, tôi nghĩ nó chính là 3 nốt MI - LA - ĐÔ đấy thôi.

PV: Theo chúng tôi được biết thì hiện nay vẫn có những ý kiến khác nhau khi xác định về các làn điệu của dân ca Nghệ Tĩnh. Người thì nói có nhiều làn điệu, (các nhạc sĩ Lê Hàm, cố nhạc sĩ Vi Phong...), có người (Pgs Ninh Viết Giao) lại khẳng định dân ca ví, giặm NT chỉ có duy nhất một làn điệu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

NS. AT: Vâng. Trong nghiên cứu khoa học có các ý kiến khác nhau, trái ngược nhau là chuyện bình thường. Ông Lê Hàm, ông Vi Phong và tôi biết nhiều người nữa nói dân ca Nghệ Tĩnh rất nhiều làn điệu, phong phú, đa dạng. Ông Ninh Viết Giao nói chỉ có một. Hôm nay tôi lại nói Khung dân ca Nghệ Tĩnh chỉ có 3 nốt. Vui thật, tôi nghĩ: Nói rằng rất nhiều làn điệu có lẽ cực đoan, bởi coi chừng nó là các dị bản. Còn nói như ông Giao và tôi có lẽ cũng cực đoan luôn. Cách nhìn dân gian như cách “nấu cao” thì e rằng chưa đúng quy luật phát triển văn hóa. Tôi cho rằng mỗi người đều có căn cứ của riêng người ta. Cách cảm nhận của tôi là người sáng tác, dùng cho sáng tác, chỉ xin các nhà nghiên cứu chia sẻ thôi, còn các luận điểm khác tôi rất tôn trọng, mong có nhiều công trình nghiên cứu công phu hơn, sâu sắc hơn để lại cho mai sau.

PV: Ông là một trong số không nhiều các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca NT một cách tài tình, có hiệu quả nhất. Bằng sự am hiểu, kinh nghiệm nghiên cứu và sáng tác của mình, theo ông bí quyết của quá trình sáng tạo đó là gì?

NS. AT: Bí quyết sáng tác ư? Mỗi người có một lối riêng, cách làm riêng. Ý chí của tôi là: “trèo lên vai cha ông để nói tiếng nói thời đại mình!” Dân ca Nghệ Tĩnh đã cho tôi tất cả, cuộc sống, sự nghiệp, sự dâng hiến và tư cách làm người. Tôi sinh ra trong một gia đình diễn kịch dân gian, những năm tháng trẻ trung được đi sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Có lẽ đây là bệ phóng may mắn quyết định mà tôi có được. Tôi đang tiếp tục khai thác thế mạnh này để tiếp tục sáng tạo, hy vọng sẽ có thêm những tác phẩm mới có tinh thần Nghệ Tĩnh mới mẻ hơn như tôi hằng mong muốn: “Trong nền âm nhạc Việt Nam có một An Thuyên nói giọng Nghệ mang tâm hồn Việt Nam”.

Chuyện khai thác dân ca Nghệ Tĩnh để thành bài hát mới có lẽ lại là một vấn đề lớn để nói, để bàn. Không ở đâu mà chất liệu dân gian được khai thác thành những tác phẩm mới nhiều và thành công đến vậy. Có lẽ nhờ có 2 yếu tố hấp dẫn người sáng tác đó là: cái buồn thăm thẳm và cái cổ xưa hoang sơ. Dân ca xứ Nghệ đã và đang như một mỏ quặng lớn và tôi tin sẽ còn nhiều thế hệ khai thác. Nhân đây cũng xin nhắc tên các nhạc sỹ, những người từng là Thần tượng, là Thầy và là anh em đã có nhiều thành công viết về Nghệ Tĩnh và khai thác chất liệu dân ca ví, giặm mà tôi từng học tập và biết ơn họ nhiều. Đó là, Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn, Nguyễn Tài Tuệ, Tân Huyền, Đỗ Nhuận, Đinh Quang Hợp, Văn Dung, Huy Thục, Doãn Nho, Nguyên Nhung, Nguyễn Trọng Tạo, Dân Huyền, Đôn Truyền, Hồ Bắc, Nguyễn Đình Bảng, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Xuân Giao, Trương Ngọc Ninh, Lê Việt Hòa, Ánh Dương, Thái Quý, Huy Cường, Đỗ Dũng, Hồ Hữu Thới, Lê Hàm, Hoàng Thành, Thanh Tùng, Văn Thế, Vi Phong, Thanh Lưu, Ngọc Thịnh, Mai Cường, Tân Khai, Võ Văn Di, Phan Thanh Chương… còn nhiều lắm tôi không thể kể hết. Những tác phẩm của họ sẽ còn sống mãi với thời gian.

PV: Ông thích những tác phẩm nào nhất của các nhạc sĩ mà được phát triển từ âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh?

NS. AT: Tôi thích nhiều lắm, nhưng nếu chỉ được chọn 1 thì tui bỏ phiếu cho: “Xa khơi”  của Nguyễn Tài Tuệ.

PV: Khoảng 3 thập kỷ nay ở Nghệ Tĩnh rất chú trọng việc xây dựng bộ môn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Theo ông, Âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh có hội đủ các yếu tố, các phẩm chất để hình thành nên thể loại kịch hát?

NS. AT: Đấy cũng là một thành tựu của văn hóa Nghệ Tĩnh đương đại. Đã có một thời cả tỉnh làm kịch hát dân ca. Tôi khẳng định dân ca Nghệ Tĩnh hoàn toàn có đủ các cơ sở để thành kịch hát. Bởi dân ca ví, giặm mang tính “NGƯỜI” sâu sắc, giai điệu nồng nàn, văn chương hay. Chỉ tiếc rằng mấy năm gần đây phong trào này trở nên trầm lắng. Tôi nghĩ phải tập trung nhân tài để làm 3 việc. Thứ nhất, cả tỉnh hát dân ca ví, giặm. Truyền dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh một cách có quy mô cho các lớp mẫu giáo, nhi đồng, học sinh các trường tiểu học, trung học. Đấy là xây dựng các “bảo tàng sống”. Thứ hai, xây dựng những vở kịch hát dân ca có quy mô vừa và nhỏ, tiến tới làm lớn. Thứ ba, chăm nuôi ruột thịt những nhạc sỹ có tài tiếp tục sáng tác cho Nghệ Tĩnh để có nhiều ca khúc hay. Nếu làm được ba điều này thì coi như ta xây dựng một cái kiềng 3 chân trong văn hóa, đó là: Phong trào rộng, chuyên nghiệp cao và quảng bá hiệu quả. Muốn làm được điều đó yếu tố đầu tiên là con người, là tài năng. Lâu nay ta lo nhiều việc mà sao nhãng con người, quên đi tài năng.

PV: Bảo tồn và phát huy, phát triển di sản dân ca Nghệ Tĩnh là một nhiệm vụ quan trọng của các thế hệ. Trong điều kiện hiện nay, theo ông, cách thức nào để chúng ta thực hiện tốt nhất công việc đó?

NS. AT: Ba việc để tạo thế ba chân kiềng tôi vừa đề xuất là nhằm nói đến cái cần làm và cách làm hiện nay đó thôi. Tôi xin nói thêm là, trước kia làm văn hóa người ta hướng NỘI, bây giờ làm văn hóa thiên về hướng NGOẠI. Hướng Nội, cũng có nhiều hạn chế nhưng nó trực tiếp góp phần xây dựng con người giàu nhân cách. Bây giờ hướng Ngoại cũng nhiều thế mạnh, giàu tiền. Nhưng cái cách chạy theo thị trường thái quá coi chừng nguy cơ lãng quên giá trị văn hóa, lãng quên con người. Tôi ủng hộ nhu cầu lập dự án trình UNESCO công nhận dân ca Nghệ Tĩnh là di sản Văn hóa thế giới. Rất xứng đáng và rất tự hào. Nếu được, tôi xin tình nguyện góp một tay cho dự án này. Nhưng tôi thấy ngay trong chuyện này thôi cũng đặt ra những điều suy nghĩ. Mọi nơi làm di sản thế giới với mọi cách, mọi giá, là niềm vui, niềm tự hào. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng làm xong rồi là để khai thác, để hưởng thụ di sản cha ông để lại. Các thế hệ đều để lại hồi môn cho con cháu là các giá trị, các di sản văn hóa. Thế nhưng, hôm nay, tôi chưa thấy một chiến lược nào của người đương đại, người đang sống xây dựng thành tựu văn hóa, xây dựng di sản để lại cho con cháu mai sau. Của hồi môn văn hóa phi vật thể thời đại này cho mai sau là cái gì? Chúng ta, những người hôm nay phải trả lời bằng được cho con cháu!

Tôi mong Nghệ Tĩnh ta có cách đi vững vàng, bên cạnh việc tiếp tục khai thác và hưởng thụ vốn cổ cha ông để lại cần cấp bách có chiến lược đầu tư cho văn hóa đương đại để có thêm những di sản Nghệ Tĩnh mới.

PV: Trân trọng cảm ơn và chúc ông có nhiều tác phẩm mới!               

                         PHAN THẮNG thực hiện


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511098

Hôm nay

297

Hôm qua

2359

Tuần này

21472

Tháng này

217971

Tháng qua

121356

Tất cả

114511098