“…Ngày nay, nhiều người không còn rõ nghĩa tiếng “giặm” là gì… Tuồng như tiếng “giặm” đặt trong từ hát giặm đã trở thành một tiếng không có nghĩa. Tuy nhiên… có nhiều người Nghệ - Tĩnh đã hiểu tiếng giặm trong hát giặm theo một nghĩa gần như giắm thêm vào. Nhưng họ lại hiểu theo hai nghĩa khác nhau: Cách hiểu thứ nhất bắt nguồn từ hiện tượng điệp câu của hát giặm: thường thường người ta bắt buộc phải xen vào những câu láy lại (hay câu điệp)… Cách hiểu thứ hai lại xuất phát từ chỗ hát giặm thường phải chắp vần. Trong lúc hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài đáp phải chắp cùng với vần câu cuối bài hỏi… Việc chắp vần, hay là hát chắp vào ấy tức là hát giặm. Cũng gọi là bắp xắp. Bởi vậy hát giặm cũng có nơi gọi là hát xắp hay hát luồn…(2).
Bài (hoặc “khổ”) hát giặm cơ bản có năm câu, mỗi câu năm chữ gieo vần chân: Câu 1 vần trắc; câu 2 và câu 3 cùng vần bằng; câu 4 vần trắc, và câu 5 - câu láy lại (điệp) - cũng vần trắc.
Ai khun (khôn) bằng Từ Hải
Cũng mắc dại Thúy Kiều
Nghe lời nói cũng xiêu
Về thu binh cuốn giáo
Hạ cột cờ cuốn giáo.
Cũng có khi câu hát chỉ có bốn chữ hoặc dài tới sáu, bảy tám chữ và một bài (khổ) hát giặm có khi kéo dài hàng chục câu bằng cách tăng thêm câu vần bằng.
Những tay đặt chuyện giỏi thì không bị gò bó về câu, vần mà biến hóa rất linh động: “…Về chợ hạ tui (tôi) quen cụ Đình - Vô (vào) Lạc Thiên tui quen cậu ấm Ninh - Quen ông Tâm Ca Lai Thạch (chuyển vần trắc) - Quen ông Bát Trạch ở Giang Đình (trở lại vần bằng) - Quen ông Ký Bưởi ngoài Vinh..”.
Một bài hát giặm tự sự hoặc trữ tình dài hơi có nhiều “khổ” có khi tới hàng mấy chục “khổ” nối tiếp nhau. Loại này thường mở đầu và kết thúc bằng hai câu 6 - 8 hoặc kết thúc bằng một câu 6.
Có loại hát giặm nhất thiết phải “sáng tác ứng khẩu” tại chỗ như bài hát đối đáp, đối thoại, hay là bài hát trình diễn trước đông người bằng độc xướng hoặc hòa thanh để cùng vui, chúc mừng, ca tụng kể sự việc, hay cổ động một sự việc mang tính thời sự. Người ta kiêng hát lại những bài cũ (và cũng khó có bài cũ thích hợp để hát). Đó là nguyên tắc của những tay hát giặm cừ khôi. Do vậy, nghệ nhân hát giặm ngày trước nhất thiết phải là một tay sáng tác giỏi.
Khác với hát ví phường vải thường có nhà nho tham gia hát hoặc làm “ông trùm đầu dạy chuyện”, người hát và người đặt bài bè chuyện hát giặm đều là nông dân, thợ thủ công hay dân buôn nghèo… (buôn bộ).
Với loại hát giặm khác, dài hơi để kể một câu chuyện hoặc diễn đạt một tâm trạng… thì người sáng tác phải chuẩn bị chu đáo, sắp xếp kết cấu bài, trau chuốt văn chương… để kể được hay bày tỏ ý kiến, tình cảm… Những bài hát này là những tác phẩm định hình, nếu hay, thì được truyền bá rộng rãi và có giá trị bền vững. Đó là những bài giặm, (kể) vè hay vè giặm. Một số bài loại này do các nhà nho, kể cả các nhà nho khoa bảng làm như: Đầu phủ Cam, Tú Ngung, Đầu huyện Thân, Giải San, Giải Huân, Nghè Kế,… nhiều bài đã vượt khỏi phạm vi sáng tác dân gian, thực sự trở thành tác phẩm văn học thành văn như bài “Chúc thọ vua Tự Đức” của Tư Ngung chẳng hạn(3).
Âm nhạc của hát giặm cũng như âm nhạc của dân ca Nghệ - Tĩnh nói chung còn mộc mạc, chưa có kết cấu hoàn chỉnh, dựa vào lời theo các thể thơ, trên cơ sở dấu giọng để biến thành giai điệu(4). “khoảng cách giữa hát và nói không xa bao lắm”(5).
Điệu hát giặm nghe không mềm mại, du dương, uyển chuyển như hát ví (nhất là ví đò đưa) mà đều đều, khi khoan thai, khi dồn dập, lắng đọng trong tâm hồn người.
Hát giặm bao giờ cũng “hát chay”, không có đàn, sáo đệm, trừ dặm xẩm.
Tùy theo môi trường diễn xướng và thói quen cảm thụ của người từng vùng mà về làn điệu, tiết tấu, hát giặm có ít nhiều khác biệt, nhưng vẫn không xa nhau bao nhiêu. Các nhà sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc thường gọi theo nhiều tên riêng biệt: Giặm nối, giặm kể, giặm ru, giặm cửa quyền… có người lại gọi theo môi trường diễn xướng: Giặm đò đưa, giặm trèo non, giặm đường trường…
Hát giặm được trình diễn trong nhiều môi trường khác nhau, dưới nhiều hình thức.
1. Hát trong lao động, hát trong sinh hoạt thường ngày:
Có khi, mọi người cùng hát đồng thanh một bài giặm để động viên cổ vũ nhau. Phường đi củi Phù Minh (Can Lộc) có tục lệ, từ lúc tập trung những nơi trên núi, cất gánh lên vai, về tới nhà thì các chàng trai cùng hát những bài hát giặm, đại loại như: “Động Cơn (cây) Mai thì dốc - Động Trộ Đó thì dài - ra đến động Hai Vai - thậm chừng chi là khỏe - chi thậm chừng là khỏe”. Những cô gái (gọi là “mẹ”) cứ sau mỗi bài hát cùng reo to: “hay chưa” làm tiếng bế.
- Có khi một người đọc xướng một bài, bày tỏ niềm riêng với bạn (hoặc với chính mình). Chàng trai phường gặt trước lúc từ giã bạn gái thường thốt lên bằng lời hát: “Rơm cũng đã rã rồi - Toóc (rạ) cũng đã rã rồi - Giừ (giờ) mự (mợ) ngồi với tui (tôi) - Tui giải một đôi lời - Mự rẹ (rẽ) về một nơi - Tui rẽ về một nơi - Mai đàng sá xa xôi - Tui về không gặp mự - Tui về rồi không gặp mự”.
- Có lúc hai người bạn hát gặp nhau, cùng hát đối đáp để mua vui hoặc trao đổi ý kiến, tình cảm. Có nhiều giai thoại về những cuộc hội ngộ loại này: Nguyên Hạnh là tay hát trẻ mới nổi, có lần đi buôn bộ qua Truông Bát, chạm trán với “lão tướng” hát giặm Sợi Đường. Đường hát một bài tỏ ý coi khinh Hạnh, Hạnh liền đáp lại, ý nhún nhường mà cứng cỏi, khiến Đường phải hát xin lỗi: “Voi biết voi trắng ngà - Bợm đã biết bợm thì tha nhau cùng - Bởi trước có quen cung - Nhắc tình đây một tỉ (tí) - Vấn cội đờn (đàn) một tí”.
- Khi một nghệ nhân hoặc phường hát đến nơi xa lạ, gặp dịp tết nhất, tế lễ thì phải hát mừng, hát chúc. Bài hát mừng một gia đình đại loại như: “… Anh em vội mừng “tràng cảnh lưu tiên (?)” - Được hai chữ vững bền - Được bốn chữ bình yên - Thăm hai cội thung huyên - Phúc lộc thọ song tuyền - Thăm cả bến liền thuyền…”.
Đây là bài hát mừng “hàng xã”: “… Nghe chiêng đánh kêu vang - Nghe trống đánh chuyển làng - Anh em bước chân sang - Đáo phong cảnh đất làng. Trời mở rộng phong quang - Trên chư vị Thành Hoàng… Đình hai dãy chiếu ngang - Trên hàng tổng với xã làng… Dưới dân sự hai hàng”.
- Khi thuyền xuôi trên sông về ban đêm, người chèo thuyền thường độc diễn một bài hát giặm vè tự sự hoặc trữ tình: Phụ tử tình thâm; Mẹ dòng; Tình ca 24 tiết, có khi là bài hát có nội dung yêu nước… Tiếng hát khoan thai theo nhịp chèo, chủ yếu là để cho người biểu diễn tự thưởng thức. Đó là hát giặm đò đưa.
- Các bà mẹ xứ Nghệ thường lấy những bài hát giặm trữ tình dài hơn (vè giặm) để ru con. Hát giặm ru rất phổ biến ở Nghệ Tĩnh.
- Các nghệ nhân hát xẩm cũng rất sính hát giặm. Họ ứng tác những bài hát thời sự, hoặc những bài vè giặm có sẵn để diễn tấu. Đặc biệt ở đây hát giặm thường được đệm bằng nhị, bầu.
2. Hát giao duyên, đối đáp nam nữ:
Căn cứ vào một ít bài hát giặm phản ánh tình hình thời Lê - Trịnh sưu tầm được ở Hà Tĩnh, ta ước đoán hát giặm có thể đã ra đời ít nhất là thế kỷ XVII - XVIII, nhưng tục hát giặm giao duyên nam nữ thì chỉ được phản ánh trong bài phú Trung Lễ nhất hòa của Lê Trọng Đôn, năm 1885: “…Ngoài đường thì người dạo từng đoàn: đoàn họp làng, đoàn hát giặm…”. Lúc này chắc là tục này đã rất phổ biến.
Cuộc hát thường do trai gái trong làng (hoặc trai gái các làng lân cận đến) hát với nhau. Mỗi đoàn hát giặm, nam như nữ, thường có từ ba đến năm người, trong đó nhất thiết phải có người sáng tác giỏi. Người này ứng khẩu hát, và những người khác hát cặp theo sát lời, kháp giọng.
Nội dung đối đáp là các cuộc đối đáp giữa hai phe nam nữ, nhưng cuối cùng bao giờ cũng là cuộc “tỏ tình” với nhau. Khác với hát ví, những bài hát đối đáp trong hát giặm không chỉ có năm bảy câu, mà có khi hàng chục, hàng trăm câu. Vì vậy, có người cho đây là “tỏ tình bằng văn xuôi”.
Nhưng lối hát giặm đối đáp thực chất là một cuộc biểu diễn thi tài, chủ yếu giữa các nghệ nhân cầm đầu, còn những người khác mới vào nghề thì chỉ đóng vai phụ. Do đó, lối hát đối này dần dần đi vào “chuyên môn hóa”, mất đi tính quần chúng rộng rãi.
Vào những năm hai mươi của thế kỷ này, lối hát đối đáp nam nữ chỉ còn thấy ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Các vùng khác ở Nghệ Tĩnh thì lối hát giặm này nhường bước cho hát ví.
Hát giặm với thể văn ngắn, nôm na, mộc mạc, dùng nhiều thổ ngữ, với nhịp hát dồn dập, gấp gáp và giọng hát như dằn xuống chắc nịch, nghe trầm, buồn… phải là sản phẩm của một vùng xa nơi đô hội, ít giao lưu, không có thuyền lớn sông dài, mà là nơi đồng chua nước mặn, cuộc sống con người vất vả, nhọc nhằn. Đó là vùng phía nam Hà Tĩnh.
Ta có thể tìm được những bài hát giặm (không kể giặm vè) và gặp nhiều người biết hát giặm ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên… và nhiều nơi khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh và cả Quảng Bình nữa. Nhưng chỉ ở vùng Thạch Hà (xưa) bao gồm phần đất từ nam Can Lộc đến bắc Cẩm Xuyên bây giờ - từ Nghèn đến Hội - mới có nhiều làng xã có sinh hoạt hát giặm giao duyên nam nữ, mới có những cuộc hát tay đôi của những cặp nghệ nhân hát giặm “đi vào giai thoại”. Vào cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này cũng không ở đâu tập trung đông đảo nghệ nhân hát giặm cừ khôi như ở đây.
Nếu các nơi khác lẻ tẻ có vài ba tay hát giặm tiếng tăm “như Xã Tam ở Vĩnh Lại, Cẩm Xuyên: Cháu Tau ở Phù Minh; bà Hiệt ở Thanh Lương; ngoéc Lãm ở Thuần Thiện (Can Lộc); Dĩ Diễn ở Xuân Viên, Nghi Xuân; Sáu Cai ở Đông Khê; cháu Xanh ở Kẻ Lãng (Đức Thọ)… thì ngót ba chục nghệ nhân hát giặm xuất sắc khác là dân Thạch Hà. Số người này đều dồn vào các làng xã quanh tỉnh lị Hà Tĩnh, trong một diện từ 10 đến 15km đường bán kính. Đó là dái Thông, ngoéc Sáu Cai, ông Nhường, dái Bốn, Lương Đấu, Tri Lương, Sợi Đường, nhiêu Ngọ, Nguyên Hạnh, dái Kình, o Tộ, chị đồ Chương, dì Tương, chị Nguyễn, o Hai Vạn, o Tiu Hào và nhiều người khác.
Những cứ liệu trên đây phải chăng có thể giúp ta tin rằng Thạch Hà (xưa) là quê gốc của hát giặm Nghệ - Tĩnh?