Đất Nghệ

Hát giặm Nghệ Tĩnh

CŨNG như hát ví, hát giặm là một thổ sản đặc biệt của nhân dân Nghệ Tĩnh. Trong khi hát ví thịnh hành khắp xứ Nghệ thì hát giặm chỉ thịnh hành ở một số địa phương, đáng kể nhất là các huyện ở phía Nam Nghệ Tĩnh mà cụ thể là các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc Hà Tĩnh và ở Nghệ An chủ yếu là Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn. Hát giặm cũng có cuộc sống độc lập, nghĩa là có phát sinh, phát triển, lưu hành nhưng bị thu hẹp.

Hát giặm có hai hình thức: Hát giặm nam nữ và Hát giặm vè (tức vè sáng tác theo thể hát giặm)

Hát giặm nam nữ là một hình thức văn nghệ “tự túc” của nhân dân lao động; Từ một dân ca lao động - nghề nghiệp tiến lên thành một dân ca sinh hoạt - trữ tình.

Hát giặm nam nữ có các đặc điểm:

+ Hát giặm Nghệ Tĩnh là hát của trai gái trong khi trao đổi tình cảm, thường là để tỏ tình. Cũng như hát ví, họ hát giặm quanh năm, không phân biệt mùa xuân hay mùa thu, hễ mỗi khi có dịp cùng nhau lao động, cùng gặp gỡ giữa trai và gái là có hát giặm nam nữ. Khác hát giặm Hà Nam (làng Quyền Sơn, huyện Kim Bảng), kết hợp hát, múa và gõ nhịp, thường được biểu diễn trong những dịp tế thần vào những ngày nhất định mỗi năm khi mùa xuân về.

+ Hát giặm nam nữ, giống hát ví, cũng có phường có cuộc, song thủ tục một cuộc hát giặm nam nữ không chặt chẽ như thủ tục một cuộc hát ví, nhất là hát phường vải. Nó chỉ có ba chặng cơ bản là chặng hát dạo, chặng hát đố, hát đối và chặng hát xe kết. Các bước trong mỗi chặng không nhất luật phải tuân theo mà tùy phường hát, người đi hát và cuộc hát mà gia giảm.

+ Hát giặm Nghệ Tĩnh, giọng hát thô sơ, đều đều, nhạc điệu đơn giản, tưởng như còn giữ được ít nhiều hình thức nguyên thủy và tính chất hùng dũng; Nó khác các loại dân ca khác, ngay cả với hát ví, giọng hát nghe uyển chuyển, êm ái, nhạc điệu phong phú và phức tạp…

+ Các lối hát nam nữ khác, mỗi lần diễn xướng, người hát chỉ hát 2 câu, 4 câu, nhiều nhất mươi câu là cùng. Còn hát giặm nam nữ Nghệ Tĩnh, mỗi lần hát thường đến mươi lăm câu, có khi ba bốn chục câu... mà toàn ứng khẩu. Do khả năng kéo dài như vậy, nên có người đã cho hát giặm nam nữ là sự tỏ tình bằng văn xuôi. Hát giặm Nghệ Tĩnh không có đệm bất cứ một khí cụ âm nhạc gì khi trình diễn.

+ Lời của bài Hát giặm là một thể văn vần đặc biệt. Mỗi câu thường có năm chữ. Vần thì vần chân, thỉnh thoảng lại có một câu láy lại. Nó tương tự lối vãn tư về cách cấu tạo câu và vần, chỉ khác về số chữ, số câu và có câu láy lại. Vần chân cũng đáng chú ý, người sáng tác thường làm hai câu vần chân liền với nhau trong một khổ, nhưng đôi khi cao hứng kéo dài mười mấy câu mà toàn một vần chân thuộc thanh bằng.

+ Do câu hát và cách hát, nên hát giặm Nghệ Tĩnh vừa dùng vào việc phô diễn tình yêu trai gái, vừa dùng để kể chuyện cho công chúng nghe và vừa để tụng thần, mặc dù ngày nay không thấy nơi nào dùng hát giặm vào việc tụng thần.

Tìm hiểu về âm nhạc của thể hát giặm này, có thể thấy, hát giặm nam nữ có làn điệu khá phong phú, nhưng cấu trúc hát giặm có đặc điểm cơ bản là hát theo thể thơ 5 chữ, vần nằm cuối câu, đoạn giữa thỉnh thoảng có một câu láy lại.

+ Một khổ hát giặm gồm 3 đoạn có 4 câu hoặc 5 câu:

- Đoạn 1: Gồm một câu có chữ cuối cùng là vần trắc.

- Đoạn 2: Gồm hai câu có chữ cuối cùng là vần bằng và có vần với nhau.

- Đoạn cuối: Gồm một câu có chữ cuối cùng là vần trắc và có thể có một câu láy lại, cũng có nhiều bài câu cuối không thấy có câu láy lại.

Ví dụ một khổ hát giặm thông thường:

Xưa tây bắt đi lính (trắc - đoạn 1)

Lính khố đỏ khố xanh (bằng - đoạn giữa)

Ra gác cửa gác thành (bằng - đoạn giữa)

Cho thằng Tây hắn ngủ (trắc - đoạn cuối)

Cho mệ đầm hắn ngủ (trắc - láy lại - đoạn cuối).

Có thể tiếp tục các khổ khác cho hết nội dung mình muốn trình bày.

+ Số câu chữ trong khổ có khi biến dạng.

Ôm lấy cam tiếc quýt            (5 chữ)

Ôm lấy bưởi tiếc bòng          (5 chữ)

Ôm lấy thị tiếc hồng              (5 chữ)

Ôm lấy nồi đất tiếc nồi đồng (7 chữ)

Ôm lấy con gái tiếc mẹ giòng (7 chữ)

Lạ chi cái thói đàn ông          (6 chữ)

Muốn ôm lắc đi cả                (5 chữ)

Muốn vơ quàng đi cả                        (5 chữ)

Một hình thức sinh hoạt khác, những người đi củi ở vùng núi Hống và ở lèn Hai Vai thường hát:

Động Cô Mai thì hốc (dốc)

Động Trộ Đọ thì dài

Ra đến động Hai Vai

Thầm (thậm) chừng chi là khỏe.

Chi thầm chừng là khỏe.

Sau khi người đi đầu hát như vậy, những người đi sau cùng hát khen:

Hay răng là hay/Khỏe răng là khỏe!

Như vậy  về âm nhạc, cấu tạo nhịp điệu của hát giặm chủ yếu là nhịp chẵn 2/4 hoặc 4/4. Giai điệu hát giặm nằm trong ngũ cung khuyết (rề pha sol la hoặc đố rế mi). Vài bài: Giặm Đô Lương quãng 2 trưởng; Giặm Thạch Hà quãng 3 thứ.

Hát giặm vè là một loại/cách hát có chuẩn bị nội dung, có bố cục, có trau chuốt về mặt câu văn, nghĩa là nó được sáng tác ra với mục đích kể sự việc, thường là sự việc mới xảy ra. Có khi nội dung lời hát là kể chuyện lịch sử, hay tuyên truyền cổ động một điều gì, chẳng hạn như tuyên truyền cho việc xuất dương du học, cổ động chống thuế năm 1908, tuyên truyền cách mạng trong hai năm 1930-1931... Nhiều bài cũng có nội dung trữ tình như tình yêu trai gái, tình vợ chồng, tình cha con, nhiều bài nói về phong tục tập quán cũ và đấu tranh trong làng xã, ... Loại này tập trung ý nghĩa vào lời văn hơn là giọng hát. Bài đặt xong, phổ biến một lần, nếu đặc sắc sẽ được nhiều người học thuộc rồi phổ biến rộng rãi. Đó là hát giặm vè.

Hát giặm vè còn là phương tiện để giáo dục, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội, đả kích và trào phúng, cũng có những bài hát giặm vè mang tính chất biểu dương người tốt việc tốt.

Về lời ca, hát giặm vè thường có lối ẩn dụ nhưng cũng có nhiều bài tả thực mộc mạc chân thành, sinh động hấp dẫn.

Hát giặm vè Nghệ Tĩnh có khi chỉ lưu truyền trong một làng hay một vài xã, nhưng vẫn có những bài được lưu truyền rộng rãi, có giá trị về tư tưởng và giá trị về văn học, về lịch sử...

Ở Hà Tĩnh, trong sinh hoạt gia đình, có khi mẹ hát vè để dạy con muối cà muối dưa, rửa bát.

Ví dụ: (Chĩnh) Trĩnh nhút, trĩnh dưa

         Em ăn tứ mùa em nhớ em bưng

         Đừng cho con dán con giun lọt vào

         Rửa đọi (bát) thì chớ trồng (chồng) cao...

          Đến khi đổ vỡ tan hao cửa nhà

Trong hát giặm vè ngữ âm địa phương rất phong phú:

Ví dụ:  Mấy trăm dân cùng chộ (thấy)

          Mấy ngàn dân cũng tường (tỏ)

         Kháp (gặp) đâu đánh đó

         Cứ phép thôn dân

         Côộc (gậy) tre hãy dần (đánh nhừ tử)

Về âm nhạc, hát giặm vè không phải là những bài ca có nhịp lao động nên nhịp điệu vè cấu tạo chủ yếu là nhịp 7/8-4/4+3/4, một vài bài nhịp 2/4 nhịp chậm. Thực ra vè hát giặm là một kiểu nói lối - hát nói.

Cách mở đầu kết thúc đều dựa vào lời ca dài hay ngắn. Hát giặm vè do dựa vào những bài thơ 5 chữ, 4 chữ, hoặc song thất lục bát biến thể hoặc nguyên dạng, nên âm nhạc của nó không cố định một tuyền luật nhất định.

Hát giặm vè thông qua những người hát rong, hát dạo như xẩm với một nhạc cụ đệm theo tiếng hát như bầu, nhị nên âm nhạc cũng phong phú. Bài hát giặm vè văn tư văn năm hát trên giai điệu: Rề sol la theo vận tiết lời.

Về lời ca của vè:

- Loại 5 chữ:

Đất Đông Môn dệt vải

Đất Cổ Đạm vắt nồi

Đất Xuân Liệu bầy tui (tôi)

Bắt một nạm cáy hôi

Về đâm đâm phơi phơi

- Biến thể:

Tay tui múc, miệng tui mời

Ruốc tui ngọt lắm bà ơi

Ngọt bằng năm ruốc bể? (biển)

Ngọt bằng mười ruốc bể?

- Loại 3 chữ:

       Xỉa cá mè

       Đè cá chép...

- Loại 4 chữ:

       Lẳng lặng mà nghe

       Cái vè nói ngược

       Con cháu sinh trước

       Ông bà đẻ sau

       Con rùa chạy mau

       Con thỏ chạy chậm

- Loại 5-7 chữ:

       Chàng ơi chàng ngồi lại

       Cho thiếp tôi phân giải đôi lời...

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, tuy rằng không phong phú bằng dân ca của một số vùng miền khác, nhất là vùng Bắc bộ, nhưng hát giặm Nghệ Tĩnh không quá nghèo nàn về làn điệu (thậm chí có người còn cho rằng chỉ có một làn điệu (!?) Sau đây là một số điệu hát giặm nam nữ và hát giặm vè mà chúng tôi sưu tầm được: Giặm xắp, Giặm kể, Giặm nói, Giặm ru, Giặm xẩm, Giặm cửa quyền, Giặm Đức Sơn, Giặm vè, Giặm kể vè.

Hát giặm Nghệ Tĩnh gắn liền với cuộc sống lao động, diễn tả, phản ánh nhận thức, tình cảm của người dân trong lao động sản xuất. Môi trường diễn xướng của hát giặm chính là môi trường lao động. Tùy vào tính chất từng công việc, từng thời điểm, lại không có nhạc cụ làm chuẩn về âm nhạc nên hát giặm được thể hiện trong cuộc sống cộng đồng rất phong phú, không chỉ về lời ca mà cả về giai điệu, làn điệu. Tiếc rằng, môi trường lao động của người dân đã có nhiều khác xưa nên sự tồn tại của hát giặm chưa theo kịp cuộc sống. Hy vọng đến một lúc nào đó, hát giặm sẽ trở lại với cộng đồng với một sắc thái mới phù hợp với cuộc sống mới nếu ngay từ bây giờ chúng ta biết cách bảo tồn và phát triển.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511415

Hôm nay

278

Hôm qua

2336

Tuần này

21789

Tháng này

218288

Tháng qua

121356

Tất cả

114511415