Những góc nhìn Văn hoá

Tính Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Hồ Chí Minh là người sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam; từ tờ báo đầu tiên - báo “Thanh niên” - Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời nền báo chí cách mạng Việt Nam và giúp báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện đầy đủ các vai trò là người tuyên truyền, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính Đảng và tính Nhân dân. Tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam là nét đặc trưng, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đang là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo báo chí của Đảng ta trong thời kỳ mới.

Báo chí cách mạng Việt Nam là thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Người coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo. Theo Người, báo chí cách mạng chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”[2]. Do đó, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng, báo chí phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[3]. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng.

Hồ Chí Minh yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”[4]. Đồng thời, Người cũng kiến nghị báo chí cần có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”[5].

Người cho rằng, người hoạt động báo chí là một là chiến sĩ cách mạng. Khi có đường lối chính trị đúng, người làm báo là người thực hiện và là nhân tố chính đảm bảo tính chiến đấu của báo chí, vì “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”[6]. Người khẳng định: “Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hoà bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc”[7]. Đối với người làm báo cách mạng, theo Hồ Chí Minh, phương tiện chiến đấu của họ là “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”[8]. Hồ Chí Minh đòi hỏi những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình trong sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”; Người phê bình đồng thời chỉ rõ: “Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích. - Vì ai mà mình viết? - Mục đích viết làm gì? Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: công - nông - binh. Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”[9]. Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo.

Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”[10]. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài “Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn”[11] … Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết “phục vụ Nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Mặt khác, viết “Ngành, giới nào cũng phải làm công tác tuyên truyền giới thiệu. Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: Hoan nghênh bạn đọc phê bình. Từ nay trở đi trên sách hay trên báo, các chú nên luôn luôn có câu đó. Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, Nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”[12].

Báo chí vì cách mạng, vì Nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Về phần mình, hướng dẫn để báo chí và đội ngũ các nhà báo thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tức là Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo báo chí.

Báo chí cách mạng phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Đằng sau lời chỉ dẫn của Người: báo chí của ta phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hòa bình thế giới, vì vậy: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Ngay từ rất sớm Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”[13] . Theo đó, Người yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, trong đó có việc đưa đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam vào phụ trách báo chí của Đảng. Trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết “Ở đây, chúng tôi cần nêu ra một đặc điểm rất lý thú của Đảng Cộng sản Việt Nam mà e rằng nhiều đảng anh em trên thế giới không có: Đảng có hai loại đảng viên, đảng viên bí mật và đảng viên công khai. Những đồng chí trước đây bị bắt, bị tù đầy, được tha sau năm 1936, là những đảng viên công khai. Các đồng chí này công khai hoạt động, như phụ trách báo chí của Đảng, tham gia các phong trào quần chúng với danh nghĩa Đảng, lấy danh nghĩa cộng sản ứng cử vào các Hội đồng dân biểu kỳ, tỉnh”[14].

Theo Người, muốn có đóng góp tích cực nhất vào công cuộc phấn đấu của toàn dân tộc cho mục tiêu cao cả đó, báo chí phải tự giác phục tùng và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đảm bảo cho báo chí hoàn thành sứ mệnh của mình và bản thân Đảng càng trưởng thành hơn trong quá trình lãnh đạo cách mạng: “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[15] và Người cũng yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[16].
Báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với Nhân dân, với dân tộc. Do đó, Người căn dặn: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”[17].

Trong bức thư Hồ Chí Minh viết gửi Bộ Chính trị khi Người đang chữa bệnh tại Trung Quốc năm 1968, mặc dù sức khỏe không tốt, Người vẫn không quên căn dặn các đồng chí của mình: “Báo chí ta: Cần tuyên truyền về thắng lợi đồng thời phải làm cho quân và dân ta nâng cao cảnh giác và thấy những khó khăn cần phải vượt qua. Cần phải vạch tội ác tày trời của Mỹ - Ngụy đối với đồng bào ta ở miền Nam, như ném bom đốt phá và giết hại bừa bãi ở Huế, Sài Gòn và nhiều thành thị khác. Đập lại luận điệu địch lại vu cho ta đốt kho gạo và xử tử người hàng loạt.

Đài phát thanh ta nên phát thanh những dư luận thế giới và Mỹ có lợi cho ta và những dư luận thế giới và Mỹ công kích bọn Giônxơn và miêu tả tình hình thảm bại của Mỹ - Ngụy. Những dư luận ấy sẽ góp phần nâng cao thêm chí khí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta”[18].

Để nâng cao tính Đảng, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Người huấn thị: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”[19].
Đảng ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí vô sản. Trong suốt quá trình đấu tranh và trưởng thành của Đảng, Đảng ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và của cách mạng. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, vừa là diễn đàn của Nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí không chỉ xuất phát từ yêu cầu của Đảng mà còn là nhu cầu của báo chí. Được Đảng lãnh đạo báo chí sẽ hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí mới có thể làm tròn trách nhiệm làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời báo chí thực hiện được vai trò vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của Nhân dân. Do vậy, báo chí phải hoạt động theo định hướng của Đảng, tham gia tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng, của Nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, là công cụ thông tin nhanh nhất, phổ cập nhất, là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân và giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, đấu tranh hàng ngày, hàng giờ chống những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chống các khuynh hướng tư tưởng sai lầm, góp phần tổ chức, phát động phong trào hành động cách mạng của Nhân dân. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của báo chí. Để xứng đáng với vinh dự và làm tròn trách nhiệm đó, báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của mình, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hoạt động báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội./.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.171.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.540.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.405.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.464.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.164.

[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.164.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.466.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.205.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.102.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.164.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.667-668.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.68.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.199.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.167.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.167.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.427.

[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.102.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445502

Hôm nay

22

Hôm qua

2237

Tuần này

21111

Tháng này

211761

Tháng qua

120141

Tất cả

114445502